Sâu bệnh hại cây dâu, làm giảm năng suất, chất lượng lá. Nếu bị nặng có thể làm cây bị chết, lá dâu không sử dụng cho nuôi tằm được.
Để phòng trừ có hiệu quả sự phát sinh và lây lan của các loại sâu bệnh hại cây dâu, đảm bảo nâng cao sản lượng, an toàn cho việc nuôi tằm, cần nắm vững quy luật phát sinh, phát triển của từng loại sâu, bệnh mà áp dụng các biện pháp hữu hiệu để phòng trị kịp thời.
1- Một số bệnh chính hại cây dâu:
1.1 Bệnh bạc thau:
* Triệu chứng và nguyên nhân: Bệnh bạc thau phân bố rất rộng. Tuỳ theo khí hậu từng vùng mà thời kỳ phát bệnh có khác nhau, nhưng nói chung bệnh thường xuất hiện ở mùa xuân, mùa thu. Lá dâu bị bệnh nhẹ thì chất lượng giảm, nếu bị nặng thì tằm không ăn, chỉ bò lên mặt trên của lá.
Nguyên nhân gây bệnh là do nấm Phillactinia Moricola. Saw. Đầu tiên mặt dưới của lá xuất hiện các vết bệnh mầu trắng, lúc đầu nhỏ, sau loang to dần, rồi chuyển thành mầu vàng nâu và chứa rất nhiều hạt phấn, bao gồm các sợi nấm và conidi. Các conidi phát tán nhờ gió, bám vào mặt dưới của lá. Khi nhiệt độ, ẩm độ thích hợp chúng nẩy mầm và phát triển.
* Biện pháp phòng trừ sâu hại cây dâu:
– Biện pháp kỹ thuật:
+ Trồng các giống dâu có khả năng kháng bệnh cao
+ Mật độ trồng dâu hợp lý, không trồng quá dày
+ Bón phân đủ lượng, cân đối.
+ Vệ sinh đồng ruộng, tạo thông thoáng, xử lý tàn dư bệnh.
+ Khai thác lá đúng lứa.
+ Làm cỏ thường xuyên.
– Dùng hóa bảo vệ: Phun thuốc phòng trừ dịch hại phát triển khi đến ngưỡng phòng trừ.
+ Các loại thuốc sử dụng: Anvil 5 SC 0,2%, Carbenda Zim 500 FL 0,2% Benlat- CBTN 4 gr/lít, Kasuran 20 BTN 4 gr/lít để phòng trừ.
+ Thời gian cách ly với tằm 7-10 ngày.
1.2 Bệnh gỉ sắt:
– Nguyên nhân, tác hại của bệnh:
Bệnh gỉ sắt gây ra do nấm Aecidium mori (Barel). Lúc đầu vết bệnh có mầu vàng nhạt, sau đó chuyển dần thành mầu vàng da cam, vàng nâu. Trên bề mặt vết bệnh có chứa rất nhiều bào tử dạng như bột mầu vàng tươi. Hình dạng vết bệnh có hai loại dài và tròn. Lá dâu bị bệnh gỉ sắt chất lượng lá giảm đi, lá khô cứng, tằm ăn rất ít, hoặc không ăn. Mầm dâu bị nhiễm bệnh ở mức độ nặng bị uốn công lại, không sinh trưởng tiếp được, rất dễ bị gẫy. Nấm gỉ sắt qua đông trên cành dâu, đến mùa xuân nẩy mầm và phát tán nhờ gió. Khi nhiệt > 30*c, ẩm độ thấp thì phát triển của nấm bị cản trở.
– Biện pháp phòng trừ sâu hại cây dâu:
+ Chọn trồng giống dâu chống chịu bệnh: Thông thường những giống có bề mặt lá thô, nháp thì bị bệnh nặng hơn những giống có lá bóng, nhẵn.
+ Mật độ trồng vừa phải để tạo cho ruộng dâu thông thoáng.
+ Bón phân cân đối, không nên bón quá nhiều đạm.
