Chỉ mẹo câu cá lóc
Cá lóc nổi tiếng háu ăn, nhưng lại đa nghi nên câu cá lóc không dễ. Chỉ có những người nhiều kinh nghiệm, sống trong nghề lâu năm, nổi tiếng là tay sát cá thì mới coi đó là việc dễ dàng. Người được thiên hạ gọi là tay sát cá coi việc đi câu là nghề chuyên nghiệp của họ.
Khi họ đã dùng cần câu cá làm cần câu cơm, thì hễ vác cần thất thểu ra đồng là họ đều câu được cá, chỉ có điều được ít hay nhiều mà thôi.
- Tìm hiểu các loại thức ăn cho cá lóc
Sở dĩ họ tài như vậy là do nghề dạy nghề. Kinh nghiệm đã cho họ biết rành rẽ tập tính sinh sống và cách ăn mồi mà không chỉ riêng cá lóc mà là từng giống cá một ra sao, từ đó họ mới tích góp những bí quyết riêng để câu được nó.
Trái lại, với giới đi câu giải trí vốn xem việc đi câu chỉ nhằm mục đích thư giãn là chính, họ xem nhẹ việc học hỏi thêm kinh nghiệm. Mà khổ nỗi, dù họ có muốn học cũng không ai thật lòng mà chỉ dạy cho, vì xưa nay những tay sát cá đều tuyệt đối giấu nghề, một phần vì sợ nồi cơm gia đình họ bị đe doạ. Vì vậy, điều mà ai ai cũng nhận thấy xưa nay, trong mỗi làng, trong số hàng trăm người ngày ngày vác cần đi câu, nhiều lắm cũng chỉ có một hai người nổi tiếng là “tay sát cá” mà thôi.
Bàn riêng về nghệ thuật câu cá lóc, điều gọi là “bí quyết của những tay sát cá” có những điểm chính sau đây mà ta có thể học hỏi dễ dàng:
I. Tập tính ăn mồi của cá lóc
Cá lóc (kể cả cá lóc bông) tính rất háu ăn, nhưng lại đa nghi, dù đói chúng cũng không bỏ được tính đa nghi này. Vì vậy, câu cá lóc phải có cách câu riêng, và câu từ xa với cần câu dài (tránh cho cá thấy bóng người câu), đồng thời phải kiên nhẫn chờ đợi.
Cá lóc chỉ chịu ăn mồi còn sống, và ta phải biết cách “nguỵ trang” sao cho cá tin rằng đó không phải là “mồi câu dụ nó” mà là con mồi còn sống tự nhiên trong môi trường sinh sống thường ngày của nó thì nó mới chịu ăn.
Cá lóc chỉ chịu ăn mồi vào lúc sáng sớm, từ khi mặt trời chưa mọc, và vào lúc hoàng hôn. Ban trưa, chúng lo tránh nóng không chịu ăn mồi, trời mưa cũng vậy.
II. Sắm đúng dụng cụ câu cá lóc
Đồ nghề câu cá lóc khác với đồ câu các loại cá khác. Tuy vậy, cần phải sắm cho đúng mẫu thì mới hành nghề dễ dàng được. Với đồ nghề câu cá lóc, một lần sắm có thể sử dụng được nhiều năm, cho nên có tốn chút đỉnh cũng đừng nên tiếc của.
Đồ nghề câu cá lóc gồm có những thứ sau đây:
– Cần câu
Các bạn cũng biết có ba cách để câu cá lóc là câu nhắp, câu rê và câu cắm. Mỗi cách câu đều dùng một loại cần khác nhau. Vì vậy nếu chuyên câu cách nào thì ta chỉ cần sắm loại cần để câu theo cách đó.
Cần câu nhắp dài khoảng từ năm đến sáu mét. Sắm một cần câu có chiều dài như vậy không gì tốt hơn là chọn một cây tầm vông vừa già vừa nhỏ, lại cầm vừa tay lại nhẹ nhàng. Điều cần thiết là cây cần phải thẳng ở phần thân, phần ngọn cần nhỏ dần mới đủ độ cong và dịu. Ngọn cần có dịu oặt lên oặt xuống mới giúp ta nhấp mồi vừa nhẹ vừa đều khiến cá lóc không hoài nghi sợ sệt. Đó là chưa nói đến cái lợi là khi cá ăn mồi, chỉ cần giật nhẹ đầu câu lên một chút là cá đã dính câu.
