Trang Chủ » Chuối Ngự: Đặc sản ngon của Hà Nam

Chuối Ngự: Đặc sản ngon của Hà Nam

1,5K lượt xem
chuối ngự

Nhắc đến làng Vũ Đại, chúng ta thường nhớ đến nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm kinh điển cùng tên của nhà văn Nam Cao. Hay món cá kho làng Vũ Đại nổi tiếng, và bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Nhưng ít biết rằng chuối ngự cũng là một đặc sản nổi tiếng bắt nguồn từ đây.

1. Chuối ngự là gì?

Nguồn gốc của chuối ngự, hay còn gọi là chuối tiến vua, là ở làng Đại Hoàng (làng Vũ Đại), phủ Lý Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam).

Không phải tự nhiên mà nó có tên là chuối tiến vua, hay chuối ngự. Cái tên đó được đặt bởi vì đây là loài chuối được dâng lên cho vua sau khi ngự thiện (từ chỉ sự dùng bữa của vua).

1.1. Truyền thuyết về chuối ngự

Theo như lời kể của những người dân, vào thời Trần ở thế kỷ thứ XIII, vua thường cùng các thân tín đi thuyền từ Thăng Long đến Thiên Trường để đến thăm Thái Thượng Hoàng. Một lần, trong khi di chuyển, vua có dừng lại ở ngã ba Tuần Vường. Người dân tại đây thấy vua, liền vô cùng mừng rỡ nghênh đón.

chuối ngự

Tất cả người dân ở vùng đó đều tìm những món ngon nhất, quý nhất của gia đình mình đến để dâng vua. Duy chỉ có một cặp vợ chồng nghèo người làng Đại Hoàng cảm thấy buồn bã. Sở dĩ như vậy là do họ quá nghèo, không có gì quý giá để dâng tặng đức vua. Vì thế, họ đành chặt một buồng chuối trong vườn nhà để biếu, với tất cả lòng thành kính mà họ dành cho nhà vua.

Thấy giống chuối lạ, vua ăn thử một trái và phải trầm trồ vì sự ngon ngọt của nó. Sau đó, đôi vợ chồng nọ được ban thưởng hậu hĩnh. Vua cũng yêu cầu mang giống chuối này vào cung để Người có thể ăn sau khi ngự thiện. Làng Đại Hoàng cũng được nhà vua ra chỉ phải tiếp tục nhân giống loài chuối ngon này để bá tính khắp thiên hạ đều có thể nếm được.

Từ đó, chuối làng Đại Hoàng được đặt cho một cái tên khác mỹ miều hơn, sang trọng hơn, đó là chuối tiến vua, hay chuối ngự. Sự tích về nhà vua và chuối ngự vẫn được lưu truyền mãi cho đến ngày nay.

chuối ngự

1.2. Chuối ngự trong đời sống người Việt

Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Đại Hoàng cho sản phẩm chuối ngự đã chính thức được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp vào ngày 30 tháng 09 năm 2009. Sau đó, đến năm 2012, món chuối tiến vua Đại Hoàng lại tiếp tục được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đưa vào hạng 15 trong danh sách top 50 loài trái cây đặc sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, giống chuối này cũng mang một ý nghĩa tâm linh đối với người dân. Người ta thường quan niệm rằng, sử dụng một nải chuối tiến vua dâng lên bàn thờ cúng tổ tiên tượng trưng cho sự sung túc, ấm no. Đặc biệt là trong những mâm cúng ngày lễ, tết. Bởi vì giống chuối ngự có vẻ ngoài rất đẹp mắt, ăn rất ngon, mà lại còn có sự tích rất đẹp phía sau.

Chỉ vậy thôi đã đủ khẳng định tầm quan trọng của giống chuối ngự đối với người Việt Nam. Chuối tiến vua từ đó đến nay vẫn luôn khẳng định được vị thế và tầm quan trọng của mình. Giá của chuối tiến vua trên thị trường luôn nằm ở mức khá cao so với nhiều loại hoa quả khác.

