Trang Chủ » Sóng Thần: Những cột mốc đau thương

Sóng Thần: Những cột mốc đau thương

490 lượt xem
sóng thần

Thảm họa sóng thần và những loại hình thiên tai khác luôn được ví như những cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Nó không chỉ gây thiệt hại về tài sản, vật chất, mà còn cướp đi rất nhiều sinh mạng vô tội. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần biết về thiên tai này.

1. Sóng thần là gì

Sóng thần còn được biết đến bằng một từ trong tiếng Nhật là “tsunami”. Hiện tượng này xảy ra khi một lượng lớn thể tích nước ở đại dương bị di chuyển chớp nhoáng. Từ đó nó tạo ra một loại những cơn sóng liên tục.

Những nguyên nhân gây ra hiện tượng sóng thần có thể là do động đất và những sự dịch chuyển lớn của tầng địa chất; núi lửa phun trào; lở đất,… kể cả bên trên hay dưới mặt nước. Bên cạnh đó, sự va chạm của thiên thạch vào trái đất cũng có thể là một nguyên nhân tạo thành sóng thần.

Hậu quả mà những cơn thảm họa sóng thần để lại là vô cùng to lớn. Ngoài thiệt hại về vật chất, nó còn giết chết hàng trăm, hàng nghìn người mỗi khi ập vào đất liền.

2. Đặc điểm của sóng thần

Sóng thần thường chứa một nguồn năng lượng vô cùng lớn; với tốc độ di chuyển tương đối nhanh. Những cơn sóng này có khả năng đi băng qua những khoảng cách lớn giữa các vùng biển và đại dương mà ít bị suy giảm năng lượng.

Một trận thảm họa sóng thần có thể làm có bờ biển cách nơi trận sóng đó sinh ra hàng nghìn kilomet bị hủy hoại tan hoang. Tuy vậy, khá khó để nhận ra một đợt sóng thần. Vì thông thường, một cơn sóng thần trên đại dương có chiều cao không quá 1 m. Phần còn lại di chuyển ngầm dưới mặt nước biển. Vì thế mà những người đi tàu trên biển thường không nhận ra chúng.

Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, tốc độ di chuyển trung bình trên đại dương của các con sóng là khoảng 500 dặm mỗi giờ. Vào đến đất liền, đáy biển không còn sâu như ở ngoài đại dương, làm con sóng không thể di chuyển nhanh như ban đầu được. Do đó mà khoảng cách giữa các con sóng thu ngắn lại; khiến chúng xếp chồng lên nhau và bị dựng cao lên. Nó có thể cao bằng một tòa nhà 6 tầng hoặc thậm chí còn hơn thế nữa.

3. Dấu hiệu nhận biết sóng thần

Sóng thần rất khó để nhận thấy từ ngoài biển khơi; vậy làm sao để nhận biết nó khi đang ở trong đất liền? Bên cạnh những cảnh báo từ phía các cơ quan quan sát, dự báo, dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy sắp có một trận sóng thần ập đến:

  • Động đất. Đây là một trong những dấu hiệu thường thấy nhất trước khi có một cơ sóng thần xảy đến. Đặc biệt là khi động đất mạnh đến mức không thể đứng vững được nữa.
  • Mặt nước biển có hiện tượng sôi sục, với các bong bóng khí liên tục nổi lên. Kèm theo đó là làn sóng nước ấm nóng bất thường; có mùi như trứng ung hoặc mùi của xăng dầu. Khi chạm vào, làn nước khiến cho da bị nổi mẩn đỏ, gây ngứa ngáy cơ thể.
  • Có tiếng động lớn như tiếng của máy bay trực thăng.
  • Nước biển rút sâu về sau một cách bất thường.
  • Bầu trời bị phủ kín bởi những đám mây xám xịt, ở phía đường chân trời xuất hiện vệt sáng đỏ bất thường,…

4. Ứng phó với thảm họa sóng thần

4.1. Khi đang ở trên biển, ven biển

Trường hợp đột ngột nhận được cảnh báo về thảm họa sóng thần khi đang đi tàu thuyền trên biển, hoặc những vùng ven biển. Khi ấy, không nên cho quay tàu thuyền về cảng ngay; mà nên tiếp tục lái tàu ra những vùng có mực nước sâu ít nhất là 150 m. Bởi vì sóng thần sẽ làm thay đổi mực nước biển, và gây ra nhiều tác động nguy hiểm hơn chúng vào đến những nơi nước nông như ven biển, bến cảng,…

Khi thuyền vẫn còn neo ở cảng khi có thông báo về sóng thần, nếu vẫn còn đủ thời gian, chủ tàu nên cho thuyền ra khơi để tránh các thiệt hại khi sóng đến. Đồng thời tuân thủ theo các biện pháp ứng phó theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng.

Để bảo vệ cho tính mạng của mình, tuyệt đối không được ở lại tàu thuyền neo đậu trên bến cảng khi sóng thần ập đến. Vì chúng có sức công phá vô cùng mạnh mẽ.

