Trang Chủ » Sử dụng kiến đen trừ bọ xít vườn ca cao

Sử dụng kiến đen trừ bọ xít vườn ca cao

606 lượt xem
kiến đen

Bọ xít muỗi (Helopeltis spp) là một trong những loài côn trùng gây hại chính trên cây ca cao tại Việt Nam. Có 2 biện pháp chính phòng trừ bọ xít muỗi đó là phòng trừ bằng hóa học và sinh học. Trong đó phòng trừ sinh học bằng cách sử dụng kiến đen (Dolichoderus thoracicus) là biện pháp tương đối hiệu quả, đơn giản và thân thiện với môi trường.

Kiến đen Dolichoderus thoracicus (Smith) là loài bản địa ở vùng Đông Nam Á bao gồm các nước: Indonesia, Malaysia và Việt Nam… Kiến đen có khả năng làm giảm tác hại gây ra bởi bọ xít muỗi gây hại trên cây ca cao. Tuy nhiên kiến chỉ có hiệu quả khi hiện diện với số lượng lớn. Các yếu tố ảnh hưởng đến mật số của kiến là: điều kiện làm tổ, nguồn thức ăn và thiên địch (trong đó có các loài kiến khác).

1. Chuẩn bị nguồn kiến đen

Kiến đen thường hiện diện trong các vườn dừa, chúng thích làm tổ trong các lá dừa. Loài kiến này di chuyển nhanh khi bị quấy rầy. Kiến dễ được nhận dạng do vị thế ngồi đặc biệt của kiến lính.

ca cao

Kiến được bẫy bắt bằng cách cho các loại lá (dừa, chuối, ca cao…) khô có tẩm một ít mật rỉ đường buộc thành từng bó đặt trong ống tre (hoặc ống nhựa) có đường kính từ 5 – 8 cm và chiều dài khoảng 30 cm. Các loại ống này được treo trên cây có kiến đen.

2. Kiểm soát thiên địch trên vườn ca cao trước khi thả kiến đen

Thiên địch của kiến đen là các loài kiến khác và kiểm soát chúng là vấn đề mấu chốt trong giai đoạn đầu tiên thiết lập quần thể kiến đen trong vườn ca cao. Để khắc phục vấn đề này có hai cách chính là:

– Đưa ngay từ đầu quần thể lớn kiến đen vào vườn để có thể lấn át kiến đối kháng.

– Dùng bả để làm giảm quần thể kiến khác trước khi đưa kiến đen vào. Bả kiến chuẩn bị bằng cách trộn 1 gói Regent (0,8 g) trong 1 lon sữa đặc có đường. Đựng bả này trong các khay nhựa nhỏ và đặt một số vị trí (phân đều khắp vườn). Kiến ăn bả và khi về tổ sẽ lây dính lên các con khác, đặc biệt là kiến chúa.

Lưu ý: Một tuần trước khi đưa kiến đen vào vườn tất cả bả kiến phải được thu hồi và tiêu huỷ để không ảnh hưởng tới quần thể kiến đen.

3. Thiết lập tổ kiến trên vườn ca cao

Sau 1 tháng khi nhử được kiến tại các vườn có sẵn nguồn kiến đen, các ống có kiến đen được chuyển đến các vườn ca cao đã chuẩn bị nuôi thả kiến (mục 2). Tại các vườn này, các tổ kiến nhân tạo được treo trên cây ca cao, mỗi cây từ 1 – 2 ống.

