Trang Chủ » Trồng nấm mèo trong túi mạt cưa

Trồng nấm mèo trong túi mạt cưa

662 lượt xem
nấm mèo

Trồng nấm mèo trong túi mạt cưa, hay còn gọi là trồng trong bịch ny lông là cách trồng mới nhất, xuất hiện sau phương pháp trồng bằng khúc gỗ độ mươi năm.

Trồng nấm mèo theo cách này vừa nhẹ nhàng, vừa ít tốn công chăm sóc, ít tốn mặt bằng và thu hoạch nhanh hơn trồng bằng gỗ khúc.

Mặt khác nguyên liệu để nuôi trồng nấm mèo cũng dễ tìm, nhẹ vốn, vì đó là mạt cưa hay rơm rạ, mà các chất dinh dưỡng bổ sung để làm thức ăn cho tơ nấm cũng không hiếm …

Nếu nuôi trồng số lượng ít để tăng thu nhập cho gia đình thì cứ đi mua những bao đã cấy sẵn meo giống về chăm sóc, độ vài tuần đã có nấm để thu hoạch.

Ngược lại, nếu sản xuất quy mô thì tự tạo môi trường rồi mua meo nấm về cấy vào bịch ny lông, như vậy lợi hơn. Tuy nhiên, làm được điều này, nếu không có đủ kinh nghiệm, không có nhiều vốn để đầu tư thì sẽ dễ gặp thất bại.

Ở đây, Farmvina xin đề cập sơ qua về cách tạo môi trường nuôi nấm mèo, hiện được nhiều nước trên thế giới áp dụng:

Nguyên liệu là mạt cưa:

Mạt cưa dùng làm nguyên liệu chính để nuôi nấm mèo tốt nhất là dùng mạt cưa cao su. Có thể dùng mạt cưa tạp với những cây không chứa tinh dầu. Với mạt cưa thì rẻ lại dễ tìm. Nhưng, mạt cưa tươi (mới) đem trồng nấm mèo không tốt bằng mạt cưa đã có một thời gian ủ kỹ.

Khi ủ mạt cưa ta phải phơi khô rồi sàng để lấy phần mịn, sau đó tưới nước cho ẩm rồi vun thành đống cao.

trồng nấm mèo

Trồng nấm mèo bằng bịch mạt cưa

Do mạt cưa không có nhiều chất bổ dưỡng cần thiết cho sự phát triển của nấm, nên khi ủ mạt cưa ta nên trộn thêm Sulfat đạm (S, A) với tỷ lệ độ 1% hoặc phân ngựa, phân trâu bò, gà vịt với tỷ lệ từ 4 đến 5%. Ngoài ra, còn thêm 1% thạch cao …

Mạt cưa vụn thành đống, ủ như vậy khoảng nửa tháng (nếu ủ ngoài trời nên lấy tấm ny lông che phủ) rồi đảo đều từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới cho kỹ.

Với loại mạt cưa gỗ mềm thì nhân lần đảo này nên thêm một lượng vôi 0,5% vào đống ủ để mau lên men. Sau đó vun trồng ủ lại thêm nửa tháng nữa là dùng được.

Với mạt cưa gỗ cứng thì phải ủ và đảo trước sau cả chục lần mới dùng được, nghĩa là phải mất một khoảng thời gian dài từ 4 đến 5 tháng thì các chất dinh dưỡng trong mạt cưa mới giúp tơ nấm tiêu thụ dễ dàng.

Tong môi trường nuôi nấm mèo, ngoài mạt cưa làm nguyên liệu chính ra, ta còn trộn thêm một số chất dinh dưỡng khác như cám gạo (từ 3 đến 5%), bột bắp hoặc cùi, thân cây bắp xay nhuyễn (từ 3 đến 6%), vôi (0,5%), Super Phosphat (0,5%), phân ure (0,1%) …

Tất cả các thành phần trên trộn lẫn với nhau và cho vào bịch ny lông loại dày (cỡ 0,12mm) chịu được nhiệt độ cao, vì phải qua khâu hấp khử trùng với nhiệt độ cao trong suốt mấy giờ liền.

Nguyên liệu là rơm rạ:

Rơm rạ dùng làm nguyên liệu chính để trồng nấm mèo phải là thứ tươi tốt và đã được phơi khô.

Công việc đầu tiên là chặt rơm rạ thành từng khúc ngắn độ 5-6 phân, rồi ngâm vào nước cho mềm, sau đó vớt ra để ráo.

Rơm rạ là môi trường rất thích hợp với nấm, nhưng tự nó không đủ chất bổ dưỡng nên ta phải trộn thêm các thành phần dinh dưỡng khác như vôi (1%), phân trâu bò gà vịt (5%). Super lân (1%), muối epsom MgSO4.7H20 (0,1%). Sau đó chất thành đống cao, nén chặt xuống mà ủ kín (dùng ny lông phủ lên trên).

