Trang Chủ » Cây đậu phộng dại thay thế rơm phủ thanh long

Cây đậu phộng dại thay thế rơm phủ thanh long

820 lượt xem
thanh long

Những “mâm xôi vàng rực” là tên gọi mà nhiều người vẫn đặt cho loài cây họ đậu này. Bằng chứng là khắp các công viên, vườn hoa, vòng xoay trên đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành (Phan Thiết),… đều được trồng bạt ngàn cây đậu phộng dại. Không chỉ có tác dụng phủ đất, mà chúng còn mang lại sắc xanh, vàng rực cho thành phố. Đặc biệt hơn, đối với vùng đất có diện tích thanh long lớn như tỉnh Bình Thuận, đậu phộng dại là loại cây đang được dùng thay thế cho rơm, phủ gốc thanh long lý tưởng,…

Giải quyết nỗi lo thiếu… rơm

Hiện nay, diện tích thanh long ngày càng được mở rộng, đồng nghĩa với nhu cầu sử dụng rơm để phủ gốc thanh long càng cao. Trong khi đó, nguồn rơm lấy từ ruộng lúa đang cạn kiệt, khiến nông dân vừa thiếu hụt nguyên liệu, vừa chịu chi phí khá lớn để đầu tư mua rơm. Do đó, vấn đề đặt ra là phải tìm nguồn thực vật có khả năng thay thế rơm, có lợi cho đất và hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững. Cây đậu phộng dại đã làm được điều đó.

Đậu phộng dại (cây Hoàng lạc) là một giống họ đậu lâu năm, mọc chậm, tạo thành thảm dày 20 – 30 cm, hoa màu vàng và tạo quả trong đất. Đây là loại cây có thời gian sống lâu dài (từ 1 – 5 năm), khả năng chống xói mòn, khống chế sự phát triển của cỏ dại và để lại nguồn hữu cơ cho đất và cây trồng… Chính vì những lợi thế này, nên những năm gần đây, một số trang trại trồng cây ăn trái trong nước đã áp dụng biện pháp trồng đậu phộng dại, mang lại hiệu quả cao. Kỹ sư Mai Thị Thúy Kiều (Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh), là người rất tâm huyết trong quá trình chuyển giao kỹ thuật trồng cây đậu phộng dại trên địa bàn tỉnh. Theo chị Kiều, 1 trụ thanh long chỉ cần trồng 4 – 5 khóm xung quanh trụ. Sau thời gian trồng 1 – 2 tháng có thể cắt ra để nhân giống tiếp cho những trụ khác (tương tự việc nhân giống khoai lang và rau muống).

Khi đậu phộng dại phát triển được 4 – 5 tháng, sẽ tạo thành một thảm thực vật che phủ toàn bộ vườn thanh long. Đặc biệt trong mùa khô, chủ vườn có thể cắt thân để phủ vào gốc thanh long, vừa chống bốc thoát hơi nước, vừa bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Nếu tính chi phí phủ rơm, trong 1 năm phải thực hiện 2 lần, cộng thêm tiền công lao động, bà con sẽ phải chi phí trên 15 triệu đồng/1.000 trụ. Còn trồng cây đậu phộng dại, nông dân chỉ đầu tư 1 lần (khoảng 5 triệu đồng/1.000 trụ) và khai thác được nhiều năm, vừa cải tạo và che phủ đất. Điều này chứng minh rằng, khả năng và lợi nhuận mang lại từ việc trồng thay thế cây đậu phộng dại cho việc phủ rơm cây thanh long rất lý tưởng.

đậu phộng dại

Cây đậu phộng dại được trồng tại Trang trại thanh long Duy Lan

Cần khuyến khích, nhân rộng mô hình

Để khuyến khích, nhân rộng mô hình trồng đậu phộng trên thanh long, mới đây Chi cục Bảo vệ thực vật, Liên hiệp các hội Khoa học – kỹ thuật và dự án ACP Bình Thuận đã có buổi hội thảo chuyên đề “Trồng cây đậu phộng dại thay thế rơm rạ cải tạo đất, phát triển thanh long bền vững”. Thông qua hội thảo này, đại diện ngành nông nghiệp của các địa phương trong tỉnh được tiếp cận với mô hình. Qua đó nhằm phổ biến, khuyến khích nông dân sớm tìm ra biện pháp lợi thế nhất để phát triển cây thanh long, hạn chế tối đa chi phí đầu tư. Theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài việc cây đậu phộng dại được trồng tại các điểm công cộng để tạo cảnh quan, hiện nay có một số trang trại, hộ gia đình đã trồng đậu phộng dại trên thanh long, đạt hiệu quả cao. Điển hình, theo nhận xét của ông Thái Đức Duy – trang trại Duy Lan (xã Hàm Minh, Hàm Thuận Nam): Trong vùng có trồng đậu phộng dại, bộ rễ thanh long phát triển tốt so với các vườn khác, mặc dù chế độ chăm sóc, bón phân như nhau. Hơn nữa, hoa vàng của đậu phộng dại nở đến 3 giờ chiều là khép lại, tạo điều kiện dẫn dụ ruồi vào bẫy, góp phần hạn chế thiệt hại do ruồi đục quả gây ra. Còn ông Phạm Hữu Trường – Tổ trưởng nhóm thanh long VietGAP Hàm Liêm 1 (Hàm Thuận Bắc) thì cho biết: Đậu phộng dại phủ hết vườn, nên nông dân ít phải làm cỏ. Đặc biệt, đối với thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, yêu cầu về hạn chế tối đa sử dụng thuốc trừ cỏ có thể đáp ứng được.

Lợi ích bước đầu của cây đậu phộng dại, thay thế phủ rơm là điều ít ai bàn cãi. Tuy nhiên, đây là mô hình mới được triển khai và thực hiện trên địa bàn tỉnh, nên nhiều nông dân vẫn còn khá lạ lẫm. Do đó, việc cần làm sắp tới là các đơn vị liên quan cần tiếp tục nghiên cứu về các chỉ tiêu sinh trưởng của thanh long trên vùng đất trồng đậu phộng dại… để mô hình ngày càng được nông dân tin tưởng, nhân rộng.

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2014-04-18 10:41:15.

Bài Viết Liên Quan