Trang Chủ » Đệm lót lên men nuôi lợn từ A đến Z

Đệm lót lên men nuôi lợn từ A đến Z

585 lượt xem
đệm lót lên men

Đệm lót lên men A-Z

Đệm lót lên men có thể là cứu tinh cho ngành công nghiệp chăn nuôi lợn truyền thống ở nước ta cũng như ở nhiều nước trên thế giới, nơi đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường không khí và nước, làm phát sinh các tác hại cho môi trường và người chăn nuôi, đó là:

  • Mùi hôi, khí độc và ruồi muỗi
  • Phát sinh dịch bệnh : Chi phí thuốc thú y lớn , lạm dụng của thuốc kháng sinh
  • Tốn nước, tốn nhân công xử lý chất thải .
  • Động vật nuôi chậm lớn, chi phí thức ăn cao
  • Hiệu quả kinh tế thấp
  • Chất lượng thịt kém
  • Ảnh hưởng đến sức khỏe của con người

Ngày nay mọi người mới thực sự quan tâm đến sự tác động trực tiếp của môi trường ô nhiễm đến sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh, làm giảm sự sinh trưởng phát triển và khả năng sinh sản, tăng tiêu tiêu tốn thức ăn trong chăn nuôi…

đệm lót lên men

Vấn đề vệ sinh môi trường chăn nuôi có liên quan chặt chẽ đến vấn đề thải phân và nước tiểu của động vật nuôi. Vấn đề xử lý các chất thải này được người chăn nuôi thực hiện hàng ngày với cách làm truyền thống như quét dọn, tẩy rửa, thu gom phân vào bể biogas, hố ủ hay sử dụng độn lót chuồng có định kỳ bổ sung hoặc thay thế độn lót… Việc xử lý này không những tốn nhiều công sức và cả tiền của mà còn không thể xử lý triệt để môi trường, sự ô nhiễm vẫn còn nặng ảnh hưởng đến con vật, người chăn nuôi và khu dân cư. Việc sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý phân và làm giảm mùi hôi chỉ là việc làm nhất thời, không giải quyết tận gốc của vấn đề.

Làm sao để có thể xử lý phân, chất thải chăn nuôi một cách triệt để tạo môi trường trong sạch có lợi cho sự sinh trưởng phát triển của con vật, giảm được tỷ lệ mắc bệnh và đem lại các lợi ích khác nữa mà không phải tốn tiền và nhân công, không phải thực hiện hàng ngày? Câu hỏi này đã được giải đáp, đó là nghiên cứu sản xuất chế phẩm vi sinh dùng để tạo đệm lót lên men trong chăn nuôi.

I.  PHƯƠNG PHÁP CHĂN NUÔI TRÊN ĐỆM LÓT LÊN MEN ?

Phương pháp chăn nuôi trên đệm lót lên men còn được gọi bằng các tên khác nhau, đó là:

– PHƯƠNG PHÁP CHĂN NUÔI KHÔNG CHẤT THẢI

– PHƯƠNG PHÁP CHĂN NUÔI TỰ NHIÊN

– PHƯƠNG PHÁP CHĂN NUÔI SINH THÁI

– CHĂN NUÔI TRÊN ĐỆM LÓT DẦY

Phương pháp chăn nuôi trên đệm lót lên men là phương pháp nuôi dưỡng động vật trên độn lót chuồng có chứa  một quần thể các vi sinh vật có thể tồn tại cùng nhau lâu dài trong độn lót, có khả năng phân giải mạnh chất hữu cơ và ức chế các vi sinh vất có hại và gây bệnh nên có tác dụng lên men tiêu hủy phân, nước tiểu làm giảm các khí độc và mùi hôi trong chuồng nuôi tạo môi trường trong sạch không ô nhiễm, ít ruồi muỗi và vi sinh vật gây hại, do đó con vật sống thoải mái, giảm căng thẳng, tăng sinh trưởng và có sức đề kháng cao.

