Trong Đông y, củ cải trắng là một cây thuốc quý, chúng còn rất được ưu ái khi được mệnh danh là “Nhân sâm trắng mùa đông” nhờ mang lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khoẻ của gia đình bạn, nhất là vào mùa lạnh, chúng có các tác dụng trong việc điều trị ho và tốt cho phổi.

Theo những chuyên gia dinh dưỡng, bên trong củ cải trắng có chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu giúp cơ thể chúng ta hoạt động tốt hơn hay thậm chí bảo vệ chúng ta khỏi những tác nhân gây hại từ vi khuẩn, bao gồm các chất xơ và vitamin K, A, C, E, B1, B3, B5, B6, B2 và folate (một trong những vitamin B), cũng như các khoáng chất như mangan, kali, magiê, sắt, canxi và đồng.

Chúng cũng là một nguồn phốt pho, axit béo omega-3 và protein tốt. Nhờ những khoáng chất hỗ trợ này, củ cải trắng được ví như khắc tinh của các mầm bệnh liên quan về hô hấp và tiêu hoá.

Công dụng của củ cải trắng

Giảm nguy cơ ung thư: 

Củ cải chứa chất phytochemical và anthocyanins có tính chất chống ung thư. Ngoài ra, nó là một loại củ giàu vitamin C có tác dụng như một chất chống oxy hóa mạnh mẽ để ngăn chặn các tổn hại các gốc tự do – DNA bên trong các tế bào, do đó giúp ngăn ngừa ung thư.

Điều chỉnh huyết áp: 

Đây là nguồn thực phẩm giàu kali giúp duy trì sự cân bằng natri-kali trong cơ thể, nhằm giữ cho huyết áp ổn định. Một nghiên cứu về dinh dưỡng và thực tiễn cho thấy lá củ cải có tác dụng “hạ huyết áp” ở những người bị tăng huyết áp đáng kể.

Tốt cho bệnh nhân tiểu đường: 

Insulin vốn là một hormone được tiết ra bởi tuyến tụy có vai trò trong việc hấp thu glucose. Bệnh nhân tiểu đường không thể hấp thụ insulin của cơ thể sản xuất hoặc không thể sản xuất ra insulin, củ cải có thể là một giải pháp. Ở những người mắc bệnh tiểu đường thường không được ăn nhiều thức ăn có đường hoặc tinh bột. Củ cải lại rất giàu chất xơ, và có chỉ số glycemic thấp, bệnh nhân tiểu đường có thể sử dụng củ cải vì nó không làm lượng đường trong máu tăng lên.

Phòng chống cảm lạnh và ho: 

Nếu bạn hay bị ho và mắc cảm lạnh, củ cải có thể là một ý tưởng tốt để bổ sung vào chế độ ăn uống của bạn nhằm phòng tránh các căn bệnh này. Đây là một trong các loại rau củ có thể chống sung huyết, hình thành các chất nhầy trong cổ họng của bạn. Ngoài ra, củ cải cũng giúp tăng cường khả năng miễn dịch, giữ cơ thể khỏi các bệnh nhiễm trùng dẫn đến cảm lạnh và ho.

Ngăn ngừa bệnh vàng da: 

Củ cải được biết đến là loại thực phẩm có tác dụng thanh lọc cơ thể, loại bỏ độc tố. Một trong những bộ phận nhận được nhiều lợi ích nhất từ việc loại bỏ độc tố có hại là gan và dạ dày của bạn bởi củ cải không chỉ chứa nhiều nước, chất xơ có thể làm sạch đường ruột, giàu vitamin C. Ngoài ra củ cải có hiệu quả trong việc kiểm soát bệnh vàng da, nó giúp điều chỉnh lượng bilirubin trong máu và làm tăng cung cấp oxy cho cơ thể. Đó là do củ cải giúp kiểm soát sự phá hủy hồng cầu làm bilirubin trong máu tăng cao – nguyên nhân chính gây bệnh vàng da.

Chống táo bón: 

Táo bón là căn bệnh phổ biến hay gặp phải đặc biệt là ở người già, trẻ em, những người ít vận động, tập thể dục, hay có chế độ ăn nhiều dầu mỡ, ít chất xơ. Củ cải được cho là “thần dược” để chữa chứng khó chịu này. Nó có hàm lượng chất xơ cao, giúp làm sạch các thức ăn, cặn bã bị mắc kẹt trong ruột già, tống ra ngoài…Ngoài ra, củ cải giúp tăng cường sự tiết dịch tiêu hóa và mật làm cho hệ thống tiêu hóa của bạn hoạt động hiệu quả nhất. Ngoài củ cải ra, người bệnh táo bón cần nhất là thay đổi lối sống vận động, năng tập thể dục và không quên uống nước.