+ Thu hái lá đúng lứa.
+ Khi bệnh đã phát triển đến ngưỡng phòng trừ (chỉ số bệnh: 15-20%) có thể sử dụng các loại thuốc sau để phun: Anvil 5 SC 0,2%, Carbenda Zim 500 FL 0,2%, Benlat- CBTN 4 gr/lít, Kasuran 20 BTN 4 gr/lít.
Liều lượng phun: 20 – 25 lít/sào bắc bộ (360m2).
Thời gian cách ly với tằm là 7- 10 ngày.
1.3 Bệnh mề gà:
– Nguyên nhân, tác hại của bệnh:
Bệnh mề gà (bệnh cao dán) phát sinh ở mặt ngoài cành, thân dâu.Sau khi cây dâu bị bệnh, trên lớp vỏ cành phát sinh một số vết bệnh có hình tròn to nhỏ khác nhau.có mầu nâu đen hoặc mầu tro giống miếng cao dán ở lớp vỏ. Vết bệnh lan dần ra, bao trùm lên cây và cành dâu, làm cho mầm dâu không nẩy được.
Nguyên nhân gây bệnh là do 2 loại nấm Septobasidium bogoriense và Septobasidium tanakae gây nên.
Thường bệnh cao dán xuất hiện trên cây dâu cùng với sự xuất hiện của rệp vẩy ốc. Sợi nấm của bệnh này bám vào các chất mà rệp vẩy ốc tiết ra để nẩy mầm, phát triển thành các sợi nấm, cho nên rệp vẩy ốc là môi giới lan truyền của bệnh.
– Biện pháp phòng trừ:
+ Vệ sinh đồng ruộng, tiêu nước kịp thời.
+ Diệt trừ môi giới lan truyền bệnh là rệp vẩy ốc bằng thuốc DIP 80 SP nồng độ 0,2% phun. Thời gian cách ly sau phun 10 ngày.
1.4 Bệnh xoăn lá:
– Triệu chứng, nguyên nhân, tác hại:
Bệnh xoăn lá ở cây dâu biểu hiện qua một số đặc trưng sau: lá nhỏ lại, uốn cong về phía mặt dưới. Đôi khi hình thái của lá thay đổi, lá dài ra, cành của cây bị bệnh phát triển kém, biểu hiện cành nhỏ, ngắn, đốt ngắn, mầm nách nẩy sớm, nẩy nhiều nên tạo ra nhiều cành tăm. Khi bệnh nặng các cành tăm khô, chết. Bệnh xoăn lá thường xuất hiện nhiều ở ruộng dâu đốn hè.
Con đường lây lan của bệnh là do côn trùng môi giới là con rầy chích hút lá dâu bị bệnh rồi truyền sang cây khác làm lây lan bệnh rất nhanh.
– Biện pháp phòng trừ:
+ Chọn giống chống chịu bệnh.
+ Không để ruộng dâu bị úng ngập lâu.
+ Bón phân cân đối NPK.
+ Thời vụ đốn dâu hợp lý, hạn chế đốn trái vụ liên tục nhiều năm.
+ Xử lý sớm, nhổ bỏ cây bị bệnh, hạn chế nguồn bệnh lây lan.
+ Phun thuốc diệt côn trung môi giới lan truyền bệnh.
+ Không dùng cây con hoặc hom dâu bị bệnh để trồng.
Ngoài các bệnh nói trên, ở cây dâu còn xuất hiện một số bệnh như: Bệnh nấm tím, bệnh do vi khuẩn làm khô, đen cành, thối rữa cành, rễ dâu
2- Sâu hại cây dâu:
Cũng như các cây trồng khác, cây dâu bị nhiều loại sâu phá hoại ở lá, mầm, thân, cành, hoa quả dâu.
Một số loại sâu chính hại cây dâu thường gặp: Sâu cuốn lá, rệp, bọ gạo, dế, sâu đo, sâu đục thân, sâu róm…
2.1 Sâu cuốn lá:
Sâu cuốn lá có tên khoa học là Diaphania pyloalis Walkor, là loại côn trùng thuộc bộ cánh vẩy.