đệm lót lên men

Do nuôi trên đệm lót lên men phân và nước tiểu hầu như bị tiêu hủy nên người ta còn gọi là phương pháp chăn nuôi không chất thải. Đệm lót lên men đã tạo ra một môi trường mà ở đó động vật nuôi có thể khôi phục bản năng sống tự nhiên của chúng là được tự do đi lại chạy nhẩy, tìm kiếm, đào bới…nên phương pháp chăn nuôi trên đệm lót lên men còn được gọi là phương pháp chăn nuôi tự nhiên.

II. ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐỆM LÓT LÊN MEN

– Tạo cho chuồng nuôi có được một tiểu khí hậu tốt: nhiệt độ độ ẩm thích hợp, không khí trong lành, không có mùi thối và khí độc, giảm thiểu vi sinh vật gây bệnh

– Không cần phải thu dọn phân và tẩy rửa chuồng trong suốt quá trình nuôi.

– Đệm lót lên men không dễ bị lên mốc và biến chất, năng lực phân giải mạnh

– Trong quá trình nuôi dưỡng, có thể sử dụng các xử lý tiêu độc bình thường mà không ảnh hưởng đến công năng của nó

III. HIỆU QUẢ TÁC DỤNG CỦA ĐỆM LÓT LÊN MEN

Sử dụng đệm lót lên men trong chăn nuôi đem lại nhiều lợi ích lớn lao cho người chăn nuôi cũng như toàn xã hội.

– Trước hết cần nhận thấy đó là chuồng thiết kế đơn giản với sự đầu tư thấp; xử lý độn lót nhanh vối sự đầu tư ban đầu ít, không phức tạp nhưng lại có giá trị sử dụng cao, lâu dài. Một độn lót nền chuồng được xử lý tốt có thể sử dụng liên tục trên 6 tháng thậm chí tới hàng năm.  Độn lót sau đó vẫn sử dụng làm phân bón có chất lượng cao cho cây trồng.

Bình thường thì sau 3- 4 tháng hoặc có thể tới 5- 6 tháng sử dụng mới cần bổ sung 5% đệm lót lên men mới là có thể sử dụng lại. Như vậy bất cứ trong tình huống nào thì việc sử dụng độn lót chuồng lên men trong chăn nuôi cũng làm giảm rõ rệt công lao động và chi phí so với cách làm thông thường để vệ sinh chuồng trại.

đệm lót lên men

Hiệu quả việc sử dụng độn lót chuồng lên men trong chăn nuôi có thể thấy ngay và rất rõ rệt. Đó là:

– Tăng sinh trưởng và sinh sản

– Làm tiêu hết phân, giảm mùi hôi thối, giảm khí độc trong chuồng nuôi, tạo môi trường sống tốt cho gia súc, cải thiện môi trường sống cho người lao động. Tạo cơ hội phát triển chăn nuôi ngay ở nơi dân cư đông đúc

– Trong môi trường sạch, kích thích con vật sống theo bản năng nguyên thủy: đi lại, cào bới…độn lót để tìm kiếm các thứ có thể ăn được. Điều đó tạo điều kiện cho con vật rèn luyện thể chất, tăng được năng lực tiêu hóa, cải thiện ngoại hình, tăng sức đề kháng giảm mắc bệnh.

– Giảm tỷ lệ mắc bệnh đặc biệt là bệnh đường ruột và hô hấp từ 50- 70 %, giảm tỷ lệ chết và đào thải giảm (gà đẻ 5%, gà thịt 2%)

– Tăng chất lượng thịt, trứng: tỷ lệ nạc cao, giá trị dinh dưỡng lớn, giảm tồn dư kháng sinh.

– Tăng hiệu quả kinh tế: chu kỳ nuôi so với bình thường ngắn, rủi ro ít, lợi nhuận cao, thu hồi vốn nhanh và nhiều lợi ích khác.

