trồng nhãn

Để nhãn năm nào cũng có quả

Để nhãn năm nào cũng có quả là điều mà người trồng nhãn nào cũng mong muốn. Những ngày này, khi công việc thu hoạch nhãn đã cơ bản kết thúc, người người, nhà nhà trồng nhãn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đang tập trung cao nhất cho công việc chăm sóc nhãn. Song chăm sóc như thế nào để vụ nhãn sang năm lại có thu hoạch thì không phải gia đình nào cũng thành công. Công việc này đòi hỏi người trồng nhãn không chỉ biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mà còn phải vận dụng cả những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được từ thực tế.

Trả lại ngay sức khỏe cho cây

Đó là công việc đầu tiên mà gia đình ông Bùi Văn Nhã ở thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) chọn làm ngay sau khi thu hoạch nhãn. Năm nào cũng thành công, có thu nhập đáng nể từ nhãn do biết kết hợp hài hòa giữa ứng dụng khoa học kỹ thuật với kinh nghiệm chăm sóc nhãn, ông Nhã chia sẻ: “Sau thu hoạch quả là thời gian cây nhãn bị tổn thương lớn nhất trong năm. Giai đoạn này cây yếu nhất, vì vậy muốn tạo đà cho vụ sau thì việc đầu tiên gia đình tôi làm là tỉa cành, tạo tán, chăm sóc, trả lại sức khỏe cho cây. Đây là công việc hết sức quan trọng, nó bảo đảm sự phục hồi, sinh trưởng và phát triển cho cây sau 5 – 6 tháng nuôi quả và tiếp sức cho cây ra vụ quả sau”.

Việc tạo tán, tỉa bớt cành yếu làm cho cây thưa cành, tán rụt lại không để vươn quá cao, mục đích là để phân hóa mầm nhanh. Liền sau công việc này là xới, xáo gốc, vệ sinh vườn sạch sẽ rồi cho cây “ăn”. “Thức ăn cho cây” mà gia đình ông Nhã năm nay tiếp tục chọn là nước phân lợn ngâm lân Lâm Thao, bởi qua nhiều năm cách làm này đều đem lại thành công cho gia đình ông. Sau 2 tuần, bộ rễ mới phát triển, khi ấy cây cũng bắt đầu phân hóa mầm. Lúc này gia đình ông mới dùng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc kích thích phát triển mầm để phun, vừa đạt hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí, vừa hạn chế ảnh hưởng môi trường, sức khỏe. Việc chăm sóc, trả lại sức cho cây càng nhanh càng kích thích cây phát triển mầm sớm. Muộn nhất đầu tháng 10, cây phải phân hóa mầm. Ông Nhã khẳng định: “Với kinh nghiệm mấy đời trồng nhãn của gia đình tôi, nếu không làm được những việc trên thì vườn nhãn của gia đình tôi cho quả vụ sau kém, thậm chí là không có quả”.

Gia đình ông Nguyễn Tiến Nguyệt, xã Tân Hưng (Tiên Lữ) cắt tỉa cành nhãn sau thu hoạch

Gia đình ông Nguyễn Tiến Nguyệt, xã Tân Hưng (Tiên Lữ) cắt tỉa cành nhãn sau thu hoạch

Cây phải được “ngủ đông” đủ 60 ngày

Gia đình ông Nguyễn Tiến Nguyệt, thôn Viên Tiêu, xã Tân Hưng (Tiên Lữ) lại chọn cách bón dưới gốc cho nhãn sau khi đã vệ sinh cây, vườn bằng phân đạm với định kỳ mỗi tháng một lần theo định lượng cứ mỗi cây cho khoảng 1 tạ quả thì bón khoảng 1 – 1,5 kg đạm. Công việc cho cây “ăn” được gia đình ông giới hạn đến hết tháng 9 âm lịch. Nói về cách chăm sóc nhãn của gia đình hàng chục năm qua để được năm nào cũng có nhãn thu hoạch, ông Nguyệt cho rằng: “Cho cây “ăn” dưới gốc bao nhiêu mà không quan tâm đến bảo vệ thực vật thì cây không ra hoa, đậu quả. Đặc biệt là, dù quanh năm có chăm sóc, cắt tỉa, khoanh cành… thì từ tháng 10 đến tháng 11 âm lịch tuyệt đối không được động chạm gì đến cây, để cây được “ngủ đông” tròn giấc 60 ngày. Đây là thời gian cây tích lũy dinh dưỡng. Đến cuối tháng 11 âm lịch, khi cây đã “no”, “ngủ”, “nghỉ” lấy lại đủ sức sẽ “đánh thức” cây “tỉnh giấc” bằng cách tưới thuốc kích cây phát dục, đồng thời nhìn cây, cành để có thể làm thêm động tác khoanh những cành muốn cho ra hoa”. Nhiều năm nay làm theo phương pháp trên, năm nào nhãn ở vườn của gia đình ông cũng sai hoa, sai quả, phải cắt vợi quả non giúp cây đủ sức nuôi quả, nuôi cây. Như năm 2013 này, nhãn ở xã Tân Hưng giảm năng suất so với năm trước nhưng vườn nhãn của gia đình ông vẫn cho sản lượng đạt khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước, cao gấp hơn hai lần mức bình quân chung của xã.

