nuôi thỏ

Nghề nuôi thỏ

Ngày nay thỏ được mệnh danh là con heo của nhà nghèo, nên nghề nuôi thỏ được truyền bá, nở rộ khắp nơi. Dưới đây là những thông tin quan trọng giúp bạn bước vào nghề nuôi thỏ dễ dàng hơn.

Bảo tồn quỹ gen Thỏ

1. Xuất xứ

Theo phân loại động vật thỏ thuộc lớp động vật có vú (Mammalia), bộ gậm nhấm (Rodentia), họ Leporidae. Thỏ rừng có nhiều loại khác nhau, hiện nay chỉ có loài Oryctolagus Cuniculus được thuần hoá thành thỏ nhà.

Quần thể thỏ ở Việt Nam được du nhập từ Pháp khoảng 70-80 năm trước đây. Chúng đã bị lai tạp nhiều giữa các giống khác nhau nên cũng có những biến hoá khác nhau về ngoại hình.

2. Phân bố

Thỏ thường được nuôi trong các hộ gia đình với quy mô nhỏ, rải rác ở nhiều vùng, không tập trung, số lượng không ổn định.

3. Đặc điểm

3.1. Đặc điểm ngoại hình

Thỏ đen: lông ngắn, có màu đen tuyền, mắt đen, đầu to vừa phải, mồm nhỏ, cổ không vạm vỡ, lưng khum, bụng thon, thân hình chắc chắn, 4 chân dài thô, xương to.

Thỏ xám: lông ngắn, màu lông thay đổi từ xám tro đến xám ghi, màu lông vùng dưới bụng, ngực, đuôi có màu xám nhạt hơn hoặc xám trắng. Mắt đen, đầu nhỏ, cổ dài, lưng khum, bụng hơi xệ, 4 chân dài, xương to, thân hình không chắc chắn như thỏ đen.

3.2. Đặc điểm sinh lý của thỏ

Thỏ rất nhạy cảm với các yếu tố ngoại cảnh, khả năng thích ứng với môi trường kém. Thân nhiệt của thỏ thay đổi theo nhiệt độ không khí môi trường. Thỏ có ít tuyến mồ hôi dưới da, cơ thể thải nhiệt chủ yếu qua đường hô hấp. Thân nhiệt, tần số hô hấp, nhịp đập của tim đều liên quan thuận với nhiệt độ không khí môi trường. Cơ quan khứu giác của thỏ rất phát triển, thỏ mẹ có thể phân biệt được con đàn khác đưa đến bằng cách ngửi mùi. Thỏ rất thính và tinh, trong bóng tối thỏ vẫn nhìn thấy để ăn uống bình thường và phát hiện được những tiếng động rất nhỏ.

nghề nuôi thỏ
Nghề nuôi thỏ muốn thành công cần tìm hiểu về giống loài này.

Sinh lý tiêu hoá: Thỏ là gia súc có dạ dày đơn, dạ dày thỏ co giãn tốt nhưng co bóp yếu. Các chất dinh dưỡng được phân giải nhờ các men tiêu hoá của dạ dày và ruột sê được hấp thụ chủ yếu qua ruột non. Ruột già chủ yếu hấp thụ các muối và nước. Manh tràng lớn gấp 5-6 lần dạ dày, là nơi dự trữ và tiêu hoá chất xơ nhờ hệ vi sinh vật.

Sinh lý sinh sản: Thỏ đẻ 1-3 ngày là động dục trở lại, chu kỳ động dục của thỏ thay đổi thất thường, đôi khi không động dục, sau khi giao phối 6-9 giờ trứng mới rụng.

Thỏ sơ sinh chưa có lông, sau 1 ngày tuổi bắt đầu mọc lông tơ, ba ngày tuổi thì có lông dày, ngắn 1 mm, năm ngày tuổi lông dài 5-6 mm và 20-25 ngày tuổi bộ lông được phát triển hoàn toàn. Thỏ con mở mắt vào 9- 12 ngày tuổi.

