Trang Chủ » Sản xuất hồ tiêu bền vững

Sản xuất hồ tiêu bền vững

429 lượt xem
cây hồ tiêu

Hồ tiêu với ưu thế lợi nhuận cao được người nông dân các tỉnh Tây Nguyên – nơi diện tích đáng kể cà phê đã vào thời kỳ già cỗi, chọn làm cây trồng để chuyển đổi.

Tuy nhiên do chưa nắm bắt được khoa học, kỹ thuật đối với loại cây trồng mới này mà đa số nông dân vẫn chỉ áp dụng các kinh nghiệm truyền miệng từ những người trồng trước. Chính sự thiếu kiến thức kết hợp với bản chất cây tiêu dễ bị tổn thương nên tại nhiều cùng trồng tiêu đã xảy ra các dịch bệnh làm thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng lớn đến người trồng tiêu.

hồ tiêu

Trồng hồ tiêu bền vững

Những yếu tố cần lưu ý

Việc lựa chọn đất trồng là yếu tố đầu tiên và có ảnh hưởng lớn đến thành công của vườn tiêu. Do vườn tiêu cần sự thông thoáng nên đất dốc từ 7 – 10 độ là thích hợp nhất, tạo điều kiện thoát nước dễ dàng.

Ngoài ra cũng cần lưu ý tuyệt đối không trồng lại tiêu trên vùng đất vừa bị dịch bệnh tấn công vì các mầm mống bệnh hại vẫn còn tồn tại trong đất sẽ dễ dàng bùng phát trở lại. Nếu muốn tiếp tục trồng tiêu trên đất này thì phải thực hiện cải tạo và cách ly bằng cây trồng khác trong vài năm.

Nấm phytophthora gây bệnh chết nhanh trên tiêu cũng gây bệnh trên cao su, ca cao nên đối với đất chuyển đổi từ cây trồng này sang cần thực hiện rà và đốt rễ triệt để.

Do cây tiêu rất dễ bị ảnh hưởng khi bị ngập nước, có thể chết khi bị ngập liên tục trong 24 tiếng, nên các mương rãnh thoát nước cho vườn cần phải được chú ý. Hệ thống phải đảm bảo khi có mưa lớn nước ít bị tồn đọng tại bề mặt; đặc biệt là tại vị trí các gốc cây.

Vào thời điểm mùa mưa, lượng nước ứ đọng nhiều kết hợp với nguồn nước ngầm dâng cao nên đất dễ bị bí, làm rễ tiêu bị tổn thương, có thể gây chết hàng loạt. Đối với vườn cây bằng phẳng, nước khó thoát thì cần đào các hố, rãnh sâu giữa các hàng để phục vụ việc thoát nước cục bộ. Ngoài nhiệm vụ thoát nước hệ thống mương rãnh trong vườn còn có tác dụng hạn chế được việc lây lan của các mầm bệnh hại.

Cũng như cây che bóng cho cà phê, hiện nay cây che phủ mặt đất cũng đang được các nhà khoa học khuyến cáo trồng trên vườn hồ tiêu. Nhờ tác dụng che nắng, các cây này góp phần điều hòa tiểu khí hậu trong vườn, đặc biệt phát huy tác dụng trong thời điểm nắng nóng giúp đất trong vườn không bị khô và giảm lượng nước tưới.

Hiện đã có nhiều mô hình sử dụng cây lạc dại để che phủ đất, ngoài tác dụng giảm xói mòn và rửa trôi của đất, cây còn giúp hạn chế sự phát triển của cỏ cũng như tăng độ tơi xốp, cung cấp thêm hữu cơ cho đất, cải thiện các đặc tính vật lý, hóa học, sinh học của đất.

Quản lý bệnh hại, dinh dưỡng cho cây hồ tiêu

Việc quản lý bệnh hại trên cây tiêu cần được thực hiện hết sức nghiêm ngặt và kỹ lưỡng. Do tiêu là cây trồng dễ bị tổn thương nên mầm bệnh dễ dàng lây lan trong vườn tiêu và gây chết cây hàng loạt. Nên tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học như Trichoderma, Pseudomonas mỗi năm 2 – 3 lần để gia tăng hệ vi sinh vật đối kháng, chống lại các mầm bệnh tồn tại trong đất.

Các bệnh trên tiêu thường do nấm qua trung gian truyền bệnh là tuyến trùng và rệp sáp, trong đó nguy hiểm nhất là bệnh chết nhanh do nấm Phytopthora có thể gây chết cây trong vòng 7 – 10 ngày từ khi có triệu chứng.

Có thể nói, rễ là bộ phận mẫn cảm nhất của cây tiêu nên khi thăm vườn cần lưu ý xem xét kĩ phần rễ để có biện pháp giải quyết kịp thời, nếu thấy có dấu hiệu bệnh cần tiêu hủy và cách ly ngay.

Đối với cây tiêu, phân hữu cơ là nguồn cung cấp dinh dưỡng chủ yếu. Phân hữu cơ ngoài các thành phần đa lượng còn chứa các trung vi lượng có ích cho cây. Đây là loại phân có khả năng cải tạo đất bị thoái hóa, loại bỏ các tàn dư độc hại và tăng cường hệ vi sinh vật trong đất.

Phân chuồng trước khi sử dụng được ủ cho hoai mục kỹ với men vi sinh nhằm loại bỏ các mầm bệnh trong phân cũng như phát triển số lượng nấm đối kháng có lợi cho cây. Công việc này tuy được thực hiện đơn giản nhưng đem lại hiệu quả cao trong việc phòng ngừa bệnh hại cho cây. Mỗi năm, nên bón lót cho cây 15 – 20 kg/nọc phân hữu cơ.

Ngoài bón lót thì bón thúc bằng phân NPK vào các thời điểm nhất định là yếu tố cần thiết để cây tiêu khỏe mạnh và đạt năng suất cao. Cty CP Phân bón Bình Điền có loại phân hỗn hợp NPK 15-10-15 TVL Đầu Trâu phù hợp bón cho cây trong cả năm với 4 lần: sau khi thu hoạch trái lần cuối, trước khi tiêu ra bông, sau khi tượng hạt và khi trái đang lớn.

Ngoài ra còn có loại phân chuyên dùng cho tiêu với thời điểm bón như sau: Đầu Trâu CT1 bón sau khi thu hoạch trái, Đầu Trâu CT2 bón trước khi ra bông, Đầu Trâu CT3 bón sau khi tượng hạt và trái đang lớn.

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2014-04-19 05:51:19.

Bài Viết Liên Quan

Viết Bình Luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.