Cắt chùm, cành khi cây quá sai trong thời kỳ quả non

Để liên tiếp năm nào vườn nhãn cũng cho thu quả, không rơi vào cảnh năm được mùa lớn, năm lại thất thu, theo nhiều người thâm canh nhãn thành công thì điều quan trọng không kém công việc chăm sóc nhãn sau khi thu hoạch là lúc điều chỉnh khi cây nhãn ở giai đoạn quả non. Cây đủ sức “gánh” khối lượng nhãn quả khi thu hoạch được bao nhiêu thì để quả non tương ứng bấy nhiêu, không được để cây chịu quá sức khoảng 10% trở lên.

Ông Trịnh Văn Thinh, Chủ nhiệm hợp tác xã nhãn lồng Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) khẳng định: “Câu tổng kết về cây nhãn từ xưa đến nay vẫn đúng: Năm ăn quả, năm trả cành. Nếu để nhãn ra hoa, đậu quả tự do, không có tác động của con người trong việc cắt chùm, cành, chăm sóc giai đoạn nhãn quả non thì chắc chắn câu tổng kết kia sẽ xảy ra đối với toàn bộ cây nhãn”. Theo xã viên hợp tác xã này thì họ đã biết cách điều chỉnh ngay trên cùng một cây để bản thân cây ấy năm nào cũng ra hoa, đậu quả. Cách làm đơn giản là khi cây đã có quả non, tiến hành cắt cả chùm quả hoặc cành để giảm gánh nặng cho cây. Từ những cành bị cắt đó sẽ bật chồi non, làm cơ sở cho sang năm ra hoa, đậu quả. Trong một năm, mỗi cây nhãn đều phải có cành “nghỉ”, làm như vậy ắt sang năm cây sẽ có quả.

Muốn nhãn sai quả hằng năm

Để cây nhãn sai quả hằng năm, sau khi thu hoạch quả cần phải tiến hành đồng thời một số biện pháp kỹ thuật sau:

Ngay khi thu hoạch quả xong cần tỉa bỏ các cành khô, cành sâu bệnh, cành nằm trong tán lá và cành vượt, làm cho tán lá thông thoáng chống gió bão làm gẫy cành. Đồng thời cắt phần ngọn đầu tán lá để tạo tán tròn đều, kích thích cho các mầm đầu cành mọc cùng lúc.

Tiến hành bón phân khoáng sớm, lần bón này tỷ lệ đạm và lân cao, thông thường bón với tỷ lệ 1 N : 1 P : 0,3 K hoặc loại phân NPK có hàm đạm và lân cao, bổ sung thêm phân chuồng và phân xanh với lượng 30-50 kg/cây, tưới nước đủ ẩm để phục hồi và phát triển bộ rễ, lá. Lượng bón trung bình cho 1 cây: 0,3-0,5 kg urê +1-2 kg lân supe + 0,1-0,2 kg kali clorua + 30-50 kg phân chuồng.

Cách bón: Lấy gốc cây làm tâm, đào 4 hốc theo bốn hướng cách đều nhau, mỗi hốc dài 0,6-1 m, rộng 20-30 cm, sâu 20-25 cm ở vị trí hình chiếu tán cây, cho phân chuồng hoặc phân xanh xuống dưới, rải phân hoá học lên trên rồi lấp đất kín, lấp sâu 10-15 cm.

Vụ hè thu và thu đông, thường sau khi bón phân 20-30 ngày cây nhãn sẽ ra lộc. Cây nhãn trẻ và nhãn chính vụ thu quả trong tháng 8 thường có 3 đợt lộc, hè thu, lộc thu đông và lộc đông trong năm: đợt 1 ra đầu tháng 8, mầm lộc có ít lá, chiều dài hạn chế; đợt 2 ra cuối tháng 9, tháng 10, đợt 3 trong tháng 11 mầm lộc khá dài, mang nhiều lá, đây là đợt lộc ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất quả năm sau.

Cây nhãn chín muộn thu quả trong tháng 9 thường chỉ ra 2 đợt lộc, đó là lộc thu đông ra trong tháng 10 và lộc đông ra trong tháng 12.

Để cây đạt năng suất cao thì đợt lộc đông cuối cùng phải nhú trước ngày 31-11 với nhãn chính vụ và trước 20-12 với nhãn chín muộn.

Trong giai đoạn này cần kiểm tra vườn, phát hiện sâu đục thân, cành và sâu ăn lá. Nếu cần, phun thuốc diệt sâu, nhện (Virtako 40WG; Regent 800WG) khi nhú các đợt lộc để bảo vệ bộ lá ở thời điểm lộc còn non có màu xanh trắng. Tìm bắt, giết sâu đục thân, đục cành cho nhãn.

Không bón phân tưới nước cho nhãn từ tháng 10 đến cuối tháng 1 đối với nhãn chính vụ và tháng 11 đến giữa tháng 2 với nhãn chín muộn để hạn chế cây ra lộc đông muộn, lộc xuân sớm ngoài ý muốn.
Những cây nhãn xanh tốt bất thường, gặp những năm mưa muộn nhiều độ ẩm đất cao cần tiến hành cuốc lật đất sâu 30 cm quanh tán cây hoặc khoanh vỏ thân, cành chính nhằm mục đích hạn chế việc vận chuyển chất dinh dưỡng cho tán lá, giảm cây phát đông muộn, xuân sớm ngoài ý muốn.