Giảm dùng nước và giảm công lao động 60% để làm vệ sinh chuồng trại. Giảm chi phí cho thay độn lót chuồng nuôi gà.  Giảm công và chi phí thuốc trong việc chữa trị con vật bị bệnh. Giảm chi phí thức ăn trên dưới 10% …

IV. KỸ THUẬT XÂY DỰNG CHUỒNG TRẠI VÀ LÀM ĐỆM LÓT LÊN MEN CHĂN NUÔI LỢN

1. DIỆN TÍCH, VẬT LIỆU XÂY DỰNG VÀ CẤU TRÚC CHUỒNG

Chiều rộng 4-5m, dài không hạn chế, mái cao 2,3-2,7 m, đỉnh cao 3,8- 4,5m, bốn phía tường bao cao 1- 1,2 m

Diện tích chuồng không lớn hơn 20 m2 và không nhỏ hơn 10 m2. Tuy nhiên qua nghiên cứu diện tích 20m2 nuôi trên dưới 15 đầu lợn thịt là hợp lý nhất.

– Vật liệu làm tường bao, tường ngăn, mái tùy điều kiện cụ thể của địa phương

– Cấu trúc chuồng hở, mái kép

– Khi xây mới nền chuồng đất nện chặt, không láng xi măng. Nếu là chuồng cũ cải tạo thì hoặc là làm loại đệm lót nổi trên mặt đất, nền xi măng có thể giữ nguyên nhưng phải đục lỗ, mỗi lỗ 4 cm, cứ cách 30 cm đục 1 lỗ hoặc phá nền để tạo nền chuồng mới.

– Thiết kế hệ thống phun nước làm mát và giữ độ ẩm đệm lót

Máng ăn và vòi uống nước tự động đạt ở 2 phía đối nhau để giúp lợn tăng sự vận động làm đảo trộn chất độn lợi cho lên men

– Máng ăn cao hơn bề mặt đệm lót trên dưới 20 cm để tránh chất độn rơi vào thức ăn

Xây máng hứng nước dưới vòi nước tự động để tránh nước chẩy vào đệm lót

2. THIẾT KẾ ĐỆM LÓT LÊN MEN Mô hình tham khảo:

a. Các loại đệm lót lên men

Đệm lót lên men gồm 3 loại:

– Loại đệm lót dưới mặt đất: Đào sâu xuống dưới đất đạt độ sâu bằng độ dầy của đệm lót

– Loại đệm lót nổi trên mặt đất: Xây cao tường bao với chiều cao cao hơn một chút so với độ dầy của đệm lót

– Loại đệm lót nửa dưới mặt đất: Đào xuống dưới đất chỉ cần độ sâu bằng một nửa của độ dầy đệm lót

Vận dụng tùy thuộc vào độ thoát nước và địa thế đất cao hay thấp; cải tạo hay xây dựng mới chuồng trại.

b. Độ dầy đệm lót chuồng

Mùa hè mỏng mùa đông dầy

– Mùa hè: 40 cm -50 cm

– Mùa đông: 60- 90 cm

Chú ý:

– Độ dầy của đệm lót thường giảm thấp do bị nén sau khi nuôi một thời gian nên khi làm mới thường người ta tăng thêm độ dầy lên 20%. Ví dụ: nếu cần độ dầy đệm lót là 60 cm thì khi làm phải tăng độ dầy thêm 12 cm nữa.

– Mùa hè thường có nhiệt độ luôn trong khoảng 30oC, thì chỉ cần thiết kế độ dầy đệm lót ban đầu 30-40 cm để tránh sự lên men quá mạnh tăng nhiệt lớn ảnh hưởng đến lợn,  sau này sang mùa thu đông sẽ tăng thêm chất độn để đạt độ dầy cần thiết. Nếu độ dầy đệm lót thấp thì hệ thống máng ăn, vòi nước đều cao do vậy cần làm sao để lợn có thể ăn uống được dễ thì có thể thiết kế tạm cầu hoặc bậc đứng cho lợn  hoặc dùng hệ thống ăn uống di động hoặc các chuồng này dùng để nuôi lợn lớn.

