Trang Chủ » Mít không hạt: Kỹ thuật trồng và giá bán

Mít không hạt: Kỹ thuật trồng và giá bán

962 lượt xem
mít không hạt

Mít không hạt, không mủ, ăn được cả xơ, loại trái cây độc lạ tưởng chừng hiếm có khó tìm, nhưng trong thực tế mô hình trồng mít không hạt được rất nhiều bà con nông dân ưa chuộng đầu tư và mang lại giá trị kinh tế rất cao. Hãy cùng Farmvina tìm hiểu về giá bán mít không hạt quả và cây giống, cũng như kỹ thuật trồng mít không hạt cho năng suất cao trong bài viết dưới đây!

Đôi nét về mít không hạt

Mít không hạt mà nổi tiếng nhất là thương hiệu “mít không hạt Ba Láng”, vốn có xuất xứ từ Myanmar và được ông Trần Minh Mẫn, một người nông dân tại phường Ba Láng, quận Cái Răng, Cần Thơ mang về trồng và nhân giống rộng rãi. Mít không hạt trông bề ngoài không khác gì các giống bình thường, nhưng khi bổ ra thì không có hạt hoặc chỉ có vài hạt lép, không có mủ nên không hề dính dao, mít khi ăn không cần tách múi mà chỉ cần cắt phần vỏ bên ngoài và phần cùi đi rồi cắt thành miếng, vì xơ mít cũng ăn được.

mít không hạt

Mít không hạt có vị ngon ngọt, mùi thơm nhẹ nhàng, không thơm nồng như các loại mít khác. Mỗi quả mít có trọng lượng khoảng 9 – 10kg đối với quả nhỏ, và 13 – 15kg với quả lớn, cây mít sinh trưởng mạnh, năng suất cho quả cao, trung bình 100kg/cây/vụ. Thời gian trồng từ 14 – 18 tháng là cho thu hoạch, nếu được chăm sóc tốt thì chỉ 10 – 12 tháng là ra quả.

Giá bán mít không hạt quả và giống

Mít không hạt có giá bán và hiệu quả kinh tế cao nhất so với các giống mít được trồng hiện nay do tỉ lệ phần ăn được trong quả mít chiếm tới 90% trọng lượng và mít lại rất thơm ngon. Ước tính giá bán của mỗi kg mít không hạt cao gấp 2 – 3 lần mít thường, khoảng 50 – 60.000 đồng/kg

mít không hạt

Nhận thấy tiềm năng kinh tế của loại cây này, rất nhiều cơ sở đã nhân giống mít không hạt và cung cấp cho thị trường khắp cả nước. Cây giống mít không hạt giống được nhân bản vô tính theo hình thức ghép mắt hoặc chiết cành với giá bán khoảng 40.000 – 100.000 đồng/cây tùy thuộc vào mua lẻ hay mua sỉ.

Kỹ thuật trồng mít không hạt cho năng suất cao

Chọn cây giống

Bà con nên chọn cây giống mít không hạt đạt chiều cao tối thiểu khoảng 40 – 60cm, cây có mắt ghép cao từ 15 – 20cm, lá cây đã ra ổn định. Cây giống đảm bảo khỏe mạnh không bị sâu bệnh.

Thời vụ và mật độ trồng

Mặc dù giống mít không hạt có thể trồng quanh năm nếu chủ động được nguồn nước tưới tiêu, nhưng các chuyên gia khuyên rằng bà con nên trồng mít vào đầu mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 7 âm lịch để có thể tận dụng những cơn mưa đầu mùa, tiết kiệm công tưới nước và giúp cây mít nhanh bén rễ vào đất.

Mật độ trồng cây tùy thuộc vào loại đất. Nếu trồng ở vùng đất tốt, bà con có thể trồng dày với khoảng cách giữa các cây là 5m, khoảng cách giữa các hàng là 6m. Nếu canh tác ở vùng đất cằn, bà con nên trồng mật độ thưa với khoảng cách giữa cây với cây là 6m, giữa hàng với hàng là 7m. Hoặc bà con có thể lựa chọn phương pháp trồng cây với mật độ dày, sau đó tỉa cảnh hay đốn tỉa bớt để tăng sản lượng và rút ngắn thời gian hoàn vốn.

Chuẩn bị đất trồng cây

Cũng như các giống mít khác, mít không hạt có thể thích nghi với nhiều loại đất khác nhau như đất đỏ bazan, đất thịt, đất thịt pha cát hay đất phù sa…Tuy nhiên, loại đất phù hợp nhất để trồng mít không hạt là đất thịt nhẹ hoặc đất cát pha có độ pH từ 5 – 7. Đất cần tơi xốp, địa hình thoát nước tốt vì cây mít không chịu được ngập úng.

