Với sự phát triển của xã hội, người tiêu dùng ngày nay đang rất quan tâm đến các loại sản phẩm canh tác theo hướng an toàn, và đặc biệt là có chứng nhận hữu cơ. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp những sản phẩm hữu cơ trên thị trường như rau hữu cơ, gạo hữu cơ, mỹ phẩm hữu cơ, …
Tuy nhiên, một điều đáng buồn là tình trạng “loạn organic” (hay “loạn hữu cơ) – một khái niệm để chỉ sự bát nháo của thị trường cung cấp thực phẩm gắn mác “hữu cơ” nhưng không phải như vậy.
Trong bài viết này, Farmvina mong muốn chia sẻ những góc nhìn về thị trường, qua khảo cứu từ các trang thông tin uy tín và từ những cuộc trao đổi tại các nông trại canh tác ở một số địa phương.
Chứng nhận hữu cơ là gì?
Chứng nhận hữu cơ là một chứng nhận được cấp cho sản phẩm nhằm khẳng định sản phẩm đó là hữu cơ, tùy vào thành phần đạt được bao nhiêu lượng % là hữu cơ theo từng quy định sẽ có chứng nhận tương ứng. Đây là chứng nhận nhằm kiểm chứng độ an toàn, độ sạch của thực phẩm, hay mỹ phẩm
Mỗi chứng nhận hữu cơ đều có yêu cầu riêng nghiêm ngặt từ giống, nước, vùng đệm, độ đa dạng sinh học, vật liệu hay đầu vào hữu cơ,….
Thực phẩm hữu cơ là những loại thực phẩm được sản xuất đáp ứng các yêu cầu về phương thức, tiêu chuẩn của nông nghiệp hữu cơ.
Các chứng nhận hữu cơ:
Hiện các chứng nhận hữu cơ đang được sử dụng phổ biến và được tin dùng gồm có:
- Chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kì, Ủy ban hữu cơ quốc gia (USDA): tiêu chuẩn có độ tin cậy cao bởi tiêu chuẩn này có các yêu cầu nghiêm ngặt về thành phần, sản phẩm chứa 95% thành phần hữu cơ mới được phép sử dụng logo, ngoài ra trong quá trình chế biến phải đảm bảo không được phép có chưa chất bảo quản tổng hợp và thành phần hóa học.
- Chứng nhận hữu cơ của chính phủ Úc (Australian Certified Organic – ACO): Các mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc da được chứng nhận chứa ít nhất 95% thành phần được chứng nhận hữu cơ. Các thành phần thực vật được sản xuất tự nhiên hay các chất bảo quản/phụ gia phải là tự nhiên được cho phép, hoàn toàn không độc hại được sử dụng không được phép chiếm quá 5% thành phần còn lại.
- NSF (Mỹ – 2009): dành cho các nhà sản xuất mỹ phẩm. NSF yêu cầu các sản phẩm phải chứa ít nhất 70% thành phần (trừ nước) là hữu cơ mới được công bố là “made with organic” (làm từ thành phần hữu cơ).
- OASIS (Mỹ – 2008): OASIS yêu cầu các sản phẩm phải chứa 85% thành phần nông nghiệp mới được gọi là hữu cơ.
- NATRUE (EU-2008): là tiêu chuẩn phi lợi nhuận mới xuất hiện từ Châu Âu bởi các hãng sản xuất mỹ phẩm hữu cơ của Đức.
- COSMOS (EU-2009): là tiêu chuẩn kết hợp đầu tiên ở Châu Âu dành cho mỹ phẩm hữu cơ được tạo nên bởi sáu nhà chứng nhận đầu tiên tại EU. COSMOS yêu cầu các sản phẩm phải chứa 95% thành phần từ nông nghiệp mới được chứng nhận là mỹ phẩm hữu cơ, 20% tổng trọng lượng của sản phẩm (bao gồm cả nước) phải là hữu cơ. COSMOS cho phép sử dụng tối đa 5% thành phần tổng hợp.
- BDIH (Đức-1995): BDIH yêu cầu nhà sản xuất phải sử dụng thành phần hữu cơ bất nơi nào có thể. Với chứng nhận này một sản phẩm chứa 0% thành phần hữu cơ vẫn có thể được chứng nhận BDIH.