2. Chuối ngự có đặc điểm gì?

Quả chuối ngự nhìn chung khá nhỏ, có vỏ mỏng. Không chỉ có mùi vị thơm, ngon, ngọt, mà thời gian tươi của chúng cũng rất lâu. Một nải chuối sau khi cắt khỏi cây có thể giữ được độ tươi đến hàng tuần liền mà không bị nẫu.

2.1. Đặc điểm hình thái

Thông thường, chuối ngự mọc ở độ cao khoảng từ 4 đến 7,5 mét. Phần thân giả của loài cây ăn quả này tương đối mảnh mai, có màu nâu đỏ. Dưới gốc gây là bộ rễ khá nặng. Bộ rễ này ngoài hút chất dinh dưỡng nuôi cây, nó còn có một tác dụng khá. Đó là để bảo vệ cây khỏi tác động của gió.

Bên cạnh đó, nó cũng có thể chịu đựng được các cơn hạn hán, và sự tấn công của mọt nhọ. Tuy vậy, loài cây này lại khá nhạy cảm khi gặp phải các bệnh như bệnh đốm lá, vàng lá,… Chuối ngự cũng có hoa. Hoa của chúng thưởng nở trong khoảng thời gian từ giữa mùa hè đến cuối mùa thu.

Thông thường, một quả chuối ngự sau khi phát triển hết có thể đạt được chiều dài là 10 đến 12cm. Số lượng quả trong mỗi nải thường là từ 12 cho đến 20 quả, và 7 đến 8 nải chuối mỗi buồng.

2.2. Phân loại chuối ngự

Có ba loại chuối ngự Đại Hoàng chính. Đó là chuối ngự mít, chuối ngự trắng, và chuối ngự trâu. Ba loại chuối này cũng có điểm khác biệt.

Giống chuối ngự mít cho quả bé hơn hai loại còn lại. Đây cũng là phiên bản chuối tiến vua Đại Hoàng được nhiều người ưa chuộng nhất. Quả chuối thon thon, nhỏ xíu có khi chỉ bằng hai ngón tay út. Khi ăn, chỉ 1 đến 2 nhát cắn là hết một quả. Vỏ chuối khá mỏng khi chín và có màu vàng ươm vô cùng đẹp mắt. Thịt chuối khi chín có màu vàng như múi mít, và có mùi hương vô cùng dễ chịu.

Chuối ngự trắng thì cho quả to hơn. Khi chín, vỏ của giống chuối tiến vua này có màu vàng tươi hơi sáng. Quả chuối tròn căng, phần thịt bên trong cũng rất vàng và thơm. Chuối ngự trâu thì ít nổi tiếng hơn. Loại này cũng có quả to. Vỏ của chúng chuyển thành màu vàng nhạt khi chín, và không có mùi thơm bằng hai loại kia.

2.3. Hàm lượng dinh dưỡng

Bên cạnh hương vị thơm ngon đặc trưng, chuối tiến vua cũng như bao loại chuối khác. Bên trong chúng là hàm lượng lớn các chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể như kali, chất xơ, các axit amin cần thiết, nhiều loại vitamin (vitamin A, C, E,…) và khoáng chất nuôi cơ thể.

2.4. Canh tác

Chuối tiến vua không chỉ có cái tên và câu chuyện sang chảnh, mà nó còn khá… khó chiều. Giống cây này chỉ có thể trồng và phát triển tốt khi ở trên đất cát pha. Thuận lợi hơn nữa là ở những nền đất ải, xung quanh các bờ ao, bờ hồ. Do đây là những vị trí có điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết thuận lợi để cho ra những quả chuối tiến vua ngon lành nhất.

nông sản

Thời điểm phù hợp nhất để trồng cây chuối ngự là vào mùa xuân, đặc biệt là từ giữa cho đến cuối mùa. Nhiệt độ tốt nhất để cây sinh trưởng tốt là từ 26 đến 28 độ C. Trồng sau một năm thì cây sẽ bắt đầu ra quả.

