Trang Chủ » Nuôi cá bống bớp thành công
cá bống bớp

Cá bống bớp là loài cá quý cổ truyền của Việt Nam. Thịt thơm ngon và béo. Hàm lượng mỡ trong thịt của nó gấp 10 lần các loài cá kinh tế khác. Loài này cũng là một trong những loài cá xuất khẩu sống của Việt Nam sang một số nước: Trung Quốc, Hồng Kông. Trên thế giới, cá bống bớp được các nước nuôi trồng nhiều như: Ấn Độ, Srilanca, Thái Lan, các quần đảo Thái Bình Dương, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Philippin, Australia.

Còn ở Việt Nam cá bống bớp được phân bố ở các tỉnh như: Quảng Ninh (Tiên Yên, Hải Phòng (Đình Vũ, Cát Hải, Đồ Sơn, Thái Bình (Cửa Lân, Nam Định (Cửa Ba Lạt, Giao An, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (Cửa Sót, Nam Trung bộ, Tây Nam bộ, Đông Nam bộ. Sau đây là một số biện pháp kỹ thuật nuối cá bống bớp.

I.ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC

1. Đặc điểm hình thái cấu tạo:

Cá có thân hình trụ tròn hơi dẹt bên, bắp đuôi dài khoẻ, đầu hơi dẹt bằng, thân phủ vảy rất nhỏ. Toàn thân trơn nhớt trên gốc vây đuôi có chấm đen to hình tròn hoặc hình trứng xung quanh viền trắng đây là đặc điểm quan trọng nhất để phân biệt dễ dàng loài cá này với loại cá bống khác.

cá bống bớp

Hình dạng của cá bống bớp

2. Đặc điểm phân bố và sự thích nghi với điều kiện môi trường:

* Phân bố: Cá chủ yếu phân bố ở vùng cửa sông ven biển và đầm nước lợ, nơi có độ sâu mực nước từ 0,2 -1,5m. Ngoài bãi triều thường thấy ở các bãi bùn cát nơi có nhiều thực vật thuỷ sinh phát triển.

* Điều kiện môi trường:

– Nhiệt độ: Thích hợp nhất từ 25 – 300C, tuy nhiên cá có thể chịu được nhiệt độ dưới 100C.

–  Độ mặn: Cá có thể phát triển tốt ở độ mặn từ 5 – 25‰, đôi khi thấy cá xuất hiện ở những nơi có độ mặn xấp xỉ 0 hoặc > 25‰

–  Oxy: Cá có khả năng thích nghi tốt với điều kiện Oxy thấp có thể lên đến 1mg/l. Khoảng tối ưu cho cá phát triển là 3mg/l, không nên quá 8mg/l.

–  pH: Cá có khả năng thích ứng với pH rộng, nhưng tốt nhất 7 – 8

3. Tập tính sống:

Lúc nhỏ cá sống thành từng đàn trong hang. Cá trưởng thành sống trong hang, khi cá thành thục sinh dục hoặc khi đi kiếm ăn thì cá ra ngoài, cá có tập tính đào hang trú ẩn và đẻ trứng. Mỗi hang có từ 2 đến nhiều lỗ. Các lỗ này có vai trò lấy khí trời cho cá hô hấp khi ở trong hang thiếu oxy. Cần lưu ý tập tính này để đào đắp xử lý bờ tránh cá đi mất.

 4. Tính ăn:

Cá có khả năng bắt và nuốt mồi bằng 1/10 cơ thể chúng và cũng có thể nhịn đói hàng tuần. Khi nhỏ cá ăn động vật phù du nhỏ, khi lớn cá ăn giáp xác (tôm, cua, còng…) cá ưa mồi thịt động vật hơn. Tuy nhiên vẫn có thể ăn một phần mùn bã hữu cơ, thức ăn hỗn hợp tự chế, thức ăn công nghiệp, mần thực vật non.

5. Sinh sản:

Mùa vụ sinh sản chính của cá vào tháng 4 – 8, khi thời tiết ấm áp, độ mặn thích hợp cho cá sính sản từ 15 – 17‰, nơi có thức ăn tự nhiên phong phú. Cá thành thục sau 1 năm tuổi, thụ tinh ngoài và đẻ trứng dính. Cá thường làm tổ và đào hang đẻ trứng. Sau khi đẻ, cá bố mẹ luôn canh ở cửa hang để bảo vệ. Khi trứng nở thành cá con, được cá bố mẹ bảo vệ và dẫn đàn đi kiếm mồi quanh hang.

