nuôi trùn

Những lợi ích khi nuôi trùn

Không phải đến bây giờ mà ngay từ xưa con người đã biết đến những lợi ích khi nuôi trùn. Nhờ có trùn mà đất đai được phì nhiêu, giúp hoa màu cây trái tươi tốt hơn, sản lượng thu hoạch cao hơn.

Nuôi trùn còn chủ động được nguồn thức ăn bổ dưỡng để nuôi gia cầm, gia súc. Có ai ngờ sinh vật nhỏ bé, yếu ớt, sống chui rúc trong đất, bị người đời ghê sợ lại có ích cho con người. Trong tài liệu này, hãy cùng tìm hiểu những lợi ích có được khi nuôi trùn nhé:

Trùn làm tốt đất

Trùn rất sợ ánh sáng nên chúngđào hang dưới đất để sống. Vì vậy ban ngày ít khi thấy trùn xuất hiện. Chỉ có ban đêm tối trời trùn mới dám chui lên khỏi hang để kiếm ăn trên mặt đất. Ban ngày gặp lúc trồi vần vũ mưa bão trùn mới chịu bò ra khỏi hang.

nuôi trùn
Người dân nuôi trùn ở nông hộ

Hang trùn nhỏ hẹp bằng thân con trùn chui lọt, nhưng chiều dài của hang thì loằng ngoằng ngang dọc dưới đất. Vì vậy hễ động đằng này thì chúng đã khôn ngoan luồn sang ngõ khác để tránh nạn.

Trùn đào hang tới đâu thì ăn đất tới đó, vì đất chính là thức ăn của chúng. Chỉ có phân trùn là chúng đùn hết lên miệng hang. Chính nhờ thấy những đống phân nhỏ với những viên tròn tròn như hạt cát lớn nổi lên trên mặt đất mới biết bên dưới có hang trùn.

Nhiều người dùng cuốc xẻng đào lên để bắt, hoặc dùng nước bồ kết, nước xà bông, nước rau nghể đổ từ từ vào miệng hang, trùn bị sặc, bị ngộp nước tức tốc bỏ lên …

Chính những hang trùn đào ngang dọc trằn chịt ở khắp tầng đất mặt đã làm cho đất thoáng khí hơn, tơi xốp hơn, nhờ đó rễ cây phát triển mạnh, tìm được nhiều dinh dưỡng trong đất nuôi cây.

Vì biết được điều này, nên khi gặp những thửa đất quá khô cằng, nghèo chất dinh dưỡng, cây cối đem trồng khoo6ng sống nổi, thường gọi là đất chết, cấy trùn vào đất này một thời gian đất sẽ tốt ngay.

Cách cấy trùn là đào nhiều hố cạn bằng cái tô lớn rải rác bề mặt cuộc đất. Mỗi hố như vậy, ta thả vào vài ba con trùn, rồi dùng đất mùn, hay phân bò hoai, phân rác mục lấp miệng hố lại để trùn sống trong đó. Điều cần là nên tưới nước để đất được ẩm, giúp trùn dễ dàng đào hang ngang dọc để kiếm ăn theo tập tính cố hữu của nó.

Sau một thời gian, cuộc đất chết đó trở nên tơi xốp, màu mỡ do số lượng trùn ngày càng sinh sôi nhiều hơn … hang của chúng ngày càng dày đặc hơn.

Trùn làm thức ăn cho gà vịt

Từ xa xưa, ông cha ta cũng biết trùn là thức ăn khoái khẩu của gà vịt, nên đã bắt trùn ngoài thiên nhiên để nuôi gà vịt cho mau lớn.

Lưu ý: Do trùn có tính hàn nên thời gian đầu ta không nên cho gà vịt ăn quá nhiều trùn, chỉ cho chúng ăn lưng bầu diều để còn ăn thức ăn khác. Ta cần tập cho hệ tiêu hoá của gia cầm quen dần với thức ăn quá mát này một thời gian, sau đó mới cho chúng ăn trùn nhiều hơn.

Nhưng buổi chiều cũng chỉ cho gà vịt ăn lưng chừng diều mà thôi. Kinh nghiệm cho thấy là gà vịt ăn nhiều trùn vào buổi tối dễ bị lạnh bụng, hôm sau tiêu chảy và cứ rúc rủ như gà rù.

Riêng gà con, vịt con dưới hai tháng tuổi không nên cho ăn nhiều trùn, nhất là buổi tối, vì lạnh bụng, không tiêu nên dễ bị bệnh.

Việc dễ làm nhất là xua gà vịt đi theo đường cày, hễ có con trùn nào bị lưỡi cày xới lên là gà vịt xúm vào tranh nhau rỉa mổ, lôi ra cho bằng được để ăn.

Khi đã quen với cách kiếm ăn này rồi, thì hễ cứ con trâu đi trước, cái cày theo sau, và gà vịt cứ lẽo đẽo theo đường cày mà tới.

