trồng lúa

Bộ NN&PTNT cho biết, năm nay do nền nhiệt độ thời tiết nóng, lạnh xen kẽ kéo dài là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông phát sinh. Hiện nay, gần 60 nghìn héc-ta lúa đông xuân ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, nếu chậm xử lý, thời gian tới có thể gây thành dịch lan ra trên diện rộng.

Bộ NN&PTNT hướng dẫn cách nhận biết như sau: Trên lá, vết bệnh đầu tiên giống vết dầu nhỏ màu xanh tái, sau phát triển thành hình thoi, bầu dục, tròn; rìa vết bệnh có màu nâu đỏ, ở giữa màu bạc trắng; bệnh hại nặng các cổ lá lúa xếp sít nhau, phiến lá bệnh xòe ngang màu vàng đỏ, sau khô trắng, cây lúa lùn xuống. Trên bông, các vị trí khác nhau của bông lúa đều có thể bị bệnh với triệu chứng các vết màu nâu xám hơi teo thắt lại; vết bệnh trên cổ bông xuất hiện sớm bông lúa bị lép trắng hoàn toàn giống sâu đục thân 2 chấm; nếu bệnh xuất hiện muộn khi hạt đã vào chắc sẽ gây hiện tượng gẫy cổ bông làm các hạt bị lửng, lép, giảm 20-70% năng suất lúa cuối vụ. Ở hạt, không định hình, có màu nâu xám hoặc nâu đen; nấm ký sinh ở vỏ trấu và có thể ở bên trong hạt; hạt giống bị bệnh là nguồn bệnh truyền từ vụ này sang vụ khác.

Kinh nghiệm phòng chống bệnh đạo ôn

Việc phòng chống bệnh đạo ôn không khó, nhưng phải thực hiện tốt 2 biện pháp: Bón phân cân đối và thường xuyên thăm đồng phát hiện vết bệnh càng sớm càng tốt.

bệnh đạo ôn
Phòng và trị bệnh đạo ôn hại lúa

Đối với bệnh đạo ôn, hầu như không có vụ lúa xuân nào ở Nghệ An không bị bệnh này gây hại. Vụ xuân 2014, theo Chi cục BVTV Nghệ An toàn tỉnh có gần 2.500 ha lúa bị nhiễm đạo ôn ở hầu hết các vùng đồng bằng, trong đó nhiều cánh đồng bị bệnh đạo ôn cháy lụi. Trời càng âm u, ẩm độ không khí cao, thiếu ánh sáng bệnh đạo ôn càng có cơ hội phát triển mạnh, nhất là ở những giống lúa có sức kháng bệnh kém…

Huyện Quỳnh Lưu trước đây được xem là “thủ phủ” bệnh đạo ôn hại lúa. Ông Nguyễn Hoài Ngọc, nguyên Chủ nhiệm HTXNN Quỳnh Hồng chia sẻ: “Vụ xuân là vụ lúa ổn định nhất, ăn chắc nhất. Nhưng không thâm canh cao thì không có năng suất cao và nếu thâm canh cao thì rất dễ bị bệnh đạo ôn phá hoại làm mất ăn. Vì đạo ôn là bệnh khó tiêu diệt được”.

Ở Quỳnh Lưu mỗi một vụ lúa xuân trước dây bình quân không dưới 800 – 1.000 ha lúa bị nhiễm đạo ôn. Trong đó có ít nhất từ 80 – 100 ha gần như không có thu hoạch. Từ chỗ mất và giảm năng suất lúa quá nhiều do bệnh đạo ôn gây ra, UBND huyện Quỳnh Lưu đã giao Phòng NN-PTNT chịu trách nhiệm điều tra, nghiên cứu, tổng kết nguyên nhân gây bệnh và kinh nghiệm phòng chống bệnh có hiệu quả nhất.

Từ kết quả đó huyện sẽ chỉ đạo UBND các xã, HTX thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống đạo ôn. Sau một thời gian điều tra, nghiên cứu và tổng kết thực tế ở hầu hết các cơ sở, Phòng NN-PTNT Quỳnh Lưu đã đi đến 5 kết luận về nguyên nhân gây bệnh và biện pháp phòng trừ bệnh đạo ôn trên địa bàn huyện như sau:

– Không có giống lúa nào hoàn toàn chống chịu được bệnh đạo ôn, chỉ có nhiễm bệnh nặng và nhẹ khác nhau mà thôi.

– Thời tiết là yếu tố liên quan chặt chẽ nhất với việc phát triển bệnh đạo ôn. Vụ xuân nào trời càng âm u, ẩm độ không khí cao, thiếu ánh sáng càng nhiều thì vụ đó mức độ nhiễm bệnh càng nhiều và ngược lại.

– Thâm canh càng cao và nếu bón phân càng mất cân đối, nặng đạm, nhẹ lân, ít kali thì bệnh đạo ôn càng có cơ hội phát triển mạnh.