- SOIL ASSOCIATION (Anh-2002): yêu cầu tất cả các sản phẩm được chứng nhận của tổ chức này phải thể hiện tỉ lệ hữu cơ trên nhãn sản phẩm. Sản phẩm được gọi là hữu cơ khi sản phẩm đó phải chứa 95% thành phần hữu cơ. Sản phẩm được ghi “made with organic X” (làm từ hữu cơ X) phải chứa tối thiểu 70% thành phần hữu cơ.
- COSMEBIO (Pháp-2002): yêu cầu sản phẩm phải chứa 95% thành phần từ nông nghiệp – 10% tổng trọng lượng của sản phẩm (bao gồm cả nước) phải là hữu cơ, cho phép nhiều nhất 5% là thành phần tổng hợp.
- ECO-CRET (Pháp- 2002): phải chứa 95% thành phần từ nông nghiệp để được chứng nhận là hữu cơ.
- AIAB/ICEA (Ý-2003): không yêu cầu lượng tối thiểu về thành phần nông nghiệp, với chứng nhận này thì Nước không được công nhận là thành phần hữu cơ.
- BIOGARANITE (Bi-2004): tương tự như chứng nhận ECO-CRET
- NASSAA (ÚC -2005): là chứng nhận thực phẩm phát triển thêm cho các sản phẩm làm đẹp tương tự như Soil Association.
- BIOCOSC (Thụy Điển-2006): tương tự như COSMEBIO nhưng chỉ Cho phép tối đa 3% thành phần tổng hợp.
- PGS (Participatory Guarantee System): Chứng nhận PGS là chứng nhận cấp cho các nhóm hoặc các nông dân sản xuất tuân theo quy trình và các tiêu chuẩn PGS được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn SXNN hữu cơ 10TCN 602-2006 do Bộ NN&PTNT ban hành
Khá nhiều các sản phẩm thực phẩm hữu cơ như rau, sữa, gạo,… kinh doanh tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị ở nước ta có Chứng nhận PGS.
Chứng nhận PGS là gì?
Chứng nhận PGS là chứng nhận được cấp cho nông dân khi thực hiện sản xuất sản phẩm tuân theo đúng quy trình, quy định về sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS. PGS là viết tắt của Participatory Guarantee System – Hệ thống Đảm bảo Cùng tham gia. PGS được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn SXNN hữu cơ 10TCN 602-2006 do Bộ NN&PTNT ban hành
Hiện các sản phẩm thực phẩm hữu cơ trong thị trường nội địa đều phải được chứng nhận chất lượng dưới hệ thống PGS này. PGS giúp đảm bảo rằng thực phẩm là hữu cơ
Việc các sản phẩm trên thị trường được gán mác là rau hữu cơ, thực phẩm hữu cơ, sản xuất theo phương pháp hữu cơ,… đều hoàn toàn là hợp lý bởi theo luật định không hề cấm các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tuyên bố như vậy. Tuy nhiên để người tiêu dùng có căn cứ lựa chọn chính xác thì những sản phẩm đã được chứng nhận PGS mới hoàn toàn tin cậy.
Quy trình chứng nhận PGS
Các tiêu chuẩn PGS
Các bạn có thể tải thêm Sổ Tay Dành Cho Người Sản Xuất theo tiêu chuẩn PGS tại đây.
PGS là viết tắt của Participatory Guarantee System có nghĩa là Hệ thống Đảm bảo Cùng tham gia.
Định nghĩa về PGS từ IFOAM như sau:
“Hệ thống Đảm bảo Cùng tham gia” là hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ. Hệ thống này chứng thực cho người sản xuất dựa trên sự tham gia tích cực của các bên liên quan: người tiêu dùng, công ty phân phối, cơ quan quản lý nhà nước … và được xây dựng trên cơ sở sự tin cậy, các liên kết xã hội và trao đổi tri thức.