Người ta còn tìm trùn ở những nơi tối tăm ẩm thấp như dưới các đáy lu, đáy khạp ở sàn nước, hoặc trong những đống rác, đống phân chuồng đã ủ lâu ngày. Tìm trùn ở những nơi này thường được khá nhiều, vì chúng quấn vào nhau cả nùi, chứ không phải chỉ một đôi con lẻ tẻ.

Trùn làm mồi câu cá

Cá đồng, cá sông đều thích ăn mồi trùn, vì vậy có mồi câu này thì câu rất nhạy, ít khi vác cần câu trở về không.

Khi mồi trùn đặt xuống nước, chất tanh của nó sẽ tan trong nước rồi theo sóng nước mà lan ra một vùng rộng lớn, nên cá từ xa cũng đánh hơi được mà tìm đến ăn mồi.

Câu cá bằng mồi trùn còn nhạy hơn dùng mồi tôm tép. Trước khi đi câu, người ta đào trùn cho vào lon hoặc vào hộp, trong đó để một ít đất ẩm để trùn chui rúc, mà không tìm đường thoát thân nữa. Thế là ta đã có đủ mồi trùn để câu cá cả ngày.

nuôi trùn
Trùn làm mồi câu cá

Những tay sát cá có cách dùng mồi nhử cá đến như sau: 

Họ gói một ít trùn vào một miếng vải mỏng rồi thả xuống nước, nơi họ sắp buông cần. Chất tanh của trùn trong vải bọc cứ lan ra xa khiến cá trong vùng đều tìm đến … nhưng không tài nào ăn được. Thế là mỗi lần họ buông cần là có cá đến tranh nhau ăn mồi, cứ thế mà giật liền tay!

Ngày nay, tại nhiều nước, dân đi câu thích sử dụng mồi trùn hơn những loại mồi khác. Mồi trùn được cho vào hộp để bán cho các thợ câu với giá rất cao, đắt gấp cả trăm lần thịt bò, thịt gà … Do vậy, đây cũng là một lý do để bạn nuôi trùn.

Nuôi trùn làm mồi bẫy chim

Hầu hết các giống chim rừng đều ăn tạp, và trùn là thức ăn khoái khẩu của đa số chim rừng. Sáng ngày bay ra khỏi tổ mà vớ được con trùn coi như là được no bụng cả ngày nên con nào lại không thích! Đặc biệt loài chim Hét, Sáo sậu, Cà cưỡng, Quạ, Ác là, Chích Choè … đều thích ăn trùn. Chúng cũng khôn khoan nhảy nhót sau đường cày để săn tìm những những con trùn béo ngậy mà ăn.

Ta vốn có câu thành ngữ: “Muốn ăn Hét, phải đào giun”, có nghĩa là muốn ăn thịt chim Hét thì nên đào trùn làm mồi bẫy. Câu thành ngữ này có nghĩa bóng tất nhiên mang hàm ý giáo dục người đời: nên cố gắng làm việc để sống, không nên ỷ vào sự giúp đỡ của người khác.

Chim Hét có bộ lông màu đen tuyền như chim khách, mình nó nhỉnh hơn Sáo sậu, đuôi cũng dài hơn. Giống chim này chỉ sống ở các tỉnh từ Bắc Trung Bộ trở ra, vì loài này thích nghi với khí hậu lạnh. Chim Hét rất thích ăn trùn, cho nên dùng mồi trùn mà bẫy nó thì ít khi vuột. Có điều, ta phải tìm đúng nơi có chim Hét xuất hiện, đó là những thửa đất mới được cuốc cày.

Sự khôn ngoan cho chúng biết những đường cày mới thường có trùn xuất hiện, cho nên chúng cứ quanh quẩn ở đó mà kiếm ăn …

Bắt chim Hét một là dùng bẫy cò kè, bẫy bật, hai là móc trùn vào lưỡi câu thật nhỏ (dùng nguyên con hay chỉ móc lưỡi câu vào đầu con trùn), cắm bẫy và cần dọc theo đường cày còn thơm mùi đất mới.

Chim Hét đậu vào bụi ở gần đó, thấy trùn ngo ngoe là tức tốc sà xuống đớp ngay, thế là cổ nó mắc vào ngạnh lưỡi câu không sao thoát được.

Ngoài việc bẫy chim Hét, ta có thể dùng mồi trùn để bẫy nhiều loại chim khác như Gà nước, chim Cuốc, Chiền chiện … theo cách vừa kể. Không có trùn là mồi nhử, khó lòng bắt được các loại chim này.

Trùn làm thuốc trị bệnh cho người

Ở một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, trong dân gian từ lâu đã biết dùng và nuôi trùn làm phương thuốc để trị một số bệnh như sốt rét, kinh phong …

 

Việt Chương

Originally posted 2016-05-12 13:33:46.

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.