4. Khả năng sản xuất

4.1. Khả năng sinh trưởng

Tầm vóc thỏ nội bé hơn so với thỏ ngoại nhưng có khả năng chịu đựng được điều kiện kham khổ và dinh dưỡng thấp, khối lượng trưởng thành 3-5,5 kg.

Khối lượng cơ thể thông qua các mốc tuổi

Chỉ tiêu Đơn vị tínhTrung bình
Khối lượng sơ sinh G50-55
Khối lượng 21 ngày tuổi G200-220
Khối lượng 30 ngày tuổi G270-300
Khối lượng trưởng thành kg3-3.5

4. 2. Khả năng sinh sản

Thỏ nội mắn đẻ, một năm có thể đẻ tới 6-7 lứa nếu nuôi dưỡng và chăm sóc tốt. Thời gian động dục lại sau khi để rất ngắn nên nếu nuôi dưỡng chăm sóc tốt và cho phối giống sớm sau khi đẻ thì khoảng cách hai lứa đẻ chỉ còn 40-45 ngày.

Một số chỉ tiêu về khả năng sinh sản của thỏ

Chỉ tiêu Đơn vị tínhTrung bình
Tuổi động dục và phối giống lần đầuTháng4-5
Chu kỳ động dụcNgày10-16
Thời gian kéo dài động dụcNgày3-5
Thời gian mang thaiNgày28-34
Số con đẻ ra/lứaNgày6-9
Số lứa đẻ/nămcon6-7

4.3. Khả năng cho sữa

Thỏ to khoẻ có thể cho lượng sữa 100- 160 gam, sữa lứa đầu ít hơn các lứa sau, trong một chu kỳ thì lượng sữa tăng dần, kể từ khi đẻ đến ngày 15-20 thì lượng sữa là cao nhất và sau đó giảm dần:. Thời điểm cạn sữa tuỳ thuộc vào thời gian đẻ lứa sau, thường từ 4-5 tuần, sản lượng sữa còn tuỳ thuộc vào chế độ dinh dưỡng. Sữa thỏ đậm đặc và chất lượng cao hơn sữa bò.

4.4. Khả năng cho thịt

Thỏ đẻ nhanh, nếu nuôi dưỡng tốt mỗi thỏ cái mỗi năm đẻ 6-7 lứa, mỗi lứa 6-7 con, sau 3 tháng nuôi khối lượng giết thịt 1,7-2 kg, như vậy một thỏ mẹ có thể sản xuất 70-80%kg thịt thỏ/ năm.

Thỏ cho tỷ lệ thịt xẻ 46-49% tỷ lệ thịt lọc/ thịt xẻ là 85-86%. Thịt thỏ giàu và cân đối chất dinh dưỡng: tỷ lệ đạm 21%, mỡ 10%, khoáng 1,2%.

Ngoài những khả năng sản xuất trên, thỏ còn có khả năng cung cấp lông da để sản xuất quần áo, mũ lông, Thỏ còn được dùng làm động vật thể vàng, động vật kiểm nghiệm thuốc và chế vạc xin trong y học.

5. Tính trạng đặc biệt

Sinh sản cao là đặc điểm lớn nhất của thỏ nội. Khả năng liêu hoá thức ăn xanh làm cho chi phí nuôi thỏ trong dân thấp, dễ mở rộng sản xuất nếu được tiêu thụ tốt.

6. Công tác bảo tồn nguồn gen

Giống thỏ Việt Nam còn rất phổ biến, hơn nữa công tác lai giống rất ít nên chủ yếu là dùng phương pháp in-situt.

———–

Nghề nuôi thỏ dễ giàu

Trung Quốc là nước xuất khẩu thịt thỏ đứng đầu thế giới, mỗi năm thu về lượng ngoại tệ không dưới 500 triệu USD. Còn Hungary- “Quê hương” của thỏ, có nhiều trang trại thỏ tư nhân nuôi từ 10.000-20.000 con. Xem ra, nuôi thỏ không khó mà lại rất nhanh thu hồi vốn. Vậy tại sao không phát triển rộng rãi việc nuôi thỏ ở nước ta…

Có lẽ trở ngại lớn nhất vẫn là hạn chế về cách nhìn nhận. Nông dân ta ai cũng nghĩ thỏ là con vật nhỏ, không chiếm giữ vị trí nào trong các giống vật nuôi gia đình, nên ít người quan tâm. Thậm chí có người còn đánh đồng thịt thỏ với thịt chuột và coi đây là loại thực phẩm không hợp vệ sinh. Nhưng thực tế hoàn toàn khác.

