nuôi ghép cá trắm đen

Nuôi ghép cá trắm đen ra sao?

Cá trắm đen là loài cá nước ngọt đặc sản, thịt cá có hàm lượng dinh dưỡng cao, thơm ngon và đặc biệt có một số tác dụng tốt trong y học nên được dân Việt Nam và Trung Quốc ưa chuộng. Trong bài viết này hãy cùng Farmvina tìm hiểu kỹ thuật nuôi ghép cá trắm đen!

Hiện nay nuôi cá trắm đen thương phẩm đang được người nuôi cá quan tâm. Cá trắm đen thường được thả ghép với mật độ rất thưa trong các ao nuôi cá truyền thống nhằm tận dụng nguồn thức ăn là ốc tự nhiên có trong ao.

Cá trắm đen được nuôi rải rác ở một số tỉnh thành như Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội…

Trong quá trình điều tra cho thấy, không có hộ nào nuôi đơn cá trắm đen mà 100% là nuôi ghép. Mật độ cá trắm đen trung bình là 0,1 con/m2 (1con/10m2), trong ao nuôi có mật độ trung bình 0,4 con/m2 (4 con/10m2). Mật độ thả chung trong ao có xu hướng giảm dần khi mật độ cá trắm đen tăng lên. Người dân cho biết, cá trắm đen là loài rất nhạy cảm với điều kiện môi trường xấu vì vậy nuôi thương phẩm cá trắm đen cần có môi trường nuôi sạch, tức là phải thả thưa và mật độ các loài cá khác phải thấp.

Cá trắm đen thường được nuôi ghép với nhiều loài cá khác nhau.

Bảng: Các kiểu nuôi ghép cá trắm đen trong ao

STTKiểu nuôi ghép cá trắm đenSố ao (n)Tỷ lệ (%)
1Trắm đen+ mè trắng+ trôi+ trắm cỏ+ chép1233,3
2Trắm đen+ mè trắng+ trôi+mè hoa+ trắm cỏ+ chép822,2
3Trắm đen+ mè trắng+ trôi+ mè hoa+chép411,1
4Trắm đen+mè trắng+ trôi+cá quả+ chép38,3
5Trắm đen+ mè trắng+ trôi+ chép25,6
6Trắm đen+ Trôi+ chép+ Rô phi12,8
7Trắm đen + mè trắng+ trắm cỏ+ chép12,8
8Trắm đen+ mè trắng+ trắm cỏ+ chép12,8
9Trắm đen+ mè trắng +cá chép12,8
10Trắm đen+ mè trắng +mè hoa+ rô phi12,8
11Trắm đen+ mè trắng + cá quả12,8
12trắm đen+ mè trắng+ ba ba12,8
Tổng36100

Sự kết hợp ghép các loài cá nuôi với tỷ lệ ghép hợp lý sẽ tận dụng tối ưu dinh dưỡng tự nhiên trong ao, xử lý ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả của hệ thống nuôi.

Kích cỡ cá trắm đen khi thả trung bình là 0,48kg/con, cỡ nhỏ nhất là 0,03kg/con.

Cá trắm đen nếu thả thưa trong ao đầm có động vật nhuyễn thể phong phú thì một năm nuôi cá thể đạt khối lượng 3-4 kg với cỡ cá giống 0,1-0,15 kg/con. Nhưng ở Trung Quốc cỡ cá trắm đen thả tốt nhất là 0,5-0,7kg/con khi nuôi ghép trong ruộng lúa với mật độ rất thưa là 1 con/80-150m2 ruộng, với điều kiện giầu ốc thì sau một năm đạt 4-7kg.

Thức ăn ưa thích của cá trắm đen là ốc. Và có thể bổ sung thêm ngô, cám, gạo hoặc thức ăn viên công nghiệp. Thức ăn nhân tạo là sự lựa chọn thứ 2 của cá trắm đen vào mùa hè, mùa thu nhưng chúng không ăn vào mùa xuân.