II. KỸ THUẬT NUÔI

1. Chọn địa điểm xây dựng:

– Địa điểm nuôi thích hợp là các bãi triều chất đáy là cát bùn và thịt pha cát là tốt nhất. Mặt khác, đáy cát có kết cấu kém nên dễ bị vùi lấp nên cá không thể đào hang xuyên qua bờ được

– Nơi có độ mặn dao động trong khoảng 5-25‰.

– Nơi ít chịu ảnh hưởng của các nguồn nước thải khu công nghiệp.

– Giao thông thuận lợi cho việc cung cấp vật tư và tiêu thụ sản phẩm.

– An ninh trật tự đảm bảo.

2. Xây dựng ao nuôi:

– Diện tích thích hợp nhất 200-2000m2, ao sâu 1-1,2m. Dọc ao đào rãnh rộng 2m để thuận lợi cho việc thu hoạch. Xung quanh bờ ao cần chôn phên nứa hay lưới nilon chìm dưới nước ao 60–70cm, cũng có thể đào rãnh quanh bờ rộng 25cm sâu khoảng 60–80cm dưới mặt nước. Mỗi ao nên có 2 cống để tiện cấp và thoát nước khi cần thiết. Trong ao nên thả rong bún, rong đuôi chó, rong câu nhằm tạo môi trường mát cho cá vào mùa hè, yên tĩnh và hấp thụ các loại chất độc trong ao nuôi.

3. Chuẩn bị ao nuôi:

Hình thức cải tạo ao như sau:

– Ao nuôi được lấp hết các lổ hổng ở chân và bờ, làm sạch cỏ dại.

– Ao nuôi được tát cạn, vét bớt bùn, tu sửa lại bờ ao, cống ao, phát quang bờ ao.

– Dùng bạt lót xung quanh bờ, tránh tình trạng cá đào hang xuyên bờ đi mất.

– Tiến hành cày bừa trang phẳng đáy ao.

–  Tiến hành rắc vôi với liều lượng tùy thuộc vào pH đất.

+ Đối với điều kiện ao nuôi ở vùng thường xuyên có pH cao nên bón 5 – 7kg vôi/100m2, phơi đáy 3 – 5 ngày để vôi oxy hóa các chất thải ở đáy sau đó tháo nước và ngâm 2 – 3 ngày và bơm ra.

+ Với ao có pH thấp hoặc ao mới đào cần bón lượng vôi từ 10 – 15kg/100m2 sau đó lấy nước vào ngâm 2 – 3 ngày và bơm nước chua phèn ra khỏi ao, làm như vậy liên tục 1 –2 lần đến khi môi trường ổn định kiểm tra pH trên 6,5.

+ Với ao có pH đáy trung tính không phải thau nước rửa nước vôi bón mà lấy nước mới vào ao.

Sau khi lấy nước vào ao đạt mức 1,2m, sau 3 ngày để toàn bộ trứng cá nở ra cá bột tiến hành bón saponin (hoặc khô dầu sở) với lượng 5 – 10kg/1000m2 diệt cá tạp, địch hại của cá. Vớt xác cá chết khỏi ao.

Vai trò của mầu nước giúp ngăn cản sự phát triển của tảo đáy, mặt khác cá bống bớp không thích ánh sáng, ưa sống chui rúc, nếu không có màu nước cá sẽ bị ức chế bởi ánh sáng nên cá tìm cách đào hang trú ẩn.

– Bón phân gây màu nước : Dùng 3 – 5 kg Urê và 5 – 7 kg lân/1000m2.

Khi thấy ao có màu xanh nhạt hoặc màu vàng nâu, độ trong đạt 40 – 45cm thì tiến hành thả giống.

Môi trường nước trong ao nuôi khi thả cá là:  pH = 7- 8; Độ mặn: 10-15‰; Độ sâu: 0.8-1m nước.

4. Thả giống:

– Tốt nhất lấy giống đã ương trong ao đất trong khoảng thời gian hơn 1 tháng nhằm thuần hoá trước khi đưa ra ao nuôi nhằm đảm bảo tỷ lệ sống.

  Mùa vụ thả giống:

+ Tốt nhất nên thả vào 2 vụ.

– Vụ 1 từ tháng 3 đến tháng 8.

– Vụ 2 từ tháng 8 đến tháng 12.

–  Vụ 1 không nên thả sớm vị thời tiết đầu năm rét cá dễ bị chết nhiều.

– Kích cỡ: Nên chọn cá cỡ 5 – 8cm.

