cây thanh long

Để trồng thanh long nghịch mùa thành công, Farmvina tóm lược nội dung và ghi nhận lại cách bón phân, tỉa cành tạo tán và cách trị các loài địch hại để thanh long ra trái nghịch vụ vẫn đảm bảo cho trái phát triển tốt và đạt năng suất cao. Về cách bón phân tùy theo đợt chông đèn mà chúng ta ứng dụng 4 đợt phân bón.

– Đợt thứ nhất: Khi thanh long đã kết thúc vụ thu hoạch trước hoặc lứa chông đèn trước đó, trên nhánh chỉ còn 10-15% số trái chưa. Nhằm giúp cho cây phục hồi sinh trưởng và hình thành vụ hoa kế tiếp, tăng cường quá trình tích lũy dinh dưỡng nhằm chuẩn bị đợt hình thành hoa vụ kế tiếp. Thời kỳ này, cần ưu tiên bón phân hữu cơ, phân lân, phân đạm theo tỉ lệ N:P:K = 3:3:1.

– Đợt thứ hai: Giai đoạn trước khi chông đèn từ 15 đến 20 ngày, cần chú ý bón tăng tỷ lệ phân lân và phân kali, giảm phân đạm giúp cho tỷ lệ C/N của cây tăng cao, thuận lợi cho quá trình hình thành mầm hoa, phát triển hoa. Tỷ lệ N:P:K thích hợp giai đoạn này là 1:3:3, giai đoạn này cần bổ sung thêm các chất vi lượng (vi lượng B) .

trồng thanh long nghịch mùa
Kinh nghiệm trồng thanh long nghịch mùa

– Đợt thứ ba: Theo từng lứa trái sau thụ phấn đến khi trái phát triển tối đa về thể tích, cần bón cân đối các chất đa lượng NPK và chất trung lượng, vi lượng nhằm hạn chế tỷ lệ trái, tăng việc phát triển thể tích trái và vỏ trái tạo điều kiện cho tăng số trái trên cây và tăng trọng lượng trung bình trái. Đây là giai đoạn quan trọng cấu thành năng suất trái.

– Đợt thứ tư: Trước khi thu hoạch 15 ngày, giai đoạn tích lũy và chuyển hóa các chất trái tăng độ chắc của trái và tăng chất lượng trái. Cần phân bón Kali, thêm đạm, chất cali và vi lượng để giúp cho độ bóng, độ dày của vỏ trái và các ngoe được phát triển tốt , hạn chế sự tấn công mầm bệnh . Cần bón phân theo tỷ lệ N:P:K = 2:1:3 +Ca

Tỉa cành tạo tán thanh long

Tỉa cành tạo tán là giúp cho thanh long là tạo bộ tán, bộ khung cân đối hài hòa và đẹp mắt, cắt bỏ bớt những cành yếu, xấu và khả năng cho trái kém. Sau khi trồng, cần chọn lại để cành phát triển tốt và buộc áp sát vào cây trụ từ mặt đất cho tới giá đỡ.

Tỉa cành trên giá đỡ theo nguyên tắc, 1 cành chính (cành mẹ) để lại 1 – 2 cành con, phải chọn cành mạnh khoẻ, loại bỏ cành sâu bệnh, ốm yếu hay cành già không thể cho trái tốt, cành nằm khuất bên trong không nhận được ánh sáng.

Khi cành dài 1,2m – 1,5m phải bấm đọt cành giúp cành phát triển tốt và nhanh cho trái. Khoảng năm thứ năm trở đi sau mỗi vụ thu hoạch cần thường xuyên tỉa cành, tạo tán.

Tỉa cành và tạo tán giúp cây sinh trưởng mạnh cho năng suất cao, trái đẹp, to tròn và thời gian cho trái được kéo dài.

Còn khi nụ nhiều trên cành phải tỉa hoa, loại bỏ trái xấu và những trái phát triển kém có dấu vết sâu bệnh. Chỉ để 2 nụ trên mỗi cành, lưu ý hai nụ trên cùng một cành không nên ở gần nhau. Sau khi hoa nở 5 – 7 tiến hành tỉa trái, tốt nhất là 1 cành chỉ một trái phát triển tốt.

Ngoài ra, bà con cần lưu ý rằng vụ thanh long nghịch mùa thường xuất hiện những loại côn trùng phá hại, nếu không phát hiện kịp thời và diệt trừ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng trái xuất khẩu, hiệu quả kinh tế không cao. Xin giới thiệu 2 biện pháp diệt trừ côn trùng rất hữu hiệu cho các nhà vườn.

Trị kiến

Các loại kiến lửa, kiến vàng, kiến đen… cắn phá đọt non, hoa và trái thanh long. Diệt trừ bằng cách dùng thuốc Regent, liều lượng 1 gói 10g pha với 8 lít nước/bình xịt. Phun đều khắp cành thanh long nơi kiến tập trung phá hại.

Trị bọ thầu dầu

Bọ thầu dầu thuộc loại bọ cánh cứng, đầu có 2 râu ngắn, thân dài từ 1,5-2cm, có 6 chân. Giữa 2 cánh có một hình tam giác nhỏ. Khi đậu trên trái thanh long trông chúng giống những hạt thầu dầu. Chúng thường tập trung cắn phá thanh long vào ban đêm. Khi đụng vào, chúng bay rất nhanh.

Bọ thầu dầu chuyên cắn phá đọt, trái non, cạp vỏ trái, cắn trụi các tai thanh long. Trái bị chúng cắn có dạng sần sùi, nếu không phát hiện kịp thời và diệt trừ hữu hiệu thì sẽ gây thiệt hại 60-80% sản lượng thu hoạch.

Diệt trừ bằng cách dùng thuốc Tiperanpha, liều lượng 10ml pha với 3 lít nước. Pha xong, rọi đèn pin phun liền trong đêm, phun đều trên những cành, trái thanh long sâu đang tập trung cắn phá. Sáng hôm sau kiểm tra dưới gốc thanh long, nếu có xác sâu chết mới là có kết quả. Tối đến kiểm tra lại lần nữa, nếu vẫn còn sâu, pha thêm thuốc phun tiếp. Phải thường xuyên thăm vườn để phát hiện và áp dụng các biện pháp diệt trừ kịp thời.

Bọ thầu dầu thuộc loài bọ cánh cứng nên phải sử dụng thuốc với độ độc cao, vì vậy khi phun cần phải có mũ bảo hộ, kính che mắt, khẩu trang, bao tay đầy đủ và thời gian cách ly trước khi thu hoạch để tránh ngộ độc.

Originally posted 2014-04-18 10:41:57.