Những điểm nổi bật của PGS có thể tóm tắt sau đây:
1) PGS là hệ thống kiểm soát chất lượng có sự tham gia trực tiếp của các bên liên quan, đặc biệt là người sản xuất và người tiêu dùng, có tiêu chuẩn riêng xây dựng dựa trên tiêu chuẩn cơ bản của IFOAM và tiêu chuẩn 10 TCN10 602 – 2006, được đánh giá và công nhận trong gia đình tiêu chuẩn của IFOAM từ 2013
2) PGS là lựa chọn khác thay thế cho chứng nhận bên thứ 3 phù hợp với thị trường nội địa, nơi tất cả các bên liên quan có thể tham gia vào quá trình kiểm soát chất lượng.
3) PGS chứng nhận cho nhóm nông dân và ưu tiên các trang trại cá nhân nằm trong mạng lưới mà PGS có thể kiểm soát được
4) PGS có thể áp dụng được với chi phí phù hợp cho nông dân sản xuất quy mô nhỏ khó có khả năng tiếp cận chứng nhận của bên thứ ba
5) PGS đáng tin cậy với người tiêu dùng khi họ được trực tiếp tham gia và làm chủ quá trình kiểm soát đảm bảo chất lượng.
Chứng nhận bên thứ ba được cho là có độ tin cậy cao, đảm bảo tính khách quan giữa người sản xuất và đơn vị kiểm tra. Tuy nhiên, để có được chứng nhận của bên thứ ba, yêu cầu người sản xuất phải bỏ ra một khoản chi phí lớn trang trải cho các hoạt động đánh giá được thực hiện bởi thanh tra độc lập cử tới.
Đây là rào cản lớn nhất đối với nông dân sản xuất quy mô nhỏ, chưa nói tới khả năng tin dùng của thị trường đối với những sản phẩm nếu được cấp chứng nhận bởi một bên thứ 3 thiếu uy tín về năng lực chuyên môn và có cơ chế quản lý lỏng lẻo.
PGS có phải là hệ thống chứng nhận “TỰ PHONG”?
Trước hết phải hiểu “Tự phong” có nghĩa là người sản xuất tự cho sản phẩm của mình là hữu cơ hoặc họ tự cấp một giấy chứng nhận cho chính mình tuyên bố sản phẩm là hữu cơ. Trong PGS nông dân không được quyền tự tuyên bố sản phẩm của tôi là hữu cơ, và giấy chứng nhận PGS họ cũng không được quyền tự ký.
Trao quyền, chịu trách nhiệm, và giám sát việc thực hiện giữa các các bộ phận được vận dụng cao trong PGS. Vai trò của Liên nhóm trong việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ sản xuất, giám sát và đánh giá sự tuân thủ của các nhóm nông dân trực thuộc là vô cùng quan trọng, liên quan uy tín và sự sống còn của PGS trong suốt hơn 11 năm qua.
(theo Vietnamorganic)
Hạn Chế của chứng nhận PGS
Với lợi thế là một quốc gia có truyền thống nông nghiệp lâu đời cộng bề dày kinh nghiệm, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để khẳng định mình trên con đường tái cơ cấu nông nghiệp thế giới, sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ tạo sự bền vững về đất đai, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Để đảm bảo cho tiến trình ấy, hệ thống bảo đảm cùng tham gia – PGS, được hình thành và nhân rộng tại Việt Nam là một hệ quả tất yếu. Tuy nhiên, con đường đến với nông nghiệp hữu cơ theo chứng nhận hữu cơ PGS, còn gặp nhiều thách thức. Và gần đây cũng có nhiều phản ánh là quy trình cấp chứng nhận PGS chưa thật sự nghiêm túc.
Hơn thế nữa, hiện tại, Việt Nam chưa có bất cứ tổ chức nào được ngành nông nghiệp cho phép là đơn vị cấp giấy chứng nhận sản phẩm Nông nghiệp hữu cơ, kể cả hệ thống đảm bảo cùng tham gia (Chứng nhận hữu cơ PGS). Vì thế, vẫn chưa có gì đảm bảo cho chất lượng các sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam, điều đó gây ảnh hưởng lớn đến tiến trình phát triển cũng như qui mô và chất lượng của chứng nhận hữu cơ PGS.
