Trang Chủ » Cách nuôi heo ở trại heo … cụt đuôi như thế nào?

Cách nuôi heo ở trại heo … cụt đuôi như thế nào?

1,1K lượt xem
nuôi heo

Nuôi heo ở trại heo cụt đuôi

Nuôi heo ở trại rồi về nhà, công nhân tắm hay không thì tùy, nhưng trước khi vào trại thì buộc phải tắm với xà phòng, mặc bộ bảo hộ sạch và qua phòng khử khuẩn, ông Hoàng Mạnh, chủ trại heo ở Thanh Oai, Hà Nội nói vui.

Trại nuôi heo của ông Mạnh là một trong số 45 trại nuôi heo gia công cho Công ty liên doanh Austfeed (Úc) tại VN. Đó là khu chuồng có mái được lợp tôn xanh, tường quét vôi trắng. Theo lời của anh Hiếu, kỹ sư chăn nuôi của Austfeed hỗ trợ kỹ thuật tại trại này, quanh năm nhiệt độ phải duy trì 28 – 300 C nhờ hệ thống máy điều hòa; không khí phải thông thoáng nhờ hệ thống quạt thông gió; điện nước đầy đủ, khép kín.
–> Xem Khoá học nuôi heo làm giàu
nuôi heo ở trại

Ông Hoàng Mạnh nuôi heo ở trại của mình

Hôm chúng tôi đến, Hiếu kéo cần gạt cho cám đổ vào máng, gõ nhẹ lên bình chứa thức ăn, âm thanh “coong coong” và mùi cám thơm thúc giục đám heo rào rào chạy tới. Con nào con nấy căng bóng, nhanh nhẹn và hầu hết đều… cụt đuôi.

Hiếu giải thích: “Cái đuôi chủ yếu để heo xua ruồi, muỗi, côn trùng mà ở đây thì hầu như chẳng có con nào để xua. Thêm nữa, bọn heo đang tuổi ăn, tuổi lớn hay gây gổ cắn đuôi nhau. Mỗi khi cắn nhau là chúng bị stress, yếu tố khiến chúng chậm lớn. Bởi vậy, từ 1 – 2 ngày tuổi là heo đã được cắt đuôi, giúp chúng sống vui vẻ hơn nhờ đó ăn ngon, ngủ ngon và lên cân tốt hơn”.

Những chú heo no cám lại chạy đến khu vực uống nước, kê mõm vào vòi tu khá thành thạo. Hiếu giới thiệu: “Vòi nước cảm ứng, tự động bật ra khi heo đến uống. Nước uống này được xử lý bởi hệ thống lọc riêng của trại, để kiểm soát được vi khuẩn cũng như nồng độ hóa chất khử khuẩn”.

Hiếu kể, nuôi heo kiểu này cũng tỉ mỉ và ngặt nghèo. Heo giống khi ra đến trại khoảng 12 – 15 kg/con. Trước đó, từ lúc 2 tuần tuổi cho đến 4 tuần tuổi thì heo con đã được tiêm vắc xin phòng bệnh. Ước tính, để trở thành trại nuôi gia công heo thịt cho Austfeed, cần bỏ ra khoản tiền đầu tư ban đầu ít nhất 2 tỉ đồng. Khu trại nuôi phải được xây dựng theo mô hình chuẩn theo yêu cầu của công ty: nhà điều hành có camera quan sát; khu nhà ở cho công nhân, khu tắm, khử khuẩn…

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ phía Austfeed, chi phí “khủng” đầu tiên là nguồn heo nái. Với 6.000 bảng Anh (hơn 190 triệu đồng) cho 1 heo nái giống mua từ Anh, 1.200 con được đặt mua đã lên khoảng 230 tỉ đồng VN. Ngoài ra, công ty còn bỏ ra khoản tiền đáng kể để thuê 2 chuyên cơ riêng dành cho việc vận chuyển.

Ông Tuấn cho biết thêm, chăm sóc heo nái giống Anh là một quy trình rất nghiêm ngặt. Khu chuồng trại 3.000 m2 cho 600 con nhưng tổng diện tích của toàn trang trại lên đến 10 ha. Bao bên ngoài khu chuồng trại là hệ thống đệm cây xanh rộng lớn tạo cho trang trại một trường sinh thái trong lành. Theo quy định của công ty, các công nhân chăm heo nái phải cam kết thực hiện các nguyên tắc ngặt nghèo: 3 tuần liên tục ở trong trại và được nghỉ 1 tuần. Sau đợt nghỉ, 3 ngày trước khi vào lại trại chăm heo, công nhân không được ăn thịt heo. Việc này nhằm tránh nhiễm phải các mầm bệnh từ heo ở bên ngoài, có thể lây nhiễm trong trại qua người ăn, qua chất thải mầm bệnh sẽ ô nhiễm trở lại nguồn nước, môi trường, có thể gây nhiễm bệnh cho đàn heo.

“Chúng tôi xác định chăn nuôi giờ phải được tổ chức nghiêm ngặt như một nhà máy chăn nuôi. Tuy vốn ban đầu lớn nhưng vận hành khá gọn nhẹ, cứ 500 heo mới cần 1 công nhân, bởi chủ yếu vận hành bằng máy móc, thiết bị. Mô hình nuôi heo ở trại liên kết với Austfeed hiệu quả cho người nuôi và cũng là đáp ứng nhu cầu của người dùng”, ông Mạnh hài lòng cho biết.

Liên Châu – Báo Thanh Niên

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2015-04-23 10:40:49.

Bài Viết Liên Quan

Viết Bình Luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.