Khác với kỹ thuật trồng khoai tây theo phương pháp truyền thống từ trước đến nay là làm đất, bón phân lót, lên luống, trồng, chăm sóc, vun gốc, v.v… vụ đông 2009 vừa qua KS. Nguyễn Hữu Khương, cán bộ kỹ thuật công ty TNHH An Phú Nông đã trồng thử nghiệm thành công 2 mẫu khoai tây trên chân đất 2 vụ lúa bằng biện pháp kỹ thuật mới, kỹ thuật trồng không cần làm đất có che phủ rơm rạ cho năng suất cao, chất lượng khoai thương phẩm tốt mà chi phí sản xuất lại giảm nhiều.
Trao đổi với chúng tôi, KS, Nguyễn Hữu Khương cho biết: đây là kỹ thuật trồng khoai tây cải tiến hiện đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều địa phương thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vì dễ làm, giảm chi phí đầu vào (vật tư, phân bón, công lao động bao gồm làm đất, bón phân, làm cỏ, vun gốc…) mà vẫn cho năng suất cao, chất lượng khoai tốt, cho thu nhập cao hơn hẳn so với cách làm cũ.
Theo anh Khương, trồng khoai tây theo phương pháp cải tiến này rất đơn giản: đất sau khi gặt lúa xong, cắt rạ sát gốc, cày xẻ rãnh 40cm, sâu 15cm tạo các luống rộng 1,2m nhằm mục đích thoát nước, tránh để nước úng ngập làm thối cây và củ sau này. Tiếp theo bà con rải phân lót, đặt củ giống và phủ kín rơm rạ một lớp dày 8-10cm là được. Các lần bón thúc chỉ cần vạch nhẹ rơm rạ để rải phân xong rồi tủ lại ngay và dẫn nước vào các rãnh để tưới ngấm dần mặt luống. Chỉ sau 2 tháng trồng, khoai lên xanh tốt, tạo củ tốt, cho củ đều ngay trên mặt đất có che phủ rơm rạ. Vì phải giải phóng khoai sớm để lấy đất cấy lúa xuân trà sớm nên ngày 21 tháng 12 năm 2009 vừa qua anh Khương đã phải cho thu hoạch khoai sớm mà năng suất vẫn đạt khá cao: trung bình mỗi cây cho 5-6 củ khá đều nhau có khối lượng bình quân 60-70g/củ.
Anh Khương cho biết thêm: Nếu trồng theo phương pháp cũ, mỗi sào trồng được 1.500 cây hết khoảng 35 kg khoai giống; với phương pháp trồng cải tiến mỗi sào có thể trồng được từ 4.500-5.000 gốc, mật độ cao gấp 3-4 lần, cần tới khoảng 150 kg củ giống (cây cách cây 20-25cm, hàng cách hàng 30cm) nên năng suất thực tế sẽ rất cao mà chất lượng khoai thương phẩm tốt không thua kém gì so với cách trồng cũ.
Theo các hộ gia đình tham gia trồng thử nghiệm, khoai tây trồng theo phương pháp mới dễ làm, ít tốn công, tuy lượng giống phải đầu tư cao hơn nhưng sản lượng lại cao gấp 2-3 lần cách làm cũ nên ai cũng hồ hởi vụ tới tính làm tiếp. Tuy nhiên, để có năng suất cao, chất lượng tốt, củ khoai không bị xanh hóa do nằm trên mặt đất thì khâu che phủ bằng rơm rạ và chế độ tưới tiêu phải hết sức chú ý, không được để khoai bị quá ẩm hoặc đất quá khô ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và nuôi củ lớn. Một điều cần lưu ý thêm khi đặt củ giống phải để mầm củ quay xuống để rễ dễ phát triển ăn sâu vào đất lúc đầu rồi nới phát triển mầm lên phía trên, ngược với cách đặt củ giống khi trồng vùi đất như cách làm cũ.
Hỏi về khả năng đưa vào sản xuất đại trà phương pháp trồng khoai tây cải tiến này, KS. Khương cho biết: Từ trước đến nay sau khi thu hoạch lúa nông dân thường đốt rơm rạ trên đồng làm ảnh hưởng đến giao thông và môi trường sinh thái. Việc áp dụng phương pháp trồng khoai tây không cần làm đất vừa có tác dụng tranh thủ thời gian, tiết kiệm được nhân công, chi phí vật tư vừa tận dụng được nguồn phân bón hữu cơ từ rơm rạ để cải tạo đất đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái ở nông thôn.
Sắp tới công ty sẽ phối hợp với các nhà khoa học và một số địa phương xây dựng mô hình trình diễn để đúc rút kinh nghiệm, xây dựng qui trình để tiến tới có thể chuyển giao kỹ thuật cho bà con các nơi áp dụng nhằm tranh thủ được thời gian để quay vòng canh tác tăng thêm thu nhập, nhất là với vụ đông trên đất 2 vụ lúa.
Originally posted 2014-04-25 01:47:09.