  Cần chú ý bổ sung đệm lót hàng năm nếu bị sụt giảm độ cao

c. Nguyên liệu làm chất độn

Yêu cầu:

– Chất trơ- thành phần xơ cao, không dễ phân giải

– Không độc, không gây kích thích

– Có độ cứng lớn

– Có một lượng chất dinh dưỡng (năng lượng) nhất định

Mùn cưa (của các loại gỗ cứng): kích thước từ 5-10mm Vỏ trấu

Vỏ hạt bông, Vỏ lạc

Thân cây bông

Lõi ngô, thân cây ngô,

Thường 1m2, có độ dầy 60 cm thì cần lượng mùn cưa 70-100 kg

Nguyên vật liệu làm đệm lót

Cho 20m2 chuồng độ dày 50 -60 cm

– Mùn cưa (100%) hoặc (50% trấu + 50% mùn cưa): 1,7-2 tấn

– Chế phẩm vi sinh BALASA-N01:  2kg

– Bột ngô 35 kg

– Thùng to (200l): 1 cái

– Xô, thùng, chậu nhựa: 2 cái mỗi loại

– Máy bơm: 2

– Bình ô- roa: 2

– Cào răng cưa, cuốc: 2-3

– Bạt, nilon để đậy đệm lót

d. Cách làm (cho 20m2 chuồng, đệm lót dày 50-60cm)

Cách chế 200 lit dịch men:

Trộn đều 1kg chế phẩm BALASA-N01 với 15 kg bột ngô, sau đó cho vào thùng, cho từ từ nước sạch vào, khuấy đều cho bột ngấm đều nước. Thêm nước cho đủ 200 lít (nếu nhiệt độ ngoài trời dưới 15oC thì dùng nước ấm) khuấy đều, để 1-2h sau đó đậy kín. Để ở chỗ ấm trong thời gian trên 24 giờ là có thể dùng được. Mùa đông có thể để dài hơn (2 ngày).

Cách làm đệm lót: độ dày 50-60cm

Bước 1: Lấy 1kg chế phẩm BALASA-N01 trộn với 20 kg ngô còn lại, cho vào 5- 7l dịch men, xoa cho ẩm đều (nắm tay vào khi bỏ ra bột không bị rời ra)

Bước 2: Rải lớp chất độn dầy 20 cm, có thể là mùn cưa hay là mùn cưa trộn với trấu. Tưới khoảng 100 lít dịch men đã làm ở trên. Kiểm tra độ ẩm nếu vẫn còn khô thì phun thêm nước sạch. Rắc đều 2/3 số Bột ngô trong dịch men lên trên bề mặt, dùng tay xoa cho đều. Độ ẩm ở lớp dưới cùng khoảng 60%.

Bước 3: Rải tiếp 20 cm mùn cưa. Tưới dịch men (60-70lit) đều lên bề mặt, nếu chưa đủ ẩm thì phun thêm nước sạch cho vừa đủ. Rắc nốt số bột ngô trong dịch men lên trên. Rắc thêm 5kg bột ngô ở bước 1, dùng tay xoa cho đều. (độ ẩm khoảng 50-60%).

Bước 4 : Lớp trên cùng 10-20 cm nhất thiết phải là lớp mùn cưa. Sau khi tưới số dịch men còn lại (khoảng 30-40 lít), nếu chưa đủ ẩm thì thì phun thêm nước sạch lên toàn bộ bề mặt lớp độn lót. Rắc nốt số bột ngô làm ở bước 1, dùng tay xoa đều.

Bước 5 : Đậy kín toàn bộ bề mặt bằng bạt hoặc bằng ni-lon. Nếu nhiệt độ bên ngoài quá cao có thể không cần che phủ

Lưu ý

  • Cách kiểm tra độ ẩm: Nắm mùn cưa trong tay, nếu có nước rỉ ra kẽ tay thì đệm lót quá ướt. Nếu mùn cưa rời ra thi độ ẩm chưa đủ. Độ ẩm đủ: nắm mùn cưa và khi bỏ tay ra thi phải thành khuôn.
  • Khi rải bột ngô chú ý rải các góc chuồng và rìa tường ở cuối chuồng nơi có thể tập trung nhiều phân.
  • Để làm  đệm lót dày 40 cm thì có thể chia 2 lớp: lớp dưới cùng 20cm, lớp trên là 20cm. Lượng dịch men không thay đổi. Mỗi lớp sử dụng 100 lít.

