Trang Chủ » Cách bảo quản ngô, bắp sau thu hoạch

Cách bảo quản ngô, bắp sau thu hoạch

3,3K lượt xem
bảo quản ngô

Bảo quản ngô sau thu hoạch

Tháng 10 hằng năm là vụ thu hoạch ngô lớn của nhiều tỉnh phía Bắc. Để giảm tổn thất và duy trì chất lượng sản phẩm thì công đoạn bảo quản sau thu hoạch rất quan trọng. Bà con có thể tham khảo một số cách bảo quản như sau:

Phơi ngô, là cách làm khô cổ truyền đơn giản, dễ áp dụng rộng rãi, đầu tư ban đầu thấp. Có thể phơi cả bắp cho đến khi đạt độ khô cần thiết cho quá trình bảo quản. Trước khi phơi, bắp ngô phải được bóc bỏ hết lá bẹ và râu. Có thể sử dụng lá bẹ để bó nhiều bắp thành túm treo phơi và bảo quản nguyên bắp. Phơi ngô thật khô, kiểm tra bằng cách cắn hay đập thấy hạt vỡ vụn thành các mảnh sắc cạnh, sàng sảy sạch tạp chất và loại bỏ hạt non, hạt lép. Khi đã khô, ngô bắp được bảo quản kín trong 2 lớp bao buộc chặt miệng, lớp trong là bao nhựa, lớp ngoài là bao đay hoặc bao dứa. Xếp các bao ngô ở nơi khô.

Bảo quản ngô trong chum, vại, thùng có nắp kín, bao nhựa buộc kín miệng. Có thể bảo quản bằng vựa 2 lòng (bằng phên hoặc cót). Giữa 2 phên cót lót trấu khô sạch. Nền vựa được lót trấu sạch dày hơn 20cm. Lớp trấu lót được phủ 2 lượt phên, cót hoặc bao tải. Giữa 2 lớp phên, cót, bao tải là lớp vôi cục dày hơn 3cm. Mặt khối ngô được san phẳng. Trên mặt khối ngô phủ một lớp phên cót hoặc bao tải và một lớp vôi cục dày trên 5cm. Có thể bảo quản ngô bằng cách trộn lá xoan, lá cơi, lá trúc đào khô vào ngô khô theo tỷ lệ 1 – 1,5kg lá khô cho 100kg ngô hạt. Khi sử dụng ngô phải sàng sảy sạch các loại lá trên để không gây độc hại cho người và gia súc. Đổ ngô đã trộn lá vào vật chứa như chum, vại sành, thùng kim loại hay thạp gỗ, san phẳng và phủ lên trên mặt một lớp tro bếp khô dày 2-4cm. Bịt miệng bằng giấy bao xi măng hay tấm ni lông và đậy nắp kín.

bảo quản ngô

Bà con dân tộc thu hoạch và bảo quản ngô

Phương pháp mới bảo quản ngô chống nấm mốc

Tiến sĩ Nguyễn Thùy Châu – Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa nghiên cứu thành công giải pháp chống nấm mốc trên ngô một cách hữu hiệu: sử dụng chế phẩm Bacillus Pumillus.

Công nghệ sản xuất chế phẩm: giống được lấy ra từ ống thạch nghiêng cấy vào bình tam giác, lên men lắc 200 vòng/phút ở nhiệt độ 30oC trong 18 giờ rồi lên men sục khí để thu sinh khối. Chế phẩm Bacillus Pumillus có thể dùng trộn (bằng tay hoặc máy) theo tỷ lệ 0,2% với ngô sau khi thu hoạch để bảo quản. Qua thí nghiệm cho thấy, ngô sau khi được trộn chế phẩm có tác dụng ức chế mạnh các loài nấm mốc. So với các phương pháp bảo quản ngô bằng xông hơi, trộn hóa chất… thì dùng chế phẩm sinh học Bacillus Pumillus không làm giảm chất lượng sản phẩm và đặc biệt an toàn với sức khỏe của con người và vật nuôi khi sử dụng. Hiện giá chế phẩm là 200 đồng/kg ngô bảo quản và nếu đưa vào sản xuất đại trà sẽ giảm còn 150 đồng/kg ngô. Đặc biệt, phương pháp này còn phù hợp với quy mô sản xuất nhỏ lẻ hộ gia đình và cả quy mô lớn như trang trại, nhà máy, xí nghiệp.

Kinh nghiệm bảo quản ngô quy mô nông hộ

Trong quá trình bảo quản hạt ngô thường bị một số hiện tượng sau: Bị nhiễm mốc, lên men, sâu mọt, tự bốc nóng. Để tránh hiện tượng trên bà con cần thực hiện theo các bước sau:

+ Bước 1 thu hoạch: Khi ngô đã chín hoàn toàn (tức là sau khi hình thành hạt được 60 – 65 ngày tuỳ theo giống và thời vụ).

