nuôi heo con

Nuôi heo sinh sản

Nuôi heo là nghề truyền thống có từ lâu đời của nước ta nên việc heo sinh sản ra sao chắc nhiều người cũng biết đến.

Nhưng những phương pháp mới về việc nuôi dưỡng heo nọc, heo nái và nhất là heo con ngày nay có phần mới mẻ hơn thời xưa; mới ở đây là sự tiến bộ lại có tính khoa học đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới, mà nghề nuôi heo của họ đã vượt tiến đến mức công nghiệp hoá trên thế kỷ nay. Thiết nghĩ những điều gọi là mới đó, ta cũng nên tìm hiểu …

heo sinh sản
Chăm sóc heo Móng Cái sinh sản

37. Tuổi động dục của heo đực vào tháng tuổi nào?

Mới 6 tuần tuổi heo đực con bắt đầu … rửng mỡ, biết chồm lên lưng heo cái cùng lứa với nó như muốn phối giống rồi. Thế nhưng, ở tuổi này, số lượng tinh trùng tuy đã có nhưng còn ít lại yếu nên dù có cho phối giống với heo cái đang động dục thì heo cái đó cũng không thể thụ thai được. Trong đời sống hoang dã bên ngoài, heo đực khoảng bốn tháng tuổi đã phối giống được rồi. Với heo nuôi chuồng, trừ heo đực đạt chuẩn chọn ra để giống, còn những heo đực còn lại đều phải thiến hết trong thời kỳ chúng còn bú mẹ. Nhờ đó, tính chúng trở nên hiền, cả ngày chỉ biết ăn rồi ngủ mà thôi.

38. Tuổi động dục của heo cái ở vào tháng tuổi nào?

Tuổi động dục của heo cái thường trễ hơn heo đực vài tháng. Thường thì mới ba tháng tuổi nhiều heo cái đã đến tuổi động dục. Mỗi khi hưng phấn lên chúng cũng biết chồm lên lưng con khác trong bầy. Nhưng phải chờ đến sáu bảy tháng tuổi, khi mọi cơ quan trong cơ thể nó phát triển hoàn thiện, người ta mới cho phối giống lần đầu …

39. Chu kỳ động dục của heo cái là bao nhiêu ngày?

Chu kỳ động dục của heo cái là 21 ngày, nhưng cũng có trường hợp trồi hay sụt một vài ngày. Điều này từ lâu đã có cuộc tranh cãi giữa các nhà khoa học, nhưng đến nay kết quả vẫn chưa đi đến đâu. Có người cho rằng chu kỳ trồi hay sụt là do từng cá thể, nhưng có người lại cho rằng tại từng giống heo. Có điều khi nuôi nhiều heo nái, ta nên chịu khó ghi chép rõ ràng chu kỳ động dục của từng con ra sao để tiện theo dõi mà cho nó phối giống đúng ngày. Nếu sau ngày phối giống 21 ngày mà heo cái đó không có hiện tượng động dục trở lại là nó đã thụ thai.

40. Nghe nói hiện nay đã có phương pháp cho heo nái động dục đồng loạt? Cách thực hiện ra sao?

Phương pháp giúp heo nái động dục đồng loạt là do sáng kiến của các chuyên gia nuôi heo người Bỉ nghĩ ra, đã và đang được thực hiện tại nhiều nước. Tất nhiên kỹ thuật này chỉ áp dụng tốt cho những trại heo công nghiệp, trong chuồng lúc nào cũng có hàng trăm heo nái nuôi con. Cách thực hiện như sau:

  • Heo con mới được 34 đến 39 ngày tuổi đã cho lẻ mẹ để nuôi bộ riêng.
  • Heo mẹ sau khi vừa lẻ con xong thì bị bỏ đói liên tiếp hai ngày, không cho ăn bất kỳ một thứ gì để nguồn sữa của nó bị cạn kiệt, mất cả khả năng tiết sữa nữa. Việc này kích thích sự lên giống của heo mẹ.
  • Qua ngày thứ ba, tính từ ngày lẻ con, heo mẹ mới được cho ăn chút ít: 1kg thức ăn hỗn hợp.
  • Qua đến ngày thứ tư, nó được cho ăn lưng bụng: 2kg thức ăn hỗn hợp.
  • Đến ngày thứ năm, khẩu phần ăn của con heo mẹ đó được tăng lên: 3kg thức ăn hỗn hợp.

