Chịu nhiều rủi ro khi nuôi tôm, nông dân ở bán đảo Cà Mau mày mò tìm ra mô hình nuôi sò huyết xen canh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nuôi sò huyết xen canh trên cùng diện tích nuôi tôm, cua đang mở ra hướng làm giàu cho hàng nghìn hộ nông dân, nhất là khi giá sò huyết thương phẩm trên thị trường hiện ở mức cao, bình quàn 70.000 – 100.000 đồng một kg, tùy loại.

Ở xã Đông Thới, huyện Cái Nước ông “Tám sò” (Nguyễn Văn Tám) được xem là người tiên phong trong mô hình này. Nhiều năm trước, trong một lần lặn hụp dưới Kinh Xáng Đông Hưng mò cua, bắt cá, ông bắt được mớ sò huyết giống, rồi mang về thả vào vuông tôm. Không ngờ vài tháng sau khoảng 2kg sò huyết giống lớn rất nhanh, giúp gia đình thu về gần cả triệu đồng.

“Thấy mô hình này áp dụng được nên tôi đầu tư lớn và thành công như ngày hôm nay”, ông Tám chia sẻ.

nuôi sò huyết
Cách nuôi sò huyết xen canh nuôi tôm.

Ông Nguyễn Văn Lên, 68 tuổi, ngụ xã Đông Hưng nói chắc nịch: “Ngoài nguồn thu hơn 100 triệu đồng mỗi năm trên 1ha đất từ sò huyết, tôi còn lãi gần 200 triệu đồng từ tiền thu hoạch tôm, cua”. Còn anh Lâm Văn Liêm ở ấp Công Điền, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi lại có mức thu nhập lên tới 200 triệu đồng một năm.Theo người dân nơi đây, sò huyết khi thả nuôi xen canh với tôm, cua còn giúp hai loại này ít bệnh, sò huyết mau lớn.

Theo ông Nguyễn Văn La, cán bộ khuyến nông khuyến ngư xã Đông Thới cho biết, nhờ áp dụng thành công mô hình nuôi sò huyết mà nhiều hộ dân trong xã đã mua thêm nhiều đất đai, phương tiện sinh hoạt. Thú vị nhất là người dân ở đây gọi con sò huyết là con “một vốn bốn lời”, cá biệt có hộ lãi gấp 7 đến 8 lần.

Ông Nguyễn Thanh Giảng, Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Cái Nước cho biết, toàn huyện có trên 6.600ha sò huyết, tập trung nhiều ở xã Đông Thới và Trần Thới.

“Manh nha từ một số ít hộ dân nuôi thử nghiệm thành công, đến đầu năm 2013, chính quyền xã Đông Thới đã thành lập được 2 tổ hợp tác nuôi sò huyết thương phầm là Hợp tác xã Như ý và Hợp tác xã Nhà thính B với 30 tổ viên tham gia nuôi sò mật độ cao trên hơn 25ha”, ông Giảng thông tin.

Chia sẻ tính hiệu quả của mô hình này, ông Danh Văn Đô – Tổ trưởng Tổ hợp tác Như Ý cho biết, bình quân thả 1kg sò giống (50.000 đồng một kg) sau thời gian nuôi 6-12 tháng sẽ thu hoạch được từ 8 đến 10kg sò huyết thương phẩm. Nếu nuôi mật độ vừa phải thì cứ 1ha thả được khoảng 200kg sò giống (loại sò tiêu từ 1.000 đến 2.000 con một kg). Sau 12 tháng cho thu hoạch, giá bán dao động từ 60.000 đến 100.000 đồng một kg thì mỗi hecta nuôi sò, trừ chi phí, người nuôi lãi không dưới 100 triệu đồng. Đó là chưa tính nguồn thu từ tôm, cua, cá…

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Cái Nước, hiện người nuôi sò huyết tại địa phương phụ thuộc vào nguồn giống thu gom từ các hộ khai thác tự nhiên trên dòng kinh xáng Đông Hưng nên rất hạn chế vì phụ thuộc thời vụ. Do đó, để nuôi sò đạt hiệu quả như mong muốn,người nuôi nên thả sò giống vào những tháng có độ mặn cao, phù hợp nhất là thời điểm sau Tết Nguyên đán và nên thường xuyên tháo nước ra vào trong vuông tôm để có thêm phù sa, vì sò là loài ăn lọc.

Phúc Hưng

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.