Trang Chủ » Nuôi ong ký sinh bảo vệ dừa

Nuôi ong ký sinh bảo vệ dừa

771 lượt xem
nuôi ong ký sinh

Nuôi ong ký sinh tạo lợi ích?

Khi dân nuôi ong ký sinh bảo vệ dừa

Từ tháng 10/2007, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Sông Cầu đưa mô hình nhân nuôi ong ký sinh tại hộ nông dân, áp dụng phương pháp nhiễm ong ký sinh để tiêu diệt bọ cánh cứng hại dừa. Đến tháng 5/2008, đã phóng thích ra ngoài 10.000 mummies (xác trứng bọ dừa đã nhiễm ong ký sinh), giúp rừng dừa ở Sông Cầu hồi phục 87%. Mô hình này được đánh giá thân thiện với môi trường.

Theo Trạm Bảo vệ thực vật huyện Sông Cầu, từ năm 2000 bọ cánh cứng hại dừa xuất hiện gây hại 860 ha dừa, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Nhiều vườn dừa bị bọ cánh cứng tấn công nguy hại cấp 3, cấp 4 (trên 50% diện tích lá trên cây bị hại), thậm chí có nhiều diện tích dừa xơ xác tàu lá. Năm 2004, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên áp dụng biện pháp sinh học dùng ong ký sinh chuyên tính để diệt trừ bọ cánh cứng, tuy nhiên biện pháp này không đạt hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Tấn Thi, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Sông Cầu giải thích: “Lúc đó, ong được nhân nuôi trong phòng lạnh rồi thả ra môi trường nhiệt độ cao nên ong ký sinh không thích ứng. Khi phóng thích ra bên ngoài một thời gian ngắn ong bị tiêu diệt, vì vậy bọ cánh cứng phát triển trở lại và tấn công vườn dừa”.

Từ vụ đông xuân năm 2007-2008, Trạm bảo vệ thực vật huyện Sông Cầu đưa mô hình nhân nuôi ong ký sinh tại chỗ. Bước đầu chọn ba điểm nuôi gồm các xã Xuân Bình, Xuân Thọ 2 và tại Trạm bảo vệ thực vật. Ba điểm nuôi này đã phóng thích ra tự nhiên 10.000 mummies mỗi mummies nở ra từ 90.000 -100.000 con ong ký sinh. Kết quả khảo sát mới đây cho thấy, 87% số cây dừa ở huyện Sông Cầu có ba lá ngọn không bị bọ cánh cứng hại.

Đây là mô hình đầu tiên nhân nuôi ong ký sinh tại hộ nông dân được đánh giá hiệu quả, thân thiện với môi trường (nuôi đâu thả đó, nên ong ký sinh thích hợp nhiệt độ). Ông Lê Ngọc Thạch, chủ vườn dừa 2ha ở xã Xuân Thọ 2, cho biết: “Trước đây, vườn dừa nhà tôi bị bọ cánh cứng hại xơ xác, mỗi năm chỉ thu 3-4 triệu đồng. Từ tháng 10/2007 nhân nuôi phóng thích ong ký sinh, vườn dừa xanh lá, sai quả”. Theo kinh nghiệm của những người trồng dừa, khi bị bọ cánh cứng gây hại thì buồng dừa bị lép (rụng) từ khi ra quả non.

Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Sông Cầu (huyện Sông Cầu) Nguyễn Hồng Thi nói: “Mô hình nuôi ong ký sinh tại hộ nông dân rất hiệu quả. Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên cũng như Trạm Bảo vệ thực vật huyện Sông Cầu nên cử cán bộ kỹ thuật, đầu tư kinh phí nhân nuôi ong ký sinh liên tục; nếu chỉ hỗ trợ nuôi một vụ nông dân khó áp dụng nhân rộng, vườn dừa sẽ bị bọ cánh cứng phá hoại”.

