Trang Chủ » Kinh nghiệm ghép dưa hấu trên gốc bầu nhiều lợi ích

Kinh nghiệm ghép dưa hấu trên gốc bầu nhiều lợi ích

1,3K lượt xem
trồng dưa hấu

Ấp 6 – xã Thạnh Phong (Thạnh Phú – Bến Tre) là vùng đất cát cồn nên rất thuận tiện cho việc phát triển các loại cây hoa màu, đặc biệt là dưa hấu. Chị Trần Thị Đèo, ở ấp 6 xã Thạnh Phong, cho biết: “Những năm gần đây, nông dân ở ấp 6 trồng dưa hấu đạt hiệu quả kinh tế cao là nhờ kỹ thuật ghép cây dưa hấu trên gốc bầu”.

Theo chị Đèo, kỹ thuật ghép dưa hấu khá đơn giản. Trước tiên, chúng ta gieo hạt bầu làm gốc ghép và hạt dưa hấu làm ngọn ghép. Hạt bầu có thể dùng các loại bầu sao, bầu dài, bầu eo… Hạt bầu được ủ cho lên mầm rồi gieo vào bầu đất cát, bao nhựa có kích thước 10 – 12cm x 8cm. Xếp và đặt các bầu gốc ghép ở chỗ có nhiều ánh nắng, hàng ngày tưới nhẹ vừa đủ ẩm cho cây mọc đều, thân to, mập và khỏe. Khi thấy cây bầu có 2 lá mầm thì ngâm ủ hạt dưa hấu rồi gieo rải ra trên khay (có chứa trấu đã đãi sạch và ngâm nước cho mềm). Rải hạt dưa hấu xong thì phủ tiếp một lớp trấu mềm, dày 2 – 3 cm, rồi để vào chỗ tối cho hạt nhanh nẩy mầm. Khi thấy cây dưa hấu bắt đầu có 2 lá mầm, cây bầu đã có 1 lá thật thì tiến hành ghép.

Kỹ thuật ghép: Dùng lưỡi dao lam sắc cắt bỏ ngọn cây bầu phía trên 2 lá mầm khoảng 2mm, đồng thời cắt xiên lấy ngọn dưa hấu cách 2 lá mầm khoảng một cm về phía dưới. Dùng một chiếc ghim tre vót hơi dẹp nhọn xiên chéo sát bên lá mầm cây bầu khoảng 4 – 5mm rồi cắm ngọn cây dưa vào đó. Chú ý đường kính cây ghim tre chỉ lớn vừa bằng thân cây dưa hấu khi để vào để chúng tiếp hợp tốt thì tỷ lệ ghép sống mới cao, đồng thời khi đặt ngọn dưa hấu vào ghép phải chọn sao cho hai lá mầm của ngọn dưa hấu nằm chéo hình chữ thập với hai lá mầm gốc bầu. Sau đó, các bầu cây đã ghép được đặt trong trại che kín gió 2 – 3 ngày.

Hàng ngày, tưới nhẹ, giữ đủ ẩm cho ngọn dưa hấu không bị héo. Khi cây dưa hấu đã liền sẹo, vén mái che kín dần dần lên để đưa cây ra thích nghi với ánh sáng và nắng cho đến khi có 2 – 3 lá thật thì đem ra ruộng trồng. Thời gian từ ngâm ủ hạt cho tới khi bầu dưa hấu đạt tiêu chuẩn trồng khoảng 18 – 20 ngày. Chỉ nên ghép vào lúc trời mát, không mưa, và cứ ghép 5 – 10 cây thì nhúng dao lam, ghim tre vào dung dịch Benlat 1% để khử trùng, tránh nhiễm khuẩn từ cây này sang cây khác trong khi ghép. Với kỹ thuật ghép này, mỗi ngày, chị Đèo có thể ghép được khoảng 2.000 – 2.500 cây dưa hấu giống, với giá 200 đồng/cây chị thu được khoảng 400 – 500 ngàn đồng/ngày.

Chị Đèo và bà con nông dân trong ấp cho biết thêm: Những năm gần đây, nhờ kỹ thuật ghép cây dưa hấu trên gốc cây bầu, nên dưa hấu trồng rất hiệu quả. Nếu giá dưa hấu từ 5.000 – 6.000 đồng/kg thì sau khi trừ các khoản chi phí, người trồng dưa hấu có lãi từ 9-10 triệu đồng/1.000 m2.

