rong nho

Một nhóm chuyên gia người Nhật đã bay sang Việt Nam, trực tiếp đến tận cơ sở nuôi trồng của kỹ sư địa chất Lê Bền để tìm hiểu thực tế toàn bộ quy trình nuôi trồng, sơ chế cây rong nho. Đến lúc đó họ mới chấp nhận đặt hàng.

Tình cờ trong bữa cơm với một đối tác đến từ xứ sở mặt trời mọc, một kỹ sư địa chất nghĩ đến việc chuyển nghề trồng rong nho khi người khách luôn miệng nhắc đến loại thực phẩm tươi ngon bổ dưỡng này. Và từ ý tưởng đó cộng với kiến thức học hỏi qua tài liệu khoa học và sự kiên nhẫn của một con người có chút trải nghiệm trong cuộc sống đã giúp cho anh Lê Bền, hội viên Hội Khoa học – Kỹ thuật Khánh Hòa nghiên cứu, cải tiến phương pháp trồng và nhân giống thành công cây rong nho có chất lượng cao.

Kết quả sáng tạo đó không chỉ giúp cho anh đoạt giải khuyến khích tại Hội thi sáng tạo khoa học – kỹ thuật toàn quốc lần thứ 9 (2006-2007), mà còn mở ra một triển vọng mới cho hoạt động nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam.

rong nho
Rong nho xuất khẩu, tại sao không?

Cải tiến phương pháp trồng rong nho biển

Tôi tìm đến cơ sở trồng và chế biến rong nho do kỹ sư Lê Bền đảm trách ở thôn Đông Hà, xã Ninh Hải, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa trong buổi sáng tinh mơ. Ở đó, lần đầu tiên tôi được nhìn thấy loại rong nho du nhập từ Nhật Bản với những chùm quả mẩy tròn, xanh mướt bám vào nhau thành một chuỗi hạt dài gần 20cm.

Rong nho tươi mới thu hoạch

Cầm những cây rong nho vừa thu hái, anh Lê Bền tâm sự: “Tôi vốn là kỹ sư địa chất, nên chuyện trồng rong nho là mối duyên rất tình cờ. Cách đây hơn bốn năm, khi tôi còn đang kinh doanh đá granit, trong bữa cơm xã giao với một người khách Nhật Bản, tôi thấy vị khách hàng của mình tỏ ra chẳng ngon miệng khi không tìm thấy rong nho biển trong thực đơn. Hỏi ra mới biết loại rong này có nguồn gốc từ Philippines, sau đó được người Nhật đưa về trồng từ năm 1986 để làm thức ăn thường trực như món rau xanh ở ta vậy. Lúc đó, tôi chợt nhớ đến những khu ao đìa ven biển miền Trung đang bị bỏ hoang do nuôi tôm sú thất bại, nên mới nghĩ đến chuyện trồng thử nghiệm”.

Phải mất khá nhiều lần thuyết phục, đến cuối năm 2004, vị khách hàng mua bán đá granit mới mang sang cho kỹ sư Lê Bền 200 gram rong nho giống và một số tài liệu hướng dẫn cách trồng. Anh Bền cùng người cháu là Đặng Ngọc Cảnh tiến hành nhân giống trong những bể kiếng theo các tài liệu hướng dẫn.

Hơn một tháng sau, anh Bền mang toàn bộ rong nho thu được từ bể kiếng đưa xuống trồng thử nghiệm ở một số ao đìa tôm sú đang thời gian bỏ hoang. Kinh nghiệm không có, môi trường nước không được kiểm định đánh giá bằng những chỉ số khoa học cụ thể, nên gần một tuần sau khi thử nghiệm, không ít cây rong nho… biến mất.

Nhiều đêm thức trắng bên ao đìa dùng đèn để soi, anh Bền mới phát hiện ra nguyên nhân hao hụt cây giống là do cá tạp và một số sinh vật biển “dọn” dần. Cú vấp đầu tiên không làm Bền nản lòng, vì anh đã nghĩ ra cách ngăn chặn các loài sinh vật biển bằng phương pháp trồng trong các nhà lồng được thiết kế bằng lưới. Mặc dù đã có giải pháp khống chế các loài sinh vật biển tấn công rong nho, nhưng nguồn vốn đầu tư cho nhà lồng không phải là ít, nếu trồng theo phương pháp này e rằng hiệu quả kinh tế thấp kém, thậm chí có thể… phá sản. Kỹ sư Lê Bền tiếp tục dành thời gian nghiên cứu, tính toán để tìm ra một phương pháp khác.

