Trang Chủ » Nuôi tắc kè làm chơi ăn thật

Nuôi tắc kè làm chơi ăn thật

1,5K lượt xem
nuôi tắc kè

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi tắc kè

Tắc kè có tên khoa học là Gekko gekko, họ Gekkonidac, bộ Lacertilia, lớp Reptilia. Bài viết này chia sẻ kinh nghiệm giúp bạn nuôi tắc kè làm chơi ăn thiệt!

Tắc kè là nguồn dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, nhưng hiện nay nguồn tắc kè trong thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, nên việc phát triển nuôi tắc kè tại hộ gia đình mang lại nhiều lợi ích và rất cần thiết.

Tắc kè trông giống như con thạch sùng nhưng to và dài hơn. Chúng thường sống trong những gốc cây, hốc đá, kẽ hở tường nhà. Tắc kè đực kêu thành tiếng, còn tắc kè cái không biết kêu.

Tắc kè cái trưởng thành ở 12 tháng tuổi và bắt đầu đẻ trứng. Nếu cho ăn uống đầy đủ, một tắc kè cái có thể đẻ 7-8 lứa/năm, mỗi lứa đẻ hai trứng. Tắc kè không ấp trứng, thời gian trứng nở từ 85-100 ngày, tùy nhiệt độ môi trường. Khi nở tắc kè con chui ra khỏi trứng và hoạt động ngay.

Tắc kè thường kiếm ăn vào buổi tối và trong môi trường yên tĩnh. Mồi của tắc kè là sâu bọ, cào cào, châu chấu, bướm, cánh cam, chuồn chuồn, nhện, dế mèn, mối, gián, ong… Chúng không ăn con mồi chết và ruồi nhặng. Tắc kè có thể nhịn ăn, uống dài ngày, mùa rét có thể nhịn ăn bốn tháng.

Tính ra, nếu một gia đình nuôi bốn thùng tắc kè, mỗi năm có thể thu 150 con. Sau 7-8 tháng nuôi, giá bán khoảng 40.000 đồng-60.000/con, trừ chi phí đóng chuồng mua giống còn lãi 4,8 triệu đồng. Nuôi tắc kè không tốn thức ăn mà lại diệt được những loại côn trùng phá hoại mùa màng.

Tận dụng mảnh đất nhỏ sát bờ ao, gia đình ông Nguyễn Thành Lũy (ngụ xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) đã xây dựng chuồng trại để nuôi hàng ngàn con tắc kè, thu lợi trên 50 triệu đồng/năm.

Ông Lũy cho biết, ban đầu nhà ông thả cá và nuôi rắn, nhưng do việc nuôi rắn không hiệu quả nên ông tìm hướng nuôi con mới. Năm 2002, thấy có người nuôi tắc kè, ông cũng nuôi thử nghiệm với số lượng ít. Sau một thời gian ông nhận thấy việc nuôi tắc kè rất dễ, ít tốn công nên mạnh dạn xây dựng chuồng bằng gạch, sàn bê tông trên diện tích gần 20m2 để nhân rộng đàn tắc kè.

Để có giống tắc kè tốt, ông lặn lội xuống tận Trà Vinh tìm mua. Ông bảo, tắc kè ở Trà Vinh thường cho con to, trọng lượng một con có thể đạt 150-170gam. Nhờ chịu khó tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nên đàn tắc kè của gia đình ông phát triển tốt. Cứ hết lứa này lại đến lứa khác sinh sản. Cũng từ đó, số lượng tắc kè trong trại của ông cứ ngày càng tăng lên. Đến nay, sau những lần xuất bán trang trại, ông vẫn duy trì số lượng trên 1.000 con.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi tắc kè, ông Lũy cho biết đây là loài dễ nuôi, ít bệnh tật, nguồn thức ăn của tắc kè là dế, cào cào và các loại côn trùng nhỏ nên dễ tìm. Bên cạnh đó, nuôi tắc kè cũng mất ít công chăm sóc. Nuôi 1.000 con tắc kè, chỉ cần 1 người là có dư thời gian chăm sóc, đồng thời còn có thời gian để làm thêm nhiều việc khác, bởi 2 ngày mới phải cho tắc kè ăn 1 lần.

Tắc kè nuôi trong vòng 1 năm đạt trọng lượng từ 80-100 gam. Riêng về đầu ra của tắc kè, ông Lũy cho rằng không hề lo lắng khi hiện nay giá tắc kè trên thị trường ở mức rất cao, trung bình mỗi con giá từ 60.000 – 70.000 đồng.

Ông Lũy cho biết, nuôi tắc kè “làm chơi” nhưng “ăn thật”. Người nuôi bỏ ra một đồng vốn thì thu lại được một đồng lời. Do vậy mặc dù “làm chơi” nhưng mỗi năm gia đình ông cũng thu về trên 50 triệu đồng.

Bà con muốn tìm hiểu kỹ thuật nuôi tắc kè liên hệ với ông Lũy theo số điện thoại: 0985686325.

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2014-04-20 04:49:06.

Bài Viết Liên Quan