dược thảo

Dược thảo điều trị thần kinh suy nhược

Thần kinh suy nhược là một loại bệnh thuộc phạm vi rối loạn chức năng thần kinh, có các triệu chứng chính là nhức đầu, mất ngủ, khi ngủ hay mơ mộng, váng đầu, hoa mắt, trí nhớ giảm sút, đau lưng và các triệu chứng thứ yếu như hồi hộp, tim đập mạnh, hoảng hốt, kém ăn, tinh thần mỏi mệt. Bệnh có thể gặp ở các lứa tuổi khác nhau nhưng thường gặp nhiều hơn ở người cao tuổi.

Những dược thảo và bài thuốc chữa các triệu chứng thần kinh suy nhược

Dưới đây là một số dược thảo thường dùng có tính vị công năng khác nhau, dùng riêng hay phối hợp trong những bài thuốc để chữa các triệu chứng thần kinh suy nhược.

1. Lá vông nem

Hái lá bánh tẻ, dùng tươi hoặc phơi hong gió trong bóng râm. Lá vông nem có tác dụng an thần, chữa mất ngủ. Ngày dùng 12-20g lá tươi sắc lấy nước uống, hoặc nấu canh lá vông non với lá dâu non ăn cho dễ ngủ, khỏi trằn trọc, nhức đầu, chóng mặt.

lá vông nem
Hình ảnh lá vông nem

2. Toan táo nhân

Nhân hạt táo chua sao, vị ngọt, tính bình, có tác dụng an thần, chữa khó ngủ, giảm sút trí nhớ. Ngày dùng 8-12g phối hợp với các vị khác. Nếu dùng nhân hạt táo sống thì không gây ngủ.

Chữa kinh sợ hồi hộp, khó ngủ, hay nằm mê, hoảng hốt, dùng nhân hạt táo chua sao, sinh địa, thảo quyết minh sao, mạch môn, long nhãn, hạt sen, mỗi vị 12g, sắc uống hoặc tán bột làm viên với mật ong, uống mỗi ngày 20-25g.

3. Trắc bá

Quả trắc bá vị ngọt, tính bình, có tác dụng an thần. Chữa mất ngủ, hay quên, hồi hộp, kinh sợ, ra nhiều mồ hôi, dùng quả trắc bá 20g, nhân hạt táo chua sao đen, thảo quyết minh sao, mạch môn, long nhãn, hạt sen, mỗi vị 10g, sắc uống ngày một thang.

4. Long nhãn

Cùi quả nhãn sấy khô có vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ huyết, chữa thần kinh suy nhược, giảm trí nhớ, khó ngủ. Uống lâu thì tinh thần minh mẫn, khoan khoái, trẻ lâu, dùng trong bài thuốc gồm long nhãn, hạt sen, quả dâu, sinh địa, đương quy, mỗi vị 10g, sắc uống ngày một thang.

5. Hà thủ ô đỏ

Thường dùng củ hà thủ ô đỏ chế với đỗ đen như sau: đỗ đen giã nát cùng ngâm với hà thủ ô đã thái miếng trong một đêm, sáng đem đồ lên rồi phơi nắng, đến đêm lại ngâm với đỗ đen, ngày lại đồ và phơi, làm như vậy 9 lần. Rễ củ hà thủ ô đỏ có vị đắng, tính mát. Dùng để chữa thần kinh suy nhược, thiếu máu, hồi hộp, chóng mặt, ù tai, hoa mắt, dùng hà thủ ô đỏ 12-20g sắc hay tán bột uống. Hoặc dùng bài thuốc gồm: hà thủ ô đỏ, sinh địa, huyền sâm, mỗi vị 20g, sắc uống; Hay hà thủ ô đỏ 20g, đại táo 20 quả, ngưu tất 10g sắc uống ngày một thang.