Thời gian đầu khi trồng chuối tiến vua, cây cần được cấp và giữ ẩm thường xuyên. Sau một tháng trồng cây thì bắt đầu từ từ bón phân. Chuối ngự không thích phân tươi, mà nên tưới phân đạm cho chúng. Tuy vậy, cũng chỉ nên bón phân vào những tháng đầu mà thôi. Vì nếu bón phân trong khi chuối đang đơm hoa kết trái thì sẽ khiến quả chuối khi ra sẽ mau bị nứt vỏ, hoặc không giữ được phẩm chất tốt của giống chuối này.

Chuối ngự khá cao nhưng thân lại mềm giòn và dễ gãy, đổ. Nên khi bắt đầu trổ buồng chuối, nhà vườn thường rào xung quanh thân cây bằng những cột chống. Bên cạnh đó, dấm chuối cũng là một công đoạn vô cùng quan trọng trong quá trình trồng và chăm sóc loài cây này.

Người ta thường nói, hoa quả ăn ngon nhất là khi chúng vừa chín cây. Nhưng điều đó thì lại không đúng với chuối ngự. Sau 45 ngày kể từ khi chuối trổ buồng, cần phải hạ chuối xuống ngay khi thấy trên bề mặt vỏ xuất hiện những đốm lấm tấm. Sau đó ủ kỹ. Nếu cứ tiếp tục để trên cây sẽ dẫn đến hiện tượng chuối bị nứt vỏ, không chín đều, hương thơm cũng nhạt nhòa hơn.

3. Phân biệt hai loại chuối ngự và chuối cau

Cho đến hiện nay, vẫn còn rất nhiều người bị nhầm lẫn giữa hai loại chuối ngự và chuối cau. Điều này cũng vô cùng dễ hiểu vì xét về mặt hình dáng, chúng mang khá nhiều điểm tương đồng. Để phân biệt chính xác hai loại dưới này, sau đây là một vài bí quyết dành cho bạn.

Chuối cau thường được trồng nhiều ở các tỉnh thuộc khu vực Trung Bộ và Nam Bộ. Còn chuối tiến vua thì được trồng chủ yếu ở miền Bắc. Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường, sẽ khó có thể phân biệt hai loại chuối này khi chúng còn đang trong thời gian non và xanh. Nhưng đến khi chúng chín hẳn thì bạn sẽ nhận ra được sự khác biệt rõ rệt.

chuối cau

Chuối cau thoạt nhìn giống chuối ngự.

Về cơ bản, quả chuối cau sẽ có kích thước lớn hơn, tròn hơn chuối tiến vua. Bên cạnh đó, chuối cau khi chín vẫn có lớp vỏ dày hơn chuối tiến vua Đại Hoàng. Và hương vị khi ăn cũng không ngon ngọt và thơm bằng.

Cụ thể hơn, chuối ngự khi chín sẽ có phần vỏ vàng ươm, bóng mịn rất đẹp mắt. Râu chuối ngự khi chín vẫn còn giữ được chứ không bị rụng hết. Còn chuối cau thì có vỏ hơi dày và không đậm màu bằng. Phần râu của chuối cau cũng sẽ rụng sạch khi chín quả.

Khi quan sát dưới mắt thường, khi còn xanh thì khó phân biệt, nhưng khi chuối chín thì quả chuối ngự cho màu vàng, đều, nhìn đẹp mắt.

Nếu quan sát sẽ thấy râu chuối ngự sẽ vẫn giữ được phần râu. Còn chuối cau sẽ bị rụng đi khi chín.

Nhìn bằng mắt thường, khi chuối còn xanh thì khá khó phân biệt, nhưng khi chuối chín, quả chuối ngự cho màu vàng đều đẹp mắt và giữ được phần râu ở đầu quả, trong khi chuối cau sẽ rụng đi phần râu này khi chín.

ăn chuối

4. Kết

Chuối ngự là một trong những loại trái cây đặc sản rất quý của Việt Nam ra mà ai ai ăn một lần cũng đều “thương nhớ” mãi không thôi. Những người con xa xứ khi có dịp trở về thăm quê hương cũng thường xuyên mua chuối đóng vào hành lý để mang đi. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu thêm nhiều điều về loài trái cây đặc sản độc đáo này của nước ta.

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2021-02-13 21:01:11.

Bài Viết Liên Quan

Viết Bình Luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.