+ Nếu thả cá cỡ cá lớn 60 – 80 con/kg. Khi thu hoạch cá thương phẩm đạt cỡ 60 – 70g/con sau 3 – 4 tháng nuôi. Ưu điểm của cá giống lớn là thời gian nuôi ngắn rút ngắn được mùa vụ, không bị bệnh lở loét, xuất huyết, kích cỡ thương phẩm lớn, tỷ lệ hao hụt thấp.

+ Nếu thả cá nhỏ, thời gian nuôi dài, dịch bệnh nhiều, kích cỡ thương phẩm nhỏ, tỷ lệ hao hụt cao.

– Mật độ giống thả:

+ Nếu nuôi quảng canh: Cỡ cá giống từ 3 – 5cm. Mật độ 2 – 3 con/m2

+ Nếu nuôi bán thâm canh: Cỡ cá giống từ 3 -5cm. Mật độ 8 – 10 con/m2.

Lưu ý: Chọn cá có kích cỡ đồng đều, không bị mất nhớt, không bị bệnh tật, không dị hình, bơi lội nhanh nhẹn, phản xạ tốt.

5. Quá trình chăm sóc cho ăn:

Từ khi thả đến 30 ngày tuổi, cho ăn 3-4 kg moi, cá tạp băm nhỏ/100kg giống, sau đó điều chỉnh tăng giảm theo tốc độ tăng trưởng của đàn cá. Để chủ động nguồn thức ăn tươi sống trong thời gian biển động có thể cho ăn moi khô, cá khô ngâm với nước cho mềm, ngoài ra có thể cho ăn thức ăn công nghiệp, thức ăn tự chế với hàm lượng đạm trên 20%, sàng cho ăn đặt ở vị trí cố định cách mặt nước 20-30 cm. Nếu giống cá sinh sản nhân tạo cỡ 2-3 cm, nuôi 1 vụ thì thức ăn ban đầu là cá luộc chín, gỡ xương, chà qua lưới rây bột, cho cá ăn 3-4 lần trong 10 ngày đầu Sau đó cho ăn tôm, tép tươi, cá tạp băm nhỏ cho ăn ngày 2-3 lần kết hợp dùng moi tươi băm nhỏ cho ăn khi không có thức ăn tươi.

Chú ýNguồn thức ăn cho cá không bị hư hỏng, ươn thối, được rửa qua nước sạch trước khi cho ăn, giảm được nguồn vi khuẩn có hại trong thức ăn. Giai đoạn 30-45 ngày tuổi vẫn phải cho ăn mồi tươi xay nhỏ, sau đó băm vụn và đến 60 ngày tuổi chọn kích cỡ thức ăn vừa cỡ để cho ăn trực tiếp.

Khi cá nhỏ, thức ăn để vào khay treo ở một vài điểm cố định, cho từ từ từng ít một để cá ăn hết, nếu thiếu thì bổ sung, thừa thì giảm đi. Giai đoạn lớn dùng còng cáy, tôm cá nhỏ cho ăn.

Giảm thức ăn vào mùa hè hay đầu mùa đông, khi nhiệt độ xuống dưới 200C hoặc trên 370C thì giảm lượng thức ăn trong ao. Khi lấy nước vào ao nếu nhiệt độ nước ổn định 28–300C sẽ cho cá ăn tăng 15% tổng trọng lượng cá có trong ao và thường xuyên thay nước mới.

Bảng 1: Lượng thức ăn của cá

Cỡ cá trung bình (g/con) Lượng cho ăn (%trọng lượng cá)

10

10

20

8

40

6

60

4

80

2

Trong quá trình nuôi cần phải đầu tư cho ăn có chất lượng và trọng lượng thức ăn theo quy trình đề ra nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của cá và giảm tỷ lệ hao hụt do hiện tượng ăn nhau.

6. Quản lý, chăm sóc môi trường ao nuôi:

Trong suốt quá trình nuôi phải thường xuyên theo dõi môi trường ao nuôi, kiểm tra bờ, cống để có biện pháp xử lý tránh tình trạng cá bị thất thoát .Định kỳ thay nước, cấp nước để môi trường nước trong sạch và kích thích cá tăng trưởng.

 Bảng 2: Môi trường nước ao nuôi thích hợp cho cá phát triển tốt như sau

pH Độ trong Độ mặn Nhiệt độ Độ sâu ao
7,5-8,5 30- 40cm 5- 150/00 20-28oC 0,8-1m

7. Thu hoạch.

Nuôi được 6 tháng tiến hành đánh bắt, thu tỉa những con có trọng lượng lớn .

III. MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP VÀ CÁCH PHÒNG TRỊ

1. Bệnh đóng dấu (lở loét):

Bệnh thường xảy ra vào các tháng giao mùa cuối thu đầu đông và cuối xuân hè là phổ biến. Trên thân cá xuất hiện các vết loét hình tròn viền đỏ hoặc viền trắng xung quanh. Cá bị bệnh kém ăn và lây lan rất nhanh nhất là những ao nuôi bị ô nhiễm và thả cá với mật độ cao.

Phòng bệnh: Thay nước sạch thường xuyên, thức ăn tươi sống cần khử trùng bằng thuốc tím tránh cá bị lây nhiễm bệnh qua thức ăn. Dùng tỏi nghiền nhỏ trộn cùng với thức ăn cộng thêm chất kết dính như bột mỳ, bột sắn… cho ăn dùng 200g tỏi cho 100kg cá dùng liên tục trong 3 ngày liền. Định kỳ hàng tháng dùng Tiên Đắc 1 với liều lượng 25g/100kg cá/ngày. Trộn vào thức ăn cho cá ăn liên tục trong 3 ngày.

Trị bệnh: Tát cạn ao, loại bỏ cá đã bị bệnh lở loét ra. Ngoài ra, tiến hành khử trùng lại đáy ao sau đó tắm thuốc tím với lượng 30g/m3 trong 5 – 7 phút.

Dùng Tiên Đắc 1 với liều lượng 50g/100kg cá/ngày. Trộn vào thức ăn cho cá ăn liên tục trong vòng 1 tuần

2. Bệnh trướng hơi:

Dấu hiệu: Bệnh xuất hiện vào mùa hè khi thời tiết biến động bất thường, cá bị bệnh trướng bụng to, bơi lội kém, mất thăng bằng.

Phòng trị bệnh: Tương tự như bệnh lở loét, hoặc dùng Flumequin như hướng dẫn của nhà sản xuất.

3. Bệnh phỏng rạ:

Dấu hiệu: Bệnh xuất hiện quanh năm trên thân cá, xuất hiện các vết màu trắng và phổng rộp lên. Bệnh có thể tự khỏi khi môi trường thay đổi.

Nguyên nhân: Do môi trường khắc nghiệt như mưa hoặc nắng kéo dài.

Phòng bệnh: Tiến hành thay nước định kỳ, quản lý tốt chất lượng nước và màu nước trong ao nuôi, nhất là khi có sự biến động của các yếu tố môi trường.

Trị bệnh: Thay nước cho ao nuôi với lượng trên 50% cá sẽ tự khỏi.

4. Bệnh rận cá:

Dấu hiệu: Trên thân cá xuất hiện rận bám vào da hút chất dinh dưỡng làm cá chậm lớn hoặc trùng mỏ neo ký sinh vào miệng, mang, mô miền hút máu làm cá chậm lớn.

Trị bệnh: Dùng Diprex phun xuống ao với liều lượng 200-400g/1000m3, sau 3 ngày lặp lại và trùng mỏ neo sẽ chết hết.

Chú ý: Cần hạn chế dùng Diprex do chất này có tính tồn lưu và gây ung thư da. Hoặc dùng Hadaclin của công ty bayer cho ăn như hướng dẫn của nhà sản xuất.

 

Câu Hỏi Thường Gặp

Đặc điểm hình thái của cá bống bớp như thế nào?

Cá có thân hình trụ tròn hơi dẹt bên, bắp đuôi dài khoẻ, đầu hơi dẹt bằng, thân phủ vảy rất nhỏ. Toàn thân trơn nhớt trên gốc vây đuôi có chấm đen to hình tròn hoặc hình trứng xung quanh viền trắng đây là đặc điểm quan trọng nhất để phân biệt dễ dàng loài cá này với loại cá bống khác.

Tập tính sống của cá bống bớp như thế nào?

Lúc nhỏ cá sống thành từng đàn trong hang. Cá trưởng thành sống trong hang, khi cá thành thục sinh dục hoặc khi đi kiếm ăn thì cá ra ngoài, cá có tập tính đào hang trú ẩn và đẻ trứng. Mỗi hang có từ 2 đến nhiều lỗ. Các lỗ này có vai trò lấy khí trời cho cá hô hấp khi ở trong hang thiếu oxy.

Kỹ thuật nuôi cá bống bớp hiệu quả ra sao?

1. Chọn địa điểm xây dựng; 2. Xây dựng ao nuôi; 3. Chuẩn bị ao nuôi; 4. Thả giống; 5. Quá trình chăm sóc cho ăn; 6. Quản lý, chăm sóc môi trường ao nuôi; 7. Thu hoạch.

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2014-04-14 04:03:30.

Bài Viết Liên Quan