Như vậy là suốt trong năm ngày bị lẻ con sớm và cho ăn không đủ no, heo nái lúc nào cũng bồn chồn nóng nảy, đứng nằm không yên … dẫn đến việc lên giống bất thường.

  • Vào giữa ngày thứ 6, tính từ ngày bị lẻ con sớm là thời điểm chín muồi cho heo nái đó phối giống. Và tỷ lệ đậu thai có thể lên đến hơn 80%.

Người ta nhận thấy rằng, sau khi bị bỏ đói 2 ngày, heo nái đã có hiện tượng động dục: âm hộ nó trở nên hồng hào lên, qua ngày sau lại sưng to lên, và đến ngày thứ tư trong âm hộ đã xuất hiện nhiều nước nhờn …

41. Có những điều lợi gì khi áp dụng phương pháp cho heo nái động dục đồng loạt?

Tất nhiên là có nhiều điều lợi như:

  • Kiểm soát dễ dàng số lượng heo nái lên giống và cho phối giống đúng thời điểm nên đạt tỷ lệ đậu thai cao (do nhiều heo nái lên giống đồng loạt nên phải vừa cho phối trực tiếp lại vừa gieo tinh nhân tạo).
  • Phát giác để loại thải những heo nái bị nân hay bị bệnh đường sinh dục.
  • Loại thải hay tiếp tục bồi dưỡng những heo nọc có khả năng phối giống không hiệu quả lắm.
  • Tiêm phòng đồng loạt các bệnh truyền nhiễm cho các bầy heo con bị lẻ mẹ sớm.
  • Có dịp tốt để tổng vệ sinh và sát trùng đồng loạt các ngăn chuồng heo sinh sản để ngăn dịch bệnh tấn công…
  • Điều lợi còn kể đến nữa là sau mấy ngày đầu bắt heo mẹ nhịn đói ta được lợi một khoản, chi phí thức ăn cũng đáng kể.

42. Hiện tượng gì cho ta biết heo nái đang ở vào thời điểm phối giống có kết quả?

Hiện tượng heo nái động dục ra sao chắc các bạn cũng đã biết: Nái tỏ ra buồn bực, ưa gây sự với đồng loại chung chuồng, miệng kêu nho nhỏ và liên tục, âm hộ sưng to và ửng đỏ. Nái thường chồm lên lưng heo khác hoặc nó chịu để cho heo khác chồm lên lưng …

Thời gian lên giống dài hay ngắn ngày tuỳ theo giống heo, nhưng thường là 4 đến 5 ngày. Nhưng không phải trong khoảng thời gian dài đó, thả nọc vào chuồng lúc nào nái cũng cho phối cả đâu! Phải chờ đúng thời điểm mà kinh nghiệm dân gian cho là “muồi” nhất thì nái mới cho nọc phủ, và chỉ phủ đúng vào thời điểm đó nái mới thụ thai mà thôi. Cái thời điểm đó gọi là muồn đó thường kéo dài từ một ngày rưỡi đến hai ngày!

heo sinh sản
Chăm sóc heo sinh sản như thế nào?

Với người kinh nghiệm trong nghề, chỉ khi phát giác âm hộ của heo nái từ màu đỏ tươi trở nên tái, và âm hộ không còn sưng căng mà trở nên mềm, xệ xuống, đồng thời có nước nhờn bên trong xuất hiện … đó là đúng thời điểm cho phối giống có kết quả tốt. Nếu lúc này dùng tay ấn vào mông heo nái đó, nó sẽ đứng chôn chân tại chỗ, dù có xô đẩy cũng không chịu đi. Lúc này thả heo nọc vào nái sẽ chịu đứng yên cho phối. Thường cho heo nọc phối hai lần: chiều hôm trước và sáng hôm sau. Trong thời gian heo phối giống, dù chỉ năm mười phút, nhưng cũng để cho chúng được yên tĩnh, không để đông người lai vãng.

