Gần đây, củ ấu được chế biến để xuất sang Đài Loan, nên người trồng ấu nhiều hơn. Ở Lấp Vò, Lai Vung (Đồng Tháp) người ta trồng ấu trên đất ruộng, trở thành ruộng ấu.
Anh Huỳnh Hai, 50 tuổi ở xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) trồng ấu gần 10 năm nay. Anh nói trồng ấu đầu tư công sức, phân thuốc nhiều hơn trồng lúa nhưng thu nhập cao hơn, nên bà con thích trồng ấu. Anh cho biết quy trình trồng ấu như sau: Củ ấu già rụng dưới đáy ao, đáy ruộng mò đem lên phơi vài ba nắng. Đào một cái ao nhỏ trên đất ruộng cho đất bùn vào đáy ao 10cm, rồi cho rải củ ấu già xuống ươm. Vài hôm ấu nứt ra lên mộng, thả nước vào độ 10 – 15cm, thân ấu mọc lên trên nước như cọng bông súng. Nhổ củ ấu đem giâm trên đất ruộng, khi ấu nở thành 5 – 7 bụi thì bứng lên trồng cả ruộng. Mỗi bụi cách nhau từ 1 – 1,5m, một công trồng khoảng 800 bụi ấu.
Đất trồng ấu phải giữ được mực nước từ 30 – 50cm. Đất “lung” trồng thuận lợi vì không sợ khô nước. Ấu cũng cần xịt thuốc trừ sâu, tưới phân như trồng lúa. Kỹ thuật làm cho ấu trúng mùa ít người nắm vững nên phần lớn trông cậy vào thiên nhiên, mưa thuận, gió hòa.
Mùa ấu kéo dài như mùa lúa. Vụ ấu ĐX bán có giá hơn vì ít người trồng. Nếu giá bình thường 1000đ/kg thì mùa ĐX lên đến 5000đ/kg. Một công ấu thu hoạch 1 tấn củ ấu là chuyện thường. Ở Lấp Vò có trạm thu mua ấu thường xuyên. Vào mùa rộ có ghe lớn đến mua chở về TP.Hồ Chí Minh để tiêu thụ và chế biến xuất khẩu.
Thu hoạch ấu tốn nhiều công sức. Từ 7-10 ngày hái ấu một lần. Người ta lội xuống ruộng dỡ lên từng bụi ấu để lấy củ đúng lứa cho vào thau, mang lên bờ rồi trở ra dỡ tiếp. Một người dỡ được vài trăm kg ấu/ngày mà thôi. Ấu ít củ dần và tàn lụi sau 5 – 7 ngày thu hoạch. Tuy nhiên, ấu thu hoạch cao hơn lúa trên cùng một diện tích nên hấp dẫn nhiều nông dân ở Lấp Vò, Lai Vung (Đồng Tháp).
Originally posted 2014-04-25 13:39:30.