Theo Trung tâm sản xuất giống nấm và chuyển giao kỹ thuật trồng nấm (Hội Làm vườn tỉnh Tuyên Quang), hiện nay nhiều hộ nông dân trong tỉnh thực hiện chương trình trồng nấm, mộc nhĩ đạt hiệu quả kinh tế, có thêm thu nhập tạo được nhiều việc làm.

Năm 2009, thực hiện chương trình đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn và dân tộc thiểu số do UBND tỉnh giao, Trung tâm đã tổ chức được 2 lớp dạy nghề trồng nấm ăn cho 70 hội viên huyện Hàm Yên và thị xã Tuyên Quang; sản xuất và cung ứng được 588 kg các loại giống nấm sò, mộc nhĩ, nấm rơm cho các gia đình.

mộc nhĩ
Trồng mộc nhĩ ở Tuyên Quang

Chị Nguyễn Thanh Mai, cán bộ Trung tâm sản xuất giống nấm và chuyển giao kỹ thuật trồng nấm cho biết, công việc trồng nấm chủ yếu tận dụng lao động nông nhàn và các phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp, như: Rơm, rạ, mùn cưa, cùi ngô, bã mía. Nấm và các chế phẩm từ nấm là thực phẩm và là dược liệu bảo đảm an toàn vệ sinh, có lợi cho sức khỏe con người. Nhiều hộ nông dân chú tâm làm nấm một năm có thu nhập từ 20 – 30 triệu đồng. Hiện Trung tâm sản xuất giống nấm đang sản xuất 3 loại giống nấm mới, đó là nấm trân châu, nấm đầu khỉ và nấm kim châm. Cùng với chuyển giao kỹ thuật trồng nấm, gần đây Trung tâm đã phổ biến ứng dụng kỹ thuật trồng nấm trên mùn cưa cho nhân dân.

Mùn cưa là nguyên liệu tương đối nhiều ở các vùng nông thôn, tuy nhiên từ trước đến nay, người ta vẫn chủ yếu sử dụng mùn cưa để đun, rất lãng phí. Chính vì vậy Trung tâm áp dụng phương pháp này để phổ biến cho nhân dân. Có nhiều loại mùn cưa khác nhau, nhưng tuyệt đối không dùng mùn cưa mốc, mùn cưa của các loại cây có tinh dầu hoặc của các loại cây độc. Mùn cưa được thu về, cần phơi khô để tránh ẩm mốc và sử dụng lâu dài. Khi bắt đầu ủ mùn, cần phun nước để nâng độ ẩm lên 65 – 70%. Trộn thêm đạm u-rê hoặc đạm sun-phát a-môn với tỷ lệ 0,5 – 1% và đường ca-rô với tỷ lệ 0,5% so với trọng lượng khô của mùn cưa. Các chất này có nhiệm vụ xúc tác cho các hệ vi sinh vật hoạt động mạnh hơn. Ủ mùn cưa thành đống. Mỗi đống khoảng một tạ. Dưới đáy đống ủ nên lót một lớp vật liệu để dễ thoát nước như dát tre, nứa, cót… Nếu ủ ở ngoài trời, nên có ni-lông che mưa. Sau khi ủ 15 – 20 ngày, đảo đống ủ một lần. Thời gian ủ 30 – 45 ngày. Sau đó cho mùn cưa vào các bao tải hoặc cho ngay vào các túi ni-lông chịu nhiệt, khoảng 1 – 1,5 kg mùn cưa/túi. Đưa vào nồi hấp cách thủy để diệt các loại bào tử, vi sinh vật trong đó. Cách đơn giản nhất là hấp trong thùng phuy. Thời gian hấp kéo dài 3 – 4 giờ kể từ lúc nhiệt độ trong lớp nguyên liệu lên tới 95 – 100 độ C…

Khi mộc nhĩ bắt đầu mọc, tưới nước mỗi ngày hai, ba lần (không mở miệng túi để tưới nước vào trong vì sẽ làm túi sũng nước). Cách tưới tốt nhất là dùng bình bơm và phun sương lên mặt túi. Hạt nước nhỏ, đều sẽ tạo ẩm cho cả khu vực và ngấm dần qua vết rạch để vào túi. Lượng nước tưới nhiều hay ít phụ thuộc vào thời tiết. Sau vài ngày, mộc nhĩ đã đạt được kích thước tối ưu thì thu hoạch…

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2015-04-24 21:53:54.

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.