Nếu nhãn chính vụ ra lộc trong tháng 12 và nhãn muộn ra lộc sau ngày 20-12 đến 20-1 cần phải diệt đợt lộc này cây mới cho quả năm sau.

Có thể dùng biện pháp cơ giới như dao, kéo buộc cán dài cắt lộc đông với những cây tán thấp. Dùng hoá chất, tốt nhất chế phẩm Ethrell độ độc thấp với người, hiệu quả cao (3-4 lọ thuốc dấm hoa quả của Trung Quốc hoà với 10 lít nước) phun vào lộc non sau 10-15 ngày lộc non sẽ rụng mà không ảnh hưởng tới lá bánh tẻ.

Một số kỹ thuật chăm sóc nhãn cho năng suất cao

Cây nhãn có tên khoa học là Euphoria Longana là loại cây dễ trồng thích ứng rộng. Một số giống nhãn quý có giá trị kinh tế rất cao, quả nhãn dùng ăn tươi, sấy khô hoặc chế biến thành những vị thuốc quý trong đông y và những món ăn có tính chất đặc sản như chè long nhãn… Hoa nhãn là nguồn cung cấp cho ong lấy mật có chất lượng cao.

Ở Hà Nam nhãn được trồng nhiều ở khắp nơi trong tỉnh và chiếm tỷ lệ đáng kể trong tập đoàn cây ăn quả lâu năm. Tuy nhiên để khai thác hết tiềm năng kinh tế của cây nhãn cần phải có những biện pháp chăm sóc thích hợp để nhãn cho năng suất cao và chất lượng tốt. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc để cho năng suất cao và khắc phục hiện tượng quả cách năm đối với các giống nhãn ở miền Bắc.

Hàng năm cây nhãn phải huy động một lượng dinh dưỡng khá lớn tập trung cho ra hoa và nuôi quả, nếu không được bổ sung phân bón thường xuyên cây dễ bị kiệt sức năm sau sẽ cho quả kém hoặc không ra quả. Vì vậy việc bổ sung dinh dưỡng hàng năm cho cây nhãn là rất cần thiết. Việc chăm bón cho cây cần dựa vào các cơ sở sau:

– Tuổi cây và mức độ sinh trưởng của cây.

– Nhu cầu phân bón trong từng giai đoạn sinh trưởng.

– Sử dụng phân bón.

Cây nhãn một năm ra nhiều đợt lộc nhưng cây ra hoa cho quả chủ yếu trên cành ra lộc vào mùa thu năm trước (80%). Số cành xuân vừa ra lộc, vừa ra hoa ngay rất ít (20%) nếu nhãn ra nhiều lộc đông thì năm sau cây thường không ra hoa. Chính vì vậy cần tác động kỹ thuật để cây ra nhiều lộc thu mới có cơ hội cho năng suất cao và hạn chế việc ra quả cách năm. Cần định ra các chế độ chăm bón khác nhau đối với từng mức độ sinh trưởng của cây và tuỳ tuổi cây.

trồng nhãn
Người dân trồng nhãn thu hoạch kết quả

1. Đối với các cây đã ra hoa quả bình thường

Khi thu hoạch không nên hái cành quá sâu, sau khi thu cần đốn, tỉa những cành quá già cỗi, cành nhỏ mọc phía trong tán. Tiến hành bón bổ sung dinh dưỡng sau khi thu hoạch quả 15 ngày.

Bón phân cho nhãn

Bón đầy đủ và cân đối các loại phân bón làm tăng năng suất quả, và khắc phục hiện tượng ra quả cách năm.

Bón lót: cho vào hốc 10-20kg phân chuồng, lấp đất để cho phân hoai mục sau đó mới trồng cây.

Bón thúc ở giai đoạn cây 1-3 tuổi. Lượng phân sử dụng cho một cây là: 200g urê; 300-600g lân; 150-300g KCl. Số phân này được chia thành 3-4 lần bốn trong năm.

Bón thúc ở giai đoạn cây trên 3 tuổi. Lượng phân bón tăng dần lên theo tuổi cây. Trung bình bón cho một cây là: 400-500g N; 150-200 P­2O5;  400-500g K2O. Lượng phân này chia thành 4 lần để bón:

  • Trước khi ra hoa bón : 1/3N+1/3K2O
  • Khi quả lớn 1cm: 1/3N+1/3K2O
  • Trước khi thu hoạch 1 tháng: 1/3K2O
  • Sau khi thu hoạch 1 tháng: 1/3N và toàn bộ lân.

Phân được bón bằng cách xẻ rãnh gốc 1m, cho phân vào rồi lấp đất lại. Có thể bón thêm phân hoai mục vào rãnh để tăng kali và các nguyên tố vi lượng cho nhãn.

Đối với các cây nhãn đã ra hoa quả bình thường

Bón thúc lần 1 sau khi thu quả

Bón bổ sung dinh dưỡng sau khi thu hoạch quả 15 ngày. Đây là đợt bón chủ lực trong năm nhằm cung cấp dinh dưỡng kịp thời cho cây ra lộc thu.

