Trang Chủ » Mắc ca: Giá hạt và chi phí đầu tư trang trại trồng

Mắc ca: Giá hạt và chi phí đầu tư trang trại trồng

1,5K lượt xem
mắc ca

Tìm hiểu về hạt mắc ca

Hạt mắc ca hay maca là một trong những loại hạt có nguồn gốc từ nước Úc, được xếp vào nhóm hạt ngon nhất thế giới do sở hữu hương vị ngọt ngào, thơm ngon và chứa nhiều chất dinh dưỡng giá trị có lợi cho sức khỏe con người.

Cây mắc ca đã được trồng thử nghiệm tại nước ta từ hơn 20 năm nay và bước đầu cho kết quả khả quan. Chúng tôi đã tổng hợp các thông tin liên quan đến giá hạt mắc ca, tiềm năng kinh tế cũng như chi phí đầu tư vào mô hình trồng loại cây này, mời bà con theo dõi!

Giá hạt mắc ca

Từ trước đến nay, mắc ca vẫn được xếp vào loại hạt đắt đỏ do hàm lượng dinh dưỡng cao, nguồn cung lại rất ít ỏi so với nhu cầu nên các thị trường tiêu thụ mắc ca truyền thống vốn chỉ thu hẹp trong các nước phát triển như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Đài Loan… Giá hạt mắc ca được bán tại Úc luôn tặng đều đặn trong vài năm trở lại đây, cụ thể, giá hạt mắc ca mà người trồng bán cho các cơ sở chế biến dao động từ 3.25 – 3.5 đô la Úc/kg vào năm 2014, tăng lên 4.5 đô la Úc/kg vào năm 2015, và hiện nay đang ở mức 5.5 đô la Úc/kg.

mắc ca

Tại Mỹ, giá nhân mắc ca sau khi được sơ chế tại nhà máy có giá trung bình 12 đô la Mỹ/kg, và mức giá này tại châu Âu là 12.5 đô la Mỹ/kg. Giá bán nhân mắc ca tại siêu thị cho người tiêu dùng trực tiếp ở mức rất cao, có khi lên tới 30 – 40 đô la Mỹ/kg.

Với sự giàu lên của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước Trung Đông, thị trường mắc ca đang mở rộng nhanh chóng. Tại Việt Nam, giá hạt mắc ca do người trồng bán cho thương lái, cơ sở chế biến ở mức 70.000 – 80.000 đồng/kg vào năm 2015, hiện tại đã tăng lên 180.000 – 200.000 đồng/kg và khi đến được tay người tiêu dùng thì giá đã đội lên khoảng 350.000 – 400.000 đồng/kg.

Tiềm năng kinh tế của cây mắc ca

Cây mắc ca đã được đưa vào trồng và nghiên cứu tại nước ta từ năm 1993, vùng canh tác chủ yếu tập trung tại Tây Bắc và Tây Nguyên, do hai vùng này có đất đai và khí hậu thích hợp cho giống cây này phát triển. Cây mắc ca được công nhân là cây nông – lâm – công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn cây cà phê, cao su, điều và một số cây trồng khác, trong khi đó mức đầu tư lại thấp hơn và thời gian thu hoạch kéo dài hơn. Một vườn mắc ca có thể cho thu hoạch trong hàng chục năm liên tục, ghi nhận tại Úc, Trung Quốc, có nhiều vườn mắc ca 40 – 60 tuổi vẫn cho thu hoạch hàng năm.

Sản phẩm mắc ca là một mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Nhân mắc ca có thể sản xuất ra nhiều mặt hàng đa dạng phong phú, như các loại nhân mắc ca tẩm gia vị, các loại bánh kẹo, mỹ phẩm, sữa… Mắc ca vừa là thực phẩm cao cấp, vừa đóng vai trò thực phẩm chức năng để phòng chữa các bệnh tim mạch, huyết áp, béo phì, mỡ máu…

mắc ca

Theo thống kê vào năm 2015, sản lượng mắc ca thế giới chỉ chiếm khoảng 1% tổng sản lượng 10 loại quả hạt cứng, nhưng con số này có thể tăng lên tới 5 – 10% tổng sản lượng này trong vòng 10 năm tới. Trong tương lai, nguồn cung hạt mắc ca vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu do các thị trường mắc ca trên thế giới đang mở rộng, kể cả thị trường truyền thống và thị trường mới nổi.

Có hai phương án trồng cây mắc ca thường được áp dụng, chính là trồng thuần hoặc trồng xen mắc ca với cây cà phê. Phương pháp trồng thuần cho ước tính doanh thu 180 – 300 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận 50 – 100 triệu đồng/ha/năm, còn phương pháp trồng xen cho doanh thu gần 400 triệu đồng/ha/năm, cho thực lãi 250 – 300 triệu đồng/ha/năm.

Chi phí đầu tư trang trại trồng mắc ca

Chi phí ban đầu để trồng mới một trang trại mắc ca, không bao gồm chi phí thuê đất hay chi phí xây dựng hạ tầng cơ bản, thì còn lại các chi phí như: chi phí khai hoang đất, mua cây giống, phân bón, công đào hố, công trồng, công tưới nước, công tỉa cành xén tán, chống gió hại và phí quản lý.

Trong trường hợp trồng thuần, chi phí để trồng mới 1ha mắc ca khoảng trên dưới 100 triệu đồng/ha. Còn nếu lựa chọn phương pháp trồng xen với cây cà phê, chi phí để trồng mới 1ha mắc ca rẻ hơn so với trồng thuần, khoảng 40 – 50 triệu đồng/ha.

mắc ca

Đặc thù của mô hình trồng cây mắc ca chính là chi phí chỉ tập trung vào năm thứ nhất. Các năm sau đó, chi phí để chăm sóc vườn cây giảm đi. Với các hộ trồng trọt theo quy mô gia đình, chi phí ban đầu bỏ ra thường thấp hơn nhiều so với quy mô doanh nghiệp nên sau 4 năm trồng là có thể hoàn vốn và bắt đầu có lãi, còn doanh nghiệp phải cần đến 6 năm.

Từ năm thứ 2 trở đi, chi phí bỏ ra để chăm sóc vườn mắc ca rẻ hơn, khoảng 15 triệu đồng/ha đối với phương pháp trồng thuần và 7 – 8 triệu đồng/ha với phương pháp trồng xen cây cà phê. Hơn nữa, cây mắc ca là loại cây đang được nhà nước khuyến khích trồng nên không phải chịu thuế giá trị gia tăng theo nghị định 209/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2018-07-02 09:30:38.

Bài Viết Liên Quan

1 bình luận

minh 16/08/2019 - 10:10

ai đó cho tui hỏi síu. có nghĩa là mình trồng đến khi được thu chính, thì nguồn vốn là khoảng trên dưới 100 triệu. hay là mỗi năm mình phải bỏ ra chi phí là 100 triệu để chăm sóc cho cây ạ.
và cây này trồng khoảng bao nhiêu năm là được thu nhập

Trả Lời

Viết Bình Luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.