Ủ như vậy chừng vài ba ngày thì mở tấm phủ lên để xáo đều từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài càng kỹ càng tốt.

Sau đó chất đống ủ lại, rồi vài ngày lại đảo kỹ. Làm như vậy độ ba bốn lần thì rơm rạ đó đã dùng làm nguyên liệu trồng nấm được.

Thế nhưng, để đủ chất bổ dưỡng, trước khi vô bịch ny lông ta nên thêm một tỷ lệ từ 5 đến 10% cám gạo hoặc bột xay từ hột bắp hay các phần của cây bắp như thân bắp, cùi bắp.

So với mạt cưa, dùng rơm rạ làm nguyên vật liệu chính làm môi trường nuôi nấm mèo xét ra có nhiều ưu điểm hơn.

Điều thấy rõ trước nhất là rơm rạ rẻ lại dễ tìm. Cái lợi kết tiếp đó là rơm rạ lên men mau nên thời gian ủ không lâu bằng mạt cưa. Tơ nấm phát triển nhanh và nhiều, nhờ đó năng suất cao, đã thế nấm trồng trong môi trường rơm rạ có mùi vị thơm hơn nên được khách hàng ưa thích.

Cho môi trường nuôi nấm vào bịch ny lông:

Bịch dùng đựng môi trường mạt cưa nên dùng loại có kích thước 15x30cm.

Bịch đựng môi trường rơm rạ nên dùng loại có kích cỡ lớn hơn một chút.

Trước khi cho môi trường nuôi nấm vào bịch, nên xếp hai góc đáy, nhờ đó mà sau này để bịch đứng thẳng không ngã đổ.

Mỗi bịch ny lông được cho vào một ký môi trường nuôi nấm (đã được làm tơi ra, không để vón cục) và được nén chặt xuống. Sau đó, làm cổ bao bằng giấy cứng đặt vào miệng bịch, rồi cột chặt lại. Việc kế tiếp là dùng chiếc đũa lớn bằng ngón tay út đâm từ miệng bịch xuống đáy bịch để tạo một lối thông, mục đích là giúp tơ nấm sớm lan vào môi trường mà sống. Sau đó, ta dùng một nắm bông gòn sạch đậy chặt miệng bịch lại là xong.

Các bịch này sau đó được đặt vào lò áp suất để thanh trùng với nhiệt độ cao suốt ba bốn giờ liền.

Cấy meo giống vào bịch môi trường đã thanh trùng:

Những bịch ny lông đựng môi trường sau khi được thanh trùng xong, phải được để nguội mới cấy meo giống vào được. Việc cấy meo bao giờ cũng phải thực hiện trong căn phòng đặc biệt sạch sẽ, có trang bị đèn cực tím và những dụng cụ vô trùng khác.

Việc cấy meo vào môi trường không có gì khó khăn: dùng muỗng nhỏ múc một lượng meo giống từ bịch meo giống ra đổ vào bịch môi trường, kế đó đậy nút kín lại là xong.

Một chai meo giống đã được quy định là nên cấy cho bao nhiêu bịch. Thí dụ meo giống nuôi bằng mạt cưa thì chai đựng 1 ký meo có thể cấy được 200 bịch. Việc phân chia được ước lượng từ mắt, từ sự chuyên môn chứ không cần phải cân lường.

Những bịch đã được cấy meo xong, liền chuyển vào phòng tối, có nhiệt độ từ 25 đến 30 độ C trong suốt ba tuần liền. Sau thời gian này, cửa phòng được mở thông thoáng, vì bên trong các bịch tơ nấm đã có đủ thời gian để phát triển … trắng cả bịch rồi.

Giai đoạn khai thác nấm đã bắt đầu …

Phương pháp nuôi nấm mèo:

Nhà nuôi nấm mèo phải thật mát mẻ, do đó dùng nhà lợp lá, chung quanh là vách lá hoặc cà tăng, cót là tốt nhất. Nơi đây phải được quét dọn sạch sẽ, nền nhà phải được cọ rửa sạch sẽ để ngăn ngừa các loại nấm dại, côn trùng và vi khuẩn xâm nhập phá hoại nấm.

Các bịch nấm tự làm hay mua về phải được thực hiện qua những bước sau đây:

Rạch bịch nấm:

Bịch nấm phải được đục lủng ra nhiều chỗ thì nấm mới từ đó mà mọc ra được. Trước khi đục lủng bịch nấm, ta cần cột chặt miệng bịch lại, sau đó, từ chỗ cột, rạch thành nhiều đường khắp mọi phía. Đường rạch không nên dài lắm, chỉ độ 5-7 phân là vừa và cũng không nên khít lắm, vì như vậy sẽ làm rách nát thành bao. Trung bình mỗi bao nên rạch từ 10 đến 15 chỗ là vừa. Sau vài ngày ta sẽ thấy những nụ nấm nhỏ xuất hiện chi chít tại những đường rạch đó.