6. Bách hợp

Là loại cỏ nhỏ sống lâu năm, mùa xuân mọc chồi cao dưới 1m, thân hành màu trắng đục, có khi phớt hồng, gần như hình cầu, vảy nhẵn và dễ gãy. Thân cứng màu lục bóng, có khi điểm lẫn màu đỏ, nhẵn. Lá mọc so le, hình mác. Hoa mọc đầu cành gồm 2-6 hoa lớn hình loa kèn, các mảnh ngoài màu đỏ hay lục, các mảnh trong đốm đỏ, mép vàng. Ðến đầu thu khi cây bắt đầu khô héo, đào lấy củ rửa sạch, bóc ra từng phiến vảy, nhúng nước sôi trong 5-10 phút rồi sấy khô. Bách hợp vị ngọt, tính bình có tác dụng dưỡng tâm, an thần. Dùng để chữa thần kinh suy nhược, tâm phiền, mất ngủ, dùng riêng bách hợp 8-20g, hoặc dùng bài thuốc gồm bách hợp, mạch môn, sinh địa, mỗi vị 20g, tâm sen sao 5g, sắc uống.

bách hợp
Hình ảnh về cây hoa bách hợp

7. Tâm sen, hạt sen

Tâm sen vị đắng, tính lạnh, có tác dụng thanh tâm, an thần. Chữa tim đập nhanh, khó ngủ, ngủ mê thấy mộng, dùng tâm sen 2-3g sắc hoặc hãm lấy nước, hòa thêm đường uống cho đỡ đắng.

Hạt sen già bóc vỏ, bỏ tâm sen (liên nhục) có vị ngọt, hơi chát, tính bình. Tác dụng an thần, bổ tỳ, uống lâu thì thêm thọ, tinh thần minh mẫn. Dùng để chữa suy yếu mệt mỏi, mất ngủ, giảm sút trí nhớ, thở ngắn hơi, dùng bài thuốc gồm gạt sen 16g, sâm bố chính 12g, hoài sơn 12g, tán bột, trộn với mật ong làm viên, uống mỗi ngày 20-30g. Hoặc dùng hạt sen, củ mài với long nhãn, nấu chè ăn.

8. Khiếm thực

Khiếm thực là nhân hạt phơi sấy khô của cây khiếm thực, nhập của Trung Quốc, có tác dụng an thần làm trấn tĩnh. Dùng để chữa thần kinh suy nhược, đau nhức dây thần kinh, đau lưng, dùng bài thuốc gồm khiếm thực và quả kim anh (đã bỏ hạt có độc, lấy vỏ bao quả ở ngoài, đốt cho cháy hết lông gai, sao giòn) 2 vị với lượng bằng nhau, tán nhỏ, trộn với mật ong làm thành viên. Mỗi lần uống 3-5g với nước nóng, ngày 3 lần.

9. Củ súng

Là củ phụ xung quanh rễ củ chính của cây súng, có vị đắng chát, tính mát, dùng chữa thần kinh suy nhược, dùng bài thuốc gồm củ súng và quả kim anh (được sơ chế như trên). Quả kim anh 2kg được nấu thành cao mềm, trộn với 1kg bột củ súng và mật ong làm thành viên, mỗi lần uống 5g, ngày 3 lần.

10. Lá dâu tằm

Lá dâu tằm vị đắng ngọt, tính mát. Ðược dùng trong các bài thuốc chữa thần kinh suy nhược sau:

a. Lá dâu tằm non (đồ chính phơi khô) 500g, thục địa 1kg, vừng đen 500g, hạt sen già 150g, lá vông nem 100g. Tán nhỏ, trộn với mật ong làm viên hoàn to bằng quả táo ta. Mỗi lần uống 1 viên hoàn, ngày 2 lần vào sáng sớm và tối lúc sắp đi ngủ.

b. Lá dâu khô 1kg, mật ong 1,1kg, vừng đen 500g. Lá dâu bánh tẻ phơi khô trong bóng râm, vò bỏ sống lá, cùng với vừng đen tán nhỏ, trộn mật ong, làm viên hoàn to bằng quả táo ta. Ngày uống 15 viên, sau giảm xuống 10 viên.

Originally posted 2014-04-18 00:27:42.