Trang Chủ » Học tập nuôi tôm trong vèo ở Braxin

Học tập nuôi tôm trong vèo ở Braxin

751 lượt xem
nuôi tôm trong vèo

Nuôi tôm trong vèo ở Braxin

Hệ thống ương nuôi tôm trong vèo thâm canh hoạt động như một bộ phận mở rộng của trại giống ở vùng nuôi có tác dụng rất tốt để hậu ấu trùng (PL) nhanh chóng thích nghi với điều kiện trại nuôi, đồng thời giúp quản lý chặt chẽ chất lượng và sức khỏe PL trước khi thả ra ao nuôi.

Trong hệ thống nuôi 1 giai đoạn truyền thống, tôm PL được thả trực tiếp vào ao nuôi thương phẩm để nuôi đến khi thu hoạch. Phương pháp này vẫn rất thịnh hành trên thế giới. Tuy nhiên, hệ thống nuôi 2 giai đoạn với kỹ thuật hiện đại hơn đang dần dần chiếm ưu thế.

Hệ thống này áp dụng 1 giai đoạn nuôi trung gian, gọi là ương giống, giữa giai đoạn sản xuất giống và nuôi thương phẩm. Trong những năm 1980, nhiều trại nuôi tôm lớn đã được xây dựng với diện tích các ao ương rộng 0,5 đến 3 ha. Ấu trùng tôm được thả với mật độ từ 0,5 đến 2,5 triệu PL/ha, ương trong 4-5 tuần trước khi chuyển vào ao nuôi thương phẩm.

Phương pháp nuôi tôm trong vèo này làm thay đổi chiến lược sản xuất tôm khi cho phép kiểm soát tốt hơn và dự đoán trước được số lượng tôm. Mặc dù tiến bộ đáng kể so với các hệ thống 1 giai đoạn, nhưng chi phí xây dựng các ao ương rất đắt và cần có diện tích đất lớn để hoạt động giống như khu vực nuôi thương phẩm. Việc vận chuyển tôm giống lớn hơn 0,5 g cũng khó và nhiều rủi ro do quá trình thu hoạch dễ làm tôm bị sốc.

Trong những năm qua, người ta đã thiết kế ao ương trong các khu vực nuôi nhỏ hơn ở các trại giống hoặc nằm gần hay ngay trong phạm vi ao nuôi thương phẩm. Phổ biến nhất trong các trang trại tôm ở Braxin là ương tôm thâm canh trong các bể vòng.

Bể ương thâm canh nuôi tôm trong vèo

Khái niệm bể ương thâm canh có lẽ được phát triển từ hệ thống nuôi tôm siêu thâm canh có nguồn gốc từ Nhật Bản do GS. Kunihiko Shigueno và đồng sự khởi xướng vào những năm 1970. Mặc dù thiết kế và kỹ thuật của 2 hệ thống này gần giống nhau, nhưng phương pháp áp dụng và thực tế lại có nhiều điểm khác nhau.

nuôi tôm trong vèo

Học tập nuôi tôm trong vèo

Trong giai đoạn đầu của việc nuôi tôm, các bể của Shingueno vận hành giống phương pháp nuôi thương phẩm với tỉ lệ thay nước cao và mật độ thả lên tới 100 con/m2. Các bể ương thâm canh được sử dụng để tối ưu hóa việc tiếp nhận, phân phối tôm giống ở các trại nuôi tôm, điều chỉnh số lượng PL thả ao.

Bể ương có chức năng như hồ chứa tạm thời để PL thích nghi dần với môi trường trại nuôi, kiểm kê số lượng và đánh giá chất lượng PL. Các trại ương giúp ngăn ngừa mầm bệnh và mối nguy của các loài địch hại, cho phép phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe và dịch bệnh, đồng thời cũng cải thiện chế độ dinh dưỡng cho PL.

Ưu điểm chính của các bể ương là có thể bắt đầu nuôi thương phẩm từ cỡ tôm giống lớn hơn. Điều này làm giảm rủi ro tài chính, rút ngắn thời gian nuôi thương phẩm, giảm thời gian quay vòng ao nuôi và cuối cùng là tăng sản lượng hằng năm.

Xây dựng, kỹ thuật quản lý nuôi tôm trong vèo

Ở hầu hết các trang trại nuôi tôm, khu vực sản xuất giống thâm canh, bao gồm các bể ương, thường có diện tích từ 100m2 đến 0,5 ha. Hạ tầng cơ bản của bể bao gồm mái che để tránh cho PL tiếp xúc nhiệt độ cao trong giai đoạn thích nghi và di chuyển, chòi để quạt thông gió, máy bơm, máy phát điện và các thiết bị điện khác, phòng chuẩn bị thức ăn và máy đo chất lượng nước, kho bảo quản thức ăn và các thiết bị khác.

Tại trang trại, khu ương giống nên đặt ngay trong khu vực sản xuất, nhưng phải cách ly với các ao nuôi vì vấn đề an toàn sinh học. Khu ương giống phải đặt ở vị trí thuận tiện lấy nước biển sạch từ các kênh nước của trại nuôi. Các bể ương thường được đặt cạnh nhau ở ngoài trời để PL tiếp xúc với những thay đổi của điều kiện tự nhiên. Ở những nơi có nhiệt độ biến động mạnh, có thể xây dựng các bể ương trong nhà để dễ dàng kiểm soát nhiệt độ nước.

Các bể ương có thể hình vuông, chữ nhật hoặc hình tròn (bể vòng). Ở Braxin, các trang trại chủ yếu sử dụng bể vòng do có nhiều ưu điểm hơn so với các hình dạng khác. Vì không có góc cạnh nên các bể vòng tích tụ thức ăn thừa, tảo chết, cặn bã và các chất thải khác ít hơn và làm cho nước lưu thông đều hơn.