Ghép dưa hấu lên gốc bầu – Bí quyết giữ ruộng dưa sạch bệnh

Từ nhiều năm nay, bệnh héo rũ dưa hấu do nấm Fusarium đã trở thành nỗi ám ảnh của người trồng dưa ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhiều người chọn giải pháp ưu tiên là phun thuốc bảo vệ thực vật và thay đổi đất trồng khi không còn cách cứu vãn. Nhưng có người lại chọn giải pháp ghép dưa hấu lên gốc bầu để kháng bệnh chạy dây, nhờ vậy không cần “chạy đồng” để thay đổi đất sau mỗi vụ.

GHÉP DƯA HẤU LÊN GỐC BẦU

Từ nhiều năm nay, cứ gần đến Tết, ông Nguyễn Văn Long, quê ở Tiền Giang lại lên An Ngãi, huyện Long Điền thuê đất trồng dưa hấu bán Tết. Khác với nhiều người, ông Long chỉ thuê đất cố định một chỗ để trồng dưa. Theo nhiều người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề trồng dưa, cách làm này rất dễ bị thất bại do dưa bị bệnh. Nhưng thật bất ngờ, những năm dưa hấu bị thất mùa do bị chạy dây (bệnh héo dây) thì ruộng dưa của ông Long vẫn xanh tốt, không một dây dưa nào bị bệnh, thậm chí cho năng suất rất cao, bình quân mỗi năm ông thu hoạch từ 40 – 45 tấn dưa/ha, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi trên 100 triệu đồng. Bí quyết của ông Long là dùng giống dưa hấu ghép lên gốc bầu, trước khi xuống giống ông đã cùng vài người khác thuê hẳn một nhân công từ Long An lên chuyên ghép ngọn dưa vào gốc bầu. Theo nhiều người trồng dưa hấu, đa phần các hộ trồng dưa lại là những người đi thuê đất nên tâm lý chung là ít đầu tư, khi đất bị nhiễm bệnh họ chỉ cần bỏ đất và đi thuê đất nơi khác là tránh được bệnh này. Ngoài ra họ cũng ít chọn phương pháp ghép vì sợ tốn công và tăng chi phí.

Theo tính toán của ông Long, chi phí ươm bầu và ghép ngọn dưa đến khi đem trồng tốn khoảng 1.500 đồng/cây con giống, chi phí này cao hơn cách làm bình thường không ghép khoảng 900 đồng/cây. Nếu tính ra trên 1 ha chi phí tăng thêm từ 7,2 – 8 triệu đồng, nhưng chắc ăn vì dưa hấu kháng hoàn toàn bệnh chạy dây, năng suất ruộng dưa cao hơn trước đây từ 6 – 7 tấn/ha do gốc bầu mạnh, hấp thu nhiều dinh dưỡng hơn. “Điều quan trọng là trồng theo cách này, người trồng dưa hoàn toàn yên tâm với bệnh chạy dây do nấm Fusarium hoành hành như hiện nay. Nhờ vậy, bảo tồn được đồng vốn, luôn có lãi hơn so với cách trồng dưa hấu không ghép” – ông Long khẳng định.

DỄ LÀM, HIỆU QUẢ CAO

Theo hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư: Cách ghép dưa lên gốc bầu rất đơn giản, người trồng dưa chỉ cần tham gia một lớp tập huấn ngắn hạn là có thể ghép được. Điều quan trọng là phải chịu khó thực hành để quen tay và mạnh dạn đầu tư. Nếu bà con tự ghép chi phí này sẽ thấp hơn nhiều.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, dưa hấu là cây trồng rất nhạy cảm với dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh: héo dây, thối rễ…, dẫn đến thất thoát lớn và mất thu nhập. Dưa trồng trên những chân đất đã có mầm bệnh nếu cứ tiếp tục trồng mầm bệnh tích lũy trong đất ngày càng cao, tỷ lệ dưa bị thiệt hại do bệnh tăng lên đến 60 – 70%. Vì vậy, muốn dưa hấu đạt được kết quả cao cần chú ý chọn giống kháng bệnh, chọn thời điểm xuống giống thích hợp, nắm vững quy trình chăm sóc, đặc biệt phải ghép trên gốc bầu để kháng bệnh héo dây chứ không cần phải thay đổi đất như cách suy nghĩ của nhiều người. Ngoài ra, thị trường dưa hấu hiện nay rất chú trọng đến sản phẩm sạch, do vậy cũng phải tổ chức sản xuất theo quy trình GAP… để sản phẩm sản xuất ra đáp ứng nhu cầu thị trường, cũng như đạt chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Làm dưa hấu tháp bầu

Tháp bầu là ghép trên gốc cây bầu, cho hiệu quả cao. Việc sử dụng biện pháp kỹ thuật ghép trên gốc của một số họ bầu, bí… nói chung, sẽ phòng ngừa được bệnh chết héo do nấm Fusarium gây ra một cách hữu hiệu. Với cách làm cũng đơn giản, bà con có thể tự sản xuất giống dưa hấu tháp bầu.