43. Cách cho heo nọc phối trực tiếp ra sao?

Khi heo nái có hiện tượng “muồi” sẵn sàng cho việc phối giống thì nên lùa heo nọc vào chuồng heo nái, và việc phối giống sẽ xảy ra ngay sau đó. Không nên lùa heo nái sang chuồng heo nọc, mà lúc này dù có lùa, thậm chí đánh đập xua đuổi heo nái cũng không chịu đi. Nếu không nuôi heo nọc thì nên liên lạc trước với nhà có heo nọc phối thuê để họ chở heo nọc đến đúng lúc.

44. Muốn gieo tinh nhân tạo cho heo phải làm sao?

Thường ở nước ngoài, những cơ sở nuôi heo công nghiệp có hàng trăm, hàng ngàn heo nái mới có bộ phận chuyên lo sản xuất tinh dịch heo giống riêng để cung ứng cho các trại heo nái của họ. Ở nước ta, nhiều trại heo chưa đủ khả năng thực hiện được việc này. Muốn được gieo tinh thì phải chờ cho heo nái đến giai đoạn động dục, ta đến các trạm gieo tinh heo gần nơi cư ngụ của mình để báo tin. Các chuyên viên ở đây sẽ đến tại chuồng, và kinh nghiệm trong nghề sẽ giúp cho họ biết thời điểm gieo tinh thích hợp. Để gieo tinh nhân tạo các kỹ thuật viên có sẵn nhiều dụng cụ chuyên dùng hỗ trợ như ống bơm, ống cao su … và tất nhiên có lượng tinh heo đông lạnh đúng giống mà ta yêu cầu.

Cách thao tác là rót tinh dịch vào ống bơm, rồi tinh dịch sẽ theo ống cao su (tiếng trong nghề gọi là dẫn tinh quản) qua cổ tử cung qua áp lực từ ống bơm. Độ năm đến mười phút sau đó, khi số lượng tinh dịch đã vào hết đến nơi nó cần đến thì kỹ thuật viên gieo tinh sẽ rút nhẹ ống dẫn tinh ra ngoài. Thế là xong việc.

45. Xin cho biết ích lợi của việc gieo tinh nhân tạo?

Gieo tinh nhân tạo có rất nhiều lợi ích như được gieo tinh rặc dòng heo cao sản đang nổi tiếng trên thế giới (ta yêu cầu tinh giống heo gì thì sẽ được cung cấp đúng tinh heo giống đó), nhờ đó mà có đàn heo giống tốt để gầy giống sau này. Điều lợi thứ hai là nhờ có việc gieo tinh nhân tạo mà “giải quyết” được cùng lúc hàng loạt heo nái lên giống một lần.

46.Hiện tượng gì cho ta biết heo nái đã đậu thai?

Sau khi được phối giống heo nái nếu không còn những hiện tượng rạo rực trong người để đi tới đi lui nữa, mà tỏ ra mệt mỏi thích nằm yên để nghỉ ngơi. Và những ngày sau đó, heo nái ăn nhiều và ngủ nhiều hơn trước, đủ báo cho ta biết nó có nhiều hy vọng đậu thại. Với người kinh nghiệm, ngay sau khi heo phối giống xong người ta đã có thể biết được heo nái có đậu thai hay không rồi. Nếu heo nọc phối giống xong mà heo nái vẫn cứ đứng ì ra tại chỗ một lúc lâu thì có thể đoán được lần phối đó có kết quả tốt. Ngược lại, sau khi đực phối xong mà heo nái đã rời chỗ đứng để lại gần con đực hay đi vẩn vơ trong chuồng thì coi như … phải phối lại vào chu kỳ kế tiếp.

Thế nhưng “chắc ăn” hơn hết là phải chờ 21 ngày sau khi được phối giống, nếu heo nái đó không có hiện tượng đòi nọc trở lại thì chắc chắn nó đã đậu thai. Còn những dấu hiệu lộ ra bên ngoài trên thân nái ra sao thì phải chờ đến 2 tháng sau đó mới biết được: như núm vú bắt đầu căng, nây bụng lớn hơn, da lông óng mượt …

47. Phương pháp nuôi heo cái mang thai ra sao?

Trong suốt thời gian mang thai của heo nái 114 ngày, ta phải chăm lo và nuôi nấng kỹ để bảo vệ tốt sức khoẻ của heo mẹ và nuôi dưỡng bào thai của hàng chục heo con trong bụng nó. Vì điều mà ai ai cũng biết nếu nuôi heo nái khoẻ mạnh thì ổ con trong bụng nó cũng mạnh khoẻ, vì vậy cần phải chăm sóc đặc biệt loại heo mang thai này.