– Bệnh đạo ôn phát triển trong các vụ lúa xuân là điều không thể tránh khỏi. Nếu phát hiện bệnh không kịp thời, để bệnh lây lan trên diện rộng thì khó có thể cứu vãn được lúa mà chỉ phun thuốc để hạn chế sự lây lan của bệnh ra quy mô lớn hơn.

– Với bệnh đạo ôn chỉ có biện pháp thường xuyên lội ruộng, thăm đồng phát hiện sớm để chủ động phun phòng trừ ngay khi vết bệnh vừa chớm phát sinh.

Theo ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng NN-PTNT Quỳnh Lưu thì việc phòng chống bệnh đạo ôn không khó. Nhưng muốn làm được việc đó thì phải thực hiện tốt 2 biện pháp quan trọng nhất, đó là: Bón phân cân đối và thường xuyên thăm đồng phát hiện vết bệnh càng sớm càng tốt để chủ động phòng trừ ngay sẽ tiêu diệt triệt để mầm mống của bệnh ngay từ đầu.

Nhằm giúp bà con nông dân làm được việc đó, Phòng NN-PTNT đã phân công mỗi cán bộ kỹ thuật phụ trách một vùng (từ 3 – 4 xã) và cùng cán bộ kỹ thuật các xã tập huấn, hướng dẫn bà con nông dân sử dụng phân bón, cùng ra đồng lội ruộng kiểm tra, phát hiện sâu bệnh tổ chức chỉ đạo phòng trừ ngay. Nhờ đó, vụ lúa xuân 2012-2013 và 2013-2014 ở Quỳnh Lưu gần như sạch bệnh đạo ôn. Trong khi đó, ở nhiều huyện khác, bệnh đạo ôn đang phát triển mạnh…

HTXNN Quỳnh Lâm là nơi được cán bộ kỹ thuật Phòng NN-PTNT Quỳnh Lưu gắn cho cái mác “ổ đạo ôn”, thế mà bây giờ ông Hồ Xuân Quang, Chủ nhiệm HTXNN Quỳnh Lâm cho biết: “Sợ nhất và lo nhất của bà con nông dân ở đây là thiên tai, bão lụt, hạn hán làm mất mùa. Còn bệnh đạo ôn trước đây sợ nhất, còn bây giờ họ có kinh nghiệm siêng thăm đồng, phát hiện sớm phòng trừ ngay là được”.

Từ kinh nghiệm về phòng chống bệnh đạo ôn ở Quỳnh Lưu thật giản đơn, dễ làm, rất có hiệu quả kinh tế, không gây ô nhiễm môi trường. Song vẫn còn nhiều địa phương khác chưa làm được. Trách nhiệm này không riêng gì ở bà con nông dân, mà đó là sự lãnh đạo và chỉ đạo từ trên xuống phải thật sự nghiêm túc và kịp thời.

Các biện pháp phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa

Hiện nay, bệnh đạo ôn đang phát sinh gây hại rải rác trên các trà lúa đông xuân trên địa bàn tỉnh. Theo kết quả điều tra, bệnh đạo ôn có khả năng phát triển mạnh trong thời gian tới. Để chủ động phòng trừ bệnh có hiệu quả, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên giới thiệu về bệnh đạo ôn và cách phòng trừ bệnh.

1. TRIỆU CHỨNG

Bệnh hại ở các bộ phận trên cây nhưng rõ nhất trên lá, cổ bông, đốt thân.

– Trên lá lúa: vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ màu xanh xám nhạt. Về sau vết bệnh lớn dần có hình thoi, rộng ở phần giữa, nhọn ở 2 đầu, ở giữa vết bệnh màu xám tro, xung quanh nâu đậm, phần tiếp giáp với mô khỏe có màu nâu nhạt. Khi bệnh nặng các vết bệnh nối liền nhau làm cho lá bị cháy, nơi bị nhiễm nặng có thể bị cháy rụi hoàn toàn, bộ rễ bị thối và lúa không hồi phục

– Trên đốt thân: vết bệnh màu nâu bao quanh đốt thân làm đốt khô, teo lại. Các đốt thân gần gốc bị mục ra làm cho gốc bị gãy đổ.

– Cổ bông, cổ gié: vết bệnh ban đầu là một chấm nhỏ màu đen đoạn cổ giáp tai lá về sau lớn dần làm cổ bông héo, bông lúa trắng hoặc lép lửng.

– Trên hạt :vết bệnh không định hình, có màu nâu xám. Nấm đen ký sinh ở vỏ trấu và có thể ở bên trong hạt. Hạt giống bị bệnh là nguồn truyền bệnh sang vụ khác.

2. NGUYÊN NHÂN

Bệnh do nấm Pyricularia oryzae gây ra. Nấm tồn tại trên tàn dư cây trồng, lúa chét, cỏ dại. Bào tử thường phát sinh vào ban đêm. Tính gây bệnh thay đổi tùy theo giống và vùng địa lý. Trong điều kiện ẩm độ cao số bào tử mọc ra rất nhiều.