Như vậy, để xây dựng một nền nông nghiệp an toàn, bền vững bao gồm chứng nhận hữu cơ PGS chúng ta cần có nhiều sự đầu tư và quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa. Với những bước đi thành công như hiện tại không khó để chúng ta nhìn thấy nhiều cơ hội đang chờ đón sự phát triển mạnh mẽ hơn của chứng nhận hữu cơ PGS ở phía trước.
Tuy nhiên, để cạnh tranh với các sản phẩm hữu cơ của các nước Mỹ, Châu Âu…với các chứng nhận hữu cơ như chứng nhận hữu cơ USDA, Chứng nhận hữu cơ EU… thì cần sự nỗ lực và kiểm soát chặt chẽ hơn nữa của PGS. Chính vì thế, để nền nông nghiệp được phát triển bền vững hơn không chỉ cần sự ủng hộ từ chính quyền các cấp mà còn là sự ủng hộ từ cộng đồng người tiêu dùng nhiều hơn nữa.
Thách Thức & Thực Tế
Việc canh tác theo hướng hữu cơ và lấy chứng nhận hữu cơ (đặc biệt là theo tiêu chuẩn từ các tổ chức lớn như USDA hay JAS) tốn rất nhiều chi phí so với phương thức canh tác bình thường. Chi phí này sẽ được tính vào chi phí sản phẩm khi cung cấp cho thị trường. Do vậy, sản phẩm canh tác theo hướng hữu cơ, đặc biệt là những sản phẩm được chứng nhận hữu cơ có giá không rẻ (so với rau cùng loại canh tác thông thường và không có chứng nhận).
Ngay cả những trang trại được hình thành bài bản từ sự đầu tư theo hướng canh tác hữu cơ của người Nhật Bản như trang trại của công ty TNHH Nico Nico Yasai (vốn quen thuộc với người tiêu dùng tại thành phố Hồ Chí Minh) cũng chưa thể lấy chứng nhận hữu cơ do:
- Diện tích canh tác chưa đủ lớn
- Chi phí tăng cao dẫn đến khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm
Tuy nhiên, có nhiều trang trại như Nico Nico Yasai vẫn canh tác theo hướng hữu cơ và có những chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm để thể hiện cam kết về sản phẩm của mình.
Các trang trại đã được chứng nhận hữu cơ
Bên cạnh đó, vẫn có những tổ chức với nguồn lực tài chính và hệ thống phân phối mạnh như Everyday Organic hay Organica sẵn sàng đầu tư để lấy các chứng nhận hữu cơ uy tín để tạo niềm tin ban đầu cho khách hàng.
- Organica: //www.organica.vn/
- Everyday Organic: //everydayorganic.com.vn/
Một số trang trại được chứng nhận | Giới thiệu trang trại | Nông sản sản xuất | Nơi sản xuất | Cửa hàng phân phối | Chứng nhận hữu cơ đạt được |
Trang trại rau hữu cơ Organik Đà Lạt | Đây là một trong các trang trại được chứng nhận hữu cơ tại Việt Nam thành lập bởi ông Nguyễn Bá Hưng, chuyên gia trong lĩnh vực di truyền học tại Viện nông nghiệp của Pháp. Nông trại Organik của ông trở thành nông trại được FAO (Tổ chức nông nghiệp là lương thực thế giới) chứng nhận quy trình sản xuất rau sạch đầu tiên tại Việt Nam | Rau củ | Xuân Thọ, Đà Lạt, Lâm Đồng | Công ty cổ phần Deli Fresh (số 8 Thảo Điền, phường Thảo Điền, Q2, TP. HCM | USDA,ACO,Naturland,NASAA,OCIA,EU Organic,CorAA |
Nhà máy chế biến các sản phẩm từ dừa Phú Hưng | Được thành lập cách đây 40 năm, dưới sự lãnh đạo của công ty XNK Bến Tre đã cho ra đời những sản phẩm từ dừa và trang trại được chứng nhận hữu cơ tại Việt Nam | Các sản phẩm từ dừa | Bến Tre | Công ty XNK Bến Tre, hệ thống Co.op Mart | USDA, EU Organic |