Bệnh của cá trắm đen: Vào khoảng tháng 5-6 là thời điểm tiết trời chuyển mùa xuân sang hạ, nhiều đợt gió mùa xuất hiện làm sự thay đổi nhiệt độ và môi trường đột ngột cùng với sự phát triển mạnh mẽ của vi sinh vật gây bệnh làm cho cá dễ mắc bệnh. Các biểu hiện của bệnh cá trắm đen là cá tuột vẩy, mất nhớt, đóng rêu, thối mang và không có biểu hiện gì. Bệnh thường xuất hiện khi thay đổi thời tiết đột ngột. Bệnh thường xảy ra ở mọi kích cỡ của cá.

Hệ thống nuôi ghép trắm đen kết hợp với trồng sen không những cho lợi nhuận thu từ cá mà còn thu được từ hạt sen với năng suất 300-600 kg hạt sen khô/ha. Với giá bán tại đầm 20.000đồng/kg hạt thì sau mỗi vụ sen người sản xuất thu thêm ít nhất từ 6 triệu đến 12 triệu đồng/ha đầm.

Trong ao nuôi cá trắm đen thương phẩm nên được ghép kết hợp 2-3 loài để sử dụng hiệu quả dinh dưỡng trong các tầng nước. Trong đó, cá trắm đen là chính, còn mè trắng có vai trò lọc thực vật phù du…, tỷ lệ thả từ 50% đến 75% cá trắm đen. Cá giống cỡ lớn 100g-500g/con thả với mật độ 2-3 con/10m2 cho ăn thức ăn bằng ốc và thức ăn viên sẽ cho hiệu quả nuôi tốt.

Nuôi cá trắm đen là hướng đi mới được người nuôi cá ở một số tỉnh như Hải Dương, Ninh Bình, Hưng Yên quan tâm. Cá trắm đen hiện nay chủ yếu được nuôi ghép trong ao đất hoặc nuôi kết hợp trong đầm trồng cây sen ở mức độ bán thâm canh. Cá trắm đen được nuôi ghép cùng với các loài cá truyền thống: mật độ chung của ao nuôi ghép là 0,3-0,6 con/m2 với tỷ lệ trắm đen trung bình 29%. Nuôi ghép cá trắm đen cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi cá truyền thống.

Nghiên cứu thực nghiệm sinh sản nhân tạo, ương nuôi cá hương, cá giống trắm đen

1. Xây dựng quy trình sinh sản nhân tạo cá bột trắm đen

Đã xây dựng và hoàn thiện quy trình sinh sản nhân tạo cá trắm đen tại Trại sản xuất cá giống với các bước như sau:

Bước 1: Chuẩn bị cá bố mẹ và ao nuôi:

Cá bố mẹ từ 3 –  4 năm tuổi, trọng lượng 5 – 6 kg/con. Tỷ lệ đực /cái = 1,5 – 2/1. Mật độ 20 – 22 kg cá/100m2. Diện tích ao 2000 – 3000m2.

Ao được tát cạnA, tẩy dọn, bón vôi 7 – 8 kg/100 m2, bón lót phân chuồng 15-20 kg/100m2.  Lọc nước sạch cho vào ao, độ sâu của nước 1,2-1, 5m. Thả cá vào ao lúc t0: 20 – 250 C.

Bước 2:

Giai đoạn 1: Nuôi vỗ cá bố mẹ phát dục (tháng 11 – tháng 12): Thức ăn cho cá = 2 – 3% trọng lượng cá/ngày, hàm lượng đạm trong thức ăn 25 – 30%. Phân chuồng 10kg/100m2/tuần /lần. Thay nước ao 1 lần 30 – 40 cm (tháo nước cũ bơm nước mới).

Giai đoạn 2: Nuôi vỗ tích cực (tháng 1 –  tháng 3): Thức ăn có hàm lượng đạm 28 – 30%. Số lượng thức ăn = 8% trọng lượng cá/ngày. Phân chuồng 5 kg /tuần/lần. Mỗi tháng bơm nước 1 lần, lượng nước bơm vào = 1/3 nước có trong ao. Khi t0 < 150C ngừng cho ăn. Vào tháng 3 tiêm kích dục tố 1 lần với liều lượng 2-3 mg LRH – A/kg cá.