*Việc ăn uống: Nên cho nái ăn đầy đủ những chất bổ dưỡng cần thiết, nhưng tránh để heo quá mập, sẽ ảnh hưởng xấu đến việc sanh đẻ sau này. Hàng ngày nên cho heo nái ăn nhiều rau cỏ tươi để không bị táo bón. Tuần lễ trước khi đẻ, nên giảm bớt tối đa chất đạm trong thức ăn để ngừa bệnh viêm vú. Sau khi đẻ xong heo sẽ được ăn đạm nhiều trở lại để đủ sữa nuôi con.

*Nuôi cách ly: Nái có chữa được nuôi chuồng riêng, vừa được yên tĩnh nghỉ ngơi, vừa tránh những heo khác làm sẩy thai do cắn lộn nhau hay trửng giỡn với nhau.

*Cho heo nái chửa vận động nhiều: Trong thời gian mang thai heo nái được thả ra sân nắng nhiều giờ hơn để được tự do vận động nhiều hơn. Nhờ vào việc vận động này giúp bào thai phát triển tốt và heo nái đẻ dễ dàng hơn. Không được rượt đuổi hay đánh đập, nạt nộ heo đang chửa, vì những hành động đó của ta có sẽ làm cho heo bị sẩy thai.

*Tắm heo: Heo đang mang thai vẫn cần được tắm chải bình thường, có điều nên hành động nhẹ nhàng, tránh cho heo phải sợ hãi, hoảng loạn … Nếu vào mùa nắng nóng nên tắm heo mỗi ngày hai lần, sẽ nên kết hợp việc tắm với vệ sinh chuồng cho sạch sẽ. Ban đêm, nên lót nhiều rơm khô, sạch vào một góc chuồng cho heo chửa nằm, đồng thời phải thường xuyên theo dõi sức khoẻ của nó như xem ăn uống có ngon miệng không, ngủ có yên giấc không, da lông có bóng mượt không, phân có lục cục lòn còn không …

48. Những hiện tượng báo hiệu heo nái sắp đẻ như thế nào?

Những hiện tượng báo hiệu heo nái sắp để đã hiện ra trước ngày đẻ khoảng bốn năm ngày, do đó a có đủ thời gian để chuẩn bị mọi việc cần thiết để hỗ trợ cho việc sinh con của nó. Chúng ta cũng biết heo nái có chửa 114 ngày, nhưng có nhiều trường hợp chúng để trước hay sau một hai ngày. Và điều đó được xem là bình thường. Chỉ trừ trường hợp để trước hay trễ một vài tuần chưa đẻ mới đáng lo. Dù sao, dù nuôi ít hay nuôi nhiều nái, chủ nuôi cũng phải có sổ sách ghi chép cẩn thận ngày giờ phối giống của heo nái để biết trước được ngày “bể bầu” của nó …

Còn vài ngày nữa sinh con, bụng heo nái sà xuống nên đi đứng khó khăn, nặng nề mệt nhọc. Âm hộ của heo sưng to và mọng đỏ. Bộ vú bắt đầu căng lớn và nếu dùng tay nặn nhẹ ta đã thấy có sữa non xuất hiện … Trước giờ sinh, heo nái thường bồn chồn, thỉnh thoảng đứng lên đi quanh quẩn năm ba bước lại nằm xuống, cắn phá máng ăn, cắn phá và hất tung rơm rạ lót trong chuồng. Heo bắt đầu ỉa đái lắt nhắt. Âm hộ heo tuy sưng to nhưng đã mềm xệ và nước nhờ đã ri rỉ chảy ra.