Lượng bón gồm: 30 – 40 kg phân chuồng + 2 – 3 kg phân lân + 0,5 – 0,7 kg urê + 0,5 kg kali. Tuỳ tuổi cây dưới 5 năm rút lượng phân xuống 1/2. Với cây trên 10 năm cần tăng lên 1,5 lần.

Cách bón: Đào rãnh hoặc cuốc hốc xung quanh tán cây sâu 30 cm rộng 50 cm trộn đều phân chuồng với các loại phân vô cơ dải đều theo rãnh sau đó lấp đất bằng phẳng.

Bón thúc lần 2:

Vào tháng 2 chủ yếu bằng phân lân và Kali, mỗi cây 0,5 kg Kali + 2 kg lân Supe nên hoà với nước phân chuồng để tưới (có thể dùng phân vi lượng giành cho nhãn, vải phun vào thời kỳ ra hoa).

Bón thúc lần 3:

Mục đích để thúc quả nhanh lớn. Bón vào tháng 4, lượng bón: 0,5 kg urê + 0,5 – 0,7 kg Kali + 2 kg lân. Bón đúng, bón đủ và cân đối cây sẽ cho năng suất cao và chất lượng quả ngon.

Đối với cây ra quả cách năm do thiếu dinh dưỡng:

Đối với cây quá xấu, đất cằn cỗi không có khả năng ra hoa, kết quả cần bổ sung dinh dưỡng đặc biệt là Kali và lân trộn thêm xỉ than, tro bếp bón đều quanh gốc, cần xới xào từ gốc đến hết chiều rộng tán lá rồi mới rải phân lên đó. Sau đó rải một lớp bùn hoà mỏng, quấy kỹ và lưu ý đắp gờ để giữ ẩm. Khi bùn dạn chân chim tiến hành tưới nhử rễ, dùng nước phân chuồng hoặc nước tiểu và phân NPK khoảng 2kg hoà lẫn tưới đều lên mặt bùn.

Với những cây khi thấy chất lượng quả kém dần thì dùng phân bón lá phun lên lá vào thời kỳ ra lộc non, kết hợp bón xung quanh gốc bằng tro bếp + xỉ than + NPK theo chiều rộng tán ở độ sâu 1 – 3 cm.

2. Một số biện pháp xử lý đối với cây ra quả cách năm:

Cây ra quả cách năm có nhiều lý do: Do chế độ dinh dưỡng, thời tiết, một số ít do đặc tính giống. Những cây này thường xuyên không ra hoa, hoặc ra hoa rất nhiều nhưng không đậu quả, nên chặt bỏ thay bằng nhãn ghép hoặc cải tạo bằng những giống đã được chọn lọc.

Với những cây do chế độ dinh dưỡng sẽ có hai trường hợp xảy ra hoặc thừa hoặc thiếu. Cần quan sát kỹ mức độ sinh trưởng để có biện pháp chăm sóc hợp lý.

a/ Cây quá xanh tốt: Lá to xanh mềm, mỏng. Đây là hiện tượng cây bị lốp.

– Cách xử lý:

+ Biện pháp 1: Từ tháng 10 đến tháng 11 dương lịch hàng năm ngắt tất cả các đầu cành khoảng 2 – 3 lá búp để triệt tiêu chồi dinh dưỡng gây tức nhựa, đồng thời kích thích cây ra kích tố sinh sản và nếu thời tiết thuận lợi năm sau cây ra hoa, quả tốt.

+ Biện pháp thứ 2: Khi quan sát thấy cây ra lộc đông vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 mới nhú ra 1 cm tiến hành đào rãnh xung quanh gốc cây theo chiều rộng tán sâu 30 – 40 cm, rộng 15 cm, để phơi 1 tuần không tưới nước lộc sẽ tự thui đi.

b/ Trường hợp thiếu dinh dưỡng: Đối với cây quá xấu, đất cằn cỗi không có khả năng ra hoa, kết quả cần bổ sung dinh dưỡng đặc biệt là Kali và lân trộn thêm xỉ than, tro bếp bón đều quanh gốc, cần xới xào từ gốc đến hết chiều rộng tán lá rồi mới rải phân lên đó. Sau đó rải một lớp bùn hoà mỏng, quấy kỹ và lưu ý đắp gờ để giữ ẩm. Khi bùn dạn chân chim tiến hành tưới nhử rễ, dùng nước phân chuồng hoặc nước tiểu và phân NPK khoảng 2kg hoà lẫn tưới đều lên mặt bùn.

Với những cây khi thấy chất lượng quả kém dần thì dùng phân bón lá phun lên lá vào thời kỳ ra lộc non, kết hợp bón xung quanh gốc bằng tro bếp + xỉ than + NPK theo chiều rộng tán ở độ sâu 1 – 3 cm.

Trên đây là một số biện pháp chăm bón để cây nhãn có khả năng ra hoa kết quả, song muốn cây có năng suất cao đến khi thu hoạch cần giữ an toàn cho cây tránh khỏi các đối tượng sâu bệnh hại.

3. Các đối tượng sâu bệnh hại nhãn và cách phòng trừ:

+ Bọ xít cần lưu ý ngay từ đầu vụ. Bắt bọ xít qua đông từ tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau. Ngắt các ổ trứng trên lá, diệt bọ xít vào tháng 4 khi cây có quả non bằng các loại thuốc hoá học như Dipterex; Sherpa; Fastax; Bestox.