+ Bước 2 làm ngô: Sau khi thu hoạch hạt ngô có độ ẩm khoảng 25 – 28%. Đặc biệt khi thu hoạch trong điều kiện thời tiết xấu, độ ẩm hạt có thể lên tới 35%. Ngô cần được làm khô bằng cách như sau:

– Phơi nắng: Ngô có thể phơi cả bắp đến khi đạt độ khô cần thiết cho quá trình bảo quản (ẩm độ hạt 12 – 13%). Trước khi phơi, bắp ngô phải được bóc bỏ hết lá bẹ và râu ngô. Có thể túm lá bẹ thành túm treo khô và bảo quản nguyên bắp. Sân phơi phải khô, sạch, thoáng, dễ thoát nước, nếu sân đất phải lót cót, bạt hoặc tấm nhựa. Ở những vùng trồng nhiều ngô có thể sử dụng kho hong gió để hong khô. Bố trí kho hong gió ở nơi cao ráo, thông gió, bề mặt kho vuông góc với hướng gió chính của vùng mình. Kho thường làm cao 2,5 – 3,5 cm, rộng 1m, sàn kho cách mặt đất trên 60 cm. Thành kho phải thoáng cho gió lùa qua và thường được làm bằng phên che, nứa  đan mắt cáo, hoặc ghép gỗ thưa để không rơi và lọt bắp ngô.

+ Bước 3 tẽ ngô: Là tách hạt khỏi lõi, làm sạch hạt, loại bỏ tạp chất, có thể sử dụng các loại công cụ tẽ ngô đơn giản cầm tay hoặc bán cơ giới.

+ Bước 4 làm sạch và phân loại: Ngô sau khi tẽ cần được làm sạch và loại bỏ các hạt kẹ, hạt sứt vỡ và các tạp chất khác, có thể sàng bằng tay.

+ Bước 5 bảo quản ngô: Để hạn chế tỷ lệ tổn thất trong bảo quản phải có dụng cụ bảo quản thích hợp: Các thùng chứa có nắp kín (chum, vại, thùng…). Kho bảo quản phải khô, sạch, không có mùi lạ, có thể dùng bao nhựa, bao đay hoặc bao tơ dứa. Nơi bảo quản phải khô ráo, thoáng, không bị ẩm dột, có mái che mưa, có biện pháp phòng chống sâu mọt, chuột, được vệ sinh và phun thuốc phòng trừ côn trùng hại kho. Ngô đưa vào bảo quản phải đạt các tiêu chuẩn khô, sạch và có phân loại.

– Bảo quản ngô bắp: Sau khi được làm khô, ngô bắp được bảo quản kín trong 2 lớp bao, lớp trong là túi nhựa, lớp ngoài là bao đay hoặc bao dứa tơ. Các loại bao đều được buộc chặt. Xếp các bao ngô ở nơi khô ráo, có sàn cao cách mặt đất trên 10 cm và cách tường vách trên 30 cm, thoáng đãng, không bị ẩm mốc.

– Bảo quản ngô hạt thương phẩm: Bảo quản trong chum, vại, thùng có nắp kín hoặc bao nhựa buộc kín miệng. Bảo quản trong vựa 2 lòng bằng phên hoặc cót. Giữa 2 lớp phên cót là trấu khô sạch, nền vựa được lót trấu sạch dày hơn 20 cm. Lớp trấu được phủ 2 lớp phên, cót hoặc bao tải, giữa 2 lượt phên, cót, bao tải là lớp vôi cục dày trên 5 cm, bảo quản ngô ở nơi thoáng mát, không ẩm dột.

 

Câu Hỏi Thường Gặp

Bảo quản ngô chống nấm mốc bằng phương pháp nào?

Phương pháp mới bảo quản ngô chống nấm mốc là sử dụng chế phẩm Bacillus Pumillus. Chế phẩm sinh học Bacillus Pumillus không làm giảm chất lượng sản phẩm và đặc biệt an toàn với sức khỏe của con người và vật nuôi khi sử dụng. Đặc biệt, phương pháp này còn phù hợp với quy mô sản xuất nhỏ lẻ hộ gia đình và cả quy mô lớn như trang trại, nhà máy, xí nghiệp.

Bảo quản ngô quy mô nông hộ như thế nào?

Trong quá trình bảo quản hạt ngô thường bị một số hiện tượng sau: Bị nhiễm mốc, lên men, sâu mọt, tự bốc nóng. Để tránh hiện tượng trên bà con cần thực hiện theo các bước sau: Bước: 1 thu hoạch; Bước 2: làm ngô; Bước 3: tẽ ngô; Bước 4 làm sạch và phân loại; Bước 5: bảo quản ngô.

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2014-04-20 00:23:16.

Bài Viết Liên Quan

Viết Bình Luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.