Nghề nuôi thỏ rất kinh tế và thịt thỏ ăn rất tốt, có tác dụng hạ huyết áp. Theo Thạc sĩ Chu Đình Khu (Viện Chăn nuôi) với 2 giống thỏ California và New Zealand mà Viện nhập ngoại về nuôi trong 18 tháng đủ đạt 5- 6kg/con, trong khi giá 1 kg thỏ hơi từ 15.000 – 18.000 đồng/kg (giá thành làm ra 2kg thỏ hơi chỉ mất 10.000 đồng). Như vậy, một gia đình nuôi 20- 30 con thỏ, chiếm diện tích không đáng kể. Có thể thu lãi 500.000 đồng/3 tháng, 1,5 đến 2 triệu đồng/năm. Thỏ dễ ăn, mắn đẻ, mang đến nhiều lợi ích cho ai theo nghề nuôi thỏ chuyên nghiệp.

Theo ông Khu, thỏ nuôi 6 tháng đủ đẻ, mỗi năm đẻ từ 6- 7 lứa, mỗi lứa 6- 8 con, thậm chí 10 con. Như vậy, một năm nuôi thỏ mẹ đẻ không dưới 40 thỏ con, nuôi lớn sẽ đạt 1,2 tạ thịt. Ngoài 2 giống thỏ ngoại, Viện vẫn duy trì nuôi giữ 2 giống thỏ nội đen và xám. Tuy đẻ ít con hơn, trọng lượng thấp hơn nhưng thỏ nội nuôi vần còn lãi vì chúng chịu đựng được kham khổ. Mỗi ngày thỏ ăn từ 0,7 – 1kg cỏ, 120g cám. Nhằm bổ sung thêm đàn thỏ giống trong nước, tháng 12-2000,

Viện Chăn nuôi lại cho phép nhập thêm 250 thỏ giống gồm các giống New Zealand White, California và Panol từ Hungary về giúp người dân tham gia nghề nuôi thỏ. Đàn thỏ giống đã giúp làm tươi máu những con thỏ nhập nội từ trước đó bằng cách dùng thỏ đực mới nhập phối giống với thỏ cái cũ. Như vậy, cho đến nay, Viện Chăn nuôi đã có đàn thỏ cái giống 500 con trên tổng đàn 3.000 con. Đây là nguồn giống thỏ hết sức quý giá, góp nhân nhanh đàn thỏ có năng suất cao bán ra cho người chăn nuôi (năm 2002 bán ra 5.564 con).

Trung tâm Nghiên cứu Dê và Thỏ Sơn Tây được Viện Chăn nuôi giao giữ và nhân giống thỏ. Nhờ các hoạt động tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nghề nuôi thỏ từ những năm 1990, Trung tâm đã phát triển được phong trào nuôi thỏ ở nhiều tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Hà Tây, Hà Nội…; đã có gia đình ở Hà Nội nuôi hàng trăm con thỏ sinh sản.

Nguồn phân thỏ được trang trại này tận dụng bón cho hoa, nuôi giun. Điều đặc biệt là khi bón phân thỏ, các cánh hoa sẽ đậm màu hơn và không bao giờ bị xoăn. ông Khu lưu ý, thỏ hay mắc 3 thứ bệnh, trong đó 2 bệnh cầu trùng và ghẻ đã có thuốc điều tri, riêng bệnh bại huyết có thể làm thỏ chết hàng loạt hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị. Trung tâm đang phối hợp với Viện Thú ý nghiên cứu tìm ra vaccin đặc trị loại bệnh này. Tuy vậy, theo ông Khu cứ cho thỏ “ăn chín uống sôi” đảm bảo chúng rất ít bệnh tật.

