Trang Chủ » Hiểu 12 tập tính chim trĩ để nuôi tốt

Hiểu 12 tập tính chim trĩ để nuôi tốt

1,3K lượt xem
chim trĩ

Tập tính là những thói quen tự nhiên tự nhiên sẵn có về đời sống của một giống vật, khó khăn lắm mới thay đổi được. Vì vậy, nuôi một giống vật gì là muốn đạt được thành công, thì điều kiện đòi hỏi khắt khe trước hết là ta phải cố gắng tìm hiểu thật ra về những tập tính của giống loài đó. Nếu ai chủ quan coi nhẹ việc này thì khó tránh khỏi thất bạn.

Với việc nuôi chim trĩ, giống chim kiểng đẹp và quý hiếm, ta lại càng phải cố tìm hiểu rõ những tập tính sống của chúng như môi trường sống thích hợp phải ra sao, chúng ăn được những thức ăn gì, cách nuôi dưỡng trĩ con phải như thế nào mới đạt được kết quả tốt? … Thì đó, như chúng tôi đã trình bày trong các bài viết trước đây: Cũng vì không có tài liệu nào hướng dẫn nên vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, nhiều người nuôi chim trĩ ở Sài Gòn, trong đó có bản thân người viết, mới gặp thất bại đáng tiếc. Và, phong trào nuôi chim trĩ thời đó chưa bùng lên bao lâu đã lẹ làng xẹp xuống.

chim trĩ

Thật ra, nuôi chim trĩ không khó và nghề nuôi chim trĩ mang lại lợi ích to lớn, khi biết rõ tập tính của chúng ta có thể thuần hoá chim trĩ dễ dàng:

1. Chịu sống trong môi trường chật hẹp

Trĩ là giống chim trời, sống trong rừng sâu núi cao, tuy tầm bay không cao, nhưng thích khi với không gian cao rộng. Thế nhưng, khi bắt về nuôi nhốt tại ngăn gian chuồng chật hẹp, tuy thời gian đầu tỏ ra quá nhát người nhưng lại dễ dàng chịu an phận trong môi trường sống chật hẹp đó. Nếu thời gian mới bắt về tránh làm cho chim sợ thì chúng không tìm cách chui rúc để cố thoát thân.

2. Phải nuôi nhốt

Tuy dễ thích nghi với môi trường sống chật hẹp là lồng, chuồng, nhưng dù nuôi lâu đến mấy, ta cũng phải nuôi nhốt chúng, vì nếu thả rong ra ngoài như gà thì chúng sẽ bay mất.

Lồng hay chuồng nuôi trĩ phải đủ rộng, đủ cao để chúng có chỗ mà tới lui, xoay trở khỏi vướng víu.

Tuy là chim nhưng thân mình trĩ lài lớn như con gà Tàu trưởng thành, đó là chưa nói đến cái đuôi dài từ 40 đến 80cm (tuỳ giống) của nó.

3. Thích ngủ trên cao

Bản tính của giống trĩ là khi tìm mồi thì xuống đất, nhưng khi ngủ nghỉ thì lại đậu trên cây. Kể cả chim trĩ mái cũng vậy. Do đó, chuồng nuôi trĩ ta phải tạo độ cao từ 1,5 đến 2m để có chỗ bắc giàn cho trĩ đậu. Nói là giàn nhưng đơn giản đó là một khúc cây tầm vông (hay tre, nứa) bắc ngang hay dọc gần nóc chuồng, sao cho cách nóc chuồng tối thiểu phải 50cm, và cách vách chuồng khoảng 80cm mới tốt. Với khoảng cách đủ rộng như vậy, khi bay lên bay xuống tìm chỗ ngủ, trĩ mới xoay trở dễ dàng và không bị gãy lông đuôi. Điều cần là ta phải trù liệu trước sao cho đủ chỗ cho trĩ bay lên giàn ngủ. Nếu thiếu chỗ đậu ngủ, chúng sẽ bay lên bay xuống nhiều lần, hoặc chen lấn nhau gây bất ổn cho những cá thể khác.

4. Trĩ nhỏ thích sống thành bầy đàn

Trong đời sống hoang dã bên ngoài, trước và sau mùa sinh sản, nhiều trĩ trống mái vẫn sống chung với nhau thì những bầy nhỏ độ năm, mười con. Khi nuôi nhốt, với trĩ con, trĩ lứa ta có thể nuôi tập thể trong chuồng lớn, nhờ đó mà chúng tranh nhau ăn nên chóng lớn.

5. Trĩ trống lứa tuổi sinh sản nên nuôi riêng

Bản tính trĩ trống không sân si, háu đá như gà trống, nhưng vào mùa sinh sản, các trĩ trống nhốt chung chuồng với trĩ mái lại bỏ đi cái tính hiền từ cố hữu của chúng mà tỏ ra hung hăng, ghen tức nên thường gây sự, cắn mổ, đấu đá nhau. Vì vậy, trong mùa sinh sản (từ tháng tư đến tháng mười hàng năm), ta nên bắt trĩ trống ra nuôi riêng, mỗi con một ngăn chuồng, nếu không đủ mái để ghép cặp.

6. Chim trĩ là giống đa thê

Như nhiều giống vật khác, trĩ cũng là giống đa thế. Trong đời sống hoang dã, nhiều người vẫn thường gặp một trĩ trống cặp kè với vài ba trĩ mái đi kiếm ăn chung trong mùa sinh sản. Nuôi trong chuồng ta ghép cặp một trĩ trống với vài trĩ mái cho sinh sản vẫn được. Được biết, nếu đủ trĩ trống ta nên ghép chung chuồng một trống một mái để bảo đảm lứa trứng của chúng đủ cồ hơn.