Anh Bền kể: “Bên Nhật người ta trồng rong nho theo hai phương pháp cơ bản, đó là trồng trực tiếp xuống đáy biển hoặc ao đìa và trồng treo trong các túi lưới, thả lơ lửng trong nước. Ngoài hai phương pháp cơ bản này, một số vùng còn trồng rong nho trong các bể bê tông chứa nước biển. Ngẫm nghĩ mãi, tôi thấy nếu áp dụng theo các phương pháp trên vẫn chưa ổn, vì trồng tiếp đáy thì rong nho dễ bị bẩn và hư hỏng khi thu hoạch; còn trồng treo thì cây rong không hút được dưỡng chất từ đáy biển nên sinh trưởng chậm, đưa vào bể bê tông thì chi phí cũng không ít”.

Sau khi tìm hiểu và so sánh, kỹ sư Lê Bền đã tìm ra một phương pháp trồng rong nho hoàn toàn mới, gọi nôm na là phương pháp kê sàn có lưới che. Theo đó, rong nho được trồng trong các khay nhựa đã lót nilon có chứa mùn cát dinh dưỡng. Những chiếc khay rong được sắp đặt trên các kệ sạp đóng bằng vật liệu tre, gỗ, hoặc đá đặt chìm dưới nước. Bên trên được che chắn bằng loại lưới che hoa lan có thể di động để điều tiết ánh sáng, nhiệt độ của nước khi cần thiết. Bên ngoài là một guồng máy đập trong nước để tạo dòng chảy, tăng cường oxy.

Với phương pháp này, rong nho có đủ điều kiện hấp thụ chất dinh dưỡng trong những chiếc khay, mà không chịu sự ảnh hưởng của các loại tạp chất dưới đáy ao đìa, còn lưới che di động có thể điều chỉnh, khắc phục được thời tiết khí hậu nắng nóng. Thêm một ưu điểm nữa là phương pháp kê sàn giúp cho việc thu hoạch sản phẩm nhanh gọn, chi phí đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế nâng cao. Nét nổi bật nhất là những mẫu rong nho trồng theo phương pháp kê sàn đã được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm, kết luận có đủ các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và giàu chất dinh dưỡng.

Trồng rong nho Nhật xuất sang … Nhật: Loại rau cao cấp hứa hẹn nhiều triển vọng.

Kỹ sư Lê Bền tâm sự: “Từ kết quả thành công bước đầu, tôi xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học “Cải tiến phương pháp trồng rong nho cho năng suất cao, chất lượng tốt”. Mặc dù đề tài này đã đoạt giải khuyến khích tại Hội thi sáng tạo khoa học – kỹ thuật toàn quốc lần thứ 9, nhưng không dễ thuyết phục được người Nhật một cách dễ dàng”.

Thật vậy, người Nhật vốn rất khắt khe về tiêu chuẩn hàng hóa, nhất là những loại thực phẩm tác động trực tiếp đến sức khoẻ con người. Vì thế khi anh Bền giới thiệu, chào bán sản phẩm rong nho “Made in Việt Nam”, một vài đối tác đã mang sản phẩm về tận bên Nhật để kiểm nghiệm lại. Kết quả được đánh giá bằng những chỉ số khoa học hẳn hoi, nhưng đối tác vẫn chưa tin rằng rong nho trồng ở Việt Nam lại có chất lượng tốt hơn ở xứ sở của họ. Chính vì vậy, một nhóm chuyên gia người Nhật đã bay sang Việt Nam, trực tiếp đến tận cơ sở nuôi trồng của anh Bền để tìm hiểu thực tế toàn bộ quy trình nuôi trồng, sơ chế cây rong nho.

Đến lúc đó họ mới chấp nhận đặt hàng của Công ty TNHH Trí Tín, TP Nha Trang do kỹ sư Lê Bền đảm nhiệm vai trò Phó giám đốc. Đến nay, cơ sở nuôi trồng và chế biến rong nho tươi của doanh nghiệp Trí Tín đã được nâng cấp, mở rộng với công suất mỗi năm 30-40 tấn.

Kỹ sư Lê Bền tại cơ sở trồng và chế biến rong nho ở xã Ninh Hải, huyện Ninh Hòa.

