I. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA CỪU
Giống cừu Phan Rang là một giống cừu được hình thành hơn 100 năm nay. Trải qua những điều kiện khí hậu nắng nóng gần như quanh năm, dưới sự tác động của chọn lọc tự nhiên và nhân tạo, giống cừu Phan Rang đã thích nghi cao với điều kiện sinh thái của Ninh Thuận, là giống cừu duy nhất ở Việt Nam hiện nay.
Tuổi trưởng thành bình quân con cái nặng 39kg, con đực 43kg. Khoảng cách lứa đẻ 8 tháng (3 lứa trong 2 năm).
1. Những đặc điểm của cừu cái tốt:
+ Đầu rộng hơi dài mình nở rộng, ngực sâu và dài, vẻ linh hoạt.
+ Lưng thẳng bụng to vừa phải, hong rộng, lông mịn.
+ Bộ phận sinh dục nở nang.
+ Chân trước và sau cứng cáp thẳng đứng, các khớp gọn thanh.
+ Bầu vú phát triển, vú thuộc loại vú da (bóp thấy bên trong mềm nhão nhưng khi căng sữa tiết ra nhiều). Gân sữa (tĩnh mạch) nổi rõ càng nhiều càng tốt.
2. Cừu con:
+ Hai tuần tuổi đầu thức ăn chủ yếu là sữa mẹ.
+ Từ tuần tuổi thứ 2 cừu con bắt đầu bứt ngọn cỏ để ăn lúc này dạ cỏ mới phát triển và phát triển mạnh từ tuần tuổi thứ 5.
Sau thời gian này phải có cỏ tươi cho cừu con ăn để kích thích bộ máy tiêu hoá phát triển (đặc biệt là dạ cỏ), cừu con sẽ chuyển nhanh sang giai đoạn tự dưỡng nhờ nguồn thức ăn bên ngoài, đồng thời bù đắp lượng dinh dưỡng thiếu hụt do sữa mẹ cung cấp không đầy đủ.
+ Con vật có tốc độ sinh trưởng nhanh, khả năng tích lũy cao đầu tư thức ăn thời kỳ này sẽ mang lại hiệu quả cao.
II.THỨC ĂN
Tổ chức cho ăn và nuôi dưỡng cừu đúng cách là điều kiện quan trọng nhất cải tiến phẩm chất giống và nâng cao năng suất của đàn cừu.
+ Cừu có thể ăn được nhiều loại thức ăn như: các loại cỏ tươi và khô, rơm, các loại dưa, bí, cà rốt, củ cải và ngô ủ tươi… mỗi ngày cừu có thể ăn một lượng thức ăn tinh 0,1-0,3kg/ngày.
+ Nhu cầu về khoáng và Vitamin:
Trong các loại thức ăn tốt thường có đủ các chất trên. Tuy nhiên vào mùa khô hàng năm thức ăn bị hiếm làm cho cơ thể cừu thiếu đi một số chất nhất là Canxi và một số Vitamin như: A,D,…ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức sống: đẻ con yếu, sau khi đẻ ít sữa đẻ non, niêm mạc mắt khô, mờ mắt.
Đối với cừu yêu cầu lượng Canxi hàng ngày trung bình 5,5 – 9,0g và 2,9 – 5,0g phốt pho, khoảng 3500-11000 UI Vitamin D… Hiện nay có tảng liếm để bổ sung khoáng có bán trên thị trường.
+ Cần phải có đủ nước sạch để cừu uống tại chuồng. Không nên cho cừu uống nước tù đọng để tránh cừu bị nhiễm giun sán.
III. KỸ THUẬT CHĂM SÓC VÀ PHÒNG BỆNH
1. Với cừu mẹ:
a.Trước khi đẻ:
+ Chu kỳ động dục của cừu cái 16-17 ngày. Sau khi cho phối giống qua thời gian trên mà không có biểu hiện động dục lại là có triệu chứng có chữa.
+ Căn cứ vào ngày phối giống để kịp thời đỡ đẻ cho cừu (Cừu mang thai 146-150 ngày), tránh đẻ bất ngờ làm chết cừu sơ sinh.
+ Có thể bồi dưỡng thêm thức ăn tinh và rau cỏ non cho cừu chửa nhưng tuyệt đối tránh thức ăn hôi mốc.
