nuôi chim trĩ năm xưa

Kinh nghiệm thú vị nuôi chim trĩ năm xưa

chim trĩ, nuôi chim trĩ, nuôi trĩ, trĩ đỏ

Nuôi chim trĩ năm xưa

Nuôi chim trĩ năm xưa (thuộc họ trĩ Phasianidae) làm chim kiểng là thú vui tao nhã đã có từ thời cỗ đại ở châu Âu. Do thú chơi này hợp với sở thích của đông đảo người đời nên chẳng bao lâu sau nó nổi lên như một phong trào và lan truyền sang nhiều quốc gia châu Á, rồi người Ai Cập cổ đại, người La Mã, người Hy Lạp, …

Đây không phải là chuyện võ đoán, mà do sự phát giác kỳ thú của nhiều nhà khảo cổ học trong thời gian gần đây, cho thấy trên vách các kim tự tháp có nhiều hình vẽ các loài chim quý như công, trĩ, bồ câu … Đó là những minh chứng hùng hồn cho chúng ta biết rằng, vào thời cổ đại xa xưa loài người đã biết nuôi các loài chim hiếm này để phục vụ cho đời sống của mình, có thể không đơn thuần là giải trí mà biết đâu còn tạo nguồn lương thực và … cả phục vụ cho chiến tranh, vì từ thời xa xưa con người đã biết huấn luyện cho bồ câu đưa thư rồi. 

Tất nhiên, vào thời xa xưa cách đây hơn năm sáu ngàn ngăm đó, chim trĩ chỉ được nuôi tại các vườn thượng uyển trong cung vua, phủ chúa, nói chung là những nhà quyền quý cao sang, chứ không nuôi phổ biến trong dân gian. Mãi đến những thập niên đầu thế kỷ 20, trước thế chiến thứ Nhất 1914-1918, tình trạng này vẫn còn như vậy.

Đó cũng là điều dễ hiểu, vì các giống chim công trĩ nói chung là loài chim quý hiếm, đắt tiền, chỉ có trong thực đơn của những đại yến của giới thượng lưu, chứ làm gì có trong mâm cơm của giới bình dân nghèo hèn được! Mặt khác, ở thời nào thì loài chim quý hiếm này cũng có giá rất cao nên dù chỉ nuôi làm chim kiểng, không phải bất cứ ai cũng có khả năng mua. Đó là chưa nói người nuôi phải có đất đai rộng rãi để thiết lập chuồng trại xứng hợp với loài chim có cái đuôi dài cực kỳ xinh đẹp này.

Được biết, tại nước ta, trước đây, từ giữa thế kỷ 20 trở về trước, chim trĩ được đánh giá là loài chim kiểng quý hiếm, đắt tiền, nên chỉ có những nhà giàu mới có khả năng nuôi chúng. Vì vậy, số lượng chim trĩ không nhiều. Thậm chí, nhiều người chỉ nghe đến tên chứ chưa hề thấy tận mắt hình thù con chim trĩ ra sao.

Phong trào nuôi chim trĩ kiểng

Nhưng, vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, tại Sài Gòn, phong trào nuôi chim trĩ làm kiểng lại rộ lên, đến nỗi đi đến đâu cũng được nghe nhiều người bàn tán xôn xao. Có nhà nuôi một vài con, có nhà nuôi để kinh doanh đôi ba cặp … Cũng có người làm chuồng trại quy mô, nuôi đến vài mươi cặp trĩ đẻ, như ông chủ trại bồ câu nổi tiếng ở bến Lê Quang Liêm … Nhưng, tiếc là phong trào nuôi chim trĩ thời đó chỉ rộ lên có mấy năm ngắn ngủi rồi lẹ làng xẹp xuống, đúng với câu “Bạo phát thì bạo tàn”. Tất nhiên là mọi chuyện đều có nguyên nhân của nó.

Thưở đó tác giả ham vui nên cũng chạy theo phong trào. Có điều, do khả năng tài chánh có hạn nên chỉ nuôi được hai cặp trĩ đỏ đang thời kỳ sinh sản. Giá mỗi cặp trĩ đẻ là 5 ngàn đồng (tương đương với hai lượng vàng 24 cara thời đó).