Công đoạn đào hố và đắp mô là khâu chuẩn bị rất quan trọng. Hố trồng cây thường có kích thước 40x40x40cm. Nếu địa hình đất bằng phẳng, bà con hãy đắp mô cao 40 – 70cm và làm mương dẫn nước có độ sâu khoảng 30 – 40cm. Nếu địa hình có độ dốc khoảng 5%, bà con không cần đắp mô, còn nếu độ dốc khoảng 7%, bà con đào hố sâu hơn 40x40x60cm.

Phân bón lót cho mỗi hố gồm 10 – 12kg phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu có Komix 1kg, 0.15 – 0.25kg super lân, 0.5 vôi bột trộn đều với lớp đất mặt vừa đào lên từ hố, rồi cho vào hố ủ trong một thời gian. Tuyệt đối bà con đừng sử dụng phân hữu cơ chưa hoai hay tro bếp để làm phân bón lót vì sẽ làm mặn đất khiến rễ cây dễ bị thối.

Trồng và chăm sóc cây

Sau khi công đoạn làm đất và ủ phân bón lót đã xong, bà con mang cây giống ra khỏi túi ni lông đựng cây, cắt bỏ các phần rễ cái, rễ con ăn ra khỏi bầu đất rồi đặt vào hố trồng, lấp đất chặt nhưng nhẹ nhàng, cắm cọc cố định để cây con không bị gió lay gốc, làm bồn đường kính 1m để tưới nước không chảy ra ngoài rồi tưới đẫm nước cho cây.

Trong quá trình chăm sóc, bà con cần tưới tiêu đủ nước cho cây, nhất là trong mùa khô, lúc cây đang nuôi quả lớn và lúc quả sắp chín. Bà con phủ quanh gốc cây bằng rơm rạ hoặc cỏ khô để hạn chế cỏ dại mọc, đồng thời làm cỏ cho vườn mít 2 lần/năm, xới gốc 2 – 3 lần/năm và xới cả vườn 2 lần/năm.

mít không hạt

Khi cây mít đạt chiều cao 1m trở lên thì bà con bắt đầu tiến hành tỉa bớt cành cho cây thoáng nhằm chống sâu bệnh và tăng năng suất. Khi cây chưa ra quả thì tần suất tỉa là 2 – 3 lần/năm, nếu cây đã cho quả thì tần suất tỉa cành giảm xuống còn 1 lần/năm sau khi thu hoạch quả.

Bà con cũng cần lưu ý phòng trừ sâu bệnh cho cây bằng cách xịt thuốc trừ sâu vào giai đoạn ra lá non, trái non để phòng sâu đục thân, đục cành, hoặc bao bọc trái và xịt thuốc diệt ruồi đục trái, hay dùng các biện pháp sinh học để diệt sâu đục trái…

 

Câu Hỏi Thường Gặp

Mít không hạt quả và giống có giá bao nhiêu?

Ước tính giá bán của mỗi kg mít không hạt cao gấp 2 – 3 lần mít thường, khoảng 50 – 60.000 đồng/kg. Cây giống mít không hạt giống giá bán khoảng 40.000 – 100.000 đồng/cây tùy thuộc vào mua lẻ hay mua sỉ.

Kỹ thuật rồng mít không hạt cho năng suất cao như thế nào?

1. Chọn cây giống: chiều cao tối thiểu khoảng 40 – 60cm, cây có mắt ghép cao từ 15 – 20cm, lá cây đã ra ổn định. Cây giống đảm bảo khỏe mạnh không bị sâu bệnh; (2) Thời vụ và mật độ trồng: nên trồng mít vào đầu mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 7 âm lịch, mật độ trồng cây tùy thuộc vào loại đất; (3) Chuẩn bị đất trồng cây: mít không hạt có thể thích nghi với nhiều loại đất khác nhau như đất đỏ bazan, đất thịt, đất thịt pha cát hay đất phù sa…Tuy nhiên, loại đất phù hợp nhất để trồng mít không hạt là đất thịt nhẹ hoặc đất cát pha có độ pH từ 5 – 7. Đất cần tơi xốp, địa hình thoát nước tốt vì cây mít không chịu được ngập úng; (4) Trồng và chăm sóc cây: Trong quá trình chăm sóc, bà con cần tưới tiêu đủ nước cho cây, nhất là trong mùa khô, lúc cây đang nuôi quả lớn và lúc quả sắp chín. Bà con phủ quanh gốc cây bằng rơm rạ hoặc cỏ khô để hạn chế cỏ dại mọc, đồng thời làm cỏ cho vườn mít 2 lần/năm, xới gốc 2 – 3 lần/năm và xới cả vườn 2 lần/năm.

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2018-07-06 10:18:33.

Bài Viết Liên Quan

Viết Bình Luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.