Trang Chủ » Giá thể GT05 trồng rau an toàn

Giá thể GT05 trồng rau an toàn

501 lượt xem
trồng rau an toàn

Sau nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm và xây dựng nhiều mô hình trên diện rộng thành công, mới đây Trung tâm nghiên cứu phân bón và dinh dưỡng cây trồng trực thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đưa ra khuyến cáo bà con nông dân và các hộ gia đình ở thành phố áp dụng kỹ thuật trồng rau an toàn trên nền giá thể GT05.

Giá thể GT05 là giá thể sinh học không đất, có hàm lượng chất hữu cơ (OM) và dinh dưỡng cao: 44% chất hữu cơ (OM), 1,2% đạm (N), 0,8% lân (P2O5), 0,7% kali (K2O) và các dinh dưỡng trung, vi lượng cần thiết khác cho cây trồng. Giá thể GT05 cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng, có độ tơi xốp, thoáng khí, nhẹ, sạch nguồn bệnh, không có tuyến trùng, hút và giữ ẩm tốt. Trong sản xuất rau an toàn, GT05 được sử dụng làm bầu gieo ươm cây rau giống, sản xuất rau mầm, rau thương phẩm như các loại rau ăn lá, rau ăn quả rất hiệu quả và tiện lợi.

giá thể GT05

Giá thể GT05 trồng rau an toàn

Kỹ thuật sản xuất rau mầm

Cho giá thể vào khay (khay nhựa, hộp xốp, chậu thưa, rổ, rá…) có độ dày từ 2-3cm rồi dùng tay ấn nhẹ cho bề mặt phẳng. Hạt giống sản xuất rau mầm (cải củ, rau muống, đậu Hà Lan, đỗ xanh…) được ngâm trong nước ấm 30-45oC (2 phần nước sôi + 1 phần nước lạnh) từ 1 đến 2 giờ rồi vớt ra để ráo. Rắc đều hạt giống đã ngâm no nước lên bề mặt giá thể với mật độ dày, khoảng 20g hạt giống cho 1 khay có kích thước 50 x 60cm. Dùng tay ấn nhẹ cho hạt tiếp xúc với giá thể. Đem các khay hạt đã gieo xếp vào chỗ tối, nếu không có điều kiện thì che bớt 50% ánh sáng trong 1-2 ngày đầu. Thường xuyên giữ đủ ẩm cho rau mầm bằng cách tưới nhẹ 2 lần/ngày. Sau 5-10 ngày cho thu hoạch 1 lứa rau mầm tùy theo loại rau. Dùng dao, kéo cắt sát gốc hoặc nhổ cả rễ. Sau mỗi lần thu hoạch, phơi khô giá thể để tái sử dụng bằng cách bổ sung thêm dinh dưỡng, tỷ lệ cho rau ăn lá: N:P:K=1:1:1 và rau ăn quả 8:4:8.

Kỹ thuật trồng rau ăn lá và rau ăn quả

Cách làm tương tự như đối với trồng rau mầm nhưng mật độ gieo thưa hơn, lượng giống chỉ bằng khoảng 1/5 so với trồng rau mầm (4-5g/khay). Độ dày của giá thể cần đạt ít nhất 5-7cm, trong đó: với các loại rau ăn lá như rau muống, các loại cải, mồng tơi, rau dền… giá thể dày từ 5-10cm; các loại rau ăn quả như cà chua, dưa chuột, ớt ngọt, mướp… có độ dày từ 20-25cm. Sau khi đã gieo, khay hạt giống được đặt nơi có nhiều ánh sáng như ngoài sân, lan can, sân thượng và hàng ngày tưới đủ ẩm cho cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Với rau ăn lá 25-30 ngày sẽ cho thu hoạch (rau muống, rau dền, các loại cải, mồng tơi…) thì nên ngắt ngọn từ lá thứ 3 để kích thích cây phát triển nhiều nhánh phụ. Sau khi thu hoạch được 3-4 lứa cần bổ sung phân bón hữu cơ (khoảng 2 nắm/khay) sau mỗi lần thu hoạch. Sau mỗi đợt trồng, giá thể có thể được tái sử dụng bằng cách phơi khô (để diệt nấm bệnh, côn trùng) và trộn thêm 50% giá thể mới rồi trồng lại như cũ.

Kỹ thuật trồng rau mầm, rau ăn lá hoặc rau ăn quả

Cách làm tương tự như trồng rau ăn lá và rau ăn quả nhưng mật độ hạt được gieo dày hơn (10-20g/khay). Sau khi gieo từ 5-10 ngày, tức hạt đã nhú 2 lá thật, tiến hành tỉa thưa dùng làm rau mầm, chỗ còn lại (khoảng 1/5 số cây ở khay) tiếp tục chăm sóc để lớn thành rau ăn lá hoặc rau ăn quả. Thường xuyên tưới đủ ẩm, bổ sung thêm dinh dưỡng bằng các loại phân hữu cơ vi sinh, phân bón hữu cơ qua lá… nhằm đảm bảo có đủ dinh dưỡng tốt nhất sẽ cho năng suất cao, chất lượng rau, quả cao nhất.

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2014-05-05 12:19:43.

Bài Viết Liên Quan