Tiếp xúc với phóng viên Báo CAND, ông Yamacuchi – kỹ sư thủy sản người Nhật đang được đặc trách giám sát kỹ thuật tại cơ sở nuôi trồng rong nho của anh Bền, nhận xét: “Đây là một phương pháp hữu hiệu, chi phí đầu tư thấp. Với thời gian trồng 20 ngày, cây rong nho đã đạt độ dài từ 10 đến 20cm, trong khi đó ở Okinawa – Nhật Bản là nơi có điều kiện môi trường tốt nhất, cây rong nho cũng chỉ đạt khoảng 6 đến 7cm. Đành rằng sản phẩm rong nho ở Okinawa sạch, nhưng cây rong trồng ở đây dài, quả lớn, màu sắc đẹp, mùi vị và chất lượng thơm ngon hơn”.

Với phương pháp trồng nêu trên, thời gian sinh trưởng của rong nho từ khi trồng đến khi thu hoạch từ 15 đến 20 ngày, mỗi hécta có thể cho năng suất 30 tấn/năm, cao gấp đôi so với kết quả trồng ở Nhật Bản, trong khi đó chi phí đầu tư thấp hơn khoảng 10 lần, nhưng giá thành sản phẩm mỗi kilôgam rong nho tươi vẫn thu được từ 10 đến 15 USD.

Để có được sản phẩm rong nho đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật, sau khi thu hoạch từ cơ sở nuôi trồng, khâu sơ chế đã được thực hiện theo một quy trình kỹ thuật hết sức cẩn trọng và nghiêm ngặt. Cây rong được cắt thành đoạn ngắn từ 5 đến 7cm trước khi đưa vào bể tẩy lọc chất bẩn, rồi chuyển vào máy ly tâm làm khô nước. Tiếp đó là lựa chọn những cây rong khoẻ, đạt chất lượng để đóng gói. Sản phẩm rong nho trên thị trường hiện có hai loại rong tươi có thời gian sử dụng từ 5 đến 6 ngày, rong muối từ 2 đến 3 tháng. Rong nho không chỉ là thực phẩm bổ dưỡng, mà còn được chế biến sản phẩm mặt nạ chăm sóc da.

Với những kết quả bước đầu về nghiên cứu, cải tiến phương pháp trồng và nhân giống rong nho có chất lượng cao, tin rằng việc chuyển giao kỹ thuật trồng rong nho sẽ được nhân rộng và phát triển trong cộng đồng, đặc biệt là những vùng đảo thiếu rau xanh và nước ngọt. Sản phẩm cây rong nho nuôi trồng ở cơ sở của anh Lê Bền đã chứng minh loài cây này có khả thích hợp với điều kiện tự nhiên và thời tiết, khí hậu nhiều vùng biển ở Việt Nam. Bây giờ, loài rau xanh cao cấp này cũng đã có mặt trong thực đơn ở một số nhà hàng Hoa Ý, Cây Sáo, Thiên Quế… TP Hồ Chí Minh và trong nay mai sẽ trở thành loại thực phẩm phố biển trong các bữa ăn của người Việt. n

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đại, Trưởng phòng Thực vật biển – Viện Hải dương học Nha Trang: Rong nho biển có tên khoa học Caulerpa lentilifera thuộc bộ rong cầu lục Caulerpales, ngành rong lục Chlorophyta. Do hình dạng và giá trị dinh dưỡng cao, nên rong nho còn được ví như trứng cá Hồi xanh (Green Caviar) hoặc Nho biển (Sea grapes). Đây là loài rong lục phân bố ở vùng biển ấm Thái Bình Dương như Philippines, Java, Micronesia, Bikini… ở những vũng, vịnh kín sóng, nước trong. Rong nho biển có đặc điểm mềm, giòn và ngon nên được ưa chuộng như một loại rau xanh cao cấp.

Tại Việt Nam vào năm 2006, các nhà khoa học ở Viện Hải dương học Nha Trang đã tìm thấy rong nho ở đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, nhưng kích thước chỉ bằng 1/3 hay 1/4 rong nho biển có nguồn gốc Nhật Bản. Tháng 9-2006, những mẫu rong nho tươi đã được gửi đến một Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm ở TP Hồ Chí Minh kiểm định thành phần hóa học. Kết quả cho thấy rong nho biển không chứa nhiều đường, đạm, nhưng rất giàu vitamin A, C và các nguyên tố vi lượng cần thiết và có hàm lượng Iod cao. Một số tài liệu đề cập rong nho biển còn có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm, có thể ngừa bệnh cao huyết áp và thấp khớp.

Originally posted 2014-05-07 13:43:50.