Trang Chủ » Điều kiện chứng nhận rau an toàn

Điều kiện chứng nhận rau an toàn

737 lượt xem
rau an toàn

Nhu cầu đủ điều kiện sản xuất và được công nhận đủ tiêu chí là rau an toàn (RAT) tại tỉnh Phú Yên hiện nay khá lớn. Điều này xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân khi tiêu thụ các loại thực phẩm đảm bảo chất lượng và cũng là điều kiện để người sản xuất đưa được sản phẩm của mình vào siêu thị Coop-Mart – một địa điểm tiêu thụ và gián tiếp chứng nhận sản phẩm.

Sở Nông nghiệp – nông thôn Phú Yên vừa ban hành các văn bản thông báo số 342/TB-SNN ngày 12 tháng 10 năm 2007 về việc chỉ định Chi cục BVTV Phú Yên là Tổ chức Chứng nhận Rau an toàn và số 347/TB-SNN ngày 1/11/2007 về việc ủy nhiệm Chi cục BVTV Phú Yên là Tổ chức chứng nhận điều kiện sản xuất RAT. Theo đó, điều kiện sản xuất RAT là hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật bảo đảm các tiêu chí về điều kiện môi trường và qui trình sản xuất của các cơ sở sản xuất để đảm bảo sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn rau an toàn.

rau an toàn

Trồng rau an toàn

Ngưỡng an toàn là mức giới hạn tối đa cho phép của dư lượng hóa chất độc hại (kim loại nặng, nitrat, thuốc Bảo vệ thực vật, các chất điều hòa sinh trưởng), các vi sinh vật có hại được phép tồn tại trên rau mà không ảnh hưởng đến sức khỏe con người theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.

Tổ chức chứng nhận RAT là tổ chức có điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hoặc chỉ định làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kiểm nghiệm và chứng nhận RAT.

I/ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT RAU AN TOÀN

Tổ chức sản xuất RAT phải có cán bộ kỹ thuật chuyên ngành hoặc hợp đồng thuê cán bộ chuyên ngành về trồng trọt hoặc BVTV từ trung cấp trở lên để hướng dẫn kỹ thuật RAT. Người sản xuất RAT phải qua lớp huấn luyện kỹ thuật sản xuất RAT.

Đất quy hoạch để trồng RAT phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

– Có đặc điểm lý, hóa, sinh học phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển cây rau.

– Không bị ảnh hưởng trực tiếp các chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt từ các khu dân cư, bệnh viện, các lò giết mổ gia súc tập trung và từ các nghĩa trang, đường giao thông lớn.

– Đảm bảo tiêu chuẩn môi trường đất trồng trọt theo tiêu chuẩn TCVN 5941; 1995, TCVN 7209: 2000 nêu tại Phụ lục 5, 6 của quy định này.

– Đất ở các vùng sản xuất RAT phải được kiểm tra mức độ ô nhiễm định kỳ hoặc đột xuất.Chỉ sử dụng các loại phân bón trong Danh mục phân bón được phép sản xuất kinh doanh ở Việt Nam.

– Phân hữu cơ đã qua xử lý bảo đảm không còn nguy cơ ô nhiễm hóa chất vi sinh vật có hại.

– Không sử dụng các loại phân bón có nguy cơ ô nhiễm cao như phân chuồng tươi, nước giải, phân chế biến từ rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp để bón trực tiếp cho rau.

Nước tưới cho rau phải lấy từ nguồn không bị ô nhiễm bởi các vi sinh vật và hóa chất độc hại, phải đảm bảo chất lượng nước tưới theo tiêu chuẩn TCVN 6773:2000.

– Không sử dụng nước thải công nghiệp chưa qua xử lý, nước thải từ các bệnh viện, các khu dân cư tập trung, các trang trại chăn nuôi, các lò giết mổ gia súc, nước phân tươi, nước giải, nước ao tù đọng để tưới trực tiếp cho rau.

– Nguồn nước tưới cho các vùng RAT phải được kiểm tra định kỳ và đột xuất.

Kỹ thuật canh tác RAT

Luân canh: Khuyến khích bố trí công thức luân canh hợp lý giữa các loài rau, giữa rau với cây trồng.

Xen canh: Việc trồng xen giữa rau với cây trồng khác không tạo điều kiện để sâu bệnh phát triển.

Vệ sinh đồng ruộng:

– Khu vực trồng RAT cần được thường xuyên vệ sinh đồng ruộng để được hạn chế nguồn sâu bệnh hại và ô nhiễm khác.

– Đối với rau trồng theo công nghệ cao cũng phải thực hiện các biện pháp vệ sinh tiêu độc và đảm bảo thời gian cách ly hợp lý giữa các trà, vụ gieo trồng.

Chọn giống rau: không được sử dụng các loại rau biến đổi gen (GMO) khi chưa có giấy chứng nhận an toàn sinh học.

Bón phân: Sử dụng đúng chủng loại, liều lượng, thời gian bón và cách bón theo quy trình trồng trọt RAT cho từng loại rau; riêng phân đạm phải bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch ít nhất 10 ngày và ít nhất 7 ngày đối với phân bón lá.

Phòng trừ sâu bệnh

Áp dụng kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên rau; khuyến khích phát triển sản xuất rau theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP).

Khuyến khích xây dựng nhà lưới, nhà màng cách ly côn trùng phù hợp với nhu cầu sinh trưởng của mỗi loại rau và điều kiện sinh thái của từng vụ, từng vùng, đặc biệt đối với các loại rau có giá trị kinh tế cao, rau trồng trái vụ.

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm đối tượng sâu bệnh hại để phòng trừ kịp thời.

Áp dụng biện pháp phòng trừ thủ công, đặc biệt là biện pháp bắt sâu, bắt bướm và diệt ổ trứng sâu vào thời điểm thích hợp, tiêu hủy các cây, bộ phận của cây bị bệnh.

Sử dụng thuốc trừ sâu bệnh nguồn gốc sinh học, biện pháp phòng trừ sinh học, nhất là các loại rau ngắn ngày. Bảo vệ, nhân nuôi và phát triển thiên địch trong các vùng trồng rau.

Hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh cho rau. Trường hợp cần thiết phải sử dụng thuốc hóa học tuân thủ nguyên tắc 4 đúng:

– Đúng chủng loại: chỉ sử dụng các loại thuốc thuộc Danh mục BVTV được phép sử dụng trên rau ở Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành.

– Đúng liều lượng: sử dụng đúng nồng độ và liều lượng hướng dẫn trên bao bì cho từng loại thuốc và từng thời gian sinh trưởng của cây trồng.

-Đúng cách: áp dụng biện pháp phun xịt, tung vãi hoặc bón vào đất theo đúng hướng dẫn của từng loại thuốc để đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người và môi trường.

– Đúng thời gian: sử dụng thuốc đúng thời điểm theo hướng dẫn để phát huy hiệu lực của thuốc và tuân thủ thời gian cách ly được quy định cho từng loại thuốc, từng loại rau.

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2014-05-07 13:11:56.

Bài Viết Liên Quan