Trang trại rau hữu cơ BIOPHAP farm | Rau củ, cây có múi | Kon Tum | Công ty BIOPHAP | EU Organic, USDA | |
Gạo Eco Tiger | Eco Tiger có tên là công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Xây dựng Cọp sinh thái. Sản phẩm Eco Tiger cung cấp hiện nay là gạo đã được chứng nhận USDA ( tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ) do tổ chức chứng nhận hữu cơ Control Union cấp từ ngày 20/05/2016 | Gạo | Xã Long Hòa, Hòa Minh, Châu Thành, Trà Vinh | Công ty Eco Tiger | EU Organic, USDA |
Elephant Mountain | Rau củ | Chân núi Voi, thôn Định An, xã Hiệp An, H.Đức Trọng, Lâm Đồng | Công ty Elephant Mountain | USDA | |
Nhà máy chè Cao Bồ | Hùng Cường Tea được biết đến là một trong các công ty tốt nhất về sản xuất trà hữu cơ tại Việt Nam. Hiện tại trang trại hữu cơ, vùng nguyên liệu và các sản phẩm của Hùng Cường Tea tập trung chủ yếu tại Vị Xuyên, Bắc Giang, Hoàng Sư Phì tỉnh Hà Giang.. đã được chứng nhận hữu cơ quốc tế uy tín | Các sản phẩm từ trà | Km 17, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang | Công ty Hùng Cường Trading | USDA, EU |
Vùng nguyên liệu Bến Tre | Được thành lập vào năm 1997, Công ty TNHH dừa Lương Quới (trước đây gọi là Doanh nghiệp tư nhân Lương Quới) khẳng định vị thế là một trong những nhà sản xuất và chế biến hàng đầu về dừa và cũng là trang trại được chứng nhận hữu cơ tại Việt Nam | Các sản phẩm từ dừa | Lô A36, A37 – KCN An Hiệp, Ấp Thuận Điền, Xã An Hiệp, Huyện Châu Thành, Tỉnh Bến Tre, Việt Nam | Công ty chế biến dừa Lương Quới | USDA, EU Organic |
Nhà máy đường TTC | Công ty mía đường Thành Công được biết đến là công ty sản xuất đường hữu cơ đạt chứng nhận quốc tế USDA, EU đầu tiên tại Việt Nam. | Đường hữu cơ | Huyện Tân Châu, Tây Ninh | Công ty Thành Thành Công | USDA |
Công ty TNHH Vì Vang | Trà Organic, Gừng hữu cơ, Nghệ hữu cơ, Quế hữu cơ | Công ty TNHH Vì Vang | USDA | ||
Công ty Viet Hi | Bột rong biển hữu cơ | Công ty Viet Hi | USDA | ||
Huyện Di Linh | Trà xanh, trà olong hữu cơ | Công ty Vina Suzuki Tea | USDA | ||
Bình Dương | Các sản phẩm trái cây sấy | Công ty Vinamit | USDA,EU Organic | ||
Nông trại hữu cơ Viễn Phú | Được biết đến với thương hiệu gạo Hoa Sữa. Nông trại hữu cơ Viễn Phú nuôi trồng và sản xuất theo quy trình khép kín. Nông trại có diện tích 320ha nằm cạnh vành đai rung U Minh Hạ và cũng là một trang trại được chứng nhận hữu cơ tại Việt Nam | Gạo, các sản phẩm handmade | Cà Mau | Viễn Phú Green Farm | USDA,EU Organic |
Sự tiên phong của các doanh nghiệp này sẽ giúp định hình thị trường và là bài kiểm tra cần thiết cho câu hỏi: Liệu người tiêu dùng Việt đã sẵn sàng chi nhiều tiền cho các sản phẩm hữu cơ chưa?
Chúng tôi nhận thấy rằng, xu hướng sử dụng các sản phẩm được canh tác an toàn sẽ tiếp tục phát triển và trở thành một tiêu chuẩn cho thói quen tiêu dùng của người Việt, và các nông trại có các chứng nhận hữu cơ sẽ dành được niềm tin to lớn.
Tuy nhiên, người tiêu dùng cần tỉnh táo, tránh mua phải những sản phẩm gắn mác “hữu cơ” nhưng thực chất không phải hữu cơ, từ đó mất niềm tin vào nông sản và nền nông nghiệp nước nhà.