49. Trước giờ heo sinh sản, ta nên có những bước chuẩn bị gì?

Khi thấy heo nái bắt đầu ỉa, đái lắt nhắt ta liền gấp rút quét dọn chuồng cho sạch sẽ, sau đó lót một lớp rơm khô vào một góc chuồng để làm ổ đẻ cho heo. Mặc khác, phải chuẩn bị sẵn những “đồ nghề y tế” cần thiết mà đã mua sắm từ trước như kéo dùng cắt cuống rốn cho heo con, kềm bấm dùng cắt răng nanh heo con, chai thuốc đỏ, thuốc sát trùng, cuộc chỉ cột cuốn rốn và một số khăn hay giẻ sạch và khô dùng lau nhớt trong miệng và mình heo con. Những dụng cụ như kéo, kềm phải được sát trùng kỹ. Ngoài ra, khu vực heo sinh sản phải có đèn đủ sáng, và giải tán hết những kẻ hiếu kỳ, nhất là trẻ con ra ngoài khu vực heo sinh sản. Tất nhiên phải có một người có nhiều kinh nghiệm đỡ đẻ cho heo đến túc trực tại chỗ.

50. Nhiệm vụ của người đỡ đẻ cho heo ra sao?

Nhiệm vụ của người đỡ đẻ cho heo là phụ giúp “rước” heo con ra ngoài an toàn, và có cách xử lý khôn ngoan và đúng phương pháp trong trường hợp heo nái đẻ khó.

Người có nhiệm vụ đỡ đẻ cho heo phải là người thường xuyên lui tới chăm sóc cho heo nái đó nên nó biết mặt, quen hơi, như vậy nó mới để yên cho chăm sóc. Vì đa số heo đẻ đều ham con nên tính dữ dằn, tấn công những người lạ mặt đến gần nó. Người đỡ đẻ trước đó phải rửa tay chân sạch sẽ bằng xà bông và thay quần áo sạch, các móng tay chân cũng được cắt ngắn.

 51. Heo đẻ như thế nào?

Trước khi heo sinh sản, heo đứng lên quần ổ rơm nhiều lần, sau đó nằm nghiêng xuống rồi gò mình rặn nhẹ từng hơi. Chỉ đến khi heo con gần ra nó mới bắt đầu rặn mạnh, rặn thúc để “tống” con ra ngoài. Heo đẻ từng con, nếu con đầu ló đầu ra trước thì con kế tiếp lại ló hai chân sau ra trước, và cứ đổi đầu như vậy cho đến con cuối cùng. Một lứa heo có thể chỉ có một vài con, nhưng cũng có thể nhiều đến mười lăm con … Có con đẻ ra trong bọc nước, có con ra mình trần. Nhau thai có thể theo từng con mà ra, mà cũng có trường hợp sau khi đẻ hết lứa con nhau mới ra một lần … Thời gian heo đẻ con nhanh lắm là nửa giờ, và trễ có thể cả buổi hoặc cả ngày, tuỳ vào việc nó đẻ thuận hay đẻ ngược (đẻ khó) …

52. Thế nào gọi là heo đẻ thuận?

Như Farmvina vừa trả lời, heo con khi lọt ra khỏi lòng mẹ có hai cách: một là đầu chui ra trước, hai là hai chân sau ló ra trước. Cả hai cách đẻ này được coi là đẻ thuận. Khi gọi là đẻ thuận, heo con ra rất dễ dàng, mau và heo mẹ không mấy đau đớn.

53. Thế nào gọi là heo đẻ ngược?

Heo đẻ ngược (còn gọi là đẻ khó) là heo con không ra theo thế thuận mà có nhiều thế nghịch khác nhau khiến nó không tự lọt được qua khỏi xương chậu:

  • Có con đầu ra trước nhưng hai chân trước không xuôi hết theo đầu, mà một chân xuôi, một chân lại bắt ngoặc về phía sau nên mới bị kẹt lại.
  • Có con đầu lại ngoẹo ngược ra sau để phần ức và cổ chui ra trước nên mới bị kẹt lại.
  • Có con thay vì hai chân sau ló ra trước  thì chỉ một chân sau lót ra cửa mình thôi, chân còn lại thì gập ngược ra phía trước bụng.
  • Có con thay vì hai chân ló ra trước thì cả hai chân lại quặp ngược về phía bụng để mông chui ra ngoài nên mới bị kẹt lại …

Trong một lứa heo con, không phải con nào cũng ra ngược như vậy, mà thỉnh thoảng mới bị một đôi con. Những chính những con đẻ ngược này, nếu không cứu vãn để rước ra kịp thời thì không những con heo con đó bị chết ngạt, mà những con còn sót lại trong bụng cũng có thể bị chung số phận. Heo mẹ cũng vậy. Do đó, gặp trường hợp heo sinh sản khó, người có nhiệm vụ đỡ đẻ cho heo phải thi thố hết kinh nghiệm của mình mới hy vọng cứu vãn được tình hình.