Quá trình gây hại: khi gặp điều kiện thuận lợi về nhiệt độ, ẩm độ nấm sẽ xâm nhập vào cây, nấm tiết ra một số độc tố như axit – picolinic và chất pyricularin có tác dụng kìm hãm hô hấp và phân hủy các enzyme chứa kim loại của cây, kìm hãm sự sinh trưởng của cây lúa. Nấm đạo ôn tồn tại ở dạng sợi nấm, bào tử trong rơm rạ và hạt giống bị bệnh. Ngoài ra nấm còn tồn tại trên ký chủ phụ sinh trưởng phát triển quanh năm. Trong điều kiện khô ráo bào tử có thể sống hơn một năm, sợi nấm sống gần 3 năm nhưng trong điều kiện ẩm ướt chúng không sống sót qua vụ sau.

3. ĐIỀU KIỆN PHÁT SINH VÀ PHÁT TRIỂN

Nhiệt độ không khí 20 – 30 C và ẩm độ trên 92% thích hợp cho bào tử nấm hình thành và nảy mầm. Trong vụ Đông Xuân, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch, trời âm u, có mưa phùn, sương mù liên tục trong nhiều ngày là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá lây lan, phát triển và gây hại nặng. Trong điều kiện khô hạn, ẩm độ đất thấp hoặc ở điều kiện ngập úng kéo dài cây lúa dễ bị nhiễm bệnh. Những chân ruộng nhiều mùn, trũng, khó thoát nước; những vùng đất mới vỡ hoang, đất nhẹ giữ nước kém, khô hạn và những chân ruộng có lớp sét nông rất phù hợp cho nấm bệnh phát triển gây hại.

Phân bón đặc biệt quan trọng với bệnh đạo ôn, ruộng bón thừa đạm thường bị bệnh nặng hơn. Sử dụng đạm Amonium sunfat (SA) quá nhiều, quá muộn hoặc bón vào lúc nhiệt độ không khí thấp và cây còn non đều làm tăng tỉ lệ bệnh. Phân lân ảnh hưởng ít đến mức độ nhiễm bệnh của cây. Ruộng bón thiếu kali sẽ làm bệnh tăng nặng hơn. Ruộng bón cân đối đủ N-P-K thường bị bệnh nhẹ hơn.

Những giống nhiễm bệnh không những là điểm bệnh phát sinh ban đầu mà còn là điều kiện cho bệnh lây lan dễ dàng thành dịch trên đồng ruộng. Một số giống lúa nhiễm bệnh hiện tại trên đồng ruộng Phú Yên: ML202, MTL 250, VND 95-20, ML 4-2, IR 17494, MTU 54-10, OM1490, D98-17, ML48,… Ruộng sạ dày làm ẩm độ trong ruộng tăng cao nên bệnh gây hại nặng hơn. Sạ hàng hay sạ thưa 6-8 kg/sào 500 m2 sẽ làm cho bênh đạo ôn khó phát sinh gây hại.

4. BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

Bệnh đạo ôn là loại bệnh gây hại nghiêm trọng, dễ phát triển nhanh trên diện rộng. Vì vậy để phòng trừ hiệu quả phải điều tra theo dõi phân tích các điều kiện liên quan tới sự phát sinh của bệnh. Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp để phòng trừ bệnh đạo ôn sẽ mang lại hiệu quả cao, trong đó đặc biệt lưu ý:

– Dọn sạch tàn dư rơm rạ và cỏ dại mang mầm bệnh trên đồng ruộng; gieo cấy các giống kháng hoặc chống chịu với bệnh đạo ôn ttrong vùng thường xảy ra bệnh và mức gây hại cao; kiểm tra hạt giống và xử lý giống ở nhiệt độ 54 C (3 sôi, 2 lạnh) trong 10 phút. Mật độ gieo sạ vừa phải và sạ hàng. Bón phân với tỉ lệ cân đối giữa phân chuồng và N:P:K, bón tập trung nặng đầu, nhẹ cuối. Khi bị bệnh đạo ôn không để ruộng khô hạn, không bón phân đạm, không phun các loại phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng.

– Đối với bệnh đạo ôn, cần theo dõi chặt chẽ thời gian lúa vào trỗ. Ruộng đạo ôn lúa đã chữa trị khỏi, ruộng ít nhiều bị bệnh đạo ôn bước vào trỗ đều phải phun thuốc, sau đó đối với ruộng bị nặng, còn vết bệnh thì 7 – 10 ngày sau phải phun thuốc lại một lần nữa. Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi cho đạo ôn cổ bông phát triển gây hại cần phun phòng cho các ruộng gieo sạ giống nhiễm trước khi lúa trỗ 5 – 7 ngày. Dùng các thuốc đặc hiệu để phun trừ bệnh như: Filia, Beam, Fuan, Trizole, Fuzin, Amistar top, Fujione…. với liều lượng và nồng độ theo hướng dẫn trên chai thuốc. Chú ý tuân thủ nguyên tắc 4 đúng khi phun: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách.

 

Originally posted 2014-04-19 06:40:22.

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.