e. Lên men

Mùa đông: sau khi làm xong đệm lót 1-2 ngày có thể thả lợn vào ngay, do lạnh lên men chậm nên tận dụng của nhiệt độ của lợn làm tăng lên men. Hoặc khi kiểm tra đệm lót ở các vị trí khác nhau, nếu thấy ấm thì có thể thả lợn.

Mùa hè:

– 1-2 ngày đầu đã lên men mạnh đạt mhiệt độ trên 40oC, dưới độ sâu 30 cm có thể đạt nhiệt độ 70oC nhưng duy trì trong thời gian ngắn

– Sau vài ngày sau 7 ngày, nhiệt độ hạ dần. Bới sâu xuống 30 cm nhiệt độ khoảng 40oC, không còn mùi nguyên liệu, có mùi thơm rượu nhẹ đặc trưng là có thể dùng được

– Sau 3 và 7 ngày thì cần bổ sung thêm nước, pha 5 kg dịch men trong 200 kg nước để phun cho 20 m2 chuồng. Tuy nhiên cần căn cứ điều kiện thực tế để định.

– Sau khi lên men kết thúc: bỏ bạt phủ, cào cho lớp bề mặt ( sâu khoảng 20 cm ) cho tơi, để thông khí trong 1 ngày.

– Trước khi thả lợn 1 ngày lại phun dung dịch pha 5 kg dịch men trong 200 kg nước 1 lần nữa. Để sau 1 ngày mới thả lợn

Độ ẩm của đệm lót

– Lượng nước dùng cần linh hoạt, thường theo tỷ lệ chất độn / nước là 1/0,7

– Lớp dưới và lớp giữa thường giữ độ ẩm ở 50-60% .

– Lớp trên và trên cùng chỉ cần độ ẩm 30% .

3. MẬT ĐỘ

Lợn nhỏ: 0,8- 1m2 / con

Lợn 20-60kg:1,2 -1,5 m2/ con Lợn >60kg 1,5-2m2/con

Qua nghiên cứu người ta nhận thấy với mật độ như trên sẽ đảm bảo sự tiêu hủy hết phân và kéo dài được tuổi thọ của đệm lót

4. ĐƯA LỢN VÀO CHUỒNG:

– Lợn phải cùng 1 ổ có trọng lượng tương đồng; phân riêng các lợn khỏe, yếu

– Trường hợp khác ổ có thể đánh nhau, nhưng chỉ 2 ngày sau là hết. Cần có thể dùng rượu phun lên mình lợn bị cắn và mũi lợn hay cắn.

– Cần chú ý tránh phản ứng strees do lợn được thả vào trong môi trường mới làm ảnh hưởng đến công năng tiêu hóa ở dạ dầy ruột, cần chú ý trong ngày đầu chỉ cho ăn một ít rau xanh, sau đó cho ăn 1 lượng nhỏ thức ăn, sau đó tăng dần dần lượng thức ăn cho đến ngày thứ 7 thì cho ăn bình thường. Có thể bổ sung thêm premix khoáng, vitamin.

Những chú ý

– Thời tiết nóng lợn có thể giảm ăn do cần sự thích nghi và nhận được các thành phần bổ sung từ đệm lót

– Mùa hè: Nếu thời tiết nắng nóng, nhiệt độ trong chuồng nuôi quá cao (>35oC) có thể làm cho lợn ở trạng thái bất an: cần phải phun mù nước lạnh vào các giời cao điểm, mỗi lần 5- 10 phút, cách 30 phút phun một lần. Không nên phun quá nhiều tránh ướt đệm lót ảnh hưởng đến sự lên men của vi sinh vật. Mở cửa sổ đảm bảo lưu thông không khí, hoặc sử dụng quạt trần, quạt điện…

– Cá biệt có con có khi vào chuồng có phản ứng không thích ứng ngay thì chuyển đi, sau một thời gian thả lại.