54. Trường hợp heo đẻ thuận, công việc phụ giúp của người đỡ đẻ ra sao?

Nếu đẻ thuận, heo có thể tự đẻ không cần có sự trợ giúp của người. Hễ con đầu lọt lòng thì khoảng năm bảy phút sau con thứ hai sẽ ra tiếp … và cứ thế heo mẹ đẻ hết bầy con. Trừ trường hợp có con nào ra trong bọc thì người đỡ đẻ mới nhanh tay xé rách bọc để đem heo con ra ngoài, nếu chậm trễ con heo đó có thể bị chết ngộp. Công việc của người đỡ đẻ là chờ sẵn một bên heo mẹ, hễ heo con vừa lọt lòng là nhanh tay rước lấy, dùng khăn sạch móc hết chất nhờn trong miệng trong mũi ra để giúp đường hô hấp của heo con được thông thoáng.

Sau đó, lau khô chất nhờ trên thân mình heo con, trước khi dùng kéo cắt cuốn rốn và sát trùng cuống rốn cho nó. Việc sau cùng là dùng kềm cắt ngắn hết răng nanh để heo con khỏi nghiến làm đau vú mẹ nó. Công việc đó tuy nhẹ nhàng và không nhiều nhưng do phải làm gấp gáp nên chỉ có người nhiều kinh nghiệm, rành việc mới thức hiện nổi. Mọi việc đòi hỏi phải nhanh tay, phải biết việc nào cần làm trước, việc nào cần làm sau mới tranh thủ hoàn tất mọi việc cho nhanh để còn kịp “rước” và chăm sóc con ra kế tiếp … Và chỉ khi nào thấy nhau thai ra hết mới được coi là xong việc.

55. Trường hợp heo đẻ khó, công việc của người phụ giúp đỡ heo để sẽ ra sao?

Có nhiều heo nái đẻ mấy con đầu rất dễ dàng vì thai nằm theo thế thuận, bỗng dưng lại có con để ngược, hoặc đẻ khó, khiến heo mẹ đau đới và mệt lã do gò mình rặn mãi mà không “tống” được heo con ra ngoài. Và, trong trường hợp này người có nhiệm vụ đỡ đẻ cho heo cũng phải vô cùng vất vả và căng thẳng thần kinh nên mệt cũng không kém!

  • Trong trường hợp đầu heo con đã ló ra tới cửa mình nhưng chỉ có một chân trước xuôi theo ra, còn chân kia quặt v ào trong, thì chỉ có cách dùng dầu ăn bôi trơn bàn tay rồi lách tay vào cửa mình heo mẹ cố tìm cho được cái chân đặt sái chỗ của heo con, sắp nó lại theo vị trí thuận chiều. Sau đó nương theo đà rặn của heo mẹ để nhẹ tay lôi con ra ngoài.
  • Gặp trường hợp hai chân trước heo con đã lấp ló ở cửa mình heo mẹ, nhưng cái đầu heo con lại ngữa ra phía sau khiến cả thân mình heo con không thể lọt qua cửa tử cung, thì chỉ có cách cho tay vào rồi đẩy cái thai sâu vào trong, sau đó sửa lại đầu và cả hai chân trước của heo con nằm đúng thế thuận để heo mẹ rặn thúc “tống” heo con lọt ra ngoài.
  • Trong trường hợp heo mẹ rặn mãi mà không thấy thai ra, ta đút bàn tay vào thăm dò chỉ “gặp” cái mông heo con to tướng nằm chắn ở cửa tử cung, thì, việc nên làm là đẩy cái thai sâu vào trong, sau đó lôi hai chân sau duỗi theo thế thuận, và nương theo đà rặn của heo mẹ mà rước con ra ngoài.