4. Tạo nguồn thức ăn cho kiến đen

Thức ăn của kiến chủ yếu lấy từ chất thải của rệp (Cataenococcus hispidus). Do đó, trước khi đưa kiến vào vườn ca cao thì rệp phải được nhân nuôi trước nếu không có sẵn. Thông thường rệp có hại đối với cây nhưng khi cộng sinh với kiến sự phát triển mật số lại bị giới hạn để đạt tới ngưỡng hại. Nhân rệp bằng cách đặt rệp vào gần cuống quả ca cao sau đó dùng lá ca cao hoặc giấy báo che tối lại để rệp không bò đi đồng thời che mưa bảo vệ rệp nhỏ. Phương pháp khác là cho rệp cái trưởng thành vào các túi nhỏ bằng vải thưa và gắn gần quả ca cao. Bằng cách này rệp trưởng thành chỉ nằm trong túi nhưng những rệp con sẽ bò ra ngoài được và di trú nơi cuống quả. Nuôi rệp sáp bằng các loại quả như đu đủ, bí đỏ. Các loại quả này được cắt thành từng miếng nhỏ đặt trên cây ca cao nơi có rệp đang sinh sống.

5. Bảo vệ quần thể kiến đen

Kiến đen khá mẫn cảm với các loại thuốc hóa học phòng trừ sâu bệnh. Nếu cần phải phun thuốc trên vườn ca cao nên phun vào sáng sớm hay chiều mát khi kiến còn trong tổ, tránh phun trực tiếp lên tổ kiến.

Cảnh giác bệnh thối trái cacao

Những năm gần đây, cây cacao mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các nông hộ tại huyện Châu Thành. Tuy nhiên, vào thời điểm này, bệnh thối trái trên cây cacao đã gây ảnh hưởng nặng đến năng suất cây trồng.

Bệnh thối trái trên cây cacao do Phythophthora gây ra. Bệnh phát tán mạnh từ 2 nguồn chính là từ đất và từ trái bệnh. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện mùa mưa, ẩm độ cao.

Xã An Khánh có diện tích trồng xen canh cây cacao nhiều nhất huyện, với 334 ha. Đến nay, toàn xã có khoảng 30% diện tích trồng cacao bị nhiễm bệnh thối trái.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Minh, ấp Phước Xuân, xã An Khánh cho biết: “Tôi trồng 7 công vườn xen cacao, nay được 3 năm tuổi và trái rất sai. Ước tính năm nay, tôi có lãi khoảng 20 triệu đồng. Hiện nay, vườn cacao của tôi bị thối trái rất nhiều”.

Cùng cảnh ngộ với ông Minh, anh Đặng Quốc Phong, xã An Khánh, nói thêm: “Tôi trồng 300 gốc cacao. Đến khi gần thu hoạch thì xảy ra hiện tượng thối trái, chiếm khoảng 70 – 80%. Mỗi tháng tôi thu hoạch từ 4 – 5 lần, mỗi lần thu hoạch khoảng 500kg, trong đó thối trái chiếm phân nửa. Tính ra thiệt hại khoảng trên 1 triệu đồng. Mặc dù tôi có xịt thuốc phòng trị nhưng bệnh vẫn không hết”.

Toàn huyện có 2.630 ha trồng xen cacao; trong đó, diện tích cây cacao cho trái là 1.500ha. Hàng năm, huyện cung ứng ra thị trường khoảng 13.500 tấn. Hiện nay, tỷ lệ nhiễm bệnh thối trái trên cây cacao chiếm khoảng 20 – 30% diện tích. Anh Nguyễn Anh Quốc – cán bộ kỹ thuật – Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành cho biết: “Trước tình hình thối trái trên cacao, tôi khuyến cáo bà con một số biện pháp như sau: Chọn giống kháng bệnh, cần tỉa cành, tạo tán thông thoáng; điều chỉnh độ của cây che bóng; tỉa, cắt các trái bị thối, lá bị bệnh đem chôn ở vị trí xa vườn. Ngoài ra, còn có một số loại thuốc hóa học trên thị trường để phòng và trị bệnh thối trái cacao”.

Bệnh thối trái trên cây ca cao đã làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng và thu nhập của bà con. Thiết nghĩ, ngành hữu quan cần nhanh chóng tìm ra giải pháp thích hợp để phòng trị bệnh thối trái cacao, giúp nông dân an tâm sản xuất.

Tg: Phạm Hồng Đức Phước – Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM
Đào Thị Lam Hương, Lê Văn Bốn – Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2014-04-18 15:53:16.

Bài Viết Liên Quan