+ Sâu tiện thân nhãn: Thường gây hại vào mùa xuân và mùa  thu. Phải dùng dao nhọn khoét lỗ sâu có thể dùng gai mây hoặc sợi dây thép ngoáy vào trong lỗ kéo sâu ra hoặc bơm Politrin hay Sumicidin (0,2%) vào trong lỗ sâu, dùng nước vôi đặc quét lên thân cây không cho sâu trưởng thành đẻ trứng.

+ Rệp hại hoa, quả non: Xuất hiện từ khi nhãn ra hoa đến khi có quả non, gây dụng hoa và quả hàng loạt. Khi thấy rệp xuất hiện nên dùng Sherpa; Trebon hoặc Actara phun đều lên tán chủ yếu vào các chùm hoa, quả.

+ Bệnh sương mai, bệnh thán thư hại hoa quả là loại bệnh nguy hiểm thường xuất hiện ngay từ khi cây bắt đầu ra hoa đến khi đậu quả non. Bệnh lan truyền nhanh, phát triển mạnh khi có mưa phùn, ẩm độ không khí cao, trời âm u (từ tháng 1 – tháng 3) dùng Boócđô 1%, Ridomil 0,2%, Score 0,05% nên phun hai lần. Lần 1 trước khi hoa nở, lần 2 khi hoa đã nở 1 tuần.

+ Bệnh vàng lá chết đứng. Nguyên nhân:

– Do nấm hại rễ.

– Do trồng quá sâu.

– Do mất cân bằng dinh dưỡng vì bón quá nhiều đạm.

Với trường hợp này cần phải bón cân đối đạm, lân, kali.

+ Xỉ than. Nếu trồng sâu cần cào bới đất ra. Nếu do nấm thì cần dùng BenlatC hoặc Rizocid lượng dùng 8 – 10 lít thuốc đã pha tưới vào gốc cây.

KS. Ngô Thuý Trinh – Trung tâm khuyến nông

 

Kỹ thuật cho nhãn sai quả

Thông thường cây nhãn năm nay cho thu hoạch nhiều quả thì năm sau sẽ ít. Muốn cho cây nhãn sai quả mỗi năm, nên áp dụng cách làm như sau: Ngay khi thu hoạch quả xong cần tỉa bỏ các cành khô, cành bị sâu bệnh, cành nằm trong tán lá và cành vượt.

Cắt phần ngọn đầu tán lá để tạo tán tròn đều, kích thích cho các mầm đầu cành mọc cùng lúc. Bón phân khoáng sớm với tỷ lệ đạm và lân cao hoặc loại phân NPK có hàm lượng đạm và lân cao, bổ sung thêm phân chuồng và phân xanh với lượng 30-50 kg/cây, tưới nước đủ ẩm để cây phục hồi và phát triển bộ rễ, lá. Lượng bón trung bình cho 1 cây: 0,3-0,5kg urê + 1-2kg lân supe + 0,1-0,2kg kali clorua + 30-50kg phân chuồng. Cách bón: lấy gốc cây làm tâm, đào 4 hố theo 4 hướng cách đều nhau, mỗi hố dài 0,6-1m, rộng 20-30cm, sâu 20-25cm ở vị trí hình chiếu tán cây, cho phân chuồng hoặc phân xanh xuống dưới, rải phân hóa học lên trên rồi lấp đất kín, lấp sâu 10-15cm.

Vụ hè thu và thu đông, thường sau khi bón phân 20-30 ngày cây nhãn sẽ ra lộc. Nhãn chính vụ thu quả trong tháng 8 thường có 3 đợt lộc: hè thu, lộc thu đông và lộc đông trong năm: để nhãn nhiều quả thì đợt lộc đông cuối cùng phải nhú trước ngày 30-11 với nhãn chính vụ và trước 20-12 với nhãn chín muộn. Trong giai đoạn này cần kiểm tra vườn, phát hiện nếu có phải xử lý sâu đục thân, cành và sâu ăn lá. Nếu cần, phun thuốc diệt sâu, nhện (Virtako 40WG; Regent 800WG) khi nhú các đợt lộc để bảo vệ bộ lá ở thời điểm lộc còn non. Không bón phân tưới nước cho nhãn từ tháng 10 đến cuối tháng 1 đối với nhãn chính vụ và tháng 11 đến giữa tháng 2 với nhãn chín muộn để hạn chế cây ra lộc đông muộn, lộc xuân sớm ngoài ý muốn.

Lê Hoài – Hà Nội Mới, 08/08/2009

 

Để dơi không phá nhãn

Cứ đến mùa thu hoạch nhãn là dơi lại đến phá hoại, gây thiệt hại lớn cho nhà vườn. Vậy phòng chống dơi bằng cách nào?

– Dùng lá cói hay lá dừa nước đan lại thành từng tấm hoặc dùng giấy vỏ bao xi măng, bao xác rắn, bao tải cũ hoặc những túi chuyên dùng bao trái cây để bao từng chùm lại khi trái sắp chín. Nên thu hái tập trung dứt điểm hết từng cây, từng vườn trong ngày, không nên hái dở dang rồi để qua đêm đến ngày hôm sau mới hái tiếp thì đêm đó dơi sẽ đến phá hoại, thiệt hại lớn.

