Nuôi ghẹ thịt ở vùng Tam Giang – Cầu Hai đã là chuyện khó tin, thế nhưng, có một chàng trai trẻ, lặn lội từ Phú Yên đến Huế để rồi “ăn nên làm ra” với nghề nuôi ghẹ lột thương phẩm.
Ghẹ từ lâu là một trong những thứ đặc sản khoái khẩu của khắp vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Tuy nhiên, hầu như chưa có ai ở vùng sông nước Thừa Thiên-Huế nuôi thả thành công loài thủy sinh họ cua này, mà chỉ dựa vào đánh bắt tự nhiên. Thất bại là mẹ thành công.
Người “sáng tạo” ra nghề nuôi ghẹ lột tại vùng đầm Cầu Hai (xã Lộc Bình, Phú Lộc) là Lê Duy Khiêm, 27 tuổi, quê ở Tuy An (Tuy Hòa, Phú Yên).
Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, Khiêm phải sớm rời xa mái trường tuổi thơ để góp tay đỡ đần công việc nuôi trồng thủy sản cực nhọc cùng mẹ cha.
Có lẽ nếm trải sự gian nan, cực nhọc từ nhỏ đã tạo cho anh tính tự lập, kiên nhẫn, khiêm tốn. Và chỉ có những người kiên trì chịu khó như Khiêm mới gắn bó được với công việc nuôi ghẹ lột rất kỳ công và mệt nhọc.
Dẫu biết đây là nghề “một vốn bốn lãi”, nhưng không phải ai cũng nuôi được. Có trực tiếp chứng kiến diễn biến công việc, mới thấy hết sự nhọc nhằn, căng thẳng sớm khuya của nghề nuôi ghẹ lột.
Hầu như suốt 24/24 giờ trong ngày, người nuôi phải luôn “trực chiến” xử lý ghẹ lột, chẳng khác nào một bà đỡ phải vào ca liên tục. Nếu ghẹ lột xong không kịp thời đưa đi sơ chế, bỏ đông, ướp lạnh, vỏ của chúng sẽ mau chóng dày cứng trở lại, mọi cố gắng sẽ chỉ là công cốc, phải đổ bỏ.
Khi mới 22 tuổi (năm 2000), Khiêm quyết định xa quê hương, gia đình, lặn lội ra xã Lộc Bình, mang theo một ý tưởng táo bạo là mở cơ sở nuôi ghẹ lột – một nghề mà xưa nay chưa thấy ai ở vùng sông nước Thừa Thiên-Huế dám mạo hiểm thực hiện.
Buổi đầu chân ướt chân ráo, lạ lẫm với đất khách quê người, nhưng nhờ sự giúp đỡ tận tình của những người dân quê tốt bụng và chính quyền địa phương, cơ sở nuôi ghẹ ở thôn Tân Bình của Khiêm đã ra đời.
Vạn sự khởi đầu nan, ba năm đầu cơ sở nuôi ghẹ lột của Khiêm liên tục thua lỗ. Hàng chục triệu đồng vốn ban đầu do Khiêm tích lũy, vay mượn từ quê mang ra Thừa Thiên-Huế làm ăn dần trôi theo sóng nước. Nợ nần, nguy cơ phá sản đến gần mỗi ngày.
“Thất bại là mẹ thành công” – Khiêm tâm niệm, anh quyết gượng dậy, dốc vét hết những đồng vốn cuối cùng vào vụ nuôi năm 2004. Thành công rồi cũng mỉm cười với Khiêm. Liên tục hai năm trở lại đây, cơ sở ghẹ lột của anh đã có lãi. Hiện nay, Khiêm đang mở rộng diện tích khu nuôi lên gần 100 m2, với 14 lồng lưới tập trung trên một bè nổi, có nơi chế xuất, xử lý đông lạnh. Vị trí nuôi nằm ngay trên luồng nước thủy triều vào ra cửa biển Tư Hiền.
Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ kỹ thuật nuôi ghẹ lột quá đơn giản. Chỉ cần cắt bỏ hai mắt, buộc càng, cho ăn… rồi nằm đợi ngày ghẹ lột và… đếm tiền.