Thấy thiên hạ đua nhau dốc hết tiền túi ra nuôi trĩ thì mình cũng hăm hở nhập cuộc, nhất là thấy giá trĩ mỗi ngày mỗi lên nên ai cũng ham. Đến chừng nếm mùi thất bại thì mọi người mới thấy rõ sự nông nổi, vụng tính của mình!

Lý do chính khiến phong trào nuôi trĩ thời đó sớm lụi tàn kể ra thì nhiều, trong đó có việc lầm lẫn đáng tiếc: mọi người tưởng kỹ thuật nuôi chim trĩ cũng đơn giản như cách nuôi … gà, nên ai cũng nuôi chúng như nuôi gà! Như biết chúng thuộc loại chim khó cầm giữ nên thiên hạ đóng chuồng nuôi nhốt. Tới bữa, ngoài ít rau cỏ thì cho trĩ ăn lúa, thấy chúng cũng tranh nhau mổ ăn đến căng cả bầu diều ai cũng mừng. Đến mùa sinh sản, trĩ cũng đẻ như gà, khác một điều là đứng đâu đẻ đó chứ không chịu đẻ trong ổ (đã lót sẵn).

Nhưng, từ đây mới ló ra nhiều cái khó mà không ai hiểu nổi … Đã thế, vào thời bấy giờ không hề có một tài liệu sách báo nào đề cập đến kỹ thuật nuôi chim trĩ để người đời vin vào đó mà tìm hiểu, học hỏi cả. Cho nên, tình trạng chung của những người nuôi trĩ lúc đó chẳng khác nào cảnh … người đi trong đem tối.

Khi biết chắc sớm muộn gì cũng gặp thất bại, nhiều người mới tính đến cách “mua vải bán áo” nên mới bán tháo bán đổ: từ giá trĩ giống mỗi con một lượng vàng, bây giờ đem bán lại với giá trĩ thịt! Nghĩa là mua mười, giờ vớt vát được một, hai cũng vui lòng chấp nhận.

Thật ra, nhiều người nuôi trĩ thời đó đa số đều nuôi mộng kinh doanh. họ hi vọng sản sinh được nhiều trĩ con để kiếm được nhiều lời. Giá trĩ con vài tháng tuổi thời đó, nếu có, sẽ bán được mỗi con một chỉ vàng nên ai cũng ham. Thế nhưng, do trĩ mẹ chỉ được nuôi bằng lúa nên mỗi lứa chỉ đẻ được mươi lăm trứng, mỗi năm chỉ để được vài lứa. Đã thế, trĩ mẹ nuôi chuồng lại không con nào biết ấp! Thế là dân nuôi trĩ nhờ gặp khó mới ló được cái khôn: họ chuyển trứng trĩ cho gà hay bồ câu ấp hộ. Người nào nuôi trĩ với số lượng nhiều thì nhập máy ấp trứng gà về dùng …

Nhưng, khi trĩ con ra đời thì mừng đó lại lo ngay đó: mọi người nghĩ đơn giản cách nuôi trĩ con cũng giống như nuôi gà con, cứ cho chúng ăn tấm gạo là được. Do trĩ con sơ sinh không biết ăn tấm gạo như gà con, vài ngày đầu chúng chỉ biết uống nước cầm hơi nên con nào cũng kiệt sức dần mà lăn ra chết hết!

Đến khi tác giả và người bạn tự mày mò tìm được thứ thức ăn khoái khẩu của trĩ con thì tiếc thay đúng vào thời điểm phong trào nuôi gà công nghiệp nổi lên như diều gặp gió, nhanh chóng gây được sự quan tâm đặc biệt của hầu hết giới chăn nuôi thời ấy. Đến nỗi trong một sớm một chiều, mọi người đều … quên ngay con chim trĩ trong chuồng nhà mình, không ai còn muốn bận tâm với nó nữa.

Thế là mọi người lại lo cấp tập đóng chuồng, dựng trại, gần như nhà nhà đều hăm hở bắt tay vào nghề chăn nuôi mới là nuôi gà công nghiệp.

