gà ác

Gà ác: Những gì bạn cần biết

Gà ác thuộc họ trĩ, có tên khoa học là Gallus gallus domesticus brisson, còn được gọi là ô cốt kê, ô kê… là loại gà cỡ nhỏ, được thuần hóa và nuôi dưỡng. Đặc trưng của giống gà này là bộ lông trắng không mượt nhưng toàn bộ da, mắt, thịt, chân và xương đều đen, chân có 5 ngón.

Theo dinh dưỡng học cổ truyền, gà ác vị ngọt, tính bình; có công dụng bổ can thận, ích khí huyết, dưỡng âm thoái nhiệt, thường dùng để chữa các chứng bệnh hư nhược, tiêu khát (đái tháo đường), đi tả lâu ngày do tì hư, lỵ lâu ngày, chán ăn, khí hư, di tinh, hoạt tinh, nóng âm ỉ trong xương, ra mồ hôi trộm, kinh nguyệt không đều… Các y thư cổ đều ghi lại công dụng và những phương thuốc bồi bổ liên quan đến gà ác với những kiến giải rất đặc sắc.

Dinh dưỡng học hiện đại cho rằng thịt gà ít lipid nhưng rất giàu protid và có khoảng 18 loại acid amin, nhiều vitamin (A, B1, B2, B6, N12, E, PP) và các nguyên tố vi lượng (K, Na, Ca, Fe, Mg, Mn, Cu…).

Nghiên cứu của các nhà dinh dưỡng cho thấy thịt gà ác phòng chống mệt mỏi, tăng cường khả năng chịu đựng của cơ thể trong điều kiện thiếu dưỡng khí, cải thiện công năng miễn dịch, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống võng mạc nội mô cũng như khả năng chống đỡ bệnh tật của cơ thể.
gà ác

Không phải gà đen nào cũng là… “ác”

Ngày trước dân gian lưu truyền gà ác tiềm thuốc Bắc chữa được nhiều bệnh, là bài thuốc đắt đỏ, sang trọng thường được giành cho giới thượng lưu. Nhưng ngày nay, gà ác được bán đầy các chợ.

Trên thị trường, nếu như chỉ nhìn vào sản phẩm đã chế biến thì có nhiều loại gà thịt đen và loại nào cũng được quảng cáo là bổ dưỡng, quý hiếm nhưng thực chất chúng thuộc các chủng loại, giống gà hoàn toàn khác với gà ác. Vì vậy, bạn nên chọn lựa cẩn thận kẻo nhầm!

Đây là giống gà nhỏ con, trọng lượng chỉ khoảng 200-300g, thịt ngon nhất trong độ 4-5 tuần tuổi, nuôi thêm nữa trọng lượng cũng không tăng. Giống gà này quê hương ở Đồng bằng sông Cửu Long, vốn được nuôi thả rông. Nhưng bây giờ, gà ác đã “phiêu du” nhiều nơi, được nuôi ở nhiều vùng, được đóng hộp xuất sang nước ngoài. Đặc điểm của gà ác là có lông trắng nhưng thịt, xương và nội tạng đều có màu đen. Khác biệt nữa của giống gà này là chúng có 5 ngón chân (ngũ trảo).

Trên thị trường hiện nay cũng có nhiều loại gà đen được quảng cáo là có giá trị dinh dưỡng cao nhưng đó không phải gà ác. Thường đó là giống gà đen của đồng bào H’Mong. Gà H’Mong có nhiều màu lông (đen hoặc pha xám, trắng, vàng) nhưng thịt đen, xương đen, tuy nhiên gà đen H’Mong có trọng lượng lớn, trên dưới 1kg chứ không nhỏ như gà ác. Trong các giống này thì loại có lông màu đen được đánh giá là phẩm chất tốt nhất.

