Trang Chủ » Cách nuôi dế non như thế nào?

Cách nuôi dế non như thế nào?

2,5K lượt xem
nuôi dế non

Để thực hiện ước muốn nuôi dế làm giàu, Farmvina khuyên các bạn nên tìm hiểu thật kỹ quy trình nuôi dế, đặt biệt là ở cách nuôi dế non (dế còn nhỏ).

Không nhớ truyện Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô hoài có đề cập hay không, nhưng tuổi đời của loài dế mèn rất ngắn ngủi, chỉ kéo dài được khoảng 3 tháng là cùng. Thế nhưng, nó phải bỏ ra phân nửa tuổi đời cho thời niên thiếu với bao đớn đau cho gần chục lần lột xác.

Mặc dù vẫn biết, cứ sau mỗi lần trút bỏ lớp vỏ cũ bên ngoài để thay vào lớp vỏ mới thân dế lại có cơ hội tăng trưởng thêm lên. Còn nửa phần đời còn lại dành cho giai đoạn trưởng thành và già lão.

Nhưng thực tế cho thấy đa số dế mèn được sinh ra, đời sống của chúng không được “thọ” đến như vậy vì chúng bị chết non.

cách nuôi dế non

Hướng dẫn cách nuôi dế non

Cách nuôi dế non hiệu quả

Dế non chết vì bệnh tật cũng nhiều, vì không chịu nổi thời tiết khắc nghiệt mà chết cũng nhiều, nhưng số thiệt hại đó không thấm gì bằng chết vì bị lắm thứ kẻ thù hung dữ lúc nào cũng chực chờ rình mò săn bắt giết hại!

Từ khi mới còn là ấu trùng, thân chỉ nhỏ bằng hột tấm gạo, con dế đã phải gặp hiểm hoạ này! Chúng đã bị đặt trong tầm ngắm của các loài chim chuột, các loài bò sát vì dế vốn là món ăn khoái khẩu của các loài này.

Mà dế vốn có thân yếu ớt, thuộc loại thấp hèn đâu đủ sức chống chọi được với ai, nên mới có câu ‘thấp hèn như con trùn, con dế’.

Những điều kể trên là nói về hiểm hoạ đối với thân phận con dế sống trong môi trường hoang dã. Còn với ấu trùng dế được ra đời trong thùng ấp, trong môi trường nhân tạo thì được may mắn hơn nhiều, hạnh phúc hơn nhiều vì lúc nào chúng cũng được chủ nuôi ra sức bảo vệ chu đáo.

Những kẻ thù hung dữ của dế, dù chỉ là con kiến nhỏ cũng bị ngăn chặn từ xa nên không con nào có cơ may được lọt vào khu vực nuôi dế.

Với thú lớn thì đã có tường vách bao che, các cửa ngõ đều đã được bao lưới kẽm mắt nhỏ. Với vật nhỏ như kiến, mối đã có mương nước bao quanh, và thuốc xịt kiến, gián …

Tóm lại, con dế sinh ra và lớn lên trong môi trường sống nhân tạo nếu có bị hao hụt ít nhiều là do ở những nguyên nhân khác, chứ không phải do kẻ thù sát hại.

Dế con vừa nở đã biết tự chui lên mặt đất của khay trứng. Tuy lúc này thân mình của ấu trùng rất nhỏ, trông chẳng khác gì loài kiến đen, nhưng nó không quá yếu sức như ta lầm tưởng.

Tuy mới ra đời nhưng chúng rất hiếu động, biết leo trèo và đeo bám lên thành xô, thùng ấp vừa nhanh nhẹn vừa tài tình.

Trong ngày chúng nở, đàn dế con trong một thùng ấp ít ra cũng có đến vài ba ngàn. Chúng lăng xăng nhốn nháo chạy tới chạy lui chẳng khác nào đàn ong vỡ tổ.

Nhiều con đeo bám thành từng mảng đen kịt trên thành thùng ấp, tưởng như không còn một chỗ trống nào để cho chúng tới lui.

Vì vậy, sau một vài ngày ấu trùng dế nở rộ thì ta phải dời hết những khay đất ra ngoài để dành chỗ trống trải cho dế sinh non sinh sống. Nên đặt vào thùng ấp một ít rơm khô hay cỏ khô để làm điểm tựa cho đàn dế con đeo bám, chứ chưa phải đặt chồng rế vào đây, vì nếu lỡ chồng rế bị xê dịch thế nào cũng có nhiều dế non bị chết.

Sự hiện diện của rơm khô hay của cỏ khô ở đây còn thêm một điều lợi là những thức này khi được phun nước vào sẽ giữ ẩm được lâu dài, tạo cho môi trường sống trong thùng của dế lúc nào cũng được mát mẻ.

Ấu trùng dế ngoài việc khôn lanh ra còn sớm biết ăn uống để sống. Chỉ vài ba giờ sau khi lọt ra khỏi trứng dế non đã biết lăng xăng tìm đến nơi có thức ăn, nước uống mà người nuôi đã dành sẵn cho chúng.

Vậy, nên cung cấp cho dế non ăn loại thức ăn gì? Cách cho chúng uống nước ra sao khi chúng còn quá bé?

