Trang Chủ » Cách ương cá basa, cá tra bột nhân tạo

Cách ương cá basa, cá tra bột nhân tạo

989 lượt xem
cá tra bột

Cải tạo ao ương cá tra bột

Đây là công việc rất quan trọng, quyết định tỷ lệ sống và sự thành công thất bại trong việc ương nuôi cá tra bột. Nên chọn ao có diện tích 1000 – 2000m vuông và chủ động cung cấp – tháo cạn khi cần thiết, đồng thời ao cần có bờ bao chắc chắn không có cây tạp cỏ dại mọc quanh ao.

Ao ương nuôi phải được cải tạo tốt theo tuần tự những bước sau:

Bơm cạn nước vét bùn nền đáy ao, bón phân khử phèn, cấp thoát nước vài lần để rửa trôi phèn – độc tố tiềm tàng trong ao. Sau đó cấp lại nguồn nước sạch vào ao qua hệ thống cống có ngăn lưới ở miệng cống, đồng thời kết hợp dùng thuốc diệt cá tạp – cá dữ triệt nhằm hạn chế và đảm bảo tỷ lệ sống cho cá bột..

Tiến hành gây màu nguồn nước ao nuôi bằng phân chuồng ủ thật hoại hay phân vô cơ, kiểm tra lại ao hồ thật cẩn thận, kế đến dùng lưới để ngăn một phần diện tích góc ao và thả giống trong phạm vi có ngăn lưới, nhất là ương cá tra bột ở giai đoạn đầu thả giống. Nước ao tốt là màu vỏ đậu xanh, xanh nhạt.

Ương nuôi cá tra bột từ 1-15 ngày tuổi:

Khi ương nuôi cá tra bột do sinh sản nhân tạo nên phải chọn mua cá bột từ những trại sản xuất cá giống có uy tín, với chất lượng cá bố mẹ tốt để nâng cao hiệu quả của quá trình nuôi. Bản thân cá tra bột rất háu ăn, lại có khả năng sát hại lẫn nhau rất lớn là do cấu trúc răng, miệng cá hơi hướng xuống về trước và khi cá cắn vào con mồi thì giữ chặc không nhả ra, do đó cần tính toán cự ly, thời gian vận chuyển để hạn chế hao hụt.

cá basa bột

Ương cá basa bột

Mật độ ương nuôi cá tra bột 500-1000 con/m vuông và ao ương cần bố trị sục khí để gia tăng hàm lượng oxy hòa tan trong nước và kích thích khả năng bắt mồi hạn chế tình trạng sát hại lẫn nhau.

Dùng lòng đỏ trứng (gà, vịt) luộc chín trộn với hỗn hợp bột đậu nành, bột bắp, cám thực phẩm và sữa bột (theo tỷ lệ 1: 3: 1) đem nấu chín và pha loãng với nước sạch tưới vào ao ương. Lúc dịch cúm không nền dùng trứng gà, vịt.

Nên phối hợp dùng dầu gan mực (chuyên dùng trong nuôi tôm sú) trộn vào lượng thức ăn cho cá, dầu gan mực có mùi tanh đặc trưng, sẽ kích thích cá bắt mồi mạnh và giàu hàm lượng vitamin A, rất tốt cho giai đoạn phát triển của cá bột.

Lượng thức ăn bình quân là 0,5-0,8kg thức ăn cho 100m vuông/ ngày. Cần nhớ cho cá ăn vừa đủ và 5-7 lần/ngày, tập trung cho cá ăn vào sáng sớm hay chiều mát. Ngoài ra có thể gây nuôi monia (trứng nước) trong ao ương để tạo nguồn thức ăn bằng cách bón bột đậu nành trực tiếp xuống ao (4-6kg/1000 m vuông) trước khi tiến hành thả giống.

cá tra bột

Từ ngày thứ 15 trở đi, các bước ương tiếp theo như sau:

Có thể trộn thêm bột cá hay một ít cá tạp xay nhuyễn (5-15%), đồg thời nên duy trì hàm lượng dầu gan cá (1-3%) trong khẩu phần thức ăn theo nhu cầu dinh dưỡng của cá.

Kết hợp thay nguồn nước sạch đã được lắng lọc kỹ cho ao và tháo lưới thả cá rộng ra ao ương. Khi cá ương được hơn 20 ngày, có thể thay thế sữa bột bằng các nguồn thức ăn như sau: 70% hỗn hợp cá tạp, bột cá (kể cả ốc bươu vàng) và 30% hỗn hợp cám thực phẩm nấu chín, để tạo độ kết dính. Mặt khác nên chủ động trộn thêm kháng sinh vào khẩu phần thức ăn theo tỷ lệ 1-3% (theo định kỳ 1-3 lần/ tuần), trong suốt thời gian ương để phòng ngừa bệnh cho cá tra con.

Hàng ngày thay nguồn nước sách đã được lắng lọc cẩn thận để tạo môi trường sống của cá luôn sạch không bị nhiễm bẩn.


Những kinh nghiệm giúp làm giảm hao hụt khi ương nuôi cá tra

Tỷ lệ hao hụt lớn khi ương cá tra, basa giống ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung giống cho thị trường và hiệu quả nghề nuôi cá. Vì vậy, người nuôi cá cần tuân thủ kỹ thuật khi ương từ cá bột lên cá hương, cá giống.