– Phân bố và tác hại:
Sâu cuốn lá xuất hiện ở rất nhiều nước trên thế giới. Sâu cuốn lá hại chủ yếu ở mùa hè, mùa thu. Trong điều kiện thời tiết khô hạn, sâu cuốn lá phát triển rất nhanh thành dịch, phá hoại nghiêm trọng, làm cho vườn dâu bị khô vàng. Phân của sâu thải ra dính ở mặt lá dâu, khi tằm ăn vào rất dễ phát sinh bệnh táo bón.
– Hình thái và tập tính sâu cuốn lá:
Sâu trưởng thành nhỏ, dài khoảng 10 mm, mầu xám, có lớp lông trắng. Cánh ở mép trước có một số vân mầu nâu, chính giữa cánh có một số vân mầu vàng. Phía dưới cánh có một lỗ hình tròn. Cánh sau có mầu trắng sữa. Trứng của sâu cuốn lá có hình tròn, kích thước 0,7 x 0,4 mm, mầu vàng nhạt. Mặt ngoài của trứng có chất sáp và có tính phản quang.
Sâu non lúc mới nở toàn thân có lớp lông, thân có mầu xanh nhạt. Qua 4 lần lột xác thì đẫy sức, lúc này thân của sâu có mầu vàng. Chiều dài của sâu dài khoảng 24 mm, các đốt bụng có 4 – 6 điểm đen.
Sâu qua đông ở thời kỳ nhộng, nhộng non dài khoảng 23 mm, lúc nhộng già dài khoảng 19 mm, nhộng có mầu vàng nâu.
Sâu cuốn lá 1 năm có 8 – 10 lứa, lứa cuối cùng, khi sâu non đã đẫy sức, nó tìm các kẽ hở ở cây dâu kết kén để qua đông. Sang mùa xuân năm sau, sâu non hoá nhộng sau đó vũ hoá để đẻ trứng. Trứng thường đẻ ở mặt dưới của lá, trung bình 1 con bướm đẻ 170 – 200 quả trứng. Thông thường sau 5 – 7 ngày trứng nở ra sâu non. Khi mới nở sâu non tập trung ở mặt dưới của lá, ăn phần thịt lá và biểu bì dưới. Sau tuổi 3, sâu nhả tơ và cuộn lá lại, ẩn ở bên trong để ăn lá dâu. Sau khi ăn hết lá này sâu lại chuyển sang lá khác. Khi cây dâu bị ăn hết lá, sâu non nhả tơ, nhờ gió đu đưa để chuyển sang cây khác, tiếp tục gây hại. Sâu non khi đã già cuộn lá lại làm kén hoá nhộng, vũ hoá rồi lại đẻ trứng nở ra lứa khác. Lứa cuối cùng trong năm mới qua đông ở thời kỳ sâu non.
– Biện pháp phòng trừ:
+ Vệ sinh đồng dâu vào vụ đông sau khi đốn đông cày lật đất, cuốc đất xung quanh gốc dâu, để phơi gốc dâu 5 – 7 ngày để diệt các loại trứng, ấu trùng qua đông dưới gốc dâu.
+ Nếu sâu mới xuất hiện với số lượng ít, dùng lao động thủ công ngắt các lá có sâu đem đốt, chôn. Nếu sâu đã phát triển mật độ lớn dùng thuốc DIP 80 SP để phun. Nồng độ phun 0,2 – 0,3% (25 gr thuốc pha với 10 lít nước), khuấy cho tan hết thuốc, phun đều cả mặt trên và dưới của lá. Liều lượng phun: 20 – 25 lít dung dịch thuốc/1 sào Bắc bộ.
+ Thời gian cách ly: sau phun 8 – 10 ngày có thể hái lá cho tằm ăn.
Chú ý: – Phải tiến hành phun đồng loạt thì hiệu quả mới cao.