Do biết trước ấu trùng dế vừa ra đời đã có tính háy ăn nên khi thấy dế bắt đầu nở rộ ta phải lo chuẩn bị sẵn thức ăn nước uống cho chúng. Cách nuôi dế non bằng các loại rau cỏ, củ quả mềm như mầm non, cỏ tươi non, dưa hấu, dưa leo … được khuyên dùng.

Đây là những thức ăn mà ấu trùng dế rất khoái khẩu. Ngoài ra, ta còn cho chúng ăn thêm cám hỗn hợp (nên xay nhuyễn để chúng ăn riêng được dễ dàng).

Cho dế non uống nước

Riêng thức uống thì chưa thể cho dế non uống bằng thứ máng nước dành cho dế lớn, vì chúng dễ bị chết khi rơi xuống nước.

Tốt nhất là dùng miếng mớp sạch tẩm nước vào cho ướt sũng rồi đặt miếng mớp đó vào dĩa nông để khi khát các ấu trùng dế sẽ đeo bám vào đó mà hút nước cho đến lúc đã khát thì thôi.

Cách cho ấu trùng dế uống nước từ miếng mớp đã được tẩm sũng nước này đã đem lại sự an toàn cho mạng sống của chúng. Cứ cho dế non uống nước theo cách này suốt mười ngày đầu đời của nó. Đó là cách bảo vệ mạng sống cho chúng.

San dế non sang thùng khác

Sau ngày dế non lột xác lần đầu (tức được một “tuổi) thân mình nó đã phổng phao hơn trước, nếu trong thùng ấp lượng dế quá đông thì ta nên san bớt ra các xô, thùng khác mà nuôi để chúng có chỗ ở rộng rãi hơn hầu sinh trưởng tốt hơn. Đây là cách nuôi dế non bạn nên chú ý.

Ngược lại, nếu thùng không đến nỗi chật thì tốt nhất nên chờ đàn dế được nửa tháng tuổi mới tính đến việc này.

Thật ra, việc san sớt đàn dế con quá non ngày tuổi ra nuôi xô, thùng khác là việc … cực chẳng đã mới phải làm, nên ít ai muốn làm. Lẽ dễ hiểu là do ấu trùng dế còn quá nhỏ, còn quá yếu sức, nếu sơ sẩy một chút, làm mạnh tay một chút sẽ không tránh được hao hụt khá nhiều.

Nếu chờ được dế vài tuần tuổi, tức đã lột xác xong lần hai, lúc này dế đã lớn lại khôn hơn thì việc chiết đàn ra nuôi riêng, nếu có hao hụt thì tỷ lệ cũng không cao.

Khi cần phải san sớt ấu trùng dế qua các xô, thùng khác mà nuôi, tất nhiên không thể dùng tay mà bắt từng con hay bốc từng nhúm mà nên dùng cái chổi rơm nhỏ rồi nhẹ tay quét gom chúng lại một chỗ cho gọn.

Sau đó, ta dùng cái vợt ny lông hớt dần ra cho đến khi đủ số mà mình dự tính trước.

Công việc san sớt dế con này tuy không nặng nhọc nhưng để tránh cho dế khỏi bị thương tật, hoặc bị chết ta cần phải thao tác nhẹ nhàng, cẩn trọng tối đa mới được.

Với loại dế khoảng mười ngày tuổi này, ta có thể tạm nuôi trong xô, thùng có dung tích 45 lít độ 500 con và xô, thùng có dung tích 80 lít độ 800 con.

Khoảng nửa tháng sau đó, khi dế lột xác được ba bốn lần thì lại san sớt bớt sang xô, thùng khác nuôi nữa.

Khi dế đã được vài ba tuần tuổi, trong xô, thùng nuôi chúng ta  nên đặt chồng rế vào cho chúng làm điểm tựa để đeo bám. Các nuôi dế non này đã được thử nghiệm và đạt hiệu quả tốt.

Mong rằng bạn đã học được cách nuôi dế non hiệu quả. Chúc bạn thành công!

Phúc Quyên

Câu Hỏi Thường Gặp

Cách nuôi dế non như thế nào hiệu quả?

Sau một vài ngày ấu trùng dế nở rộ thì ta phải dời hết những khay đất ra ngoài để dành chỗ trống trải cho dế sinh non sinh sống. Nên đặt vào thùng ấp một ít rơm khô hay cỏ khô để làm điểm tựa cho đàn dế con đeo bám, chứ chưa phải đặt chồng rế vào đây, vì nếu lỡ chồng rế bị xê dịch thế nào cũng có nhiều dế non bị chết. Sự hiện diện của rơm khô hay của cỏ khô ở đây còn thêm một điều lợi là những thức này khi được phun nước vào sẽ giữ ẩm được lâu dài, tạo cho môi trường sống trong thùng của dế lúc nào cũng được mát mẻ.

Cho dế non uống nước ra sao?

Tốt nhất là dùng miếng mớp sạch tẩm nước vào cho ướt sũng rồi đặt miếng mớp đó vào dĩa nông để khi khát các ấu trùng dế sẽ đeo bám vào đó mà hút nước cho đến lúc đã khát thì thôi.

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2016-07-03 11:40:22.

Bài Viết Liên Quan

Viết Bình Luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.