sâu bệnh hại ngô

Trừ sâu đục thân ngô vụ hè

Hiện nay, nhiều diện tích ngô trồng tập trung vụ hè trên địa bàn tỉnh đang bị sâu đục thân phá hại mạnh.

Tình trạng sâu phá hoại khiến nông dân phải bẻ ngô non bán chạy khi hạt mới vừa đông sữa, vì phun đủ các loại thuốc mà sâu không chết.

Trước tình hình trên, nông dân cần tìm hiểu và nhận biết được tập tính, quy luật phát sinh và các biện pháp phòng trừ loài sâu bệnh hại ngô này ở các vụ ngô trong năm.

– Tập tính: Trưởng thành vũ hóa và đẻ trứng trên các lá bánh tẻ, gần nõn. Trứng đẻ thành ổ, trung bình 60-70 quả/ổ. Đối với thời tiết vụ hè chỉ 2-3 ngày sau đẻ là trứng nở. Sau nở một thời gian ngắn sâu non nhanh chóng xâm nhập vào các bộ phận của cây như lá nõn, cờ ngô, râu ngô, nách lá. Sâu còn nhỏ thường ăn lá nõn hoặc cắn thủng lá nõn. Cho nên, khi lá nõn phát triển vươn dài ra ngoài sẽ để lại hàng lỗ dài nằm ngang phiến lá. Nếu sâu nở đúng lúc trỗ cờ thì sâu có thể ăn vào bao cờ rồi đục vào cuống cờ từ trên xuống dưới làm cờ gãy gục, hoa phấn khô héo. Đây là những đặc điểm dễ nhận biết nhất trên cây ngô bị sâu đục thân gây hại để nông dân quan sát, tính toán và áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu hiệu quả, kết hợp với việc quan sát, theo dõi bướm lúc vũ hóa. Tốt nhất, nên diệt sâu lúc này vì từ tuổi 3 trở đi, sâu sẽ đục chui vào thân và bắp non nên rất khó trừ.

sâu bệnh hại ngô
Phòng trừ sâu bệnh hại ngô

– Quy luật phát sinh gây hại: Sâu đục thân ngô xuất hiện trong cả năm nhưng phát sinh và gây hại nhiều nhất vào các tháng trong mùa hè và mùa thu (vì 2 vụ ngô này độ ẩm và nhiệt độ thích hợp nhất cho sâu phát triển). Vì vậy, khi trồng ngô ở vụ hè và vụ thu trong năm, nông dân cần theo dõi, thăm đồng thường xuyên nhất là khi ngô xoáy nõn (sắp trỗ cờ) để có những biện pháp tác động tích cực cũng như phòng trừ sâu có hiệu quả cao.

Biện pháp phòng trừ:

+ Gieo trồng ngô tập trung thành những vùng sản xuất lớn (quy vùng). Không nên trồng liên tiếp các vụ ngô trên cùng một chân ruộng, vùng sản xuất.

+ Ngô vụ thu nên gieo từ hạ tuần tháng 8 đến đầu tháng 9. Nếu gieo sớm trong tháng 7 thì phải phòng trừ sâu kịp thời, hiệu quả nhất là lúc ngô xoáy nõn.

+ Trong quá trình chăm sóc ngô, nhất là ngô nếp nên tăng cường bón phân hữu cơ, phân kali giúp cây cứng chắc, không nên bón thừa đạm để ngăn chặn sâu xâm nhập, phá hại.

+ Nên chọn các giống ngô chống chịu được sâu đục thân, nhất là khi trồng ngô nếp vụ hè và vụ thu.

+ Theo dõi sâu trưởng thành từ lúc vũ hóa để kịp thời ngắt bỏ ổ trứng khi chưa đến ngưỡng phun trừ (ổ trứng sâu đục thân ngô có các quả trứng xếp liền với nhau như vảy cá).

+ Không nên lạm dụng thuốc hóa học để phun cho ngô ngay từ đầu vụ nhằm bảo vệ và duy trì lượng thiên địch có trong ruộng ngô, nhất là loài ong mắt đỏ.

– Biện pháp hóa học: Nếu mật độ sâu ở lứa đó cao, cần phải xử lý bằng thuốc hóa học thì nông dân cần chú ý:

+ Theo dõi, quan sát chặt chẽ pha bướm kể từ lúc vũ hóa để biết được mật độ và tính được thời gian trứng nở thành sâu non tuổi 1, kết hợp với việc quan sát hàng lỗ thủng trên lá nõn khi vươn xòe ra. Có thể rắc từ 1-2 hạt thuốc trừ sâu Vibasu 10H hoặc Diazan 10H vào các nõn ngô. Cách làm này sẽ trị được sâu khi tuổi còn nhỏ đang nằm trên nõn chưa chui xuống thân.

+ Lúc ngô xoáy nõn (là thời điểm bướm sâu tập trung đẻ trứng), tốt nhất nên sử dụng thuốc trừ sâu thế hệ mới của Syngenta có tên Voliam Tago 063SC. Thuốc này hiệu lực trừ sâu đục thân ngô rất cao, đồng thời còn có hiệu lực cao để trừ sâu xanh da láng- một loài sâu rất khó trị do kháng thuốc cao. Sử dụng bằng cách: hòa 1 lọ thuốc Voliam Tago vào bình 18 lít hoặc 2 bình 12 lít phun đều lên toàn bộ thân, lá cây ngô. Nếu mật độ sâu cao, phun lại lần 2 lên toàn bộ các bộ phận trên cây  khi ngô phun râu  với liều lượng như trên.

Originally posted 2014-04-20 00:21:58.

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.