Trang Chủ » Nông nghiệp Israel, nhìn mà thèm

Nông nghiệp Israel, nhìn mà thèm

703 lượt xem
“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Nước đứng hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam và … “ơn trời mưa xuống”, người nông dân chỉ trông chờ vào bàn tay điều khiển của thiên nhiên. Có rất nhiều vùng đất, nhất là miền Trung, Tây Nguyên, luôn bị hạn hán, cây trồng chết khô vì khát nước, cả nông dân lẫn nhà khoa học chỉ biết … than trời!
Cũng là nước trong nông nghiệp, nhìn sang Israel mà... khát khao!

Nông nghiệp Israel

Một thế kỷ trước, Israel đã được nhà văn Mark Twain miêu tả là vùng đất cằn cỗi khắc nghiệt. 95% diện tích Israel bị xếp vào nhóm bán khô hạn, khô hạn hoặc rất khô hạn.
Lịch sử Israel ghi nhận cú nhảy vọt đầu tiên vào nông nghiệp ngay từ thời lập quốc, trung tâm là các nông trang. Các nông trang Israel đã áp dụng hiệu quả phương pháp khử mặn đất, phát minh công nghệ tưới nhỏ giọt, nuôi cá trên sa mạc khắc nghiệt… Ngày nay, những nông trang chiếm chưa đến 2% dân số Israel song sản xuất tới 12% lượng hàng hóa xuất khẩu của cả nước.
Đặc biệt, Israel giải quyết được sự thiếu nước, biến nước thành tài sản, đang dẫn đầu thế giới về tái chế nước thải, hơn 70% lượng nước được tái chế, gấp 3 lần quốc gia đứng thứ hai Tây Ban Nha.
Chuyện kể rằng, năm 1965, một kỹ sư thủy lợi đến một nông trang với ý tưởng cho một phát minh mới: Công nghệ tưới nhỏ giọt. Đây là kỹ thuật tưới nước vào rễ cây dưới dạng các giọt nước nhỏ ra chậm với lưu lượng không đổi, tiết kiệm 30- 60% lượng nước so với tưới thông thường, nước và phân bón được chuyển đến bộ rễ một cách tích cực, giúp cây hấp thụ tốt, hạn chế tối đa lãng phí nước. Hiện nay, Netafim- công ty toàn cầu về kỹ thuật tưới tiêu nhỏ giọt- đang cung cấp thiết bị cho 110 quốc gia trên thế giới. Chính bầu Đức đã mua công nghệ này để tưới cho những vườn cao su tại Lào, Campuchia.
Chuyện nuôi cá trên sa mạc cũng đáng khâm phục. Khi đào giếng sâu gần nửa dặm, người Israel phát hiện nguồn nước ấm mặn. Một giáo sư đại học chỉ ra đây là nguồn nước hoàn hảo để nuôi cá nước ấm. Các nông trang bơm nước nóng 37 độ vào trong bể, nuôi cá thương mại. Nước chứa chất thải của cá được tưới cho rau, cây ăn quả. Nhờ vậy, nước được sử dụng tới 2 lần thay vì dùng 1 lần rồi bỏ.
Nhiều kinh tế gia bình luận: Sự “trỗi dậy” của nông trang một phần do những đột phá của công nghệ vào nông nghiệp được các nông trang, trường đại học ở Israel thực hiện. Israel làm nông nghiệp với phương thức “95% khoa học + 5% lao động”, biến những cái không thể thành có thể.

Print Friendly, PDF & Email

Bài Viết Liên Quan

Viết Bình Luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.