– Không tạo cho lợn có thói quen thải phân một chỗ. Trước khi thả có thể nhặt phân lợn từ đàn cần thả bỏ rải rác một số nơi trên đệm lót.

5. QUẢN ĐỆM LÓT

a. Quan sát đệm lót

– Quan sát bề mặt độn lót nếu thấy có hiện tượng kết tảng, đóng vón cục cần phải cào xới cho tơi xốp. Phải phân tán phân ra toàn bộ chuồng, để tránh cho heo có thói 

quen ỉa tập chung một chỗ. Trong trường hợp có quá nhiều phân tập trung một chỗ thì phải vùi lấp phân để tránh hiện tượng ruồi tập trung đẻ trứng.

Sự kết tảng là do nấm mốc hoặc xạ khuẩn phát triển sinh ra các hệ sợi ở độ ẩm cao. Sự kết tảng đi đôi với sự tiêu hao độn lót do sự tiêu hao chất xơ vì vậy cần phải thường xuyên xới tơi đệm lót (có thể ngày 1 lần).

Việc xới tơi đệm lót rất quan trọng, nó giúp cho đệm lót thông thoáng, vi sinh vật hoạt động tốt. Đặc biệt, việc xới tơi đệm lót giúp phân tán bớt nhiệt trong quá trình lên men làm giảm nhiệt độ bề mặt của đệm lót trong mùa hè.

– Trường hợp đệm lót bị vón cục, kết tảng chắc như đất (có thể do không bảo dưỡng trong một thời gian dài) thì phải xử dụng máy để xới tơi (thông tin về máy xới có thể liên hệ tác giả).

– Trường hợp đệm lót bị lún, độ dày xuống dưới 30-40cm: thường thì sau 1 hoặc 2 đợt nuôi (3-4 hoặc 4-6 tháng) mới cần bổ sung thêm 5- 10% chất độn. Trong trường hợp cần bổ sung đệm lót tốt nhất là dùng mùn cưa: 100 kg mùn cưa dùng 70-100 lit dịch men để phun ẩm (cách làm dịch men tương tự như trên. Sử dụng 1kg chế phẩm với 10kg bột ngô (bắp) cho 20m2)

b. Quan sát độ ẩm đệm lót

Đệm lót được phân làm 3 tầng

Tầng trên cùng- tầng mặt: Là tầng phủ đậy giữ nhiệt độ và độ ẩm cho tầng dưới lên men. Là tầng hóa lý có nhiều oxi, có tác dụng phân tán và hấp phụ phân và nước tiểu. Do chất độn có thành phần xơ cao, khó bị nát tạo độ xốp lớn nên có năng lực hấp phụ mạnh phân và nước tiểu đồng thời do tác động vận động, ủi dũi của lợn cũng như sự trợ giúp của con người phân lợn được phân tán vùi lấp trong đệm lót để đợi sự phân giải và đồng hóa của vi sinh vật ở đây sau đó. Do vậy cần thiết phải đảm bảo sự tơi xốp cũng như độ ẩm bề mặt.

Trong quá trình hấp phụ, nước và khí NH3 trong phân nước tiểu bị phân tán trong độn lót làm giảm một phần mùi hôi.

Điều này nhắc nhở chúng ta phải quan sát bề mặt độn lót nếu thấy có hiện tượng kết tảng cần phải cào xới cho tơi xốp, phải giúp làm phân tán và vùi lấp phân không để tập trung một chỗ. Sự kết tảng là do nấm mốc hoặc xạ khuẩn phát triển sinh ra các hệ sợi ở độ ẩm cao. Sự kết tảng đi đôi với sự tiêu hao độn lót do sự tiêu hao chất xơ.