Cần câu rê cá lóc dài hơn cần câu nhắp một chút, từ sáu đến bảy mét mới vừa. Tiêu chuẩn của cần câu rê cũng không khác với cần câu nhắp, có điều phải chế thêm một cái nạng bằng gỗ vào cuối gốc cần. Cái nạng này được tì lên phía đầu gối của người thợ câu một chút để tránh mỏi tay, và nhờ đó mà điều khiển cái cần được nhẹ nhàng, uyển chuyển theo ý mình.
Cần câu cắm khác xa với hai loại cần trên, khác ở chỗ cần câu cắm vừa ngắn vừa nhỏ. Độ dài của cần câu cắm khoảng bảy tám tấc, và lớn bằng ngón trỏ người lớn. Thường cần câu cắm được làm bằng những thanh tre già, dùng mác hay dao bén vót cho tròn cạnh, đầu to là gốc và đầu nhỏ là ngọn cần. Ngọn cần phải dịu oặt nhưng không yếu, không dễ gãy mới dùng được. Cuối gốc cần nên vót nhọn để dễ cắm sâu xuống đất.
– Lưỡi câu cá lóc
Thường những tay sát cá lóc tự uốn lưỡi câu riêng để dùng. Nhưng, điều này ngày nau không còn quan trọng vì ngoài thị trường có bán đủ cỡ lưỡi câu ngoại nhập rất tốt, có lưỡi dành câu cá lóc. Ta nên dùng loại lưỡi có “giọng” cao hay lưỡi “giọng” thấp, vì mỗi người có cách câu khác nhau. Có người cá vừa ngập mồi đã lo giật cần, nhưng có người lại chờ cá ăn mồi một lúc rồi mới giật cần, họ nghĩ như vậy mới chắc ăn.
Lưỡi “giọng” thấp, đầu lưỡi chảng ra câu rất nhạy, cá lóc vừa ngậm mồi đã dính mép lụa, nhưng dễ sẩy.
Lưỡi “giọng” cao, đầu lưỡi cao lên, cá ngậm hết con mồi vào miệng mới dính lưỡi câu, cho nên hễ dính là khó sẫy, dù con cá lóc đó to và mạnh đến mức nào cũng khó thoát.
– Nhợ (dây) câu
Ngày nay, người ta dùng nhợ ni lông. Câu cá lóc dùng nhợ số 40 là vừa. Câu nhắp cũng như câu rê, sợi nhợ phải dài khoảng 10 mét, nhưng phải tóm lưỡi câu đứng thẳng với chiều sợi nhợ, cá đớp gọn con mồi và dễ dính câu.
– Cục chì
Câu cá gì cũng phải sử dụng cục chì, nhờ cục chì rị xuống dây câu mới thẳng được. Câu nhắp và câu rê cá lóc dùng chì nặng 100gr là vừa. Câu cắm khỏi cần chì, vì dây câu ngắn.
– Mồi câu
Mồi câu cá lóc và cá lóc bông “nhạy” nhất là mồi nhái bén, nhái bầu (để nguyên con), kế đến là mồi thằn lằn (thạch sùng) hoặc con cá rô phí nhỏ (cá rô kim tích). Tất cả những con mồi đó phải còn sống mới dễ dụ cá lóc ăn.
//www.youtube.com/watch?v=g3-omPvWFM0
Giải trí: Xem cao thủ miền Tây câu hàng loạt cá lóc bằng ếch nhựa trên VNexpress.
Farmvina chúc các bạn câu cá lóc thành công với những bí quyết trên!
Câu Hỏi Thường Gặp
Tập tính ăn mồi của cá lóc là gì?
Cá lóc (kể cả cá lóc bông) tính rất háu ăn, nhưng lại đa nghi, dù đói chúng cũng không bỏ được tính đa nghi này. Cá lóc chỉ chịu ăn mồi còn sống là con mồi còn sống tự nhiên trong môi trường sinh sống thường ngày của nó thì nó mới chịu ăn. Cá lóc chỉ chịu ăn mồi vào lúc sáng sớm, từ khi mặt trời chưa mọc, và vào lúc hoàng hôn.
Dụng cụ câu cá lóc bao gồm những gì?
(1) Cần câu ; (2) Lưỡi câu cá lóc; (3) Nhợ (dây) câu; (4) Cục chì; (5) Mồi câu.
Originally posted 2017-09-08 06:08:50.