Trang Chủ » Cá tra thịt trắng: Kỹ thuật nuôi và chăm sóc

Cá tra thịt trắng: Kỹ thuật nuôi và chăm sóc

1,K lượt xem
cá tra thịt trắng

Nuôi cá tra thịt trắng làm sao?

Cá tra thịt trắng được đánh bắt ngoài tự nhiên tại các vùng nước sạch, trong khi cá tra nuôi hầm bè thịt cá thường bị vàng, nên hiệu quả xuất khẩu không cao.

Nguyên nhân chính là do môi trường nước nuôi và nguồn thức ăn. Kinh nghiệm của người nuôi cá tra ở Đồng Tháp cho thấy: nếu sử dụng các loại thức ăn xanh (rau muống), bắp, bí đỏ, cua đồng…; chất kết dinh (bột gòn) chắc chắn thịt cá sẽ có màu vàng.

Khắc phục

Sử dụng thức ăn: Nhiều hộ nuôi cá tra cho biết, cùng với thành phần thức ăn như rau muống, cám tấm nấu, cá tạp xay nhuyễn… nếu được ủ lên men bằng hèm rượu sau 24 giờ mới cho cá ăn thì thịt cá sẽ trắng đẹp do quá trình ủ lên men đã phân huỷ một số diệp lục tố trong rau muống. Theo kinh nghiệm, với thành phần thức ăn 45% cám chuốt, 40% cá biển, 15% bã hèm rượu, phối thêm ít vitamin, Premix. Ngày trung bình thay nước 5 giờ (khoảng 15% nước ao), dù tảo có phát triển nhưng chất lượng cá vẫn không bị vàng.

Điều này cho thấy, bã hèm rượu với một lượng vừa phải, khoảng 10-15% bổ sung liên tục vào thành phần thức ăn của cá, sẽ giúp cá có sức đề kháng tốt, ít bệnh và cá đạt tỉ lệ thịt trắng cao.

Môi trường nuôi cá tra thịt trắng

– Trên thực tế, cá tra nuôi ao nước tĩnh, ít thay nước, hệ số thức ăn thấp, tỉ lệ sống cao, cá ít bị bệnh nhưng thịt hay bị vàng.

– Cá tra thịt trắng nuôi ao bãi bồi có chế độ thay nước thường xuyên, hệ số thức ăn cao, tỉ lệ sống thấp hơn, thịt cá thường có màu trắng.

– Với cá nuôi bè, đăng quầng nước chảy, hệ số thức ăn cao, tỉ lệ sống đạt 70-75%, nhưng thịt cá trắng đẹp. Song mô hình này phải theo dõi chăm sóc tốt vì cá thường bị bệnh do phụ thuộc thường xuyên vào môi trường nước.

Như vậy, nếu giữ được môi trường nước nuôi trong sạch, không để tảo phát triển bằng các mô hình nuôi chủ động thay nước như nuôi đăng quầng, nuôi trong ao ven sông, có chế độ ăn thích hợp và định kỳ xử lý đáy ao nhằm giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm, kết hợp với kinh nghiệm cho thêm hèm rượu trong thức ăn, sử dụng con giống nhân tạo, cá tra thương phẩm sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ngoài ra, nuôi cá tra thịt trắng thương phẩm cần phải chú ý đến thời điểm nước xoay (vào khoảng đầu tháng 5 âm lịch). Lúc này, nước sông có màu đỏ son, cá tra nuôi bè, đăng quầng sẽ bị ảnh hưởng đến màu thịt. Vì vậy người nuôi hạn chế thu hoạch vào thời điểm này.

Trong những ngày nắng nóng kéo dài (nhiệt độ nước sông trên 29oC và nhiệt độ nước ao nuôi trên 38oC) cũng có thể làm cho màu và thịt cá tra kém chất lượng.

———————————————–

Năm 2004, năm đầu tiên ngành chăn nuôi thủy sản tỉnh AG đạt tổng sản lượng trên 152.000 tấn cá nuôi, tăng 11,9% so năm 2003, đạt kim ngạch xuất khẩu 120 triệu USD, vượt qua kim ngạch xuất khẩu gạo. Nuôi trồng thủy sản trở thành một ngành mũi nhọn trong kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

Tuy đạt sản lượng cao, nhưng chất lượng nuôi trồng thủy sản đạt chưa cao, đã ít nhiều bị ảnh hưởng đến thu nhập cho người chăn nuôi. Một vấn đề được đặt ra hiện nay là làm thế nào để nâng cao chất lượng nuôi trồng thủy sản ?

Trước đây, anh Đỗ Văn Tùng, ở ấp Long Hòa xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú chuyên làm lúa và chỉ đủ sống, từ khi anh bắt tay vào nuôi cá thì gia đình anh khấm khá hơn. Trong niên vụ nuôi vừa qua anh Tùng thả 25.000 con cá tra hầm, được các anh em nuôi cá trước đây chỉ dẫn nên mô hình nuôi cá hầm của anh khá thành công.