Đáy bể vòng lõm ở giữa, ở đó có van thoát nước. Các bể ương có thể làm bằng sợi thủy tinh, mạ kẽm, nhựa PVC mỏng hoặc xây bằng gạch, xi măng. Bể xây bằng gạch xi măng có thể phủ lớp nhựa epoxy, hoặc phủ lớp màng polyetilen dày. Có thể đào sâu hoặc xây bể ở các vị trí có địa hình phẳng. Trong cả 2 trường hợp, khu vực này nên quang đãng, không khí lưu thông tốt và dễ tiếp cận.

Các bể ương thương phẩm có dung tích từ 30-55m2, đường kính trong 5-7m, độ sâu 1m và độ cao tối đa 1,2m. Mỗi bể ương có trang bị hệ thống đường ống nước vào và ra độc lập.

Nước thường được bơm từ các kênh vào ao bằng máy bơm điện. Máy bơm không nên đặt ở các khu vực nước nông hoặc các địa điểm nhiệt độ dễ thay đổi, ứ đọng nước hoặc ô nhiễm do việc thoát nước từ ao nuôi thương phẩm. Nước bơm vào ao nên lấy cùng một nguồn với nước nuôi thương phẩm tôm và tốt nhất là đã lọc qua hệ thống lọc cát và túi lọc 10µ để loại bỏ các chất rắn.

Việc thu hoạch PL thực hiện bằng cách sử dụng một ngăn được xây dựng thấp hơn đáy bể ương. Điều này cho phép thoát nước hoàn toàn và gây ít tác động lên hậu ấu trùng. Ngăn thu hoạch hậu ấu trùng này có trang bị sục khí oxy cho nước và hệ thống thoát nước.

Để thu hoạch tôm, cho nước trong bể ương chảy qua bình lọc bằng gỗ hoặc bằng sợi thủy tinh, có lưới lọc 1.000-2.000µ ở đáy. Khi thu hoạch, đặt bình trong ngăn thu hoạch để giữ tôm ngập trong nước trong suốt quá trình thu hoạch.

Để có thể thường xuyên cung cấp oxy trong nước, các bể ương đều có trang bị máy sục khí 5-10 hp và có hệ thống thông khí. Nguồn điện dự phòng, ví dụ máy phát điện diesel với công tắc tự động rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho hoạt động của bể ương.

Dùng các ống nhựa PVC nối liền nhau gắn cố định vào đáy bể để giúp nước lưu thông. Hệ thống sục khí bằng đá bọt ngày càng phổ biến hơn bởi vì có thể dễ dàng làm sạch và bảo trì. Một số nông trại sử dụng đường ống đặt xung quanh tường bể để tạo dòng nước xoay tròn trong bể. Hệ thống này cũng giúp tập trung cặn bẩn và chất thải rắn ở giữa bể để loại bỏ khi thay nước.

Quản lý quá trình ương nuôi tôm trong vèo

Ở Braxin, thường bắt đầu ương hậu ấu trùng 10 ngày tuổi (PL10) hoặc hơn.

Thả tôm vào bể ương từ 5 ngày đến 15 ngày để thích nghi. Mật độ thả ban đầu khoảng 15-30 PL/lít. Tỉ lệ sống thường cao hơn 95%.

Trước khi thả, làm sạch bể ương, các ống nước và đá bọt bằng hypochlorite 20ppm, dùng bản chải đánh và rửa sạch bằng nước, và hong khô trong 24 giờ. Sau khi đổ đầy nước biển vào bể, bón phân vô cơ để gây màu. Khi cần sinh khối tảo lớn, có thể dùng bình nuôi tảo riêng.

Khi đưa PL đến trại nuôi, cho tôm thích nghi với độ pH, độ mặn và nhiệt độ trong các bể sợi thủy tinh 1.000 lít trước khi thả trong các bể ương. Sau khoảng hơn 2 giờ sẽ cho ăn.

Trong suốt thời kỳ ương, tôm được ăn với chế độ ăn chất lượng cao, hàm lượng protein thô 40% trở lên, kích thước thức ăn nhở hơn 800µ. Trong những ngày đầu, rải đều thức ăn trong bể, sau đó cho ăn trong các khay.Thay nước không quá 10%/ngày trong tuần đầu tiên để. Trong những ngày tiếp theo, có thể thay nước hằng ngày ở mức 30%. Hút chất thải ở đáy bể qua ống xi-phong.

Khi PL đã đủ điều kiện để chuyển sang ao nuôi tôm trong vèo thương phẩm, cần kiểm tra sức khỏe và thức ăn trong đường tiêu hóa. Không chuyển giao PL nếu có hiện tượng chết, bệnh hoặc có dấu hiệu bị tổn thương. Có thể sử dụng bể sợi thủy tinh hình nón 100 lít, thương gọi là “tàu ngầm” để chuyển PL vào ao nuôi. Những bể này được trang bị hệ thống thông khí dưới đáy và có thể chứa 500.000 PL26/m3  hoặc 800.000 PL20/m3 trong thời gian 2 giờ.

Nguồn: Global Aquaculture Alliance.
Tác giả: Alberto J. P. Nunes, Ph.D.
Instituto de Ciências do Mar
Av. da Abolição, 3207 – Mereles
Fortaleza, Ceará 60165-081 Brazil

Biên dịch viên: Vân Anh

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2015-02-26 22:13:30.

Bài Viết Liên Quan

Viết Bình Luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.