– Nên xử lý cho nhãn ra hoa kết trái tập trung, đồng loạt (vận động nhiều chủ vườn xung quanh đó cùng làm trên diện tích rộng) cũng sẽ giảm bớt được tác hại do dơi gây ra.

– Trước khi thu hoạch trái khoảng 15 ngày, dùng cóc, nhái, chuột giã dập cho chết thối rồi buộc vào các đầu que, đem treo mỗi cây vì ba con vật này làm cho dơi sợ không dám tới gần.

– Có thể dùng lưới nilon bao hết cả cây hoặc bao kín những khu vực có nhiều trái, sau vụ thu hoạch nhãn lại cất lưới đi để vụ sau sử dụng.

– Dùng ống tre trúc hay ống nước bằng nhựa (loại nhỏ) cắt thành từng đoạn dài khoảng 10cm rồi dùng giẻ thấm dầu nhớt, cặn thuốc trừ sâu có mùi hôi nồng cho thấm vào giẻ, nhét vào ống, rồi treo các ống này lên cây, dơi sẽ ít đến gây hại.

Để nhãn xuồng cơm vàng cho trái nhiều đợt

Nếu để tự nhiên thì nhãn xuồng cơm vàng thường ra hoa vào tháng 2-3 và cho thu họach rộ vào khoảng tháng 7 âm lịch, vào thời điểm này nhãn xuồng cơm vàng thường bị đụng hàng với nhiều loại trái cây khác như nhãn long, nhãn tiêu huế, thanh long, chôm chôm, cam quýt đầu vụ… vì thế giá bán chỉ ở mức rất thấp.

Để có thu nhập cao, từ kinh nghiệm cho xoài, bưởi… ra trái nghịch mùa, anh Tám Dưỡng (xã Trung An, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang) và một số nhà vườn ở đây đã tìm cách xử lý cho nhãn xuồng cơm vàng ra trái nghịch mùa, và đã thành công khi cho chúng ra trái rải vụ làm nhiều đợt trong năm.

Cách làm của anh như sau: Khoảng 2 tháng một lần anh dùng cào sắt 3 răng xới nhẹ xung quanh gốc cây nhãn rồi bón cho mỗi gốc (4-5 năm tuổi) 0,7 kg phân NPK (20:20:15) sau đó tưới nước đủ ẩm cho cây. Đồng thời với công việc này anh dùng kéo cắt những cành không có khả năng cho trái nằm ở phía bên trong tán cây để cây tập trung dinh dưỡng cho các cành còn lại. Sau xử lý một thời gian cây nhãn sẽ ra một đợt đọt mới (nếu lúc xử lý lá nhãn đã già thì thời gian ra đọt mới sẽ nhanh hơn là xử lý khi lá nhãn còn non). Đọt mới phát triển dài khoảng 40-50cm sẽ ra đợt đọt thứ hai, khi đợt đọt thứ hai dài 10-15cm chúng sẽ ra bông… Cứ thế, mỗi năm anh xử lý vài lần, cây nhãn sẽ cho nhiều đợt trái trong năm (đợt nào trùng với vụ chính sẽ cho trái nhiều nhất).

Anh cho biết: Làm cách này tuy số chùm trái so với lúc chính vụ có ít hơn, nhưng mỗi chùm lại cho nhiều trái hơn và trái cũng to hơn (có lẽ do số trái trên cây ít nên được cây tập trung dinh dưỡng nhiều hơn). Nếu được thu hoạch rải vụ như vậy nhãn xuồng cơm vàng sẽ bán được giá cao hơn nhiều so với lúc chính vụ, nhất là vào dịp tết Nguyên đán.

Anh lưu ý: Những đợt xử lý trùng vào lúc các giống nhãn khác không có trái, thì những chùm nhãn xuồng cơm vàng sẽ có sức hấp dẫn sâu bệnh, nhất là dơi phá trái nhiều hơn, vì thế phải chú ý phòng trừ dơi và sâu bệnh, tốt nhất nên bao chùm trái lại.

 

Lai ghép nhãn xuồng cơm vàng

Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ đã nghiên cứu và áp dụng thành công quy trình ghép nhãn xuồng cơm vàng trên gốc nhãn tiêu da bò, mô hình này đang được nhân rộng trên các vùng trồng nhãn.

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có khoảng 4.491 ha đất trồng nhãn, trong đó hai giống nhãn được trồng chủ yếu là nhãn tiêu da bò và xuồng cơm vàng.