Tuy nhiên, đây lại là công việc đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ. Nguồn ghẹ thô vỏ cứng sau khi thu mua từ ngư dân vùng đầm phá, được xử lý bằng cách cắt bỏ mắt, buộc càng, cho ăn và kích thích theo một bí quyết “gia truyền” riêng để ghẹ không chết lại chóng lột. Quá trình can thiệp trong vòng bảy ngày.
Ghẹ thường lột xác vào buổi thủy triều lên từ cửa biển, nước mát, sạch sẽ và chảy mạnh. Thời gian lột vỏ cao điểm từ hai giờ chiều đến hai giờ sáng mỗi ngày.
Do vậy, người nuôi phải canh chừng hầu như suốt 24/24 giờ, thường xuyên di chuyển ghẹ sang các lồng lưới khác nhau, khi phát hiện những dấu hiệu thay đổi về màu sắc, kích cỡ…
Ô lưới “trung tâm” là nơi tiếp nhận cuối cùng những con ghẹ sống sắp “thay da đổi thịt”. Sau khi lột vỏ xong 25 phút, ghẹ phải được đem sơ chế, đóng gói nylon và bỏ đông ngay.
Nuôi ghẹ: Một vốn bốn lời
Cơ sở anh Khiêm hình thành đã đem lại niềm vui cho bà con ngư dân nghèo vùng đầm phá, bởi nguồn ghẹ thịt thô dồi dào có trong tự nhiên lâu nay chỉ bán ở các chợ quê với giá “bèo”, từ 5.000 – 20.000 đồng/kg.
Trong khi cơ sở của anh Khiêm luôn thu mua với giá ổn định, trên dưới 30.000 đồng/kg. Mỗi ngày mua vào khoảng 40 – 50 kg ghẹ thô. Được biết, khi ghẹ chuẩn bị lột, lượng nước tích lũy bên trong cơ thể tăng lên từ 30 – 50%.
Một kg ghẹ ban đầu có thể tăng lên thành 1,3 – 1,5 kg sau khi lột vỏ. Ghẹ lột là thứ đặc sản ẩm thực rất ngon, bổ và hiếm, nên giá đầu ra cao gấp 4 lần so với sản phẩm thô ban đầu.
Chưa kể trọng lượng thay đổi. Mỗi cân ghẹ lột ở cơ sở của anh Khiêm hiện dao động ở mức 100.000 – 120.000 đồng/kg, lúc khan hàng có thể lên đến 150.000 đồng/kg.
Tính ra, trừ các khoản chi phí, mỗi ngày anh Khiêm lãi từ 1,5 – 2,5 triệu đồng. Trung bình mỗi tháng, cơ sở anh sản xuất gần 2 tấn ghẹ lột cung cấp cho chủ nậu ở Nha Trang, TP Hồ Chí Minh để bán về các nhà hàng, khách sạn hay xuất khẩu.
Nuôi ghẹ lột ở Thừa Thiên-Huế mỗi năm chỉ kéo dài trong vòng 6 tháng (từ tháng Hai đến tháng Tám âm lịch). Thời gian còn lại là mùa mưa bão, đây cũng là lúc để nguồn ghẹ tự nhiên trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai sinh sôi nảy nở, tái tạo lại giống nòi.
Theo thông tin khiêm tốn từ anh Khiêm, mỗi năm cơ sở thu lãi được trên 200 triệu đồng. Trong thời gian tới, anh dự kiến mở thêm cơ sở ghẹ lột ở Thuận An và Trường Hà (Phú Vang), tiến tới nâng “công suất” lên trên 100 kg ghẹ nguyên liệu/ngày, nhằm đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Ông Lê Túy – Chủ tịch UBND xã Lộc Bình – nhận xét: Cơ sở nuôi, chế biến ghẹ lột của anh Khiêm đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động, với mức thu nhập ổn định hơn một triệu đồng/người/tháng.
Là địa phương đặc biệt khó khăn, đang thuộc diện hưởng chương trình 135, sự thành công của mô hình nuôi ghẹ lột đang mở ra hướng làm ăn mới và phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đất ven đầm phá, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Originally posted 2014-04-14 11:07:14.