—————–

Nghề nuôi thỏ có thu nhập cao

Anh Nguyễn Văn Mai ở Vĩnh Hưng, Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú (An giang) đã theo đuổi nghề nuôi thỏ một thời gian và có cách nuôi thỏ như sau:

Anh đóng lồng thỏ dài, có kích thước khoảng 0,5m, cao 0,5m và ngăn ra từng ô có chiều dài 0,5m.

Tùy theo vị trí đặt lồng nuôi thỏ mà số ô nhiều hay ít. Khung lồng làm bằng gỗ tạp, lưới chì lỗ vuông loại 1,5cm bao quanh, nắp lồng ở phía trên, cài, mở dễ dàng.

Phía dưới lồng thỏ nếu không phải là sàn xi măng thì nên lót thiếc, đặt nghiêng để dễ quét dọn vệ sinh chuồng trại.

Anh Mai cho thỏ ăn 3 cữ/ ngày. Mỗi lần ăn, cỏ được anh bó chặt chừng một nắm treo lơ lửng trên nắp chuồng, nên thỏ muốn ăn phải đứng lên mà ăn. Khi ăn, cọng rau cỏ nào rơi xuống, thỏ sẽ gậm ngay cho hết mới đứng lên ăn tiếp rau cỏ trong nắm đang treo (vì dễ hơn đứng ăn).

Nếu không treo từng nắm rau cỏ, khi ăn thừa, thỏ ỉa, đái khiến cỏ dính nước tiểu và phân nó sẽ chê, thà nhịn đói chớ không ăn thức ăn đă dính phân hay nước tiểu. Chính vì vậy, mà người không biết, nuôi thỏ tốn nhiều rau cỏ… Anh Mai cho biết, thỏ có thai khoảng 29 ngày thì chuyển bụng, cắn lông, lót ổ, cào vách lồng nuôi, một đến hai ngày sau sẽ đẻ.

Anh Mai rành nghề nuôi thỏ chỉ ra việc đặt ổ làm bằng gỗ, kích thước khoảng 30cm x 30cm, có vách ổ cao khoảng 7 – 10cm, trong đó có lót giấy xé nhỏ thành sợi, hay vải vụn để thỏ mẹ ít cắn lông lót ổ ủ ấm thỏ con.

Thỏ con sinh ra da đỏ hỏn như chuột, mỗi lần đẻ khoảng từ 4 – 10 con. Nuôi nhiều thỏ mẹ đẻ cùng ngày có thể tách bầy nhiều sang bầy ít, để mỗi bầy khoảng 5 – 7 thỏ con là vừa để thỏ mẹ đủ sữa nuôi con lớn đều – Tách ngay sau khi đẻ, đểvài ngày sau mới tách nó sẽ phát hiện ra (có lẽ là mùi) không phải con của mình, nó sẽ cắn chết.

Thỏ con bú sữa mẹ khoảng 5 đến 8 ngày. 10 – 15 ngày  sau, thỏ con vừa bú sữa thỏ mẹ vừa tập ăn cỏ và lớn nhanh, lanh lẹ dần. Vì thỏ mẹ sau khi sinh con khoảng 30 giờ sau là có thể cho thỏ đực phủ nọc, chỉ cần 2- 3 lần là đủ, nếu sau đó 7 ngày, thả thỏ cái vào lồng thỏ đực mà thỏ cái không chịu nọc lại là nó đã mang thai.

Bầy thỏ con sinh được 24 ngày, anh Mai cho trộn thuốc chống cảm cúm, chống tụ huyết trùng trong cơm cho chúng ăn dần dần – đến ngày thứ 27, anh Mai bắt thỏ cái đưa sang lồng khác chuẩn bị lót ổ cho đẻ lứa tiếp theo.

nghề nuôi thỏ
Nghề nuôi thỏ mang lại nhiều ích lợi

Anh Mai cho biết, thỏ con rất dễ dị ứng khi thay đổi môi trường, nếu không trộn thuốc trong cơm cho thỏ con ăn và tách bầy bằng cách bắt thỏ con đi, dời sang chuồng khác, chúng rất dễ chết. Chính điều này, nhiều người theo đuổi nghề nuôi thỏ hay mắc phải, thiệt hại, không hiệu quả. Thỏ con thôi bú, ăn cơm và rau cỏ khoảng 5 ngày sau là có thể bán.