4.2. Khi ở trên đất liền

Nếu bạn nhận được tin báo sóng thần khi đang ở quanh khu vực bãi biển; cần di chuyển ngay đến những nơi an toàn hơn như các bãi đất cao, hoặc cách xa bờ biển ít nhất là từ 0,5 km trở lên.

Nếu bạn đang ở trong nhà, cách bờ biển khoảng 0,5 km, không nên trú ẩn trong nhà. Việc này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng khi sóng thần ập đến. Thay vào đó, sơ tán thật nhanh vào sâu trong đất liền. Chỉ mang theo các giấy tờ tùy thân cũng như những vật dụng, tài sản thật sự cần thiết khi đi.

Nếu nơi bạn ở là một tòa nhà cao tầng, hãy mở hết cửa từ tầng 1 đến ít nhất là tầng 3. Việc này nhằm hạn chế tối đa lực tác động của thảm họa sóng thần. Sau đó di chuyển lên các tầng cao để trú ẩn.

5. Những thảm họa sóng thần ghi dấu trong lịch sử

Sóng thần thường xuất hiện ở vùng đại dương lớn nhất hành tinh – Thái Bình Dương. Tuy vậy, nó là một hiện tượng có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào có những khối nước lớn; kể cả ở những hồ nước lớn trong lục địa. Có những trận sóng thần nhẹ hình thành do địa chấn, động đất nhẹ; nhưng cũng có những cơn thảm họa sóng thần ghi dấu lịch sử với những tác động kinh hoàng.

5.1. Thảm họa sóng thần Lisbon, 1755

Năm 1755, ở Lisbon (Bồ Đào Nha) đã xảy ra một trận động đất mạnh. Những người sống sót vượt qua trận động đất đó không may đã lại thiệt mạng bởi chỉ cách sau đó nửa tiếng đồng hồ, thảm họa sóng thần ập đến.

Sau trận động đất; hàng vạn người kháo nhau chạy ra gần bờ biển để tránh các đám cháy, đổ vỡ do cơn địa chấn mạnh gây ra. Trước khi sóng vào đất liền, nước biển rút đi rất nhanh và rất sâu; đến mức có thể nhìn thấy được những đồ vật bị đánh rơi; hay những mảnh tàu vỡ chìm dưới biển.

Thảm họa kép động đất và sóng thần năm đó đã cướp đi hơn ⅓ dân số thời điểm bấy giờ của Lisbon.

5.2. Thảm họa sóng thần Chile, 1960

Theo ghi chép; ngày 22/05/1960, tại thành phố Valvia của Chile đã xuất hiện một trận đại địa chấn cực mạnh lên đến 9,5 độ Richter trong vòng 10 phút. Đó cũng là cơn động đất mạnh nhất từng được ghi chép trong lịch sử.

Trận động đất cực mạnh này đã gây ra nhiều cơn sóng thần ở nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới. Có nhiều ngọn sóng đo được có độ cao đến 25m! Trong đó, trận sóng đầu tiên ập vào vùng Hilo của Hawaii; sau gần 15 tiếng kể từ cơn địa chấn. Nó khiến cho 61 người dân Hawaii bị thiệt mạng.

Tiếp đó, thảm họa sóng thần cũng xuất hiện tại Onagawa của Nhật Bản; sau khoảng 22 tiếng đồng hồ từ khi động đất xảy ra. Những ngọn sóng đến Nhật Bản năm ấy có độ cao từ 3 đến 5 m. Sau đó, ước tính số lượng người chết trong vụ thảm họa này ở Nhật là 490 đến hơn 2.200 người.

Ở Chile, cơn thảm họa sóng thần này đã tàn phá nặng nề khu vực miền nam Chile; làm cho hơn 5.700 chết. Hơn 2 triệu người bị mất sạch nhà cửa và tài sản. Cảng Puerto Saavedra cũng bị phá hủy hoàn toàn.

Chỉ một ngày sau đó, núi lửa Puyehue lại tiếp tục phun trào. Nó đã tạo ra một cột tro bụi khổng lồ lên đến hơn 6 km. Khiến thảm kịch thiên tai ở quốc gia này còn tiếp tục kéo dài nhiều ngày sau đó. Ước tính, “cơn thịnh nộ của đất trời” này đã mang đến cho Chile một khoản thiệt hại khổng lồ; lên đến 550 triệu USD.

5.3. Thảm họa sóng thần tại Papua – New Guinea, 1998

Có hai trận động đất liên tiếp đã xảy ra tại Papua vào ngày 17/07/1998. Mỗi trận đều có sức mạnh lên đến 7 độ Richter. Không lâu sau, một cơn sóng thần ập đến. Nó phá hoại nặng nề khu vực bờ biển phía bắc của nước này. Hơn 7 ngôi làng cũng bị cuốn trôi theo dòng di chuyển của sóng.