Tại một số chợ các tỉnh phía Bắc hiện có không ít hàng bán gà ác loại 600-700g với lời giới thiệu là gà ác từ Trung Quốc. Xin thưa, bên Trung Quốc thương hiệu gà Tây Hoa (Teihei) hay còn gọi là ô kê đã trở thành đặc sản quý giá được mang làm quà biếu cho chính khách ngoại giao, nên thật khó để tin rằng chúng lại xuất hiện trên các quầy chợ nhỏ. Loại gà này có nhiều điểm giống gà ác (lông màu trắng và thịt, xương đen). Song giống gà này cũng có thể trọng lớn, con to lên đến 1,8-2kg. Nên những chú gà ác 600-700g kia chắc chắn là gà ác lậu, nguồn gốc không rõ ràng. Vì vậy để tránh mua gà ác dởm, bạn nên phân biệt nhờ vào thể trọng và ngón chân.

Lợi ích thấy rõ của gà ác

Gà nhỏ mình nhưng phẩm chất dinh dưỡng cao: giàu vi khoáng, protein mà ít chất béo. Bạn có thể tưởng tượng rằng, phải mất vài bữa để ăn hết một con gà nặng 2kg thì may ra mới đủ dinh dưỡng bằng 10 phút ăn hết một con gà ác nặng 200g. Chính vì vậy, lợi thế của gà ác không chỉ nằm ở hàm lượng dinh dưỡng cao mà còn ở việc khiến người ta dễ ăn, thuận lợi trong việc nạp dinh dưỡng nhất là với trẻ em, người mới ốm dậy, kẻ chán ăn…

Gà ác xưa kia được xếp vào hàng “tứ linh hội” (dái dê, rắn, rùa, gà ác) dùng cho bậc quân vương, thế gia để bồi bổ sức khỏe, làm đẹp… SáchY học cổ truyền viết rằng gà ác có vị ngọt, tính bình, không độc, mùi thơm bổ gan, thận, bổ máu. Do vậy, nó nằm trong các bài thuốc chữa khí hư, suy nhược, tiểu đường, tỳ hư, chán ăn, mồ hôi trộm, kinh nguyệt không đều, nóng nực, đau nhức trong xương cốt, chứng huyết áp thấp, chân tay lạnh, da nhợt nhạt…

Trong các tài liệu y học cổ của Việt Nam, danh y Hải Thượng Lãng Ông đã nhắc đến nhiều bài thuốc dùng gà ác. Theo đó gà ác đặc biệt có công dụng với phụ nữ mang thai, sản phụ, trẻ em còi xương, người gầy yếu, ốm dậy, chán ăn… Đặc biệt một số người dễ dị ứng thì khi ăn thịt gà ta có thể nổi mẩn ngứa ngáy nhưng gà ác thì không gây ngứa, dị ứng.

Còn y học hiện đại đánh giá gà ác có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn nhiều lần so với các giống gà thông thường khác. Trong những năm gần đây, nhằm phát triển các giống gà thịt đen giàu dinh dưỡng, Viện Chăn nuôi Việt Nam (Bộ NN&PTNT) đã nuôi và phân tích dinh dưỡng của gà ác: chúng có nhiều axit amin (khoảng 18 loại) với hàm lượng cao hơn hẳn so với gà thường.

Đồng thời, gà giàu nguyên tố vi lượng như sắt, calci, kẽm. Trong 100g thịt thì sắt trong gà ác chiếm 7,9% trong khi gà ri là 3,9%. Đặc biệt, gà ác giàu protein hơn gà thường nhiều lần: gà ác có 22,3g protein/100g thịt trong khi đó gà ta có chỉ số là 7,5-10,5g/100g.

Trứng gà chỉ nhỏ như trứng chim cút nhưng hàm lượng dinh dưỡng lớn vì lòng đỏ nhiều. Bởi những đặc điểm trên nên gà ác nhỏ mình nhưng được ca ngợi và đắt giá hơn hẳn gà thường.

–> Xem trang kế: Một số món ăn bài thuốc hay từ gà ác

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2016-09-27 15:22:51.

1 bình luận về “Gà ác: Không phải gà đen nào cũng … ác”

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.