Mỗi con lúc này cân nặng khoảng 300 – 400g tùy theo bầy nhiều hay ít. Sau khi tách bầy, cho thỏ ăn cỏ, mỗi tháng tăng trọng khoảng 350 – 450g/con. Sau khi đẻ được 5 tháng, thỏ có thể cân nặng khoảng 2 đến 2,2kg/con là có thể phối giống để sinh sản.


Giỏi nghề nuôi thỏ cần biết chăm sóc vật nuôi như thế nào?

Để nuôi thỏ đạt năng suất cao, phải hội đủ các yếu tố sau: Giống tốt và có kỹ thuật phối giống: thức ăn đủ số lượng, chất lượng, và kỹ thuật nuôi dưỡng: vệ sinh thức ăn, nước uống, chuồng trại đúng kỹ thuật: lồng nuôi, ổ đẻ nhà nuôi thiết kế đúng tiêu chuẩn kỹ thuật…

Giống và kỹ thuật phối giống

Để có giống tốt nên mua thỏ giống ở những gia đình chuyên nuôi thỏ sinh sản hoặc các trại thỏ. Thỏ bố mẹ mỗi năm đẻ 5 – 6 lứa trở lên, mỗi lứa đẻ 6 – 7 con, nuôi đến khi xuất chuồng được 5 con tốt. Thỏ cai sữa lúc 30 – 32 ngày tuổi đạt trọng lượng 400 -500 gram/con.

Thỏ trưởng thành cho phối giống lần đầu khi trọng lượng đạt 2 – 3 kg (tuỳ thỏ nội hoặc thỏ lai). Thỏ giống ngoại hình đẹp, đùi to, mông nở, lưng rộng, thân to, cổ ngắn, da mềm.

Thỏ cái có 8 – 10 vú đều, đầu vú to rõ; thỏ đực hai hòn cà lộ rõ, đều, dương vật thẳng. Thỏ cái ba tháng tuổi đã có khả năng sinh đẻ, nhưng phải để sáu tháng tuổi mới cho phối giống (thỏ nội có thể năm tháng). Thỏ cái động dục quanh năm, nhưng mùa xuân, mùa thu thỏ đẻ tỷ lệ cao, tỷ lệ nuôi sống sau cai sữa cao hơn, thỏ đực ít chịu phối giống khi thời tiết oi nóng. Phối giống cho thỏ tốt nhất vào lúc sáng, trời mát, thường người ta cho thỏ phối 2 lần/ngày (mỗi lần cách nhau 4-6 giờ), tỷ lệ thụ thai cao, số con đẻ ra nhiều.

Thức ăn và nuôi dưỡng

Nuôi thỏ hoàn toàn bằng lá cây, cỏ, rau, thỏ sẽ lớn chậm, tăng trọng ít, không kinh tế. Nếu nuôi thỏ hàng hóa cần phối hợp cho ăn thêm các loại hạt ngũ cốc (thóc lép, ngô, đậu) hoặc thức ăn tinh hỗn hợp bán sẵn, dạng bột, dạng viên (Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây, Hà Tây và Công ty Thức ăn Guyomare’ H-VCN Thụy Phương, Từ Liêm, Hà Nội đều có sản xuất).

Thỏ nuôi sau cai sữa (30 ngày tuổi) khoảng 70 ngày là ăn thịt được.

Thỏ rất thích ăn đêm, lượng rau cỏ buổi tối của thỏ thường chiếm 2/3 khẩu phần ăn hàng ngày. Thức ăn thừa phải loại bỏ không được dùng cho ăn vào hôm sau. Khoai lang tươi, bí đỏ, cà rốt thái miếng cho ăn ban ngày 40-50g/con đều được. Thức ăn tinh cho ăn lúc 7-8 giờ. Một phần ba cỏ rau còn lại cho ăn lúc 9-11 giờ. Củ, quả cho ăn từ 14-15 giờ. Buổi tối cho ăn 1/3 số rau, cỏ, đến 21 – 22 giờ cho ăn hết số rau, cỏ còn trong ngày.