7. Ổ chim trĩ nên đặt sát nền chuồng

Trong đời sống hoang dã, trĩ mái làm ổ ngay trên mặt đất. Nó khôn ngoan chọn chỗ đất trũng sâu xuống độ một gang tay giống như lòng cái rổ nhỏ. Bên trên đó phải có tàng cây rậm rạp, che chắn kín đáo. Ổ chim trĩ được phủ đầy lá khô, lớp trên cùng là một nhúm lông trĩ do chim mẹ đến ngày đẻ tự rứt ra để lót ổ, giúp trứng được nằm êm. Nuôi chuồng, ta cũng nên dùng rổ hay thúng nhỏ, hoặc thùng cạc tông, bên trong có lót rơm hay cỏ khô và cũng nên đặt ổ sát nền chuồng tại một góc chuồng thuận tiện nào đó để trĩ mái vào nằm đẻ.

8. Nuôi nhốt, trĩ mái không ấp trứng

Trong đời sống hoang dã, trĩ mái nào cũng siêng năng nằm ấp ổ trứng của nó. Không những thế, sau khi trứng nở, trĩ mẹ còn nằm lì trong ổ để úm đàn con cho đến khi đàn trĩ con đi đứng cứng cáp nó mới rời ổ. Thế nhưng, nuôi nhốt trong chuồng, trĩ mái đa số không chịu vào ổ đẻ mà gặp đâu đẻ đó trong chuồng. Tất nhiên, dù chủ nuôi có gom hết số trứng của nó vào ổ, cũng không có trĩ mái nào chịu nằm ấp. (Liệu chúng ta đặt ổ trứng của nó vào một góc khuất trong chuồng, tránh xa tầm nhìn của mọi người, mọi vật, thì trĩ mái có yên tâm vào nằm ấp hay không? Farmvina và các bạn cùng thí nghiệm xem sao?)

Số trứng của trĩ mái trong năm: Trong đời sống hoang dã, mùa sinh sản của trĩ bắt đầu từ tháng tư đến tháng mười. Và mỗi mùa sinh sản, trĩ mái chỉ đẻ có một lứa trứng: từ 10 đến 15 trứng là nhiều. Thế nhưng, trĩ nuôi chuồng, nếu cho ăn cám hỗn hợp của gà đẻ công nghiệp, một trĩ mái có thể đẻ được ba bốn đợt, mỗi đợt nhiều đến vài ba mươi trứng … Xin nhắc lại: trĩ sống ngoài hoang dã đẻ xong còn lo ấp và nuôi con, còn trĩ nuôi chuồng chỉ là ‘cái máy đẻ’.

9. Trĩ con rất khó nuôi

Trĩ con mới chui ra khỏi vỏ trứng thân mình chỉ nhỏ bằng con gà tre sơ sinh và rất yếu. Thân mình trĩ con được phủ một lớp lông tơ màu xám tro như màu lông chim cút con. Nếu không được trĩ mẹ nằm úm kỹ trong năm sáu tuần tuổi đầu đời thì chúng sẽ dễ bị chết. Với trĩ con ấp máy ta cần úm kỹ trong lồng úm với nhiệt độ thích hợp trong nhiều tuần mới mang lại kết quả tốt.

chim trĩ

Chim trĩ con đang úm

10. Trĩ trống tự tìm lãnh địa riêng

Trước mùa sinh sản một vài tháng, ngay cả khi chim trống mái chưa bắt cặp với nhau, mỗi trĩ trống đã tự tìm cho mình một vùng đất riêng để … cưới vô sinh con. Khi đã tự tìm một lãnh địa riêng, trĩ trống mới dùng tiếng gáy của mình ve vãn những cô nàng trĩ mái đang đến tuổi động dục quanh vùng về kết đôi kết cặp. Vào mùa sinhs ản này, trĩ trống rất siêng gáy. Tiếng gáy của nó có ý nghĩa đặc biệt: vừa rù quến trĩ mái, lại vừa doạ nạt những kẻ mang tâm địa lăm le chiếm đoạt lãnh địa của nó. Thỉnh thoảng, ta còn thấy trĩ trống tung mình lên cao bay lòng vòng trên phần lãnh địa của nó để rượt đuổi những con trĩ trống lạ cố tình xâm lấn vùng đất của nó, dù chỉ là để tìm thức ăn, nước uống …

11. Thích tắm cát

Cũng giống như nhiều loài có lông vũ khác, chim trĩ cũng thích tắm cát. Trong những ngày nắng nóng, chim trĩ trống mái sống ngoài hoang dã tự tìm đến những vùng cát, hoặc nhiều đất bụi để vùi mình vào đó, rồi xoay qua trở lại nhiều lần, trước khi đứng lên xù hết bộ lông để rũ hết bụi cát bám vào mình. Sau khi tắm cát xong, trông chim trĩ đó có vẻ tươi tỉnh ra, năng động hơn. Điều này rất dễ hiểu, vì nhờ việc tắm cát, chim trĩ đã rủ sạch được tất cả những ký sinh trùng rận mạt đã sống bám vào bộ lông vũ của nó để hút máu.

12. Tính ăn tạp

Như ta đã biết, ngoài hoang dã, chim trĩ gần như là loài ăn tạp, mùa nào thức nấy. Như vào mùa xuân, chim trĩ sống chủ yếu bằng các loại rau mầm, chồi non … Sang mùa hạ, mùa thu thì thức ăn là các loại động vật nhỏ, côn trùng, rồi trái cây, các loại hạt … Trĩ nuôi nhốt trong chuồng tới bữa ta có thể cho ăn lúa, kê, cám gà đẻ công nghiệp, rau cỏ … chúng cũng không chê.

Phúc Nguyên 

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2015-09-15 08:14:47.

Bài Viết Liên Quan

Viết Bình Luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.