Thường những ca đẻ ngược như vậy, heo con vừa lọt lòng đã bị ngộp. Ta nên nhanh tay “móc miếng” rồi lau khô thân mình cho nó. Việc kế tiếp là hô hấp nhân tạo may ra mới cứu kịp.

Có những trường hợp đẻ khó như thai quá to trong khi xương chậu heo mẹ lại hẹp: bác sĩ Thú y sẽ mổ heo mẹ để bắt con ra ngoài.

Có trường hợp thai không to, nhưng tử cung co bóp yếu thì phải chích thuốc dục Oxytoxin với liều từ 10 đến 20 đơn vị tuỳ trọng lượng heo mẹ nhỏ hay lớn để kích thích tử cung co bóp mạnh hơn.

Heo đẻ thuận chỉ cần một đôi giờ là xong, nhưng heo sinh sản khó nhiều khi kéo dài đến mười giờ, hoặc hơn. Trong trường hợp này người phụ trách đỡ đẻ cho heo lúc nào cũng phải túc trực cạnh bệnh, đến nỗi … quên cả việc ăn uống, nghỉ ngơi.

56. Tại sao heo mẹ sát con?

Sát con ở đây có ý nói là cắn chết con nó và đè con nó chết. Quả thật cả hai trường hợp này cũng thường xảy ra. Có nhiều heo mẹ vừa sinh con xong là quay lại cắn chết con (có trường hợp heo mẹ ăn thịt con của nó), hoặc nằm xuống rồi đè chết con mà không hay biết. Việc này do nhiều nguyên nhân gây ra:

  • Do sau khi đẻ xong, heo mẹ quá khát nước, nên khi liếm khô lông heo con nó cảm thấy đã khát nên cứ liếm đi liếm lại mãi đến nỗi làn da mỏng tanh của con nó rách toang hồi nào không hay. Hễ da rách thì máu trào ra và heo mẹ coi đó là dịp tốt để nó ăn thịt con cho đỡ khát (Ở thỏ và chuột ta thường gặp trường hợp đau lòng này).
  • Do đẻ khó nên heo mẹ quá đau đớn khiến nó đổ quạu, mất cả sự phán đoán khôn ngoan, do đó gặp người đến gần cũng rượt cắn, gặp heo con nó cũng không từ.
  • Do bầu sữa quá căng, heo con thúc bú khiến heo mẹ quá đau đớn nên lại đổ quạu cắn con chết.
  • Cũng có trường hợp trong thời gian heo mẹ mang thai, bị chủ cho ăn uống quá kham khổ, thiếu đạm, nên heo mẹ khoái ăn nhau thai và ăn luôn cả con nó … cho thoả cơn thèm.

Còn trường hợp heo mẹ đè chết con thì thường do hai nguyên nhân sau đây:

  • Heo mẹ đẻ xong thường mệt lã, nhất là bị đẻ khó nên mệt m ỏi lăn đùng ra ngủ. Trong khi đó heo con sơ sinh nhiều con lại quá khờ khạo, không biết tránh né nên mới bị mẹ đè chết, hay bị thương tật.
  • Do heo mẹ có thân xác quá to, xoay trở nặng nề chậm chạp, trong khi heo con thì khờ nên mới bị mẹ nằm đè lên.

Trong những trường hợp trên có thể tránh được, nếu từ đầu người đỡ đẻ cho heo biết cẩn thận cách ly heo con ra khỏi heo mẹ để úm. Và những ngày sau đó, mỗi lần thả con vào chuồng để bú, ta nên túc trực canh chừng để nếu gặp sự cố vừa nếu thì can thiệp kịp thời. Khi heo con được vài tuần tuổi, những tai nạn chết người này sẽ không thể xảy ra cho chúng nữa, vì chúng đã khôn ngoan, nhanh nhẹn.

57. Cách chăm sóc heo mẹ sau khi đẻ xong bầy con ra sao?

Nếu đẻ thuận, đa số heo mẹ sau khi đẻ xong bầy con chúng không quá mệt. Chúng đủ sức tìm đến gần con để liếm láp khắp mình cho khô lông. Và sau đó chúng nằm xuống khẽ gọi con đến để cho bú. Chỉ những nái đẻ khó, do thời gian sanh con quá lâu mới làm cho chúng mệt mỏi, đau đớn quá sức chịu đựng nên lăn ra ngủ … như chết!