Giúp giảm cân: 

Củ cải rất ít calo cộng thêm hàm lượng chất xơ cao làm người ăn cảm thấy no nhanh. Ví dụ 100g củ cải tươi chỉ chứa 16 calories do vậy bạn có thể thoải mái thưởng thức món củ cải vừa có lợi cho sức khỏe vừa giảm cân.

củ cải trắng

Tốt cho bệnh nhân hen suyễn:

Củ cải có đặc tính chống sung huyết do vậy rất có lợi cho bệnh nhân hen suyễn. Người bị bênh hen suyễn thường bị sung huyết đường hô hấp, củ cải sẽ cải thiện được những dấu hiệu này. Các nghiên cứu khoa học còn chỉ ra rằng, củ cải có khả năng chống các kháng nguyên gây dị ứng đường hô hấp, giúp bảo vệ các lớp lót đường hô hấp khỏi bị nhiễm trùng

Duy trì sự tươi trẻ: 

Vì củ cải chứa nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa, nên có thể ăn củ cải để ngăn chặn tác hại của các gốc tự do. Bạn thậm chí có thể nghiền củ cải tươi đắp trên da vì nó có đặc tính làm sạch.

Giữ cho thận khỏe mạnh: 

Đặc tính nổi trội nhất của củ cải là phòng chống các bệnh liên quan đến thận như viêm đường tiết niệu, bảo vệ thận. Các hợp chất diuretic tự nhiên của củ cải có tác dụng rất tốt để cải thiện sức khỏe của quả thận. Chúng đóng vai trò như một chất tẩy rửa tự nhiên giúp loại bỏ các độc tố khỏi cơ thể.

LƯU Ý KHI SỬ DỤNG CỦ CẢI TRẮNG

1. Hạn chế ăn quá nhiều

Nếu ăn củ cải trắng nhiều, bạn có thể bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng. Thêm vào đó, mẹ bầu nếu lỡ thưởng thức món ăn này quá số lượng cần thiết sẽ làm tăng số lần đi tiểu trong ngày, gây ra bất tiện không đáng có.

Phụ nữ mang thai mỗi tuần chỉ nên ăn củ cải trắng khoảng 1-2 lần với các món ăn đã được nấu chín, chế biến kỹ càng. Không nên ăn thực phẩm tươi sống để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi mang thai.

2. Không ăn chung với táo, lê, nho

Theo Đông y, bạn không nên sử dụng chung củ cải trắng với nho, lê, táo vì có thể gây ra triệu chứng bướu cổ. Nếu có thói quen dùng các thực phẩm này thường xuyên, bạn có nguy cơ suy tuyến giáp nặng.

MÓN NGON TỪ CỦ CẢI TRẮNG

Sườn non kho củ cải trắng

Nguyên liệu:

– 400g sườn non

– 1 củ cải trắng vừa ăn

– Hành lá, hành khô, nước mắm, muối, đường

– Ớt bột (nếu bạn ăn cay).

củ cải trắng

Cách làm:

Bước 1: Sườn non chặt thành từng khúc vừa ăn.

Bước 2: Củ cải trắng gọt vỏ, cắt thành từng khúc vừa ăn.

Bước 3: Chần sơ sườn non qua nước sôi, đổ nước chần đi, rửa lại cho thật sạch. Đổ nước lạnh ngập mặt, đun sôi khoảng từ 20 – 30 phút, có tác dụng là khi kho sườn sẽ nhanh thấm gia vị. Vớt sườn ra đĩa, giữ lại nước luộc sườn.

Bước 4: Đun nóng hai thìa súp đường và ba thìa súp nước lọc, đun sôi đến khi đường chuyển màu vàng cánh gián, đổ hành khô vào phi thơm.

Bước 5: Đổ sườn đã luộc sơ vào chảo, dùng đũa đảo đều đến khi đường bám đều ngoài bề mặt sườn.

Bước 6: Tiếp theo đổ củ cải vào đảo cùng, nêm gia vị ba thìa súp nước mắm, một thìa súp muối, châm vào ít nước luộc sườn, đun sôi, lửa nhỏ đậy kín nắp để sườn và củ cải thấm gia vị. Nếu bạn ăn cay cho vào ít ớt bột.

Bước 7: Đun đến khi sườn và củ cải thấm đều gia vị, nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của bạn, tắt bếp, rắc hành lá thái nhỏ vào. Đảo đều, múc ra dĩa dùng làm món mặn ăn với cơm.

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2021-01-30 16:29:41.

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.