Giai đoạn 3: Nuôi vỗ thành thục (tháng 4 – tháng 6): Lượng thức ăn bằng 1/2 so với giai đoạn 2. Chất lượng thức ăn như giai đoạn 2. Một tuần bơm nước 1 lần, lượng nước bơm bằng 1/3 lượng nước có trong ao (thay 1/3). Mỗi tháng tiêm kích dục tố 1 lần, liều lượng 2mg LRH – A /kg cá. Thời gian này kiểm tra và chuẩn bị cho cá đẻ.

Bước 3: Chọn cá và áp dụng các biện pháp sinh sản nhân tạo:

Chọn cá cái có bụng phình mỏng, da hậu môn màu hồng, trứng cá màu vàng xanh, nhân trứng hơi lệch. Chọn cá đực có tinh dịch đặc trắng. Tỷ lệ đực /cái = 1,5 – 2/1. Tiêm cá đực 1 lần vào lúc tiêm lần 2 cá cái, liều lượng thuốc tiêm bằng 1/3 cá cái.  Tiêm cá cái: Lần 1 từ 5  – 10 mg LRH – A + 2 – 3 não cá/1kg cá. Lần 2 từ 40 -50mg LRH – A + 5-8 não cá/kg cá. Tiêm lần 1 cách lần 2  từ 4 – 5h. Lưu tốc nước chảy 0,3 m/s. Nhiệt độ nước 22 – 28 C,  pH của nước 6 – 8.

Bước 4:Ap trứng cá và xử lý cá bột: Mật độ ấp trứng 2 trứng /cm3. Lưu tốc nước chảy: 0,2 – 0,3 m/s.  Lưu lượng 15 – 20 m3 /h. Ôxy hoà tan 6 –7 mg / lít. Nhiệt độ nước 22 – 28C, pH của nước 6 –  8.? p 4 – 5 ngày (tuỳ theo nhiệt độ). Cá có bóng hơi và đen lưng đạt tiêu chuẩn cá bột.

2.   Xây dựng quy trình ương nuôi cá bột lên cá hương

Xây dựng và hoàn thiện quy trình ương nuôi cá bột, cá hương phù hợp với điều kiện của tỉnh Hà Nam gồm các bước:

Bước 1: Chuẩn bị ao ương nuôi cá:

Ao phải đảm bảo các yêu cầu:

Bờ ao không bị rò rỉ, tràn ngập khi mưa, thuận lợi tưới tiêu nước và giao thông. Ao được dọn sạch cỏ rác, san phẳng đáy, vét bùn đáy chỉ để lại lớp bùn 15 – 20cm. Dùng vôi bột vãi đều đáy ao và mái bờ để diệt tạp và cải tạo đáy ao, số lượng vôi 12 – 15kg/100m2. Bón lót phân chuồng đáy ao 25 – 30kg/100m2. Phơi đáy ao 1 – 2 ngày để diệt sinh vật hại cá và cải tạo môi trường đáy ao.

Khi tháo nước vào ao phải dùng vải lọc có quy cỡ như sau

K: 40 – 50 lỗ /1cm2, nước không có độc tốn, nước đưa vào ao hôm nay ngày mai thả cá ngay (không đưa nước vào ao sớm trước nhiều ngày rồi mới thả cá) đưa nước vào ao từ từ: 0,8 m-1m-1,2m-1, 5.  Kiểm tra độ pH, nồng độ ô xy hoà tan, nhiệt độ của nước lúc thả đạt tiêu chuẩn là thả được cá vào để nuôi

Bước 2: Thả cá vào ao:

Chọn lúc trời mát, nhiệt độ nước từ 25 – 28C, thả cá xuống nước từ từ để cá quen dần với môi trường ao rồi mới đưa hết ra ao khỏi dụng cụ đựng cá, tránh cá bị sốc và nhiễm bệnh. Mật độ nuôi cá bột 100 – 150con/m2 ao. Không thả lẫn hoặc ghép các loại cá khác.