Giống nhãn tiêu da bò trước đây được nông dân trồng với diện tích khá lớn, nhưng do giá cả thị trường không ổn định, nhiều vườn cây không được đầu tư chăm sóc dẫn đến bị nhiễm bệnh, trong đó bệnh xù ngọn là một trong những loại bệnh gây hại nhiều nhất, làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của vườn cây. Theo khảo sát của Sở Khoa học và công nghệ, hiện nay, 100% chồi non của nhãn tiêu da bò đều bị mắc triệu chứng bệnh này và nếu cây đến giai đoạn phát bệnh khó có khả năng chữa bệnh và phục hồi. Trong khi đó, trên cùng một vùng đất, nhãn xuồng cơm vàng vẫn sinh trưởng và phát triển khỏe. Tuy nhiên, nếu phá bỏ cả vườn nhãn tiêu da bò để chuyển sang trồng giống nhãn xuồng cơm vàng sẽ gây thiệt hại về kinh tế và lãng phí thời gian công sức của bà con nông dân. Vì nếu trồng giống cây mới thì phải mất thời gian từ 3-4 năm mới cho quả, trong thời gian đó, nông dân không có thu nhập. Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ đã nghiên cứu và phát hiện ra rằng giống nhãn xuồng cơm vàng có khả năng kháng được bệnh xù ngọn trên cây nhãn tiêu da bò, nên đã thực hiện ghép chuyển đổi giống trên gốc cây cũ bằng cách cưa bỏ nhánh của cây nhãn tiêu da bò rồi ghép giống nhãn xuồng cơm vàng. Với cách làm này, qua một thời gian thử nghiệm cây nhãn xuồng ghép trên nhãn tiêu da bò không những không bị bệnh mà còn phát triển mạnh, xanh tốt, cho năng suất và chất lượng cao. Trong khi đó, những nhánh nhãn tiêu da bò mới mọc ra sau này từ gốc cây mẹ vẫn bị bệnh xù ngọn.

Ông Nguyễn An Đệ, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ cho biết, nếu trồng một cây nhãn xuồng cơm vàng thì sau 3-4 năm cây mới cho quả, nhưng nếu trồng cây ghép chỉ một năm sau có thể thu hoạch lứa quả đầu tiên. So với nhãn tiêu da bò, nhãn xuồng cơm vàng dù đạt năng suất thấp hơn, nhưng giá trị lại cao gấp 2-3 lần và cây ghép vẫn cho chất lượng trái giống như nhãn xuồng cơm vàng không ghép. Hiện nay, nhiều vườn nhãn tiêu da bò được áp dụng ghép chuyển đổi và khôi phục lại vườn cây.

Ông Đệ còn cho biết, nhãn xuồng cơm vàng của Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những giống đặc sản có chất lượng vượt trội so với nhãn các nước trong khu vực, nhu cầu tiêu thụ của thị trường là rất lớn. Trong khi đó, do diện tích trồng còn ít, nhiều vườn cây già cỗi và việc nhân giống khó khăn nên việc mở rộng diện tích nhãn xuồng cơm vàng còn chậm. Bên cạnh đó, do chưa tổ chức được đầu mối tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến nghịch lý “thừa và thiếu”, nông dân trồng nhãn không biết bán cho ai, trong khi thị trường thì thiếu sản phẩm để tiêu thụ và chưa đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Việc ghép giữa cây nhãn da bò và nhãn xuồng là một thành công lớn, góp phần thực hiện mục tiêu mở rộng diện tích trồng và xây dựng thương hiệu nhãn xuồng cơm vàng cho Bà Rịa-Vũng Tàu.

Cách xử lý nhãn, vải ra hoa, đậu quả tốt

Đợt rét đậm, rét hại kéo dài vừa qua khiến hàng nghìn hécta nhãn và vải thiều ở nhiều địa phương chậm ra hoa làm nông dân băn khoăn lo lắng.

Viện Nghiên cứu Rau quả vừa gửi đến NNVN báo cáo “Kết quả khảo sát ảnh hưởng của điều kiện thời tiết đến khả năng ra hoa đậu quả của nhãn, vải ở các tỉnh miền Bắc”, đồng thời đưa ra một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc nhằm khuyến cáo bà con nông dân trong giai đoạn hiện nay.

Theo TS. Ngô Hồng Bình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả thì trong tổng số diện tích trồng CĂQ ở miền Bắc thì các cây nhãn, vải chiếm tỷ trọng khá lớn: 16,3% với nhãn, 32,9% với vải; về sản lượng thu hoạch: 9,6% với nhãn và 24,8% đối với cây vải. Đây là 2 loại cây đặc sản, có giá trị kinh tế cao đối với các tỉnh phía Bắc nhưng lại rất mẫn cảm với thời tiết, có những yêu cầu khá khắt khe với các yếu tố nhiệt độ và độ ẩm của đất, của không khí trong thời gian trước, trong và sau khi ra hoa nên ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại kéo dài 38 ngày trong tháng 1, tháng 2 vừa qua là rất đáng kể.

Với cây vải: Gần như 100% diện tích vải chín sớm của các địa phương đang nở hoa đực trà cuối và hoa cái đang nở rộ (muộn hơn so với vụ quả trước 15-20 ngày). Dự báo thiệt hại trên vải chín sớm không đáng kể nhưng thời gian thu hoạch có thể chậm lại khoảng 15-20 ngày so với mọi năm (khoảng giữa tháng 6). Với các giống chính vụ, đến đầu tháng 3 mới có khoảng 70% số cây ra hoa (ở Quảng Ninh) và khoảng trên 20% (ở Bắc Giang) nhưng kèm theo nhiều lộc. Dự báo, nếu gặp nhiệt độ thấp (dưới 15-200C) vải sẽ tiếp tục ra hoa, nở hoa và đậu quả tốt hơn. Nếu nhiệt độ tăng cao (>200C) cây sẽ ra lộc, lấn át chùm hoa, làm ảnh hưởng đến chất lượng hoa và khả năng ra hoa, đậu quả sẽ rất kém. Số cây còn lại không có khả năng ra hoa mà chỉ ra lộc. Với những cây ra hoa được thì thời gian nở hoa, thụ phấn, thụ tinh và đậu quả sẽ kéo dài đến cuối tháng 3, đầu tháng 4. Nhiệt độ thời kỳ này sẽ tăng cao trên 250C không thuận lợi cho thụ phấn, thụ tinh và đậu quả do vậy năng suất và chất lượng sẽ giảm đáng kể.

