Chức Năng Của Marketing Nông Nghiệp
1. Chức năng kết nối sản xuất với tiêu dùng làm cho sản phẩm đáp ứng tối đa mong đợi của khách hàng về hàng hóa lương thực – thực phẩm
– Marketing phải chỉ ra cho nhà kỹ thuật, các nhà sản xuất biết cần phải sản xuất sản phẩm nào, sản xuất như thế nào, sản xuất với khối lượng bao nhiêu và khi nào đưa ra thị trường.
– Để thực hiện được chức năng này, đòi hỏi phải có sự phối hợp hoạt động giữa các nhà sản xuất, các nhà chế biến, các nhà phân phối để làm tăng tính hấp dẫn của sản phẩm, thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.
Xem chuỗi bài viết trong khóa học Marketing Nông Nghiệp tại ĐÂY
2. Chức năng phân loại và chuẩn hóa
Sản phẩm nông nghiệp thường không đồng nhất về chất lượng và hình thức (kích cỡ, hình dáng). Do đó trước khi đưa ra thị trường phải phân loại nhằm:
– Đáp ứng mong đợi của người tiêu dùng hoặc đáp ứng yêu cầu của công nghiệp chế biến.
– Định giá bán khác nhau cho từng loại sản phẩm Thực hiện chức năng này có thể là người sản xuất hoặc các nhà thu gom trung gian.
3. Chức năng thu gom
Do sản xuất nông nghiệp thường phân tán, nhỏ lẻ, nhưng thị trường tiêu dùng đòi hỏi một khối lượng lớn tập trung, nên chức năng thu gom là chức năng quan trọng của marketing nông nghiệp.
Thực hiện chức năng này giúp cho việc chi phí vận chuyển giảm khi vận chuyển số lượng đủ lớn, phù hợp với phương tiện vận chuyển.
4. Chức năng chuyển dịch
Do sản xuất nông nghiệp gắn liền với điều kiện tự nhiên, đặc thù mang tính địa phương rất rõ nét, trong khi đó nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp lại diễn ra ở khắp mọi nơi (khu vực đô thị, khu vực không sản xuất được sản phẩm đó) nên marketing nông nghiệp phải thực hiện chức năng này. Thông thường, sự dịch chuyển sản phẩm thường thực hiện ở 2 giai đoạn:
– Từ nơi sản xuất đến nơi thu gom.
– Từ nơi thu gom đến các nhà máy hoặc các chủ buôn lớn (đại lý), các điểm bán lẻ ở các thị trường khác nhau.
5. Chức năng dự trữ
Do sản xuất nông nghiệp có tính mùa vụ, lại phụ thuộc vào biến động của thời tiết. Trong khi đó nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp thì diễn ra quanh năm, nên có lúc cung – cầu sản phẩm nông nghiệp không gặp nhau, gây biến động xấu về mặt xã hội, nhất là các sản phẩm lương thực – thực phẩm.
Việc dự trữ giúp:
– Điều tiết cung – cầu lương thực –thực phẩm vừa đảm bảo lợi ích của nhà sản xuất, vừa đảm bảo lợi ích người tiêu dùng.
– Đề phòng bất trắc, thiên tai, chiến tranh nhằm giữ ổn định kinh tế, chính trị đất nước.
Ngoài các nhà sản xuất, chế biến, phân phối tham gia vào quá trình dự trữ hàng hóa, lương thực – thực phẩm, thì nhà nước có vai trò cực kỳ quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia.
6. Chức năng làm tăng giá trị của hàng hóa nông sản
Thông thường, một số nông sản nếu bán thô thường giá thấp vì không đáp ứng tối đa mong đợi của người tiêu dùng.
Do đó, việc thực hiện một số khâu trung gian như phân loại, chuẩn hóa, bảo quản cung cấp trái vụ, đóng gói, bao bì hợp lý, sơ chế, tinh chế hoặc thay đổi phương thức phục vụ, cung ứng có thể làm tăng giá trị hàng nông sản lên nhiều lần.
7. Chức năng phân phối
Để thực hiện tốt chức năng này, đòi hỏi các thành phần tham gia vào dây chuyền marketing phải:
– Có dự kết nối hỗ trợ đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhanh chóng.
– Giao hàng đúng địa điểm, thuận lợi, tiết kiệm và hiệu quả.
– Thanh toán sòng phẳng và dứt điểm
8. Chức năng bổ trợ
– Chủ yếu là quảng bá hàng hóa, làm cho người tiêu dùng: biết – hiểu – tin – tiêu dùng hàng hóa.
Originally posted 2021-06-12 10:00:48.