Tạo độ xốp bề mặt có liên quan đến các nguyên liệu làm chất độn: chất trơ khó bị phân giải. Nhưng cần bổ sung thêm ngô để có sự cân bằng về dinh dưỡng N/C đạt 1/25. Chỉ đơn thuần là vỏ bào sẽ không có sự lên men và giữ cho hệ vi sinh vật luôn tồn tại trong độn lót.

Việc sử dụng các loại độn lót phải có sự xen kẽ giưa các loại thô với nhỏ mịn giữa các loại  có nhiều dinh dưỡng ( thân lõi ngô…) với các loại ít dinh dưỡng để đảm bảo độ tơi xốp và lên men đều khắp. Nếu thân ngô tập trung một chỗ lên men mạnh dễ gây đóng bánh

Tầng giữa: là tầng bán yếm khí hay là tầng lên men chủ yếu. Nhiệt độ ở tầng này giao động trong khoảng 25- 50oC

Tầng đáy: Là tầng yếm khí còn gọi là tầng sinh thái. Nơi tàng trữ và cung cấp hệ vi sinh vật có lợi có chất lượng cho tầng trên. Tầng này có độ pH thấp, thực hiện quá trình lên men yếm khí

– Trong trường hợp cần bổ sung đệm lót tốt nhất là dùng mùn cưa: 100 kg mùn cưa dùng 70 kg dịch nước men để phun ẩm

Nếu tầng bề mặt ẩm, trời âm u, mưa nhiều…Dùng cao sới tung tầng trên ở độ dậy đệm lót là 15 cm, mở các cửa , tăng cường thoát ẩm và trao đổi không khí để lên men tốt cúng làm tăng thoát hơi nước

Nếu quá ẩm cần thêm chất độn khô, tuy nhiên trường hợp này ít xẩy ra trừ bị hắt nước mưa

– Mùa đông: do phải đóng kín cửa nên dễ tăng độ ẩm nên tranh thủ khi nắng mở cửa thong gió, sới bề mặt đệm lót hoặc thêm chất độn. Mùa đông giá lạnh cần quan sát cụ thể mà quyết định.

– Mùa hè nắng nóng, mùa thu năng khô: mỗi ngày phun dịch men loãng 1 hoặc vài lần; Trời mưa hoặc u ám: không hoặc phun ít.

– Mùa xuân, hoặc thời tiết mưa nhiều độ ẩm cao: vài ngày hoặc hàng chục ngày mới phun 1 lần

Không phun trực tiếp lên lợn

Lắp đặt hệ thống phun mù với các đầu phun được lắp đặt ở từng ô chuồng

c. Cần thường xuyên quan sát phân

– Tốt nhất là lợn thải phân phân tán ( khác với nuôi lợn truyền thống là cần lợn thải phân tập trung ), sẽ có lợi cho sự tiêu hủy phân .

– Nếu phát hiện thấy phân nhiều ở một chỗ cần phải vùi lấp

– Nếu cá biệt có hiện tượng tiêu chảy thì cần dùng thuốc điều trị

– Nếu bị bệnh nặng thì cần cách ly, chỗ phân lợn bệnh cần rắc vôi hoặc phun chế phẩm men sau đó vùi sâu xuống 30 cm. Đệm lót có chứa nhiều vi sinh vật có lợi nên hiện tượng tiêu chảy ít xẩy ra, và nếu có thì chữa trị cũng nhanh khỏi

– Nếu lượng phân quá nhiều có thể hót bớt đi (do mật độ nuôi quá dày hoặc gia súc ỉa tập trung hoặc do số lượng vi sinh vật không đủ để phân giải phân – kiểm tra đệm lót thấy lạnh).

d. Quan sát ăn uống của lợn

Cần chú ý cho lợn ăn một lượng thức ăn thích hợp không dư thừa.

– Nuôi lợn bằng đệm lót tăng trọng cao hơn so với nuôi truyền thống mà tiêu tốn thức ăn lại thấp. Do :

Có thể kiếm một phần dinh dưỡng do được bổ sung thành phần đạm vi sinh trong đệm lót

– Sự bổ sung thường xuyên vi sinh vật có lợi giúp tăng cường tiêu hóa

– Lợn không bị strees, sống vận động tự nhiên thoải mái, không bị ảnh hươnhr của môi trường ô nhiễm…

– Nếu kết hợp sử dụng thức ăn lên men thì hiệu quả tốt hơn do quá trình tiêu hóa triệt để hơn, tiêu tốn thức ăn giảm, tăng trọng nhanh.