Nguyên nhân hao hụt
Theo một số người chuyên ương nuôi cá tra, basa giống thì ương nuôi từ cá bột lên cá giống bị hao hụt do:
– Mua cá bột từ các trại sản xuất có cá bố mẹ chất lượng thấp (tham gia sinh sản quá nhiều đợt, cá có hiện tượng thoái hóa, nuôi vỗ kém,..) nên chất lượng cá bột yếu.
– Mua cá bột từ trại sản xuất giống mà nguồn gốc cá bố mẹ tham gia sinh sản không được chọn lọc kỹ, không đúng theo tiêu chuẩn ngành.
– Trong quá trình ương nuôi, người nuôi lạm dụng thuốc kháng sinh để phòng trị bệnh cho cá làm giảm sức đề kháng của cá, cá còi cọc, chậm lớn, chết nhiều,…
Bên cạnh đó: Vận chuyển cá bột không đúng kỹ thuật, mật độ dày; Vận chuyển cá trong thời gian cá đang bị nhiễm bệnh hoặc đang trị bệnh chưa khỏi hẳn; Trong quá trình vận chuyển làm cá bị xây xát, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh tấn công.
Việc chuẩn bị ao trước khi ương giống, cũng như thao tác thả cá không đạt yêu cầu, mật độ thả cá trong ao quá dày cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá khi ương.
Cách khắc phục
Để nâng cao tỷ lệ sống khi ương giống cá tra, ba sa, người nuôi cá cần lưu ý:
Cải tạo ao: Tát cạn vét bùn đáy ao, lấp hang cua, ếch, chuột, lươn… Đắp lại những chỗ sạt lở, sửa lại cống bọng, dọn cỏ quanh bờ ao, để tránh địch hại trong giai đoạn đầu thả cá bột.
Lượng vôi sử dụng để rải 10 – 15 kg/100m2 ao. Sau khi rải vôi, ao phải được lắng 2 – 3 ngày.
Cấp nước và gây màu: Nước cấp vào ao phải được lọc qua túi lọc thật mịn để tránh trứng, cá tạp, giáp xác,… Nếu có điều kiện cần phải lắng qua ao trữ 5 – 7 ngày, sau đó mới cấp vào ao.
Sau khi cấp nước phải gây màu nước để tạo thức ăn tự nhiên trong giai đoạn đầu cho cá bột.
Cụ thể: Ao có diện tích 1.000 m2: bón vào 2 kg bột cá mịn 40% đạm + 2 kg bột đậu nành để cung cấp thức ăn tự nhiên cho cá. Trước khi thả cá cần kiểm tra lại các yếu tố môi trường nước ao ương, sao cho đảm bảo pH 7 – 8; nhiệt độ 28 – 30 độ C; ôxy > 3mg/l.
Mật độ thả giống: Mật độ 500 con/m2; Thời gian thả cá bột vào ao nuôi tốt nhất là sáng sớm và chiều mát.
Chăm sóc và cho ăn
7 ngày đầu
Số lượng cho cá ăn (1 triệu con cá bột) trong một lần gồm:
– Bột đậu nành 300 g.
– Bột sữa 300 g.
– Cho cá ăn 5 lần/ngày, vào lúc 7h, 10h, 14h, 17h, 20h.
– Cách cho ăn: hoà tan hỗn hợp trên vào nước rồi tạt đều khắp mặt ao.
7 ngày tiếp theo
– Cho cá ăn 5 lần/ngày vào lúc 7h, 10h, 14h, 17h, 20h. Thức ăn sử dụng là bột thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm 40% trở lên.
Liều lượng 0,5kg/lần ăn (x 5 lần/ngày = 2,5 kg/1 triệu con cá bột/ngày).
– Mỗi ngày tăng lượng thức ăn thêm 20%. (Tuỳ mức độ ăn của cá mà điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp).
– Cách cho ăn: hoà tan hỗn hợp trên với nước rồi tạt đều khắp ao ương.
Ngày thứ 15 đến 20
– Sử dụng thức ăn công nghiệp, có hàm lượng đạm 35 – 40%.
– Cho ăn 4 lần/ngày (8h, 13h, 14h, 17h).
– Tập cho cá gom cầu và định lượng lại thức ăn cho hợp lý.
Ngày thứ 21 trở đi
– Sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi có hàm lượng đạm 30 – 35% và có kích cỡ vừa miệng cá.
– Số lần cho ăn 3 lần/ngày, cho cá ăn phải đủ lượng và chất.
– Cuối tuần thứ tư, bắt đầu lọc cá để san thưa, giữ mật độ 150 – 200 con/m2.
Bên cạnh đó, cần tăng cường Vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá, định kỳ dùng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường.
Phòng và trị bệnh
Bổ sung Vitamin C với liều lượng 0,5 – 1 g/1 kg thức ăn; 2 lần/tuần, để tăng sức đề kháng cho cá; Trộn thêm men vi sinh để giúp cá tiêu hóa tốt thức ăn và phòng một số bệnh về hệ tiêu hóa; Sử dụng kháng sinh phòng bệnh phải tuân thủ quy định của cơ quan chức năng về thuốc thú y thủy sản.
Định kỳ kiểm tra các yếu tố môi trường ao ương: pH, nhiệt độ, dịch bệnh (bệnh do môi trường, ký sinh trùng,…) để có biện pháp xử lý kịp thời.

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2014-04-14 04:27:40.

Bài Viết Liên Quan