trồng rau gia vị

Rau gia vị là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất, … cần thiết cho cơ thể con người. Với các thành phần dinh dưỡng phong phú, rau là một loại thực phẩm không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của con người ngày nay. Tuỳ theo đặc điểm, công dụng của mỗi cây rau khác nhau, … chia ra làm nhiều loại khác nhau. Trong đó, có rau gia vị. Rau gia vị được dùng để ăn sống hoặc chế biến với những loại thực phẩm khác để kích thích ăn ngon miệng do đặc điểm của các loại rau này có mùi vị đặc biệt làm cho món ăn thơm hơn, ngon hơn, … Ngoài ra, rau gia vị còn chứa những chất có tác dụng dược lý nên được sử dụng làm những vị thuốc nam có giá trị sử dụng rất an toàn và hiệu quả cao: Diếp cá có tinh dầu và chất Ancaloit có tác dụng kháng sinh. Húng quế có mùi thơm của chanh và của sả, vị cay, tính nóng, thơm dịu có thể chữa được bệnh cảm cúm. Kinh giới có vị cay, tính hơi nóng, có tác dụng lợi tiểu, trừ sốt. Rau răm tính ấm, cay nồng, mùi thơm có tác dụng sát trùng.

trồng rau gia vị, rau gia vị

1. Thời vụ trồng:

Rau gia vị có thể trồng quanh năm. Tuy nhiên, phải chủ động được nguồn nước tưới và thoát nước tốt. Nếu trồng trong mùa mưa cần phải làm giàn che hoặc trồng trong nhà lưới để giảm tổn thất. Nếu trồng trong mùa nắng cần đảm bảo nguồn nước tưới đầy đủ.

2. Đất trồng:

Cây rau gia vị có thể sinh trưởng phát triển trên các loại đất thịt nhẹ, đất thịt pha cát hoặc đất phù sa. Tuy nhiên, để cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất cần lựa chọn đất có pH từ 5,0 – 7,0, hàm lượng chất hữu cơ cao, hệ thống tưới và thoát nước tốt. Đất phải được cày bừa kỹ, nhỏ, tơi xốp, bằng phẳng, sạch cỏ dại. Lên liếp rộng 0,8 – 1,2m; cao 0,1 – 0,3m. Ngoài ra, để sản phẩm thu hoạch đảm bảo an toàn, cần chọn khu đất trồng xa nguồn nước thải, xa khu công nghiệp, bệnh viện, đường giao thông, khu dân cư đông đúc, …

3. Giống:

Tùy cây rau khác nhau mà lựa chọn giống khác nhau. Tuy nhiên, cần phải chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng: sạch bệnh, tỉ lệ nẩy mầm cao, còn hạn sử dụng, …. Nếu tự để giống cần phải ghi chép nhật ký đầy đủ. Có cây được trồng bằng hạt: Húng quế, Kinh giới, tía tô, …. Cũng có cây có thể trồng bằng cành: Rau răm, húng cây, diếp cá, …

4. Phân bón:

Để năng suất rau thu hoạch như mong muốn cây cần một lượng dinh dưỡng tương ứng. Dinh dưỡng cung cấp cho cây có từ nhiều nguồn: Đất, không khí, tàn dư thực vật, …. Và con người bổ sung từ phân vô cơ và phân hữu cơ thông qua các phương pháp bón gốc, phun qua lá trong quá trình canh tác. Các loại phân bón cho cây có thể sử dụng: NPK, DAP, Urê, Super lân, Clorua kali, hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học, các loại phân bón lá,….
Do thời gian thu hoạch ngắn, thu nhiều lứa và ăn lá là chủ yếu nên cần có chế độ bón phân hợp lý, cân đối và phải đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch.

Cách bón: các loại phân hữu cơ, phân lân và phân kali dùng bón lót toàn bộ trong khi làm đất. Lượng đạm có thể chia bón thúc làm nhiều lần. Tuyệt đối không được dùng các loại phân hữu cơ, phân chuồng chưa hoai bón cho rau. Tùy theo loại đất, dinh dưỡng có sẵn trong đất và năng suất cần đạt, sản phẩm thu hoạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà điều chỉnh lượng và loại phân phù hợp. Lượng phân bón lót  cho 1 ha đất trước khi trồng có thể dao động 2- 3 tấn phân hữu cơ sinh học, 100 – 150 kg super lân.

5. Nước tưới:

Trong canh tác cây trồng nói chung, cây rau nói riêng, nuớc là một yếu tố quan trọng nhất đối với sinh trưởng và phát triển của cây. Do đó, để cây sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất thu hoạch cao, cần chủ động được nguồn nước sạch để cung cấp đầy đủ cho cây trong từng giai đoạn. Tưới nước cho rau, cần chú ý một số điều kiện chính: đủ ẩm, thoát nước tốt và nhẹ nhằm tránh gây vết thương cho cây. Vì những vết thương này là cửa ngõ để các tác nhân gây bệnh xâm nhập gây bệnh hại cho cây rau, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lương rau thu hoạch.

6. Phòng trừ sâu bệnh:

Cây rau gia vị thường ít bị sâu bệnh gây hại. Sâu hại chủ yếu có sâu khoang (Spodoptera litura), rệp sáp giả (Pseudococcus), bọ trĩ (Thrips sp). Bệnh hại chủ yếu chỉ có bệnh thối gốc do nấm Fusarium oxysporium gây ra. Để sản phẩm thu hoạch không bị sâu bệnh phá hại cần áp dụng một số biện pháp phòng trừ: Canh tác không dùng hóa chất: Làm đất, luân canh, xen canh, mùa vụ thích hợp, vệ sinh đồng ruộng, sử dụng giống kháng…; Sinh học; Hóa bảo vệ thực vật; Tổng hợp IPM. Nếu dùng hóa bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh hại cần lưu ý: dùng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng trên cây rau của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; sử dụng theo theo nguyên tắt “4 đúng”. Ưu tiên phun các loại thuốc có nguồn gốc vi sinh, thảo mộc. Ngừng phun thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch sản phẩm đúng theo hướng dẫn ở bao bì để đảm bảo thời gian cách ly.

Một số loại thuốc bảo vệ thực vật thường sử dụng cho cây rau:

– Nhóm thuốc phòng trị sâu tơ, rầy xanh, dòi đục lá, … : sử dụng thuốc sinh học,  thuốc có thời gian cách ly ngắn. Có thể sử dụng Abatimec 1.8EC; Alfatin 1.8 EC; Reasgant 1.8EC, 3.6EC, 5EC,  2WG, 5WG ; Tập Kỳ 1.8 EC; Vertimec 1.8EC, 084SC; Vibamec 1.8EC; Sword 40EC; Biocin 16WP; Oshin; ….

– Nhóm thuốc phòng trừ bệnh: Anvil, Validacin, Bavistin 50 FL (SC); Daconil 75WP, 500SC; COC 85 WP; Zincopper 50WP; Aliette 80WP; Dithane 80WP; Thane –  M 80 WP; Ridomil  MZ 72WP; Ridomil 68WP; Ditacin 8L; ….

Originally posted 2014-04-25 16:39:59.