Vệ sinh thức ăn, nước uống

Cho thỏ uống nước máy, nước giếng khoan không có mùi tanh sắt… Rau cỏ rửa xong để ráo nước mới cho thỏ ăn. Mỗi ngày thỏ trưởng thành cần uống 0,6-0,8 lít nước/con, thỏ nhỡ 0,3 lít/con.

Lồng nuôi, ổ đẻ, nhà nuôi:

Lồng thỏ làm theo kiểu hộp có kích thước 40x60x50cm. Nguyên liệu có thể làm bằng tre, gỗ.v.v… Đáy dưới làm bằng lưới mắt cáo có đường kính 1 cm thì phân sẽ lọt, dọn vệ sinh dễ dàng. Ổ đẻ có thể làm bằng cát-tông, cót ép, gỗ mỏng nhẹ. Đóng thành khay chiều cao 4 thành chung quanh 35cm, thỏ nhảy vào cho con bú dễ dàng.

Nhà nuôi thỏ phải cao thoáng mát mùa hè, ấm áp mùa đông. Chung quanh nhà quang đãng, sạch sẽ tránh có cây cối um tùm nơi trú ẩn của muỗi, chuột… là động vật, côn trùng truyền bệnh cho thỏ. Nhà nuôi thỏ có độ ẩm 60-70% là phù hợp, nhiệt độ không khí từ 25 – 28 độ C là tốt.

Như các bạn thấy, nghề nuôi thỏ có nhiều cái lợi và không khó. Mong là Farmvina đã mang đến cho bạn nhiều kiến thức mới về nghề nuôi thỏ.

 

Câu Hỏi Thường Gặp

Đặc điểm ngoại hình của thỏ như thế nào?

(1) Thỏ đen: lông ngắn, có màu đen tuyền, mắt đen, đầu to vừa phải, mồm nhỏ, cổ không vạm vỡ, lưng khum, bụng thon, thân hình chắc chắn, 4 chân dài thô, xương to; (2) Thỏ xám: lông ngắn, màu lông thay đổi từ xám tro đến xám ghi, màu lông vùng dưới bụng, ngực, đuôi có màu xám nhạt hơn hoặc xám trắng. Mắt đen, đầu nhỏ, cổ dài, lưng khum, bụng hơi xệ, 4 chân dài, xương to, thân hình không chắc chắn như thỏ đen.

Đặc điểm sinh lý của thỏ như thế nào?

(1) Sinh lý tiêu hoá: Thỏ là gia súc có dạ dày đơn, dạ dày thỏ co giãn tốt nhưng co bóp yếu. Các chất dinh dưỡng được phân giải nhờ các men tiêu hoá của dạ dày và ruột sê được hấp thụ chủ yếu qua ruột non. Ruột già chủ yếu hấp thụ các muối và nước. Manh tràng lớn gấp 5-6 lần dạ dày, là nơi dự trữ và tiêu hoá chất xơ nhờ hệ vi sinh vật; (2) Sinh lý sinh sản: Thỏ đẻ 1-3 ngày là động dục trở lại, chu kỳ động dục của thỏ thay đổi thất thường, đôi khi không động dục, sau khi giao phối 6-9 giờ trứng mới rụng.

Một năm thỏ đẻ được bao nhiêu lứa?

Thỏ nội mắn đẻ, một năm có thể đẻ tới 6-7 lứa nếu nuôi dưỡng và chăm sóc tốt. Thời gian động dục lại sau khi để rất ngắn nên nếu nuôi dưỡng chăm sóc tốt và cho phối giống sớm sau khi đẻ thì khoảng cách hai lứa đẻ chỉ còn 40-45 ngày.

Originally posted 2014-04-17 02:24:59.