Trước hết chọn cây làm gốc ghép trên gốc cây “bầu sao” vì có ưu điểm: tăng trưởng mạnh, thích nghi rộng, dễ để giống. Còn cây dưa làm giống tuỳ theo sở thích, điều kiện, thực tế sản xuất của từng địa phương mà chọn giống dưa cho phù hợp.

Có thể ghép nêm chẻ ngọn hoặc ghép áp chẻ thân… Bà con nên chọn cách ghép ngọn dễ làm hơn.

Trước hết hãy ủ hạt bầu cho lên mầm rồi gieo và bầu đất có kích thước 12x 8-9cm. Đặt bầu ở chỗ có nhiều nắng, hàng ngày tưới nhẹ (vừa đủ ẩm) để cây mọc đều, thân to, mập, khoẻ. Khi cây bầu có hai lá mầm, tiến hành ngâm ủ hạt dưa hấu, rồi cho trấu (đã đãi sạch, ngâm nước cho mềm) vào 2/3 chiều cao của rổ tre, rải hạt dưa đã nảy mầm lên trên và phủ thêm lớp trấu dày 2-5cm, để vào chỗ ít ánh sáng để thân mầm của dưa mọc dài và chậm mở lá mầm. Khi cây bầu ra được lá đầu tiên và cây dưa chưa mở hai lá mầm, tiến hành ghép: dùng lưỡi dao sắc, mỏng, cắt ngọn cây bầu, chừa lại hai lá mầm, dùng ghim tre nhỏ vót nhọn, ghim vào ngọn cây bầu, tạo lỗ sâu 5- 7mm. Sau đó dùng lưỡi lam cắt lấy ngọn cây dưa cách hai lá mầm khoảng 1cm về phía dưới. Rút ghim ra khỏi ngọn cây bầu rồi nhanh chóng gắn ngọn cây dưa vào. Ghép xong đặt bầu cây ở nơi kín gió, có mái che trong 2- 3 ngày. Tưới nhẹ giữ đủ ẩm cho cây để ngọn dưa không bị héo. Khi ngọn dưa đã gắn hoàn toàn với gốc bầu, đưa cây ra nắng. Khi cây dưa tháp bầu đã ra lá thật đem đi trồng.

Thời gian từ lúc ngâm ủ hạt đến khi bầu dưa đạt tiêu chuẩn đem trồng là khoảng 18- 22 ngày. Nên tiến hành ghép dưa vào lúc sáng sớm, hay chiều mát, những ngày mát trời, không mưa…

 

Câu Hỏi Thường Gặp

Kỹ thuật ghép dưa hấu trên gốc bầu như thế nào?

Dùng lưỡi dao lam sắc cắt bỏ ngọn cây bầu phía trên 2 lá mầm khoảng 2mm, đồng thời cắt xiên lấy ngọn dưa hấu cách 2 lá mầm khoảng một cm về phía dưới. Dùng một chiếc ghim tre vót hơi dẹp nhọn xiên chéo sát bên lá mầm cây bầu khoảng 4 - 5mm rồi cắm ngọn cây dưa vào đó. Chú ý đường kính cây ghim tre chỉ lớn vừa bằng thân cây dưa hấu khi để vào để chúng tiếp hợp tốt thì tỷ lệ ghép sống mới cao, đồng thời khi đặt ngọn dưa hấu vào ghép phải chọn sao cho hai lá mầm của ngọn dưa hấu nằm chéo hình chữ thập với hai lá mầm gốc bầu. Sau đó, các bầu cây đã ghép được đặt trong trại che kín gió 2 - 3 ngày.

Ưu điểm làm dưa hấu tháp bầu là gì?

Tăng trưởng mạnh, thích nghi rộng, dễ để giống. Còn cây dưa làm giống tuỳ theo sở thích, điều kiện, thực tế sản xuất của từng địa phương mà chọn giống dưa cho phù hợp.

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2014-04-18 09:07:50.

Bài Viết Liên Quan