trồng nấm bào ngư Nhật

Sau nhiều năm sống ở nước ngoài, khi vào tuổi 60, bà Quỳnh Chi chỉ mong muốn được trở về sống hẳn tại Việt Nam, nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Bà về lại quê hương ở xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa. Lúc đầu, bà trồng nấm bào ngư Nhật chỉ với ý định để ăn, sau thấy dễ trồng bà đã mở rộng diện tích.

Trồng nấm bào ngư để ăn thay rau

Bà Quỳnh Chi bắt đầu trồng nấm bào ngư Nhật từ năm 2006. Lúc đầu bà chỉ trồng với số lượng ít để lấy nấm ăn thay rau, vì theo nghiên cứu của Đông y cũng như Tây y thì nấm bào ngư Nhật là một loại thức ăn giàu dinh dưỡng không thua kém gì dinh dưỡng các sản phẩm từ động vật.

Bà Chi cho biết: “Tôi chọn loại nấm bào ngư Nhật để trồng vì loại nấm này dễ trồng, nhanh cho thu hoạch và có thể chế biến được nhiều món ăn ngon từ dân dã đến sang trọng. Đặc biệt, sau khi chế biến ngoài mùi vị ngọt, thơm thì vẫn giữ được độ dai và giòn nên có thể dùng xào thịt, hải sản hoặc dùng cho những món ăn hầm”.

trồng nấm bào ngư Nhật
Trồng nấm bào ngư Nhật

Hiện nay diện tích trồng nấm của bà Chi khoảng gần 700m2, mỗi ngày cho thu hoạch từ 80-150 kg nấm thành phẩm. Bà Chi nói: “Đầu tư xây dựng một trại trồng nấm không cao, chỉ khoảng 35 – 40 triệu đồng/trại khoảng 200m2, một trại này có thể đặt được 20 ngàn bịch nấm. Dự tính trại sẽ dùng được 6 – 7 năm mới phải làm lại. Chỉ cần thu hoạch một vụ nấm là sẽ hoàn vốn. Riêng đầu ra của loại nấm này hiện nay cung vẫn chưa đủ cầu nên đa số nấm của tôi đều được một số siêu thị và nhà hàng đặt trước”. Hỏi thăm một số siêu thị và các nhà hàng thì được biết, hiện nay nấm bào ngư Nhật được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Kinh nghiệm trồng thành công nấm bào ngư Nhật

Nấm bào ngư Nhật tương đối dễ trồng so với một số loại nấm khác, thế nhưng để trồng có hiệu quả cao thì phải hiểu được đặc điểm của loại nấm này. Nguyên liệu để trồng có thể là bã mía, rơm khô, thích hợp nhất vẫn là mạt cưa của cây cao su.

Nấm bào ngư Nhật cần ít ánh sáng, ít gió, thích độ ẩm cao và nhiệt độ thích hợp nhất là từ 20 – 25oC.

Trước khi đưa bịch nấm vào nhà trồng phải vệ sinh nhà thật sạch, sau đó dùng vôi bột hoặc nước vôi đã pha loãng rắc tưới đều trên nền nhà để khử trùng.

Bịch nấm sau khi được cấy meo và đem đặt vào kệ phải luôn giữ độ ẩm là 85 – 95% và đảm bảo nhiệt độ 25 – 30oC. Khi thu hoạch nấm phải vào thu đúng tuổi, không nên hái quá non hoặc quá già. Việc hái nấm phải dùng tay nắm lấy phần cuống nấm kéo nhẹ và lấy hết cả chân nấm.

Nấm bào ngư Nhật có những lợi ích hấp dẫn nào?

Hái xong mỗi đợt nấm nên quan sát và thu hết những chân nấm còn sót lại bên trong cổ túi phôi như vậy nấm mới ra tiếp đợt sau được.

Tổng thời gian thu hái nấm từ 65 – 75 ngày, mỗi túi thu hái được 3 – 4 đợt và mỗi đợt cách nhau 20 – 25 ngày. Sau khi thu hoạch hết nấm, túi phôi có thể ủ làm phân bón cho các loại cây trồng rất tốt.

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2017-04-19 17:03:10.

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.