Rồi các trại gà lớn nhỏ mau chóng xuất hiện ở nội ô Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Các trại gà lớn nổi tiếng như Thanh Tâm nằm gần cầu Phan Thanh Giản (thuộc quận Bình Thạnh ngày nay) hay trại gà SCALA ở Thủ Đức, nuôi đến năm bảy ngàn con gà mái đẻ. Các tài liệu nuôi gà công nghiệp được in ấn đầy đủ, mà các phương tiện truyền thông như đài phát thanh, báo chí cũng không ngớt truyền bá rộng rãi kỹ thuật nuôi các giống gà siêu trứng, siêu thịt này đến với công chúng mọi nơi.

Đó là chưa nói đến việc phong trào nuôi gà công nghiệp vừa trỗi dậy chưa bao lâu thì các xưởng chế biến thức ăn cho gà công nghiệp (cám gà) và gia súc cũng xuất hiện kịp thời.

Khốn nổi, vào thời điểm phong trào nuôi chim trĩ làm kiểng tài lụi thì phong trào nuôi chim kiểng tại Sài Gòn cũng chưa phát triển mạnh như sau này. Cả Sài Gòn lúc đó chỉ có duy nhất một cửa hàng bán chim kiểng mang bảng hiệu Liên An ở Chợ Cũ. Và khu “chợ chó” cũng gần đó, chủ yến bán các giống chó nuôi, nên thỉnh thoảng mới thấy treo bán vài lồng chích choè than bổi, khướu bổi. Vì thế, thời này mà tìm mua “sâu gạo” (thức ăn bồi bổ cho chim kiểng) để nuôi trĩ con cũng … hiếm gặp.

Thời đó mà thuận lợi như ngày nay: Nuôi trĩ con trong mấy ngày đầu đã có sâu gạo, lại cho ăn cám công nghiệp của gà con thì trĩ con đâu phải lăn đùng ra chết. Chăn nuôi mà không có tài liệu tham khảo quả thật là … liều!

Ngày nay, nuôi chim trĩ làm kiểng vẫn hợp với sở thích của nhiều người. Lẽ dễ hiểu vì đây vốn là loài chim không chỉ quý hiếm đối với thế giới và người mình, mà còn là giống chim có vóc dáng thanh tú đáng yêu, nhất là bộ lông có nhiều màu xinh đẹp cực kỳ, có lẽ ngoài chim công ra khó có giống chim rừng nào sánh kịp.

Vì vậy, không mấy ai ngạc nhiên khi biết phong trào nuôi chim rĩ kiểng mới bắt đầu trở lại chưa được bao lâu, nhưng qua các phương tiện truyền thông và qua sự tìm hiểu riêng, chúng tôi đã có nhiều người nuôi trĩ kiểng gặt hái được thành công tốt đẹp ngoài mong đợi.

Thực tế cho thấy, ngày nay nuôi và kinh doanh chim trĩ kiểng có nhiều thuận lợi hơn cách nuôi trĩ của lớp chúng tôi trước đây hơn nửa thế kỷ. Trước hết, ngày nay người nuôi đã có sẵn nhiều tài liệu sách vở hướng dẫn kỹ thuật thuần hoá loài chim quý này. Kế đó là giá cả hợp lý, nếu không muốn nói là quá rẻ so với thời trước. Và sau nữa, thức ăn nuôi trĩ mọi lứa tuổi ngoài lúa, còn có cám gà công nghiệp, và nhiều thức ăn bổ sung khác đều có bán sẵn ngoài thị trường ….

Nhờ vào những thuận lợi đó nên mới thu hút được số đông người nhập cuộc. Và một khi đã có thị trường tiêu thụ rộng rãi thì việc nuôi và kinh doanh trĩ kiểng sẽ gặp nhiều sự hanh thông thú vị.

Đó là chưa nói đến điều mà nhiều người trong nghề đang mơ ước, là có thể trong thời gian gần, các món ăn từ thịt chim trĩ như trĩ đút lò, trĩ hầm thuốc Bắc, trĩ chiên bơ … vốn là những món ăn chỉ có trong các đại yến ở chốn cung đình xưa, thì nay lại có trong thực đơn của các nhà hàng, quán nhậu dân dã, hợp với túi tiền của đại chúng …

Việt Chương – Phúc Quyên

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2015-07-31 09:22:35.

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.