  • Dù heo mẹ sau khi đẻ xong khoẻ hay mệt, ta cũng nên chăm sóc chu đáo.
  • Đặt sẵn một thau (hay sô, chậu) nước uống có pha chút muối và cám cho heo mẹ uống thoả thích. Vì tất cả loài vật nào đẻ xong cũng đều khát nước cả.
  • Chờ heo nằm xuống, ta dùng khăn hay giẻ sạch nhúng vào nước ấm để lau sạch bộ vú và âm hộ, mình mẩy của heo.
  • Nếu heo mẹ đòi ăn, ta cho ăn cháo thịt, cháo đậu xanh có trộn chút đường để chúng ăn thoả thích.
  • Canh chừng nhau thai ra nhiều hay không. Thường nhau sẽ ra hết sau khi heo sinh sản được vài ba giờ, trễ lắm là một buổi. Nếu nhau còn sót hoặc nhau ra quá chậm, cần phải nhờ sự can thiệp của bác sĩ thú y.
  • Theo dõi xem heo mẹ có bị viêm vú hay không, nếu bị viêm vú phải kịp thời chữa trị.
  • Theo dõi xem (liên tiếp vài ba ngày đầu) heo mẹ có bị viêm tử cung hay không. Thường những heo sinh sản lứa so, nhất là heo sinh sản khó, đẻ ngược thường bị rách âm đạo hoặc viêm tử cung.

Các bệnh sinh sản này cần phải được chữa trị kịp thời, để lâu sẽ khó trị lại tốn kém nhiều. Can thiệp bằng cách chích các loại thuốc trụ sinh như Penicilline, Terramycine, Septotrul … đúng liều lượng cho đến khi dứt hết bệnh. Với vú bị viêm ngoài chích thuốc còn kết hợp với việc bôi thuốc mỡ … Với bệnh viêm tử cung, ngoài thuốc chích còn phải bơm rửa thuốc hàng ngày cho đến khi thực sự lành bệnh.

Việc cần lo sau cùng là theo dõi tính nết của heo nái đối với đàn con của nó ra sao. Vẫn biết đây là việc lo xa, nhưng thiết nghĩ lo như vậy cũng không phải là vô bổ.

Việt Chương

Câu Hỏi Thường Gặp

Tuổi động dục của heo đực vào tháng tuổi nào?

Mới 6 tuần tuổi heo đực con bắt đầu ... rửng mỡ, biết chồm lên lưng heo cái cùng lứa với nó như muốn phối giống rồi. Thế nhưng, ở tuổi này, số lượng tinh trùng tuy đã có nhưng còn ít lại yếu nên dù có cho phối giống với heo cái đang động dục thì heo cái đó cũng không thể thụ thai được. Trong đời sống hoang dã bên ngoài, heo đực khoảng bốn tháng tuổi đã phối giống được rồi. Với heo nuôi chuồng, trừ heo đực đạt chuẩn chọn ra để giống, còn những heo đực còn lại đều phải thiến hết trong thời kỳ chúng còn bú mẹ. Nhờ đó, tính chúng trở nên hiền, cả ngày chỉ biết ăn rồi ngủ mà thôi.

Tuổi động dục của heo cái ở vào tháng tuổi nào?

Tuổi động dục của heo cái thường trễ hơn heo đực vài tháng. Thường thì mới ba tháng tuổi nhiều heo cái đã đến tuổi động dục. Mỗi khi hưng phấn lên chúng cũng biết chồm lên lưng con khác trong bầy. Nhưng phải chờ đến sáu bảy tháng tuổi, khi mọi cơ quan trong cơ thể nó phát triển hoàn thiện, người ta mới cho phối giống lần đầu ...

Chu kỳ động dục của heo cái là bao nhiêu ngày?

Chu kỳ động dục của heo cái là 21 ngày, nhưng cũng có trường hợp trồi hay sụt một vài ngày.

Print Friendly, PDF & Email

Originally posted 2015-08-05 22:59:52.

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.