Biện pháp khắc phục: Với diện tích vải sớm đã ra hoa và đang nở hoa thì tăng cường tưới nước, giữ ẩm cho cây để nở hoa, thụ phấn, thụ tinh và đậu quả tốt. Phun các loại thuốc trừ nấm để đề phòng bệnh thán thư làm hỏng dé hoa, thối chùm hoa; các loại thuốc trừ sâu để trừ các loại sâu đục quả, sâu hại hoa, nhện lông nhung… Sau khi kết thúc nở hoa, đã đậu quả bằng hạt đậu xanh tiến hành bón thúc nuôi quả bằng cách hòa nước tưới (loại phân, số lượng theo qui trình hướng dẫn), có thể phun thêm các loại phân bón qua lá như Botrac, Thiên nông, Master gro, HPC 97R… để tăng khả năng đậu quả và chống rụng quả non. Với các cây đã phân hóa mầm hoa (vải chính vụ), tiếp tục hạn chế độ ẩm của đất, phun bổ sung một số chế phẩm phân bón qua lá có hàm lượng đạm thấp, lân và kali cao có chứa các chất kích thích ra và nở hoa (HPC 97-HXN, Kali tan, Multi-K…). Những cây đã thấy rõ chùm hoa cần tưới nước đủ ẩm, bón, tưới, phun thêm các nguyên tố đa vi lượng giúp các chùm hoa dài hơn, to hơn, nhanh chóng nở hoa, thụ phấn, thụ tinh và đậu quả. Những cây vừa ra hoa, vừa ra lộc thì kết hợp chăm sóc, cắt bỏ lộc non nhằm giúp cây tập trung dinh dưỡng cho việc ra hoa, đậu quả.

Với cây nhãn: Do ảnh hưởng của nhiệt độ thấp kéo dài nên đến thời điểm này, tại tất cả các điểm khảo sát thấy trên 90% số cây chưa ra hoa. Tỷ lệ cây có khả năng ra hoa được vào giữa tháng 3 đạt khoảng 15-20%. Một số ít cây đã ra hoa từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2 gặp rét nên chùm hoa rất nhỏ, không có khả năng đậu quả. Một số gia đình xử lý bằng KCLO3 hoặc khoanh vỏ trong tháng 11 nhưng hầu như không có kết quả vì giá rét.

Biện pháp khắc phục:

– Với những cây dưới15 tuổi, sinh trưởng tốt, lá bánh tẻ, chưa phát lộc nhưng không ra hoa thì dùng KCLO3 để thúc đẩy ra hoa. Thời gian xử lý từ 12-30/3 với liều dùng: 30g/1m đường kính tán.

-Với những cây có khả năng ra hoa: Phun phân bón lá, thuốc phòng trừ sâu bệnh và tưới nước đủ ẩm để thúc đẩy khả năng ra hoa.

-Với những cây sinh trưởng kém: Tưới nước, bón phân vô cơ, phun phân bón lá, phun thuốc BVTV giúp cây mau hồi phục và sinh trưởng tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho cây ra hoa vụ sau.

 

Câu Hỏi Thường Gặp

Tại sao phải trả lại sức khỏe cho cây nhãn sau khi thu hoạch?

Sau thu hoạch quả là thời gian cây nhãn bị tổn thương lớn nhất trong năm. Giai đoạn này cây yếu nhất, vì vậy muốn tạo đà cho vụ sau thì việc đầu tiên gia đình tôi làm là tỉa cành, tạo tán, chăm sóc, trả lại sức khỏe cho cây. Đây là công việc hết sức quan trọng, nó bảo đảm sự phục hồi, sinh trưởng và phát triển cho cây sau 5 - 6 tháng nuôi quả và tiếp sức cho cây ra vụ quả sau.

Tại sao phải cắt chùm, cành khi cây nhãn quá sai trong thời kỳ quả non?

Câu tổng kết về cây nhãn từ xưa đến nay vẫn đúng: Năm ăn quả, năm trả cành. Nếu để nhãn ra hoa, đậu quả tự do, không có tác động của con người trong việc cắt chùm, cành, chăm sóc giai đoạn nhãn quả non thì chắc chắn câu tổng kết kia sẽ xảy ra đối với toàn bộ cây nhãn. Cách làm đơn giản là khi cây đã có quả non, tiến hành cắt cả chùm quả hoặc cành để giảm gánh nặng cho cây. Từ những cành bị cắt đó sẽ bật chồi non, làm cơ sở cho sang năm ra hoa, đậu quả.

Originally posted 2014-04-18 09:48:21.