Bước 3: Chăm sóc cá bột lên hương: Tuần thứ nhất dùng thức ăn có độ đạm 30% nghiền nhỏ, nấu chín hoà tan nước, té đều khắp ao, số lượng cho ăn 0,5kg/vạn cá/ngày. Từ  tuần thứ  hai trở đi cho ăn 0,5 – 0,8kg/vạn cá/ngày, số thức ăn tăng dần theo độ lớn của cá. Lượng phân bón mỗi tuần một lần từ 20 – 30kg/100m2 té đều khắp ao. Tiếp nước 3 – 4 lần /tháng, mỗi lần tăng thêm 30 – 40 cm nước trong ao (theo hình thức tháo nước đi, tiếp nước vào) để tạo điều kiện sinh thái tốt cho cá sinh trưởng và cải tạo được thành phần thức ăn tự nhiên cho cá.  Lượng ô xy hoà tan phải đảm bảo từ  4mg /lít trở lên, pH từ 6,5 – 8.

3. Xây dựng quy trình ương nuôi cá hương lên cá giống

Bước 1: Chuẩn bị ao nuôi cá: Diện tích ao từ 1000 – 2000m2. Tát cạn ao, tu sửa bờ, tẩy dọn ao, vét bùn đáy. Tẩy ao bằng vôi 10 – 15kg/100m2.  Bón lót phân 20 – 25kg/100m2. Phơi đáy ao 1 – 2 ngày. Lọc nước sạch vào ao, độ sâu nước 1,2 – 1, 5m. pH của nước 6, 5 – 7. Lượng ô xy hoà tan 5mmg/lít.

Bước 2: Nhập cá vào ao: Luyện cá ở ao cá hương trước khi đánh cá. Mật độ 20 – 25 con /m2. Thả cá từ từ vào ao. Nhiệt độ lúc thả cá 22 – 28C.

Bước 3: Quản lý và chăm sóc: Cho ăn thức ăn tổng hợp có đạm 25 – 30%. Ngày cho ăn 2 lần, lượng cho ăn 8 – 10% trọng lượng cá/ngày. Phân chuồng cho ăn tuần 1 lần từ 25 – 30kg/100m2. Mỗi tuần tiếp nước 1 lần. Lượng nước tăng 30 – 40cm mực nước trong ao /1 lần bơm (tháo nước cũ, tăng nước mới). Kiểm tra ao vào lúc sáng sớm, chiều mát để có biện pháp kỹ thuật phù hợp. Thời gian nuôi từ 50 – 60 ngày. Cá đạt cỡ 6 – 8cm là được tiêu chuẩn cá giống.

 

Câu Hỏi Thường Gặp

Nuôi ghép cá trắm đen ra sao?

Trong quá trình điều tra cho thấy, không có hộ nào nuôi đơn cá trắm đen mà 100% là nuôi ghép. Mật độ cá trắm đen trung bình là 0,1 con/m2 (1con/10m2), trong ao nuôi có mật độ trung bình 0,4 con/m2 (4 con/10m2). Sự kết hợp ghép các loài cá nuôi với tỷ lệ ghép hợp lý sẽ tận dụng tối ưu dinh dưỡng tự nhiên trong ao, xử lý ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả của hệ thống nuôi. Thức ăn ưa thích của cá trắm đen là ốc. Và có thể bổ sung thêm ngô, cám, gạo hoặc thức ăn viên công nghiệp. Thức ăn nhân tạo là sự lựa chọn thứ 2 của cá trắm đen vào mùa hè, mùa thu nhưng chúng không ăn vào mùa xuân.

Xây dựng quy trình sinh sản nhân tạo cá bột trắm đen như thế nào?

Bước 1: Chuẩn bị cá bố mẹ và ao nuôi; Bước 2: Giai đoạn cho cá ăn; Bước 3: Chọn cá và áp dụng các biện pháp sinh sản nhân tạo; Bước 4: Ap trứng cá và xử lý cá bột.

Xây dựng quy trình ương nuôi cá bột lên cá hương ra sao?

Bước 1: Chuẩn bị ao ương nuôi cá; Bước 2: Thả cá vào ao; Bước 3: Chăm sóc cá bột lên hương.

Xây dựng quy trình ương nuôi cá hương lên cá giống như thế nào?

Bước 1: Chuẩn bị ao nuôi cá: Diện tích ao từ 1000 – 2000m2. Bước 2: Nhập cá vào ao: Luyện cá ở ao cá hương trước khi đánh cá. Bước 3: Quản lý và chăm sóc.

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2014-12-10 23:01:17.

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.