– Nên chọn thời điểm phun trước giai đoạn tuổi 3 là hiệu quả nhất, vì lúc này sâu non chưa cuộn lá lại nên khả năng tiếp xúc của thuốc là tốt nhất.
– Nên phun lúc trời mát , nếu phun xong gặp mưa thì phải phun lại.
2.2 Rệp vẩy ốc: Rệp vẩy ốc có tên khoa học Pseudaulacapsispentagona.
– Tập tính và tác hại:
Sâu non và sâu trưởng thành đều tập trung ở trên cành dâu để hút nhựa, làm cho cành dâu khô héo rồi chết. Nếu rệp ký sinh ở mầm nách làm cản trở sự nẩy mầm. Nếu ký sinh ở phần cổ rễ cây dâu con thì làm cho toàn cây héo. Rệp vẩy ốc phát triển và lây lan rất nhanh, một năm có từ 3 – 5 lứa. Mỗi con rệp cái có thể đẻ 200 quả trứng. Sau khi giao phối xong thì con đực chết. Sau khi đẻ trứng xong con cái cũng chết. Đến tháng 12 sâu trưởng thành qua đông. Sang vụ xuân năm sau, khi cây dâu bắt đầu nẩy mầm thì rệp bắt đầu hoạt động chích hút nhựa cây.
– Biện pháp phòng trừ:
+ Sử dụng hom dâu, cây dâu con đem trồng không có rệp.
+ Mật độ trồng hợp lý, tạo độ thông thoáng cần thiết cho ruộng dâu.
+ Cuối năm phải vệ sinh ruộng dâu, thu thập những cành dâu có rệp đem đốt.
+ Dùng dung dịch lưu huỳnh – vôi 0,2- 0,3*B hoặc Bi58 0,1% phun.
+ Có thể dùng dung dịch hỗn hợp nước, xà phòng, dầu hỏa để phun.
Công thức: 1/2 kg xà phòng (hoặc dầu rửa bát) + 1 lít dầu hỏa + 25 lít nước. Khuấy đều cho tan để phun hoặc dùng vải thấm để lau. Phương pháp này dễ làm, hiệu quả cao, không ảnh hưởng đến lá dâu nuôi tằm.
2.3 Rệp phấn hại cây dâu:
– Tập tính và tác hại:
Rệp phấn có tên khoa học: Anomoneura Mori. Rệp phấn xuất hiện gần như các tháng trong năm, nhưng tập trung hại nặng nhất ở vụ xuân. sâu non hút nhựa làm cho lá dâu bị xoăn lại, mất độ bóng. Trong một năm rệp phát sinh nhiều lứa. Rệp qua đông ở thời kỳ nhộng. Con trưởng thành đẻ trứng ở phần ngọn và mặt dưới của lá. Sau 6 – 7 ngày trứng nở. Một con cái có thể đẻ 200-300 quả trứng.
– Biện pháp phòng trừ rệp hại cây dâu:
+ Mật độ trồng hợp lý, tạo thông thoáng ruộng dâu.
+ Nếu mật độ nhiều có thể dùng Bi58, Difterex 0,2% phun. Liều lượng 25 lít dung dịch thuốc/sào Bắc bộ. Thời gian cách ly 10 – 12 ngày mới hái lá cho tằm ăn.
Ngoài ra cây dâu còn bị một số sâu phá hoại khác như: Sâu đục thân, sâu đo, sâu róm, sâu xám, sâu khoang, bọ dừa, dế.
Câu Hỏi Thường Gặp
Một số bệnh hai cây dâu là bệnh gì?
1. Bệnh bạc thau; 2. Bệnh gỉ sắt; 3. Bệnh mề gà; 4. Bệnh xoăn lá.
Sâu hại cây dâu là những sâu nào?
1. Sâu cuốn lá; 2 Rệp vẩy ốc; 3 Rệp phấn hại cây dâu.
Originally posted 2014-04-19 16:49:26.