Trang Chủ » Biện pháp giảm ảnh hưởng hoá chất tại vùng trồng rau

Biện pháp giảm ảnh hưởng hoá chất tại vùng trồng rau

536 lượt xem
trồng rau

Hoá chất dùng làm phân bón, thuốc BVTV được sử dụng ngày càng nhiều, đặc biệt là ở các vùng trồng rau. Qua nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học đã cho thấy, các mẫu đất ở những khu vực trồng rau có dư lượng hoá chất BVTV cao gấp 3- 4 lần so với các khu vực khác, đa số các mẫu rau đều có ít nhất 1 loại hoá chất BVTV.

Ở Bắc Ninh, mặc dù đã có những đề án về phát triển trồng rau an toàn song quy mô hẹp, chưa nhân rộng được nhiều. Hiện tại sản xuất rau trên địa bàn tỉnh cơ bản là quy mô nhỏ, phân tán mang tính tự phát, với phương thức sản xuất cũ nên việc sử dụng các hoá chất BVTV còn nhiều bất cập. Thói quen sử dụng hoá chất BVTV không bảo đảm vệ sinh an toàn lao động đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ cộng đồng và làm ô nhiễm môi trường. Xuất phát từ thực tế này, được sự tư vấn, hỗ trợ của Sở KH và CN, Trung tâm Y tế dự phòng Quế Võ phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam thực hiện đề tài “Nghiên cứu các biện pháp can thiệp nhằm giảm tác hại của hoá chất BVTV tại khu vực trồng rau tỉnh Bắc Ninh”.

trồng rau

Biện pháp giảm ảnh hưởng hoá chất ở vùng trồng rau

Các hoá chất BVTV tồn dư trong môi trường đất và các mẫu rau xét nghiệm có nhiều loại, có mẫu rau số hoá chất tồn dư lên tới 20 loại. Đặc biệt nguy hiểm hơn là có những mẫu còn dư lượng một số loại thuốc BVTV cấm sử dụng như: Captan, Dieldrin, Captafol. Trong tổng số 24 mẫu rau xét nghiệm có 22 mẫu không đạt tiêu chuẩn do có dư lượng hoá chất BVTV cấm sử dụng. Nhiều trường hợp đã bị ngộ độc do ăn thực phẩm có chứa hoá chất độc hại này, cá biệt có người bị tử vong. Hơn thế nữa người dân tại các khu vực trồng rau có nhiều triệu chứng bệnh liên quan việc sử dụng hoá chất BVTV. Những dấu hiệu thường gặp phổ biến nhất ở những người tiếp xúc với hoá chất BVTV là đau đầu, mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, ngứa da, dễ kích thích, tê bì, kiến bò, cảm giác lợm giọng, buồn nôn…

Nguyên nhân chủ yếu là việc sử dụng tuỳ tiện các loại hoá chất, tỷ lệ pha thuốc đặc hơn hướng dẫn, pha nhiều loại thuốc cùng một lúc, thời gian phân huỷ hoá chất trong thực phẩm chưa đủ nông dân đã thu hoạch. Vấn đề trang bị bảo hộ lao động chưa được chú trọng. Sự thiếu hiểu biết của người nông dân và những lợi nhuận kinh tế trước mắt cùng với sự lỏng lẻo trong công tác quản lý hoá chất BVTV và kiểm định chất lượng thực phẩm, làm cho rau thương mại còn thiếu an toàn. Từ những đánh giá này, các tác giả thực hiện đề tài đã áp dụng biện pháp can thiệp nhằm giảm tác hại do hoá chất BVTV gây ra đối với một số vùng trồng rau tại huyện Quế Võ. Các biện pháp chủ yếu là giáo dục an toàn vệ sinh lao động, cải thiện kiến thức, thái độ thực hành của người dân trong việc sử dụng các hoá chất sao cho an toàn.

Thông qua các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật giảm ảnh hưởng hoá chất tại vùng rau và nguyên tắc sử dụng thuốc, tuyên truyền cho nhân dân thấy rõ tầm quan trọng của công tác vệ sinh an toàn lao động, sự nguy hiểm của các hoá chất đối với môi trường và sức khoẻ của cộng đồng, biện pháp xử lý sản phẩm trước khi sử dụng để đề phòng ngộ độc… Nhờ vậy, nhận thức của nhân dân, chính quyền địa phương được nâng cao, từ đó từng bước thay đổi dần các thói quen không tốt trong quá trình tiếp xúc cũng như sử dụng hoá chất BVTV.

Đối với các nhà phân phối thuốc sẽ cần lưu ý hơn về các danh mục hoá chất hạn chế, cấm sử dụng hiện hành. Đối với người sử dụng thì việc an toàn vệ sinh trong lao động và bảo quản hoá chất là vấn đề trọng tâm; Đối với cán bộ y tế thì việc khám phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh lý kịp thời phải đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên tác giả còn nhấn mạnh cần phải có những hành động tiếp theo với mức độ can thiệp sâu hơn về chế tài trong công tác giảm sát, quản lý sử dụng hoá chất BVTV an toàn, tiến hành đồng thời ở nhiều nơi, nhằm có nguồn rau sạch và an toàn cho thị trường, góp phần bảo vệ và tăng cường sức khoẻ nhân dân.

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2014-05-07 13:37:17.

Bài Viết Liên Quan