Vừa qua anh thu hoạch được sản lượng trên 30 tấn cá sau khi bán trừ các chi phí còn lãi gần 40 triệu đồng. Thấy nghề nuôi trồng thuỷ sản có khả năng phát triển được nên anh quyết định đầu tư nuôi cá ao hầm. Một vấn đề mà anh Đỗ Văn Tùng lo lắng là cá nuôi trong hầm đạt chất lượng chưa cao, thịt cá không trắng như những mô hình chăn nuôi khác, khi bán cá bị thương lái trừ hao nhiều nên đồng lời bị giảm.

Không riêng gì anh Tùng mà hầu hết ngư dân nuôi cá tra ao hầm ở huyện Châu Phú nói riêng và tỉnh AG nói chung đều có chung nổi lo về chất lượng cá tra chưa cao sẽ khó khăn khi mà đất nước ta chính thức bước vào hội nhập kinh tế thế giới. Cuối tháng 12 /2004, Cty Liên doanh Bio – Pharmachemie đã cử cán bộ kỹ thuật đến các vùng trọng điểm nuôi cá ao hầm để cung cấp kỹ thuật chăm sóc cá nuôi ao để cho thịt trắng. Gặp gỡ với ngư dân xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú cán bộ kỹ thuật và bà con ngư dân đã trao đổi về cách xử lý ao hầm, bơm thay nước, cơ cấu thức ăn là một trong số yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cá nuôi hầm hiện nay.

Được biết, trong thời gian qua Cty Liên doanh Bio – Pharmachemie đã tiến hành thực nghiệm về kỹ thuật nuôi cá tra thịt trắng ở nhiều nơi như tỉnh AG, Đồng Tháp, Vĩnh Long .v.v… và đã thành công. Theo kỹ sư Đặng Hồng Đức, Trưởng bộ phận Thuỷ sản Cty Liên doanh Bio – Pharmachemie cho biết: Có 3 yếu tố rất quan trọng giúp cá nuôi thịt trắng đó là cách quản lý môi trường nuôi, kiểm soát dịch bệnh và quản lý thức ăn tốt thì mới thành công. Về quản lý môi trường, trước khi thả cá giống cần diệt khuẩn bằng BioXide, sau đó từ 7 đến 10 ngày dùng vi sinh như Bio ZeoGreen hoặc Bio Yucca ( theo liều hướng dẫn trong chai ) đánh xuống ao để phân huỷ chất hữu cơ.

Trong trường hợp ao nuôi có tảo phát triển mạnh, bà con dùng Bio BKC 80 để xử lý tảo vào buổi trưa nắng, cứ 1 lít thuốc sẽ xử lý trên 2.000 mét khối nước trong 48 giờ, sau đó dùng vi sinh để phân huỷ xác tảo. Một yếu tố quan trọng nữa là cần thay nước định kỳ, tức là sau 30 ngày thả cá giống bà con có thể thay nước mỗi tuần 1 lần, sau 3 tháng chu kỳ nuôi thay nước từ 3 đến 5 lần 1 tuần, lượng nước thay là 30%, đến cuối chu kỳ nuôi hầm rất dơ, do vậy mỗi ngày bà con cần bơm thay nước, lượng nước thay chiếm khoảng 50% hầm.

Về quản lý dịch bệnh, trong trường hợp ao đã nhiều lần xuất hiện cá bệnh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cá nuôi. Do vậy, việc quản lý dịch bệnh trên ao nuôi cần được quan tâm thường xuyên. Hơn nữa, trong chế độ thay nước cá có thể bị Shock (sốc), chính vì thế cá dễ mắc bệnh. Khi thấy hiện tượng cá bị Shock, cần bổ sung Vitamin C hoặc NUTRUFISH để tăng sức đề kháng chống Shock cho cá nuôi. Sau đó từ 10 đến 12 ngày bà con nên dùng Bio Xide đánh xuống ao để diệt mầm bệnh. Đặc biệt, nếu cá bị nhiễm giun sán nội ký sinh, quan sát thấy biểu hiện cá chậm lớn, mổ trong nội tạng có giun, bà còn cần tẩy giun 2 tháng 1 lần bằng thuốc Bio BenZol liều dùng 1 ký thuốc trộn với 50 ký thức ăn để tẩy giun cho 3.000 ký cá. Về quản lý thức ăn, trong cơ cấu thức ăn luôn được bố trí phù hợp, tránh cho những thức ăn độn không cần thiết như không nên dùng thức ăn xanh hoặc dùng bột gòn làm chất kết dính sẽ ảnh hưởng đến môi trường cá nuôi. Ngoài ra bà con cần bổ sung thường xuyên vào thức ăn cho cá Sorbitol để tăng cường sức đề kháng phòng những trường hợp môi trường thay đổi.

Nuôi cá tra thịt trắng đảm bảo chất lượng cao là mong muốn chung của ngư dân hiện nay. Để đạt yêu cầu này, đòi hỏi khi bà con tham gia xây dựng mô hình nuôi cá ao hầm của mình cần tuân thủ các biện pháp kỹ thuật trên để đạt chất lượng cao hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững, đồng thời còn tạo điều kiện để bà con ngư dân bán được giá cao góp phần thúc đẩy nghề nuôi trồng thuỷ sản phát triển .

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2014-11-29 19:21:22.

Bài Viết Liên Quan

Viết Bình Luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.