Theo thống kê của chính phủ, năm đó đã có hơn 500 người mất tích; hơn 2.000 người phải bỏ mạng. Tuy vậy, nhiều nguồn tin cho rằng con số đó phải lên đến 6-8.000 người. Sau trận thảm họa, hơn 12.000 người mất hết nhà cửa và tài sản.

5.4. Thảm họa sóng Thứ Sáu Tuần Thánh ở Bắc Mỹ, 1964

Vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1964 (27/03/1964), một trận động đất cực mạnh lên đến 9,2 độ đã bất ngờ diễn ra tại khu vực Bắc Mỹ. Đây cũng là trận động đất mạnh nhất trong lịch sử của khu vực này.

sóng thần

Chỉ vài giờ sau đó, một trận thảm họa sóng thần đã tràn vào các bờ biển phía Tây Bắc của Thái Bình Dương, bao gồm cả Alaska, British Columbia, California và nhiều thị trấn khác. Trận sóng thần này đã cuốn đi sinh mạng của 121 người. Ở Crescent City, bang California, ngọn sóng cao nhất đo được lên đến 6 m.

5.5. Thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương, 2004

Vào ngày 26/12/2004, ở vùng biển Ấn Độ Dương đã xảy ra một trận động đất lên đến 9,1 độ Richter. Cơn đại địa chấn này là kéo theo những trận thảm họa sóng thần ập đến nhiều khu vực trên thế giới.

Theo thống kê chung, nó đã cướp đi mạng sống của hơn 230.000 người. Trong đó, chỉ tính riêng Indonesia đã là hơn 168.000 người. Ngoài Indonesia, sóng thần còn lan đến Thái Lan, Malaysia, kể cả những nơi cách rất xa như Bangladesh, Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives, Somalia, Kenya, Tanzania.

Thời điểm đó, không có bất kỳ trung tâm cảnh báo nào được xây dựng tại vùng Ấn Độ Dương. Cũng vì lý do đó mà mọi người đều bị bất ngờ khi cơn sóng ập đến, và không kịp chuẩn bị để di tản.

Theo số liệu đo lường được, trận động đất gây ra thảm họa này đã giải phóng một mức năng lượng khổng lồ. Tương đương với khoảng 23.000 quả bom nguyên tử từng dội xuống thành phố Hiroshima của Nhật trong thời kỳ chiến tranh.

5.6. Thảm họa sóng thần Sendai, 2011

Có lẽ chúng ta vẫn chưa thể nào quên được trận động đất kinh hoàng lên đến 9,0 độ Richter tại thành phố Sendai, Nhật Bản vào ngày 11/03/2011. Trận động đất siêu mạn này đã tạo ra những đợt sóng thần lớn trên nhiều bờ biển Thái Bình Dương; bao gồm nhiều quốc gia khác ở Châu Đại Dương, Chấu Á, khu vực Bắc Mỹ và Nam Mỹ.

Những ngọn sóng cao với sức công phá kinh hoàng đã tràn vào, vượt qua cả các bức tường chắn sóng được xây dựng. Nó gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở các tỉnh lân cận như Fukushima, Iwate, Miyako,… Bên cạnh đó là cả trăm nghìn công trình xây dựng bị san phẳng hoàn toàn.

Khủng khiếp nhất là khi nước tràn vào nhà máy điện hạt nhân Fukushima gây nên sự rò rỉ phóng xạ; để lại những hậu quả vô cùng tồi tệ và thương tâm. Cho đến hiện nay, vẫn còn rất nhiều người vẫn phải ở trong các khu cư trú tạm thời.

Sau trận thảm họa sóng thần tàn khốc này, ước tính có gần 15.900 người đã thiệt mạng; hơn 2.600 người đã mất tích. Nó đã mang về cho nước Nhật một khoản thiệt hại vô cùng lớn, lên đến hơn 309 tỷ USD.

5.7. Sóng thần ở Donggala và Palu, Indonesia 2018

Hai thành phố Donggala và Palu đã phải trải qua hai trận động đất liên tiếp 6,1 và 7,5  độ Richter vào ngày 28/09/2018. Sau đó, khu vực này lại tiếp tục phải hứng chịu thêm một trận thảm họa sóng thần với những con sóng cao từ 2,2 đến hơn 6 m. Sóng tràn sâu vào bờ khoảng 0,5 km tính từ bờ biển.

Theo số liệu thống kê của quốc gia, thảm họa này đã giết chết hơn 2.000 người, khiến cho hơn 10.000 người bị thương và 680 người vẫn còn đang mất tích.

Lời kết

Thiên tai là những điều con người không thể lường trước và thay đổi được. Bạn hãy chú ý ghi nhớ các dấu hiệu nhận biết, cách phòng tránh thảm họa sóng thần để bảo vệ bản thân và những người xung quanh nhé.

 

Print Friendly, PDF & Email

Bài Viết Liên Quan

Viết Bình Luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.