Theo Trạm Bảo vệ thực vật huyện Sông Cầu, mỗi điểm nhân nuôi ong ký sinh chi phí 2-3 triệu đồng. Do đó, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên cần tạo nguồn kinh phí để tiếp tục đầu tư. Vì đây là biện pháp sinh học cần nhân nuôi lâu dài, nhân thả liên tục nhiều năm, nhiều vụ để trong quá trình đấu tranh chọn lọc ngoài tự nhiên tạo ra chủng ong thích ứng rộng hơn phù hợp với thời tiết.

ĐBSCL: nuôi ong ký sinh cứu hơn 4,5 triệu cây dừa

Chiều 18-12, thạc sĩ Hồ Văn Chiến, giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, cho biết biện pháp dùng ong ký sinh Asecodes hispinarum để phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa được áp dụng từ năm 2003 đến nay đã mang lại hiệu quả rất cao.

Có tới 82% trong số 5,4 triệu cây dừa từng bị bọ cánh cứng tấn công đã phục hồi bình thường. Riêng những tỉnh trồng dừa tập trung như Bến Tre, Trà Vinh tỉ lệ phục hồi lên tới 90%.

“Với khoảng 4,5 triệu cây dừa được phục hồi, người nông dân trồng dừa ĐBSCL có thêm được 45 tỉ đồng/năm” – thạc sĩ Chiến nói.

Ong ký sinh có lấy lại được màu xanh cho dừa ? 

Tiến sĩ Trần Tấn Việt (Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM), cố vấn trưởng dự án TCP/VIE/2003 thực hiện giữa VN và các chuyên gia tổ chức FAO vừa nhập lô ong ký sinh đầu tiên từ Samoa về VN để trừ bọ dừa. Loại ong ký sinh chuyên biệt này có tên khoa học là Asecodes hispinarum. TS Việt cho biết, dự án này nằm trong chương trình phòng trừ tổng hợp bọ cánh cứng hại dừa giai đoạn 2003-2004, tổng trị giá 350.000 USD, bắt đầu khởi động từ tháng 2/2003. Ngày 5/8/2003, 100 con ong nhập về theo lô đầu tiên đã được hội đồng nghiệm thu kết quả kiểm dịch thực vật (Cục BVTV) chính thức cho phép nhân ra nhiều thế hệ và phóng thích trên đồng ruộng VN.

Ông Nguyễn Văn Ngã, Chi cục trưởng Kiểm dịch thực vật vùng II- Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá: Việc nhập và nuôi ong ký sinh của trường ĐH Nông lâm TP.HCM tuân theo đúng thủ tục KDTV và thực hiện đúng theo quy trình của FAO. Sau thời gian nuôi cách ly, các thành viên trong dự án đã chọn lọc được dòng ong ký sinh khoẻ mạnh, trong điều kiện phòng thí nghiệm cho thấy, ong Asecodes hispinarum ký sinh trên bọ dừa VN với tỷ lệ cao (98,3%), đặc biệt không tìm thấy tiềm năng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, vật nuôi do loại ong ký sinh này gây ra.

TS Trần Tấn Việt còn cho biết, qua kết quả nghiên cứu thì vòng đời trên đồng ruộng của ong ký sinh từ 13-15 ngày, không bị con khác ký sinh và phát triển rất mạnh, đồng thời cũng không có dấu hiệu loại này có khả năng ký sinh ngược trở lại với ấu trùng của ong mật, kiến vàng, tằm, sâu gạo… Đến giai đoạn chuẩn bị vũ hóa, ong ký sinh sẽ tự động bay ra và tự tìm đến bọ cánh cứng hại dừa tiêu diệt như đã từng thành công tại nhiều nơi khác trên thế giới bị dịch này xảy ra.

Vừa qua, bầy ong đầu tiên nhập về đã được phóng thích thí điểm tại ấp 1, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) với nhiều kỳ vọng “trả lại” màu xanh và vực dậy “nền kinh tế dừa” của tỉnh nhà. Tuy nhiên theo một số nhà khoa học thì đây mới chỉ là giai đoạn đầu tiên và còn phải tiếp tục theo dõi, nghiên cứu cụ thể khi bầy ong đầu tiên này phát triển thành quần thể trước khi nhân rộng mô hình ra các tỉnh khác.

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2014-04-18 09:20:14.

Bài Viết Liên Quan