Theo thông tin chúng tôi thu thập được thì phần lớn người dân Nhật Bản tiêu thụ thực phẩm từ những nông trại canh tác theo hướng an toàn, không nhất thiết là các sản phẩm được chứng nhận hữu cơ. Tùy vào hoàn cảnh kinh tế và mức độ tin cậy của nguồn phân phối nông sản mà có những lựa chọn thông minh, tránh chạy theo hình thức – vừa tốn kém, lại không có lợi.
Cách nhận biết sản phẩm hữu cơ
Một số đặc điểm nhận biết:
- Về kích thước lá hoặc củ quả, rau củ hữu cơ cân đối và không quá cỡ, không nhỏ quá hoặc lớn quá. So với rau thường thì rau hữu cơ thường trông xấu hơn.
- Màu xanh trung thực: Đa phần các loại rau hữu cơ đều có màu xanh hơi vàng (xanh hữu cơ, xanh trung thực với bảng màu chuẩn đối với màu lá từng loại rau), không xanh đậm như các loại rau trồng bằng phân bón hóa học.
- Lâu héo, dễ bảo quản: Rau hữu cơ có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng trong vòng vài ngày mà không sợ hư hỏng, không nhất thiết phải bỏ tủ lạnh. Khi cây bị héo thì phun nước là có cây có thể hồi phục về trạng thái ban đầu. Không giống như các loại rau sử dụng thuốc hóa học khác phun nước vào là cây sẽ hỏng.
- Ăn giòn và ngon vì giữ được hương vị tự nhiên: Sự khác biệt quan trọng nhất ở rau hữu cơ được thể hiện ở chỗ ngon, giòn và thơm một cách tự nhiên, giữ được hương vị tự nhiên của loại rau, củ đó.
Theo mùa:
Mùa nào thức nấy sẽ tốt hơn. Điều đó có nghĩa là bạn nên chọn các sản phẩm phát triển tự nhiên theo mùa để cây không cần phải có bất kỳ vật liệu nào để hỗ trợ cho quá trình tăng trưởng.
Hỏi trực tiếp người bán:
Theo kinh nghiệm của Farmvina, bạn có thể hỏi bên cung cấp về nguồn gốc thực phẩm hữu cơ bạn định mua. Nếu người bán cam đoan là thực phẩm 100% hữu cơ thì bạn yêu cầu xem giấy chứng nhận (theo danh sách chúng tôi đã trình bày phần trên). Khi họ không đưa ra được bằng chứng cụ thể thì bạn nên cẩn thận, tránh tiền mất tật mang.
Còn nếu người bán nói rằng nông sản canh tác theo hướng hữu cơ và chia sẻ về nguồn trồng sản phẩm (ví dụ: nông trại sản xuất ở Ea Tam, Buôn Mê Thuột) thì thường đáng tin cậy. Vì những người bán không muốn lập lờ, đánh tráo khái niệm giữa nông sản hữu cơ (đã được chứng nhận) và nông sản canh tác an toàn theo hướng hữu cơ thường là người trung thực.
Tuy nhiên, mẹo này chỉ mang tính chất tham khảo dựa trên kinh nghiệm. Bạn có thể tìm hiểu thêm nếu cảm thấy chưa yên tâm.
Trong thời gian tới, Farmvina sẽ tiếp tục tìm kiếm và giới thiệu các nông trại uy tín đến bạn đọc thông qua quy trình 2 bước: a. xác minh giấy tờ vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc các giấy chứng nhận sản xuất (nếu có) và b. tham quan trực tiếp nông trại.
Các nông trại mong muốn giới thiệu về sản phẩm của mình có thể chủ động liên hệ Farmvina qua email [email protected] – chúng tôi hiện có các chương trình hỗ trợ phi lợi nhuận!
Hy vọng rằng, chúng tôi có thể góp phần thúc đẩy nhận thức của mọi người về việc tiêu thụ thực phẩm an toàn và cái nhìn đúng hơn về thực phẩm hữu cơ.
*Bài viết có tham khảo từ nhiều nguồn và sẽ cập nhật thường xuyên
Originally posted 2021-03-08 14:27:04.
Cảm ơn bài chia sẻ của Farmvina