Để tiết kiệm mặt bằng, thường có hai cách sau đây để sắp xếp các bịch nấm trong nhà nuôi nấm:

  • Dùng kệ để sắp xếp các bịch nấm, bịch này cách bịch kia khoảng 5 phân. Kệ có thể làm nhiều tầng và dùng tre, nứa hay tầm vong cho rẻ tiền. Điều cần là vật liệu tre nứa dùng làm kệ nên ngâm nước trước (ngâm lâu hàng tháng liền) để tránh mối mọt.
  • Cột bịch này cách bịch kia sao cho khi treo lên chúng cách xa khoảng 5-7 phân một xâu dày bốn, năm bịch rồi treo lên các thanh ngang bắc ra rường nhà. Cách treo này rất lợi trong trường hợp mặt bằng nuôi nấm chật hẹp.

Chăm sóc nấm mèo:

Việc chăm sóc các bịch nấm thường có những công việc sau đây:

  • Giữ vệ sinh nhà nuôi nấm: quét dọn sạch sẽ, tránh để rác và thức ăn dư thừa vương vãi, để chuột bọ, gián kiến không có cơ hội lui tới.
  • Tận diệt chuột và kiến, vì nấm là thức ăn khoái khẩu đối với chúng. Nên tận diệt hang ổ của chúng.
  • Tạo độ ẩm cho nhà nuôi nấm bằng cách thỉnh thoảng vài giờ lại tưới nước khắp nền nhà cho thật ẩm ướt. Nhưng, điều này không có nghĩa là để nền lúc nào cũng ở trong tình trạng ngập lụt. Sau khi tưới nước xong phải quét sạch.
  • Trog tuần lễ đầu không nên tưới nước vào bịch nấm, vì các nụ nấm non gặp nước dễ bị thúi. Chỉ sau một tuần sau khi rạch bao ta mới “tưới sương sương” vào mỗi bịch nấm mà thôi. Nên dùng vòi sen có tia nước nhỏ để tưới. Thời gian này, những bịch nào nấm đã mọc thì chỉ tưới sơ sơ cho đủ ẩm, còn những bịch nào chưa có nấm xuất hiện tại những vết rạch thì mới tưới kha khá mà thôi. Nếu ẩm độ không khí trong phòng nuôi nấm tốt thì mỗi ngày chỉ cần tưới một lần, nhưng nếu se khô thì tưới 2 lần mới đủ.

Thu hoạch và bảo quản nấm mèo:

Khoảng một tuần sau khi rạch bao, những nụ nấm non đã bắt đầu xuất hiện, chúng lớn rất nhanh. Lúc đầu nụ nấm có hình thù giống cái tách, tai nấm dày, nhưng khi nấm trưởng thành thì nó biến dạng thành một vành tai, thành nấm vừa mỏng vừa cong queo. Với những nụ nấm trưởng thành đó ta dùng tay ngắt nhẹ tận gốc là được.

trồng nấm mèo

Nhà trồng nấm chuyên nghiệp

Việc thu hái nấm mèo có thể tiến hành vài ba ngày một lần, mỗi tuần một lần cũng được, chứ không phải “bất cập” như hái nấm rơm. Trong đợt đầu nấm ra rất nhiều và dài này, có thể một vài tháng mới hết.

Thu hoạch xong đợt đầu ta cứ để cho bịch khô độ một tuần, nhưng vẫn giữ vệ sinh sạch sẽ toàn bộ khu vực nuôi nấm. Sau thời gian đó, ta tiếp tục tưới lại và tuần sau nấm sẽ mọc ra đợt hai …

Nấm mèo hái về phải lặt sạch các tạp chất, nhất là phần gốc tai nấm, sau đó, nếu cần thì rửa sạch rồi đem phơi nắng cho khô. Nấm khô sẽ bảo quản được lâu ngày, có thể hàng năm không hư.

Có lẽ các bạn cũng cần biết đến điều này: tiêu chuẩn nấm mèo khô xuất khẩu phải đạt những điều sau đây:

  • Tai nấm phải to, phải khô và sạch sẽ
  • Tai nấm không dính tạo chất, không bị mốc hay sâu mọt
  • Đường kính tối thiểu của tai nấm là 3cm
  • Có màu sắc và mùi vị đặc trưng của sản phẩm
  • Độ ẩm tối đa là 11%

Muốn đạt được tiêu chuẩn khắt hke này, trong việc nuôi trồng phải có sự phối hợp giữa giống tốt, kỹ thuật tạo môi trường nuôi nấm cao và chăm sóc  thật tốt. Một trong những khâu này không đạt thì tiêu chuẩn trên cũng khó đạt được.

Việt Chương

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2015-09-26 21:39:58.

Bài Viết Liên Quan

Viết Bình Luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.