Bài viết này giới thiệu một số đặc điểm sinh học chủ yếu giai đoạn giống của tu hài. Từ các đặc điểm sinh học, các bạn có thể vận dụng để giải quyết các vấn đề thực tế về kỹ thuật ương nuôi giai đoạn giống cấp 1 lên giống cấp 2.
Mục tiêu của bài viết để giúp bạn hiểu biết đặc điểm dinh dưỡng, sinh trưởng, địch hại và phản ứng với môi trường xấu của tu hài.
1. Đặc điểm dinh dưỡng
Cũng giống như loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ khác, tu hài cũng là loài ăn theo phương thức lọc, giai đoạn giống thức ăn chủ yếu là tảo khuê. Khi nước triều lên, tu hài thò vòi lên mặt cát để hút nước và lọc lấy thức ăn.
Thức ăn thay đổi theo giai đoạn phát triển và theo điều kiện môi trường. Thành phần thức ăn của tu hài chủ yếu là mùn bã hữu cơ, sinh vật phù du trong đó có thực vật phù du chiếm tỷ lệ cao hơn động vật phù du.
Các tác nhân ảnh hưởng đến cường độ bắt mồi của tu hài là thủy triều, lượng thức ăn và các yếu tố môi trường (nhiệt độ, nồng độ muối…)
– Khi triều lên cường độ bắt mồi tăng, triều xuống cường độ bắt mồi giảm.
– Trong môi trường có nhiều thức ăn thì cường độ bắt mồi thấp và ít thức ăn thì cường độ bắt mồi cao.
– Khi các yếu tố môi trường (nhiệt độ, nồng độ muối…) trong khoảng thích hợp thì cường độ bắt mồi cao và khi các yếu tố môi trường ngoài khoảng thích hợp thì cường độ bắt mồi thấp.
2. Đặc điểm sinh trưởng
Trong quá trình phát triển của Tu hài cũng như các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ khác, hầu hết phải trải qua hai giai đoạn, giai đoạn ấu trùng và giai đoạn trưởng thành. Tập tính của chúng cũng thay đổi theo mỗi giai đoạn.
+ Giai đoạn ấu trùng: ấu trùng bơi lội tự do, giai đoạn này là giai đoạn sống phù du, cuối giai đoạn ấu trùng (đỉnh vỏ) và bắt đầu giai đoạn (ấu trùng chân bò) chúng chuyển xuống sống đáy, chân chúng bắt đầu phát triển để đào bới định nơi sinh sống.
Giai đoạn ấu trùng (đỉnh vỏ) và bắt đầu giai đoạn (ấu trùng chân bò)
+ Giai đoạn trưởng thành: dùng chân đào bới vùi mình sâu trong nền đáy, thò vòi hút nước lên trên. Thông thường ống hút nước vươn dài 5 – 7 cm và liên tục hút nước để lọc thức ăn, khi gặp điều kiện bất lợi hoặc bị va chạm bởi vật lạ chúng thu ống hút nước lại rất nhanh. Nếu sống trong điều kiện thuận lợi chỉ 7 – 10 tháng tuổi Tu hài bắt đầu thành thục và sinh sản.
3. Địch hại và phản ứng với môi trường xấu
– Địch hại của tu hài bao gồm các yếu tố vô sinh (nồng độ muối, nhiễm bẩn, độc tố, lũ lụt…) và yếu tố hữu sinh bao gồm các sinh vật cạnh tranh vật bám…, sinh vật ăn thịt, sinh vật đục khoét, sinh vật ký sinh và các loài tảo gây nên hiện tượng hồng triều.
– Tu hài cũng có khả năng tự bảo vệ nhờ có vỏ cứng, khi gặp kẻ thù chúng khép vỏ lại.
– Ở ngoài tự nhiên địch hại của tu hài là một số loài cua biển và cá sống ở tầng đáy.
– Trong điều kiện các yếu tố môi trường sống như: nhiệt độ, độ mặn, pH… biến động lớn ngoài khoảng chịu đựng của tu hài, chúng có khả năng tự bảo vệ bằng cách di chuyển đến những nơi có điều kiện môi trường thích hợp để sinh sống.
————–
B. Câu hỏi và bài tập thực hành:
Câu hỏi:
1. Hãy trình bày đặc điểm dinh dưỡng của tu hài? Liên hệ thực tiễn?
2. Hãy cho biết điểm dinh sinh trưởng, địch hại và phản ứng với môi trường xấu của tu hài như thế nào?
C. Ghi nhớ:
– Đặc điểm dinh dưỡng của tu hài.
– Đặc điểm sinh trưởng, địch hại và phản ứng với môi trường xấu của tu hài.
Originally posted 2015-05-18 14:06:56.