+ Khi có dấu hiệu sắp đẻ như: bầu vú căng, xuống sữa, sụt mông, âm hộ sưng to, có lớp dịch trên niêm mạc âm hộ, cào bới sàn, nên nhốt ở ô chuồng riêng có ổ rơm hoặc đi chăn gần và tránh đồi dốc cao.
b. Cừu đẻ:
Thông thường cừu mẹ nằm đẻ nhưng cũng có một số trường hợp cừu đứng đẻ, khi đó nên đỡ để cừu con sơ sinh khỏi bị rớt mạnh.
+ Sau khi đẻ, cừu mẹ tự liếm cừu con cho khô. Tuy nhiên vẫn lấy khăn sạch lau nước nhầy ở miệng, ở mũi cho cừu con sơ sinh dễ thở. Xong lấy dây sạch buộc cuốn rốn (cách rốn 5-6cm) dùng kéo hoặc dao cắt cách nơi buộc 2-3cm. Bôi cồn Iốt để sát trùng.
+ Cần giúp cho cừu con sơ sinh đứng lên bú được sữa đầu (chứa nhiều chất bổ dưỡng giúp cừu sơ sinh chống được bệnh tật).
+ Đẻ xong cừu mẹ khát nước nhiều nên cho cừu mẹ uống nước thoải mái (nước có pha đường 1% hoặc muối 0,5%).
2. Nuôi cừu con:
+ 10 ngày đầu sau khi đẻ, cừu sinh ra cho bú mẹ tự do.
+ Từ 11-21 ngày tuổi, cừu con bú mẹ 3 lần trong ngày (sáng, trưa, chiều), nên tập cho cừu con ăn thêm thức ăn tinh và cỏ non, đến 80-90 ngày tuổi có thể cai sữa cừu con.
+ Cừu thịt: gốm các cừu đực đã cai sữa và con giống thải loại, trước khi xuất chuồng 2 tháng cần có ô chuồng nhốt riêng để bổ sung thức ăn (vỗ béo) nhằm tăng được trọng lượng lúc xuất bán. Thức ăn bổ sung có thể là: thức ăn tinh, cỏ xanh, củ, quả, phụ phẩm nông nghiệp…
3. Chuồng trại:
+ Cao ráo, thông thoáng, sáng sủa, không có gió lùa, tránh được mưa, nắng hắt trực tiếp vào, mùa hè mát, mùa đông ấm, có sân chơi bằng phẳng và có máng uống.
+ Diện tích cần bảo đảm cho mỗi đàn cừu là: đực giống 1,5-2,0m2, cái sinh sản 1,3-1,5m2, cái tơ 0,6m2.
+ Nên làm chuồng kiểu sàn, mặt sàn cách mặt đất chừng 0,6-1,0m đủ chiều cao để quét dọn dễ dàng, khe hở mặt sàn 1,5cm. Bố trí máng ăn sát mặt ngoài sàn để cừu thò đầu ra ăn (mặt trước chuồng).
* Những điều cần nhớ:
+ Hạn chế chăn thả khi thời tiết xấu, mưa dầm, tại chuồng có sẵn thức ăn trong thời gian này.
+ Định kỳ tiêm A, D, E và Canxi cho cừu sinh sản trong mùa khô hạn.
+ Cừu được nuôi bán thịt phải nhốt riêng tránh quậy phá đàn, hư hỏng chuồng trại.
+ Tỷ lệ đực cái: 1 đực/25 cái. Đồng thời thường xuyên (1,5 năm) thì thay đổi đực để tránh đồng huyết.
Tuỳ theo điều kiện thể trạng của cừu, giai đoạn nuôi mà có sự bổ sung thức ăn cho hợp lý, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
4.Vệ sinh phòng bệnh:
+ Chuồng nuôi bảo đảm vệ sinh, quét dọn phân hàng ngày. Tẩy uế 1 tháng 1 lần bằng vôi hoặc Dipterex.
+ Tuyệt đối không sử dụng các loại thức ăn hôi mốc.
+ Định kỳ tắm chải cho cừu sạch sẽ (mùa hè 2-3 lần/tháng, mùa đông khi nắng ấm).
+ Máng nước uống phải sạch sẽ và đủ nước sạch.
+ Định kỳ tẩy giun sán 1 năm 3 lần.
+ Thực hiện chế độ tiêm phòng:
– Lở mồm long móng: 2 lần/năm.
– Tụ huyết trùng: 2 lần/năm và một số bệnh khác.
+ Thường xuyên kiểm tra phát hiện một số bệnh: loét miệng, ghẻ, đau mắt…kịp thời điều trị.
Originally posted 2014-04-16 17:17:28.