Bảo dưỡng hệ sinh thái vi sinh vật đệm lót

Ngửi mùi : mới có mùi của nguyên liệu kèm mùi của phân lên men, không có mùi thối.

Nếu còn phân mùi thối là lên men không tốt, cần xử lý sau:

  • Bổ sung thêm chất độn đảm bảo độ dầy đệm lót nhất là mùa đông, hoặc thời tiết lạnh. Nếu không được thì thay một phần bằng đệm lót mới có thêm dịch men.
  • Bổ sung thêm dịch men nồng độ cao; co thể sới tung đệm lót ở độ dầy 15 cm để phun dịch men, Mỗi mét vuông ( m2) dùng 1-2 kg dịch men
  • Sới tung đẹm lót để cho tơi xốp trong trường hợp có kết tảng và độ ẩm cao. Đệm lót tơi xốp sẽ đảm bảo sự  thông thoáng khí để vi sinh vật có thể phát triển.
  • Điều chỉnh mật độ lợn nuôi trong chuồng

– Nếu đệm lót kết bánh, năng lực phân giải giảm cần thay thế đệm lót. Cụ thể: hót đi đệm lót tầng mặt 30 cm, nếu tầng dưới có mùi bình thường, thì có thể giữ làm nguồn men giống cho lần đệm lót sau nên chỉ cần thay thế tầng mặt. Qua 2 lần sử dụng có thể nghiên cứu thay toàn bộ cả tầng dưới

– Có thể nghiên cứu dùng lại độn lót cũ sau khi đã phơi khô, nhưng tối đa chỉ dùng lại 50%

Cần tăng nhiệt trong mùa đông lạnh giá chỉ cần 1m2 cho 0,5-1kg bột ngô, 2- 4 kg nước và dịch lên men

6. VẤN ĐỀ SỬ DỤNG THỨC ĂN ĐỂ GIẢM Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

Để sự tiêu hủy phân, nước tiểu được triệt để và kéo dài tuổi thọ của đệm lót cần kết hợp cho ăn thức ăn lên men hoặc men tiêu hóa. Sử dụng thức ăn lên men hoặc men tiêu hóa giúp cho quá trình tiêu hóa thức ăn triệt để hơn, do đó làm giảm lượng thức ăn không tiêu hóa hết được thải qua phân. Các tác dụng của thức ăn lên men:

  • Giảm thải phân và độ thối chủa phân
  • Giảm chi phí thức ăn
  • Giảm tỷ lệ mắc bệnh
  • Tăng hiệu quả kinh tế

Lưu ý:

  • Đệm lót lên men vi sinh vật giúp làm giảm ô nhiễm trong chuồng nuôi từ chất thải của gia súc, giúp tiết kiệm nhân công dọn rửa vệ sinh chuồng trại và một số lợi ích như đã nêu ở trên. Tuy nhiên, nó không phải là một “phương pháp kỳ diệu” có thể khống chế được các loại dịch bệnh. Vì vậy người chăn nuôi cần phải tuân thủ đúng, đầy đủ các qui trình vệ sinh phòng bệnh đối với đàn gia súc của mình để đạt được hiệu quả cao nhất (tiêm vaccine phòng bệnh, thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học…).
  • Tài liệu hướng dẫn này được chỉnh sửa và cập nhật  liên tục để phù hợp với điều kiện thực tế.

Mọi vấn đề thắc mắc về kỹ thuật đệm lót lên men, xin liên hệ các địa chỉ sau:

  • TS. Nguyễn T. Tuyết Lê Tel. 0912 562 942
  • Email: tuyetle.nguyen@gmail.com

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2016-05-20 14:33:30.

Bài Viết Liên Quan

Viết Bình Luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.